Chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới
TCCS – Mặc dù được đánh giá có những thành công bước đầu trong việc tạo dựng nền tảng cho sự chuyển đổi số một cách toàn diện trong giai đoạn tới, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế. Một số thách thức sẽ là trở ngại lớn cho công cuộc số hóa, như mức thanh toán bằng tiền mặt cao trong nền kinh tế, khả năng chậm thích ứng của người dân, quy mô trao đổi trong ngành kỹ thuật số còn hạn chế, chất lượng lao động thấp và việc thiếu liên kết giữa các ngành số hóa… Để vượt qua các thách thức, sáu hành động mang tính trọng tâm là “Liên kết - Lao động - Logistics - Lòng tin - Chính phủ điện tử - Chi trả online”(4L2C) cần được cân nhắc trong thời gian tới.
Chuyển đổi số là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều trong suốt thập niên qua do tính tất yếu của chúng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nhiều học giả cho rằng, trước bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế thế giới, trong chuyển đổi số, các chính phủ cần có chiến lược hành động xuyên suốt, nhất quán để phối hợp, hỗ trợ cho khu vực tư nhân, tăng cường đầu tư cơ bản, thậm chí giữ vị trí dẫn dắt, sáng tạo tiên phong trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định. Ngân hàng Thế giới(1) cho rằng, phát triển một nền kinh tế số bền vững đòi hỏi vai trò đặc biệt quan trọng của chính phủ trong xây dựng thiết chế pháp lý nhất quán, kế hoạch phát triển dài hạn, liên kết khu vực, các biện pháp bảo vệ trước rủi ro phát sinh trong và ngoài nước (như gian lận, lỗi công nghệ, tấn công của tổ chức bên ngoài) và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi số thông qua minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy cạnh tranh và tạo dựng hệ sinh thái kỹ thuật số.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hành động kịp thời trong xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, định hình chiến lược phát triển trong tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và trên 30% GDP vào năm 2030, với năng suất lao động tăng trên 7%/năm. Năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dẫn đầu châu Á.
Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức trong tiến trình chuyển đổi số. Theo đó, một số tiền đề quan trọng cho chuyển đổi số như: 1- Tỷ lệ người sử dụng các nền tảng internet cao; 2- Sự sẵn sàng thích ứng của người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong chuyển đổi số; 3- Mức độ cạnh tranh cao về các dịch vụ internet góp phần đa dạng hóa loại hình dịch vụ và hạ thấp giá thành so với các nước trong khu vực; 4- Các dịch vụ liên kết liên ngành và cấu trúc kết cấu hạ tầng ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng còn nhiều thách thức để đạt được các mục tiêu đề ra: 1- Tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao gây trở ngại đến phát triển một hệ thống giao dịch đồng bộ; 2- Tỷ lệ lao động có kỹ năng cao còn hạn chế (chỉ khoảng 10%), cản trở tiếp cận tới việc phát triển công nghệ; 3- Khả năng chia sẻ nguồn lực liên ngành còn thấp, khả năng liên kết khu vực hạn chế, đặc biệt khả năng ứng phó trước những rủi ro liên khu vực; 4- Chậm trễ trong xây dựng một số thiết chế pháp lý nhằm ứng phó các vấn đề mới trong nền kinh tế số, đặc biệt liên quan đến việc thu thuế trên nền tảng internet.
Hơn nữa, chuyển đổi số nền kinh tế đòi hỏi một tiến trình phát triển tuần tự với nền tảng vững chắc. Theo Ngân hàng Thế giới, một nền kinh tế số được định nghĩa theo ba tầng, trong đó: 1- Tầng thứ nhất bao gồm các chính sách hỗ trợ vĩ mô và môi trường doanh nghiệp tổng thể, như chính sách thuế, các hiệp định thương mại tự do và các chính sách cạnh tranh; 2- Tầng thứ hai bao gồm các nền tảng cốt lõi để vận hành nền kinh tế số, như: (i) Khả năng truy cập, kết nối, (ii) Mức độ nhận thức người sử dụng, (iii) Các nền tảng số cho chi trả online, (iv) Logistics cho nền kinh tế số, (v) Chính sách, chương trình hành động cho chuyển đổi số; 3- Tầng thứ ba hướng đến sự phát triển sâu rộng hơn dựa trên các nền tảng cơ bản, như doanh nghiệp số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) và chuyển đổi ngành công nghiệp theo hướng số hóa(2).
Nền kinh tế số và bối cảnh Việt Nam
Nền kinh tế số đề cập đến một loạt các hoạt động kinh tế sử dụng thông tin và tri thức được số hóa làm yếu tố sản xuất trong nền kinh tế. Theo đó, internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, tài chính số (fintech) và các công nghệ kỹ thuật mới khác được sử dụng để thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ thông tin, thực hiện các tương tác xã hội.
Chuyển đổi số nền kinh tế đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Trong sản xuất, công nghệ số đóng vai trò ngày càng tăng, như: 1- Tự động hóa quy trình sản xuất, điều phối sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế; 2- Giảm giá thành và thu thập thông tin liên tục cho các chủ thể nền kinh tế; 3- Cung cấp nền tảng thanh toán số, tại đó, định hình lại phương thức giao dịch theo hướng tiện ích và nhanh chóng hơn, hơn thế, thanh toán số cũng được xem là một nền tảng quan trọng thúc đẩy tài chính bao trùm, góp phần cải thiện tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ tài chính cơ bản, các chương trình xã hội (giúp đỡ người nghèo) đúng đối tượng; 4- Mô hình kinh doanh mới trong hệ thống doanh nghiệp được hình thành và phát triển kéo theo sự phát triển bền vững nền kinh tế. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng góp phần hạn chế rủi ro trong nền kinh tế truyền thống như hạn chế tác động của đại dịch COVID-19 thông qua một số chương trình làm việc trực tuyến.
Chuyển đổi số nền kinh tế đòi hỏi những nền tảng số quan trọng, bao gồm: Mức độ kết nối và tốc độ trình duyệt; nền tảng thanh toán số; nền tảng logistics; nền tảng giáo dục người sử dụng bao gồm cả giáo dục phổ thông và niềm tin vào quá trình chuyển đổi số; nền tảng số hóa của doanh nghiệp tư nhân; kế hoạch, chiến lược tổng thể quốc gia. Mức độ kết nối, sự quan tâm của người dân tới dịch vụ internet là thông số quan trọng, theo đó, thời gian trung bình với các thiết bị sử dụng internet của người dân Việt Nam là khoảng 3,6 tiếng/ngày, cao gần gấp 2 lần so với Vương quốc Anh (1,8 tiếng/ngày), Mỹ và Nhật Bản (2 tiếng/ngày)(3).
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới(4), tỷ lệ cạnh tranh các tổ chức thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia Đông Nam Á, hệ quả là giá dịch vụ internet của Việt Nam thuộc mức cạnh tranh nhất trong khu vực. Quy mô trao đổi các dịch vụ viễn thông, máy tính và sản phẩm công nghệ thông tin của Việt Nam tăng nhanh chứng tỏ xu thế phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số trong tương lai. Khả năng kết nối mạng internet của Việt Nam hiện nay cũng đang là một lợi thế lớn cho tiến trình chuyển đổi số với các thông số về người đăng ký băng rộng di động/cố định cao bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Ngược lại, về mặt thanh toán số, mức độ sử dụng các hình thức thanh toán số của người dân lại tương đối thấp so với khu vực, với khoảng 22%. Sự quyết tâm chuyển đổi số của Việt Nam đến từ khu vực doanh nghiệp với tỷ lệ sử dụng thanh toán số lên đến 51%. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế trong việc sử dụng các nền tảng 3G/4G, theo đó, mức độ sẵn sàng của người dân chuyển đổi dịch vụ 3G sang 4G của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất so với các nước có cùng mức thu nhập. Nói cách khác, đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể thích ứng với các công nghệ 4G tiên tiến hơn như hệ thống an ninh nhận diện gương mặt qua camera, ứng dụng du lịch ảo, nông nghiệp thông minh và tổng đài giải đáp video call. Chất lượng đường truyền, tốc độ dải băng di động/cố định tại Việt Nam tương đối đồng đều và cao hơn so với trung bình của khu vực Đông Nam Á (nếu loại trừ Singapore). Hơn thế, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ tốc độ kết nối trung bình khu vực gia tăng - phản ánh tiềm năng phát triển và liên kết quốc tế của khu vực.
Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền thông xã hội cũng đang thay đổi đáng kể cách thức tương tác trên thị trường hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng được chấp nhận, sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong việc quảng cáo sản phẩm, bán hàng,... Các nền tảng này cũng dần trở thành một kênh thông tin quan trọng trong quyết định mua hàng, kết nối bạn bè, gia đình và xã hội.
Các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam cũng rất phong phú với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp, như Lazada, Tiki, Shopee,… Tỷ lệ tăng trưởng người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam lên đến 63% trong năm 2017(5). Các loại hình dịch vụ của thương mại điện tử cũng phát triển không ngừng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hệ thống thuế chưa theo kịp với sự thay đổi trong mô hình kinh doanh mới này.
Thêm một lợi điểm cho tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam chính là hệ thống logistics đang được cải thiện cả về khối lượng vận chuyển và liên kết các hệ thống, góp phần giảm giá thành và cung cấp các loại hình dịch vụ đa dạng hơn. Theo đó, sự phát triển thương mại điện tử và các giao dịch từ xa đòi hỏi sức chứa của hệ thống logistics cải thiện như nâng cấp hệ thống kho bãi và các hub kết nối. Chỉ trong ba năm từ 2016 - 2018, chỉ số Hiệu suất logistics(LPI)(6) của Việt Nam đã cải thiện từ vị trí 64 lên 39 trong danh sách hơn 160 quốc gia trên thế giới. Chất lượng và năng lực logistics của Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn các quốc gia khu vực Đông Nam Á (trừ Singapore) và sắp đuổi kịp Trung Quốc.
Cuối cùng, một trong những nền tảng quan trọng của chuyển đổi số chính là khu vực tư nhân. Tầm ảnh hưởng khu vực tư nhân trong chuyển đổi số dễ nhận thấy thông qua việc hiện diện tại Việt Nam của các tập đoàn tư nhân, như Grab, Traveloka, Go-Viet (GO-JEK), Lazada,... Không chỉ vậy, sự thích ứng nhanh chóng của khu vực tư nhân trong chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thế giới. Khu vực tư nhân Việt Nam ứng dụng công nghệ số phục vụ cho hoạt động kinh doanh tương đối tốt. Theo đó, tỷ lệ sử dụng e-mail và sở hữu website riêng của doanh nghiệp tư nhân để tương tác với khách hàng và nhà cung ứng lên đến 90% và 50%, so với 70% và 40% trung bình thế giới.
Những thách thức
Mặc dù có nhiều điểm thuận lợi cho xây dựng và phát triển nền kinh tế số một cách nhanh chóng, nhưng Việt Nam lại có không ít những thách thức, cả khách quan và chủ quan. Trong đó, một thách thức khách quan dễ nhận thấy chính là yếu tố địa lý và phân bố dân cư dàn trải. Điều này dẫn đến chi phí cao trong lắp đặt thêm các kết cấu hạ tầng và nâng cấp nền tảng sẵn có, đặc biệt tại các khu vực miền núi và vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Hệ quả là, một số khu vực có tốc độ đường truyền internet chậm và chất lượng kết nối băng rộng hạn chế.
Mặc dù người dân Việt Nam thích ứng nhanh chóng trong chuyển đổi số ở một số khía cạnh (như 3G sang 4G), nhưng đánh giá tổng thể theo chỉ số thích ứng chuyển đổi số toàn cầu (DAI)(7), Việt Nam có vị trí tương đối khiêm tốn.
Nhà nước và doanh nghiệp vẫn là hai khu vực thích ứng tốt hơn với chuyển đổi số tại Việt Nam, dẫu vậy, nếu so sánh với khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Việt Nam cần quyết tâm hơn nữa trong tiến trình chuyển đổi số và đón đầu làn sóng công nghệ mới trong nâng cao năng suất, tăng trưởng kinh tế bền vững. Chỉ số thích ứng chuyển đổi số của doanh nghiệp tư nhân mặc dù chỉ thua Malaysia và Singapore trong khu vực, nhưng lại tồn tại những yếu điểm lớn: Quy mô doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ không thích ứng tốt với các công nghệ tiên tiến có mức đầu tư cao; công nghệ sử dụng chủ yếu ở cấp độ đơn giản (như e-mail, website) chưa thực sự thích ứng tốt với công nghệ có bản quyền nước ngoài.
Quy mô thương mại dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật số của Việt Nam là tương đối hạn chế so với các quốc gia trong khu vực, như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng cho tiến trình chuyển đổi số cũng có nhiều yếu kém, đặc biệt trong việc chia sẻ hạ tầng thụ động giữa các ngành như cáp quang và tháp phát sóng vẫn chưa được thiết lập hoặc quản lý chặt chẽ.
Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức lớn trong thanh toán số. Cụ thể, mức độ tin tưởng vào tiền mặt ở Việt Nam vẫn cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với khoảng hơn 90% dân số. Trong khi hầu hết các quốc gia đã chuyển sang việc sử dụng các hình thức thanh toán online từ rất sớm. Việc chưa thể chuyển sang các hình thức thanh toán online tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng, đặc biệt trong việc phát triển các hệ thống tích hợp trong giao dịch nội địa và quốc tế. Mức độ tiền mặt được lưu chuyển trong nền kinh tế cao cũng làm giảm hiệu quả các chính sách tiền tệ của Chính phủ, đặc biệt chính sách nhằm tạo ra các đòn bẩy tăng trưởng cho nền kinh tế. Thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sẽ là một khó khăn lớn tại Việt Nam khi “văn hóa vỉa hè” và hình thức kinh doanh nhỏ lẻ còn rất phổ biến.
Trình độ lực lượng lao động của Việt Nam cũng là một thách thức để chuyển đổi số nền kinh tế. Người lao động Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm có kỹ năng thấp với tỷ lệ hơn 40% (cao nhất khu vực Đông Nam Á) và chỉ khoảng 10% lực lượng lao động có kỹ năng cao (so với hơn 20% của Malaysia, Philippines và hơn 50% của Singapore). Trong khi đó, để thích ứng với các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao của quá trình chuyển đổi số và tự động hóa đòi hỏi số lượng lớn lao động có kỹ năng cao.
Cuối cùng, một thách thức cho chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam là nâng cao độ phủ của các dải băng tần nhằm phù hợp với nhiều hoạt động, nhu cầu của người sử dụng cũng như giảm giá thành dịch vụ. Việc cải thiện độ phủ của các dải băng tần đòi hỏi sự hỗ trợ của Chính phủ.
"Chìa khóa" cho giai đoạn tới
Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới(8), Việt Nam đang ở giai đoạn xây dựng tầng thứ nhất và thứ hai của quá trình chuyển đổi số nền kinh tế; cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nền kinh tế thị trường và sáu ưu tiên quan trọng của nền kinh tế số (4L2C): “Liên kết - Lao động - Logistics - Lòng tin - Chính phủ điện tử - Chi trả online”:
Thứ nhất, cải thiện tính liên kết người tiêu dùng với internet tốc độ cao và giá cả phải chăng thông qua thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng của hệ thống tư nhân. Tốc độ đường truyền và chất lượng các dải băng di động/cố định của Việt Nam được đánh giá là tương đối ổn định, tuy nhiên, để phát triển ở mức độ cao hơn cần có những hỗ trợ của Chính phủ trong việc nâng cao độ phủ các dải băng tần một cách đa dạng hơn nữa.
Thứ hai, tăng cường giáo dục kỹ thuật số, thúc đẩy đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Giáo dục trong nền kinh tế số không chỉ để thúc đẩy sự nhận thức chung về cơ hội, thách thức của nền kinh tế số mà đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng lực lượng lao động có kỹ năng, sẵn sàng thích ứng và nắm bắt cơ hội.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện hệ thống logistics, đặc biệt trong liên kết kết cấu hạ tầng ngành và liên ngành nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Chỉ số Hiệu suất logistics có thể sẽ là một trong những chỉ báo quan trọng cho mục tiêu này. Theo đó, mặc dù Việt Nam đang có những thành công nhất định, nhưng việc hỗ trợ của Chính phủ trong kết nối, tổ chức, chia sẻ nguồn lực chung và cung cấp thêm một số “hàng hóa công” là chìa khóa then chốt để cải thiện chất lượng chuyển đổi số nền kinh tế.
Thứ tư, củng cố lòng tin của người sử dụng thông qua bảo đảm các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và hệ thống luật pháp công khai, minh bạch đối với hệ thống doanh nghiệp.
Thứ năm, đẩy mạnh hình thức chi trả online. Theo đó, thanh toán kỹ thuật số là một phần thiết yếu và ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế số. Việt Nam đang gặp thách thức lớn khi lượng sử dụng tiền mặt trên thị trường vẫn chiếm hơn 90%. Để đánh giá chỉ số này, Global Findex có thể là một chỉ báo quan trọng trong thời gian tới.
Thứ sáu, xúc tiến nhanh hơn nữa một chính phủ điện tử. Chính phủ cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Sự tích cực dẫn dắt nền kinh tế chuyển đổi số của Chính phủ sẽ là chìa khóa quan trọng cho sự thành công của công cuộc này.
Trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế, Việt Nam đã có những thành công bước đầu trên nhiều khía cạnh. Sự thành công trong chuyển đổi số giai đoạn tiếp theo, với nguồn lực có hạn, đòi hỏi Chính phủ cần xác định rõ những chiến lược ưu tiên, đặc biệt phối hợp với khu vực doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số. Dù đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao độ của người dân và chính quyền, thì việc đạt được mục tiêu chương trình chuyển đổi số của Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030 sẽ sớm thành hiện thực./.
------------------------------------------------
(1), (2), (4), (8). World Bank:“The Digital Economy in Southeast Asia: Strengthening the Foundations for Future Growth”, 2019
(3) Xem: https://www.blog.google/topics/google-asia/sea-internet-economy/
(5) “Digital in 2017: Southeast Asia”, https://wearesocial.com/special-reports/digital-southeastasia-2017
(6) Logisticts performance index
(7) World Bank:“Digital Adoption Index”, 2016
Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục  (05/10/2021)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao  (29/08/2021)
Hà Nội phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số  (29/08/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số  (29/08/2021)
Quan hệ sở hữu trong xu thế phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam  (28/08/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay