Petrovietnam: Văn hóa ứng xử trong thử thách
TCCS - Dịch COVID-19 đang hoành hành, tàn phá nền kinh tế thế giới và giá dầu thấp kéo dài được coi như cuộc “khủng hoảng kép” đe dọa ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng. Là tập đoàn kinh tế mũi nhọn của đất nước, Petrovietnam sẽ ứng phó ra sao trong bối cảnh ngặt nghèo này?
Hai tháng qua, bên cạnh những dự báo hết sức bi quan về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong và sau đại dịch, đến thời điểm này, trên thực tế, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều đã bắt đầu ngấm những khó khăn từ một lực lượng vô hình là virus SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp quyết liệt chưa từng có để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và bơm tiền cứu trợ khẩn cấp doanh nghiệp, giảm thiểu tác động xấu tới nền kinh tế. Không ít công ty dầu khí trên thế giới đã hoặc đang đứng trước nguy cơ phải giãn dự án, dừng nhà máy, sa thải nhân công, thậm chí đóng cửa, phá sản trong bối cảnh gián đoạn cung cầu hàng hóa nguyên vật liệu, dịch vụ vận tải, giao thương... vì cách ly xã hội, phong tỏa, giới nghiêm.
Trong cơn lốc xoáy của dịch bệnh, Việt Nam chúng ta nổi lên như một biểu tượng, một hình mẫu của thế giới về khả năng ứng phó và kiểm soát dịch bệnh. Kết quả đó có được là nhờ sự đồng lòng, đồng thuận từ Đảng, Nhà nước đến tất cả nhân dân, cùng đoàn kết vượt qua mọi gian nan. Đó chính là truyền thống ngàn đời của dân tộc mỗi khi đất nước lâm nguy. Là con dân nước Việt, mỗi người lao động Petrovietnam đều có trong tim niềm tự hào truyền thống ấy. Đứng trước thử thách của “khủng hoảng kép” chưa có tiền lệ này, một lần nữa họ lại nắm tay nhau cùng đương đầu.
Dưới tác động của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với Petrovietnam, tập đoàn kinh tế chủ lực của nền kinh tế và cũng là ngành đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu và dịch bệnh. Hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí; giá cung cấp các dịch vụ trong ngành dầu khí ở mức thấp; các nhà máy lọc dầu trong nước tồn kho lớn, tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu sa sút nghiêm trọng. Thậm chí, những đơn vị tưởng chừng sẽ được hưởng lợi từ giá dầu giảm sâu như sản xuất đạm thì dịch bệnh cũng như hạn hán ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ cũng khiến các đơn vị này “điêu đứng”.
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức được những rủi ro, thách thức đang phải đối mặt, Petrovietnam và các doanh nghiệp thành viên đã và đang chủ động tích cực triển khai các giải pháp quyết liệt, cụ thể và được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt để thích ứng và trở nên hiệu quả hơn, vượt qua giai đoạn sóng gió này với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho sức khoẻ người lao động, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, liên tục theo phương châm chỉ đạo của Tổng Giám đốc Petrovietnam là “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”.
Cho đến những ngày giữa tháng 4-2020, giữa lúc dịch bệnh đang ở cao trào đe dọa nhất, chưa một công trình, dự án trọng điểm nào, chưa một nhà máy, xí nghiệp nào của Petrovietnam ngừng hoạt động. Gần 60 ngàn người lao động vẫn đang từng ngày miệt mài cống hiến, tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ kế hoạch được giao phó.
Cụ thể, Petrovietnam và các doanh nghiệp thành viên đã và đang tập trung triển khai gói giải pháp chung của Tập đoàn và gói giải pháp riêng cho từng lĩnh vực, từng khối đơn vị, áp dụng chế độ làm việc đặc biệt tùy đặc thù của từng doanh nghiệp từ 1-4-2020. Bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ an toàn, sức khỏe của người lao động, các doanh nghiệp đều tập trung tăng cường quản trị, tối ưu nguồn lực; triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động với mục tiêu tiết giảm được đưa lên mức cao, đồng bộ với giảm doanh thu, kể cả giảm thu nhập cá nhân từ lãnh đạo đến người lao động. Các đơn vị trong toàn Petrovietnam tích cực phối hợp với nhau để chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả trong cả chuỗi giá trị, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành, nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt, Petrovietnam và các đơn vị trong Tập đoàn cũng chủ động nắm bắt, cập nhật biến động giá của dầu thô, cung cầu sản phẩm dầu khí, từ đó đề ra các giải pháp thích hợp nhất để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả, không bị gián đoạn; đồng thời xây dựng phương án, kịch bản để tham mưu với cấp thẩm quyền và điều hành cụ thể tại từng thời điểm để tận dụng cơ hội hoàn thành kế hoạch, giảm thiệt hại do tác động của thị trường.
Quý I-2020 vừa qua, cho dù “cơn bão kép” của khủng hoảng ập xuống, vào thời điểm được cho là giai đoạn khó khăn, thử thách nhất kể từ thời điểm thành lập cho đến nay, nhưng Petrovietnam vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra.
Có thể nói, nếu trong những điều kiện thuận lợi bình thường, người lao động dầu khí luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì trong hoàn cảnh bất thường, đầy khó khăn như hiện nay, người dầu khí càng thể hiện bản lĩnh cũng như ý chí, nghị lực của mình.
Ý chí và nghị lực đó nhiều năm qua đã được minh định xuất phát từ một động lực nội sinh truyền thống, được dung dưỡng bởi một chiều sâu văn hóa - Văn hóa Petrovietnam. Với người lao động dầu khí, những người được mệnh danh là “người đi tìm lửa”, lửa dầu khí là biểu tượng chứa đựng ý nghĩa tinh thần lớn lao, là niềm tự hào có thể làm lay động tâm trí hàng chục ngàn người vào một thời khắc, dẫn đường cho những khát khao hy vọng, khơi dậy nhiệt huyết và niềm tin.
Từ hơn 60 năm qua, với các thế hệ “những người đi tìm lửa” không ngừng vun đắp, dày công gây dựng các chuẩn mực và giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa đặc trưng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho mỗi đơn vị thành viên. Trong triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí đề cao việc cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm, thuận lợi và khó khăn; đồng thời nhấn mạnh, tinh thần đoàn kết và sự thống nhất là nền tảng tạo nên sức mạnh phát triển vững chắc của Tập đoàn.
Sự lan tỏa của văn hóa Petrovietnam đã tạo dựng nền tảng trí tuệ, quan điểm đồng nhất, gắn kết mọi người, tạo nên động lực lớn lao, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng dầu khí.
Hiện nay và sắp tới, công việc, thu nhập của người lao động đâu đó trong Tập đoàn, trong một số doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, có thể sẽ bị giảm sút, thậm chí có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn. Điều đó khó tránh khỏi tác động tới tâm lý, tinh thần của người lao động Petrovietnam.
Tuy nhiên, điều mà người ta nhận thấy trong các nhà máy, xí nghiệp, trên các giàn khai thác ngoài khơi hay trong đất liền là sự kiên nhẫn, đoàn kết, chung lòng cùng vượt khó. Họ nỗ lực ngày đêm để làm việc bởi nhiều người trong số họ giờ đây phải đảm nhận thêm phần việc của đồng nghiệp do thực hiện biện pháp giãn cách phòng, chống dịch. Lãnh đạo động viên người lao động, các đồng nghiệp động viên nhau rồi đến mỗi người tự động viên mình phấn đấu.
Không những thế, nhiều người còn hy sinh những ngày, giờ nghỉ ít ỏi để sáng tạo ra những thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho đồng nghiệp. Những buồng khử khuẩn toàn thân, hộp khử khuẩn đồ dùng, đèn khử khuẩn UV,... hoàn toàn “made in” Petrovietnam đã ra đời kịp thời, đúng lúc. Mặc dù phải nỗ lực chống chọi với những khó khăn đan xen cũng như tiết giảm tối đa chi phí ở nhiều mặt, nhưng hoạt động an sinh xã hội vẫn được Tập đoàn và các đơn vị thành viên duy trì đều đặn. Từ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ chống dịch đến những vật phẩm thiết yếu nhỏ như chai dầu ăn tặng kèm người nông dân trong từng bao phân bón..., đã được trao đi bằng tất cả sự đồng cảm và sẻ chia.
Có thể nói, những người từng đổ mồ hôi, trút tâm sức, từng hy sinh cả tuổi thanh xuân, từng quên mình, quên đi mọi hưởng thụ để làm nên một diện mạo ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam như hôm nay mới hiểu thấu đến tận cùng thế nào là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mới thấy hết chân giá trị của những thành công. Hơn ai hết, họ thấm thía cái giá phải trả cho mỗi giọt dầu.
Cách ứng xử trong thử thách của những người lao động dầu khí là nét đẹp văn hóa Petrovietnam. Nét đẹp ấy luôn được lan truyền, càng trong khó khăn, gian nan thì bản sắc đặc trưng càng tỏa sáng, càng nhân văn bởi tấm lòng và trách nhiệm với cộng đồng./.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  (17/04/2020)
Hà Nội tiếp tục thực hiện cách ly xã hội ít nhất đến ngày 22-4-2020  (16/04/2020)
Triển khai quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội  (16/04/2020)
Chính phủ tìm phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19  (14/04/2020)
Tạm ngừng nhập khẩu xăng, dầu: Nên hay không?  (13/04/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay