Để Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại
TCCS - Qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, ngành công nghiệp Hải Phòng đã đạt được những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra: Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại..., đòi hỏi thành phố phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tình hình mới.
Kết quả phát triển công nghiệp của thành phố Hải Phòng
Thành phố Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm Vùng duyên hải Bắc Bộ, cửa ngõ ra biển của miền Bắc và có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, thành phố Hải Phòng còn giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Với vị trí chiến lược và tiềm năng nổi trội, Hải Phòng là một trong những địa phương phát triển công nghiệp sớm của cả nước. Sau ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955), cùng miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, địa phương đã rất nổi danh với các nhà máy Xi-măng Hải Phòng, Nhựa Tiền Phong, Mì sợi, Khóa 1-12, Sắt tráng men - Nhôm, Thủy tinh,... cùng các nhà máy đóng tàu, nhà máy cơ khí, như Cơ khí 23-9, Cơ khí tháng 10, Cơ khí 139, Cơ khí Duyên Hải, Cơ khí Kiến Thiết, Cơ khí 1-5, Cơ khí 19-8,... Màu áo xanh người thợ trở thành biểu tượng của “thành phố Cảng”, đi vào thơ ca, nhạc họa và là niềm tự hào của người dân thành phố. Trong những năm đầu của thế kỷ XX, những nhà máy sản xuất tơ sợi, xi-măng, xà phòng, thủy tinh, gốm sứ,... là những minh chứng rõ nhất cho thấy hình ảnh của công nghiệp Hải Phòng thời kỳ đó. Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, Hải Phòng là địa phương đi đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với khu công nghiệp (KCN) Nomura được xây dựng trong giai đoạn 1992 - 1994.
Tiếp nối truyền thống thành phố công nghiệp, qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, ngành công nghiệp Hải Phòng đã đạt được những kết quả khá tích cực. Hiện nay, thành phố Hải Phòng được xác định là trọng điểm của phát triển kinh tế biển, với ngành công nghiệp đóng tàu là trụ cột chính, với nhiều dự án đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn của Tập đoàn Vinashin. Trong giai đoạn 2010 - 2015, hàng loạt KCN lớn của thành phố Hải Phòng đi vào hoạt động, thu hút các nhà sản xuất công nghiệp toàn cầu, với các dự án lớn, công nghệ hiện đại, như các tập đoàn General Electric (GE), Bridgestone, Chevron, Idemitsu Kosan, LG, Kyocera, Fuji Xerox,... Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp thành phố Hải Phòng phát triển nhanh với nhiều sản phẩm công nghiệp mới, có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của những dự án đầu tư có quy mô lớn trong lĩnh vực điện tử của LG, Pegatron,... và lĩnh vực sản xuất ô-tô của Vinfast.
Sự bứt phá của công nghiệp Hải Phòng được thể hiện qua những con số đầy sức thuyết phục, đặc biệt là trong vài năm gần đây, công nghiệp của thành phố có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng. Trước năm 2017, dịch vụ là ngành có quy mô lớn nhất trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), từ năm 2018 đến nay, ngành công nghiệp đã vươn lên, vượt trên ngành dịch vụ, trở thành ngành có quy mô lớn nhất. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững vai trò là ngành chủ đạo trong sản xuất công nghiệp, với giá trị tăng thêm tăng liên tục từ 26,9% (năm 2005) lên 43,02% (năm 2021), 44,9% (năm 2022). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2019 - 2022 đều tăng cao hơn so với mức trung bình của cả nước, trong đó năm 2019 tăng 24,29%; năm 2020 tăng 14,58%; năm 2021 tăng 18,15%; năm 2022 tăng 14,56%.
Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại, giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều lao động, nhưng có giá trị gia tăng thấp, ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu, như sản xuất giày dép, đóng tàu, vật liệu xây dựng, sản xuất kim loại,... tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, như sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, máy móc, thiết bị,... Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong giá trị sản xuất và trong GRDP công nghiệp ngày càng tăng qua các năm. Trong đó, ngành sản xuất điện tử - tin học năm 2005 chiếm tỷ trọng 1,17% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, tăng lên 8,66% trong năm 2015 và 45,68% trong năm 2020.
Trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, khu vực FDI luôn chiếm tỷ trọng cao nhất (năm 2005 chiếm 45,05%; năm 2010 chiếm 48,67%; đến năm 2017 chiếm 67,25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố), tập trung với các ngành sản xuất, như may mặc, điện tử, đồ điện dân dụng, thiết bị điện. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp 33,62% giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005, tăng lên 34,31% (năm 2010) và giảm xuống còn 23,96% (năm 2017), tập trung vào các ngành sản xuất, như nước mắm, may mặc, nhựa, quạt điện, đóng tàu, giày dép, ô-tô, mô-tô. Khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng thấp trong giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2005 chiếm 21,33% giảm xuống còn 8,79% (năm 2017), với các ngành sản xuất, như bia các loại, thuốc lá, phân bón, xi-măng, ắc quy, đóng tàu, nhiệt điện.
Nhiều ngành công nghiệp đã tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa trong sản xuất, như sản phẩm điện tử, điện lạnh, xi-măng, cơ khí, đóng tàu, luyện cán thép, may mặc, hóa chất, cao-su, nhựa, sản xuất bia,... nhất là trong các dự án FDI. Sản phẩm do công nghệ cao tạo ra có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 đạt 53,39%.
Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp dần hoàn thiện đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 12 KCN và 5 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp khá cao, một số khu, cụm công nghiệp đã cơ bản đạt 100% tỷ lệ lấp đầy, như KCN Nomura, KCN Tràng Duệ (1 + 2), KCN Đình Vũ (1 + 2), KCN Đồ Sơn; cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, cụm công nghiệp Tân Liên, cụm công nghiệp An Lão.
Tính đến nay, các KCN, khu kinh tế đã thu hút được 464 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 20,8 tỷ USD và 2,19 tỷ USD mua vốn góp, cổ phần; 202 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 294.722 tỷ đồng; thu hút 194.778 lao động và đóng góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố.
Các doanh nghiệp trong các KCN, khu kinh tế bước đầu hình thành các chuỗi liên kết đa dạng, trong đó liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bước đầu phát triển. Thu hút FDI chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn. Nổi bật là dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô-tô Vinfast, với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng; Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 7 dự án, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, với tổng vốn đầu tư gần 7,3 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) với Dự án sản xuất lốp xe ô-tô, vốn đầu tư 1,224 tỷ USD; Dự án may mặc cao cấp Regina Miracle (Hồng Kông, Trung Quốc) vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án sản xuất dược phẩm của Nipro Pharma (Nhật Bản) vốn đầu tư 250 triệu USD,... Các dự án này sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao và có khả năng thu hút các dự án vệ tinh khác tiếp tục đầu tư vào thành phố, bước đầu hình thành các cụm sản xuất, sản xuất theo chuỗi.
Trong thời gian qua, hệ thống giao thông kết nối bên ngoài các KCN, cụm công nghiệp đã được quan tâm đầu tư, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, tạo ra hệ thống công trình kết cấu hạ tầng có giá trị lâu dài, đóng góp vào sự phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và các hoạt động xúc tiến thương mại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp của thành phố Hải Phòng vẫn còn một số hạn chế. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp còn chậm, chưa có KCN công nghệ cao. Công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng chủ yếu vẫn là đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Các ngành công nghiệp truyền thống có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước, như sản xuất giày dép, chế biến thực phẩm, đóng tàu, sản xuất thép, tăng trưởng thấp hoặc suy giảm; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, mặc dù chất lượng lao động có chuyển biến, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tay nghề và các kỹ năng mềm. Việc giải quyết nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu, tỷ lệ người lao động có nhu cầu về nhà ở được bố trí nhà ở còn thấp. Sản xuất công nghiệp còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại một số dự án về sản xuất phân bón, nhiệt điện. Trên địa bàn thành phố còn nhiều doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, xen kẽ trong khu dân cư, ảnh hưởng đến môi trường...
Từ thực tiễn phát triển công nghiệp thành phố, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, lấy phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Các công trình kết cấu hạ tầng đã phát huy hiệu quả, góp phần kết nối, thúc đẩy hiện đại hóa đô thị và phát triển công nghiệp - thương mại.
Thứ hai, quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, công khai hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, quá trình chuyển đổi số trong công nghiệp.
Thứ ba, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và đẩy nhanh các thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; kết cấu hạ tầng các công trình điện cần được đầu tư đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn. Dành quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng xã hội trong các KCN, khu kinh tế. Tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhằm thu hút lao động, đặc biệt là đối với lao động chất lượng cao từ nơi khác đến.
Thứ tư, thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp vào khu, cụm công nghiệp để bảo đảm yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường là định hướng đúng đắn và cần thực hiện xuyên suốt trong những năm tới. Khuyến khích lựa chọn các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường.
Thứ năm, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy những lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết, qua đó giúp các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường cung ứng nguyên, vật liệu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp thành phố.
Thứ sáu, tập trung cao nguồn lực, nghiên cứu ban hành một số chính sách của thành phố để khuyến khích phát triển công nghiệp, như chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách về phát triển các khu, cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp; đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời phát triển dịch vụ logistics và các hoạt động xúc tiến thương mại.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tình hình mới
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại;... tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Đồng thời, xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Trên cơ sở đó, thành phố Hải Phòng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển công nghiệp thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030:
Một là, cơ cấu lại công nghiệp bảo đảm tính chủ động, toàn diện và linh hoạt của nền kinh tế; tập trung cao nguồn lực, nghiên cứu ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg, ngày 28-2-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030”; Thông báo kết luận số 868-TB/TU, ngày 20-5-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, “Về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19-10-2017, của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Duy trì và phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế của thành phố. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp sinh học, duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp). Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời sẵn sàng tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp quốc phòng khi có nhu cầu. Phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh.
Khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái hoặc xây dựng mới các KCN sinh thái. Ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách của thành phố về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển các khu, cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ. Nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách tài chính, tín dụng, hỗ trợ từ ngân sách thành phố để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và các doanh nghiệp có tiềm năng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Dành quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng xã hội trong các KCN, khu kinh tế.
Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường và tăng cường quản lý nhà nước về công nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố, phấn đấu nâng nhanh thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường mới cho các sản phẩm công nghiệp trên cơ sở khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để định hướng thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các dự án; tăng cường công tác giám sát đầu tư sau cấp phép, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, thực hiện không đúng tiến độ đã cam kết.
Đẩy mạnh thu hút FDI vào công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chuyển mạnh chính sách thu hút FDI có trọng tâm, trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp, từ số lượng sang chất lượng; tăng cường thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp lớn nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Xây dựng và phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh - thương mại hiện đại; triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đối với các sản phẩm công nghiệp thành phố. Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm công nghiệp. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1-11-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan tới phát triển công nghiệp.
Ba là, tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng, phát triển giai cấp công nhân thành phố Hải Phòng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ban hành cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp, thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về công nghiệp, công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý doanh nghiệp công nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng tham mưu quản lý nhà nước về công nghiệp, nhu cầu về nguồn nhân lực theo yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Trong đó, chú trọng đào tạo các ngành, nghề điện, điện tử - tin học, cơ khí, tự động hóa; các ngành, nghề đòi hỏi kỹ thuật cao. Phát triển các hình thức hợp tác quốc tế về đào tạo công nhân kỹ thuật. Tranh thủ các nguồn tài trợ của nước ngoài về vốn, chuyên gia kỹ thuật để đào tạo lao động có kỹ năng, chất lượng cao trong các ngành công nghiệp.
Đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn, tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững; từng bước xây dựng hệ thống an sinh xã hội phù hợp, dự phòng các diễn biến bất lợi cho người lao động cũng như doanh nghiệp trong nước khi thực thi các điều ước quốc tế.
Tập trung xây dựng, phát triển nhà ở cho công nhân, các thiết chế công đoàn, các công trình phúc lợi xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ và khả thi liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo phúc lợi cho người lao động; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở công nhân, bảo đảm an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động, nâng cao mức độ cạnh tranh của thành phố Hải Phòng trong thu hút lao động, đặc biệt là đối với lao động nhập cư chất lượng cao.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong công nghiệp.
Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học - công nghệ thành phố cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên, tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.
Thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, tăng trưởng nhanh và bền vững, tận dụng các cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại.
Khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hình thành hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp. Triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số phục vụ cho chuyển đổi số và kinh tế số.
Năm là, coi trọng công tác bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động trong bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường. Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp môi trường; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho hoạt động bảo vệ môi trường. Ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các thiết bị phục vụ cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Thường xuyên tiến hành việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất hiện có, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển các dịch vụ bảo vệ môi trường.../.
Lễ hội Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam và khai mạc Lễ hội Biển Đồ Sơn - Hải Phòng 2023  (30/04/2023)
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt Nam  (15/04/2023)
Những vấn đề tổ chức lãnh thổ và liên kết vùng trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (28/12/2022)
Thực trạng phân bố không gian phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh  (26/12/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay