Cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên - Vấn đề và giải pháp
Cho đến nay, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã triển khai xây dựng, phê duyệt xong đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (Nghị quyết 30) và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17-02-2014, của Chính phủ, về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (Nghị định 118). Tây Nguyên có 36 công ty lâm nghiệp thực hiện duy trì củng cố, phát triển và cơ cấu lại công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; 2 công ty thực hiện duy trì củng cố, phát triển và cơ cấu lại, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau khi được sắp xếp, cơ cấu lại, phần lớn các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tập trung thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới đã được phê duyệt, cơ cấu tổ chức lại bộ máy; xác định ngành nghề kinh doanh, xây dựng phương án sử dụng đất, phương án tài chính, phương án sử dụng lao động; giải quyết chế độ hỗ trợ cho lao động dôi dư; chú trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao; giải quyết được tình trạng cấp trùng, chồng lấn, lấn chiếm của các hộ gia đình, cá nhân.
Việc cơ cấu lại giúp cho các doanh nghiệp lâm nghiệp phân biệt rõ loại hình doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh và đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được Nhà nước đặt hàng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Một số công ty đã tập trung đổi mới căn bản về phương thức tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực canh tranh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Những vấn đề đặt ra
Tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng việc cơ cấu lại các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra:
Trước hết, là vấn đề về nhận thức và thái độ của cấp ủy, chính quyền các cấp và lãnh đạo của các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn. Việc cơ cấu lại các doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên phải chính do cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp tỉnh với tư cách là đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp lâm nghiệp quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng, có tính quyết định trong việc cơ cấu lại các công ty lâm nghiệp. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào, cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 30 và Nghị định 118; nhận thức đúng vai trò, vị trí của doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn; quyết tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện thì việc cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp đạt được kết quả cao. Trường hợp của tỉnh Kon Tum là một minh chứng cụ thể. Còn ngược lại, cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo doanh nghiệp ở địa phương nào chưa quán triệt và thực hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết 30 và Nghị định 118; chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp và chưa tích cực, quyết liệt trong triển khai thực hiện, thì hiệu quả đem lại chưa như mong muốn. Thực tế cho thấy, sau khi có Nghị quyết 30 và Nghị định 118, một số địa phương ở Tây Nguyên đã nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện nhưng do chưa nhận thức hết được những yếu tố tác động đến việc cơ cấu như: nhận thức, thái độ của lãnh đạo công ty; thực tế hoạt động, ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp..., chưa thật quyết liệt trong triển khai cơ cấu lại doanh nghiệp cho nên hiệu quả đem lại không được như mong muốn. Cho đến nay, bộ máy quản lý của một số công ty lâm nghiệp trên địa bàn vẫn chưa được ổn định, thậm chí đã xảy ra xung đột về thẩm quyền giữa chủ tịch và giám đốc công ty lâm nghiệp (Đắk Nông). Đến giữa năm 2018, vẫn còn 26 công ty lâm nghiệp (11 của Gia Lai, 3 của Đắk Nông, 4 của Đắk Lắk và 8 của Lâm Đồng) chính quyền tỉnh chưa phê duyệt được phương án sử dụng đất. Việc này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng các phương án hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích của các công ty lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, sau thực hiện cơ cấu lại, nhận thức và thái độ của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp lâm nghiệp, nhất là người đứng đầu tuy có chuyển biến hơn so với trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế mới, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa tích cực thực hiện chuyển đổi nội dung, phương thức hoạt động, còn để đất đai lãng phí,...
Thứ hai, là vấn đề về thực tế vận hành của doanh nghiệp lâm nghiệp. Mục tiêu của việc cơ cấu lại là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Thế nhưng sau hơn 3 năm triển khai thực hiện cơ cấu lại, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thời gian đầu việc triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại, các công ty lâm nghiệp có sự chuyển biến nhất định trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó do nhiều yếu tố, nhất là việc thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước nên hoạt động của các công ty lâm nghiệp có phần chững lại. Hai công ty thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững là Công ty lâm nghiệp Đắk Tô (Kon Tum) và Công ty Đầu tư và Phát triển Đại Thành (Đắk Nông) không còn thực hiện được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo đề án đã được phê duyệt. Hiện nay chủ yếu chỉ tập trung cho công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, liên kết trồng rừng, ươm giống cây lâm nghiệp,... 36 công ty còn lại chủ yếu thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắt do chưa có cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch hằng năm của Nhà nước. Hiện nay, phần lớn các công ty lâm nghiệp trên địa bàn đều chưa có chiến lược sản xuất kinh doanh do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, tiếp cận nguồn vốn, thị trường. Bên cạnh đó, những yếu kém của các công ty cũng được bộc lộ như: nguồn vốn chủ sở hữu thấp; công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới; năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp chưa ngang tầm với nhiệm vụ; thiếu chiến lược dài hạn, dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi thị trường ngắn hạn, giá cả nông, lâm sản; hiệu quả sử dụng đất còn thấp; đời sống cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn và nảy sinh một số vấn đề phức tạp.
Sau 3 năm thực hiện cơ cấu lại, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể. Các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Qua khảo sát cho thấy, sau khi thực hiện cơ cấu lại, doanh thu, lợi nhuận trước và sau thuế, nộp ngân sách ở phần lớn công ty lâm nghiệp đều sụt giảm. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thấp. Lương bình quân/ tháng của người lao động ở một số công ty tuy có tăng nhưng chưa nhiều.
Một vấn đề nữa trong hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên là hiệu quả sử dụng đất còn quá thấp; diện tích chưa sử dụng còn nhiều, tình trạng lấn chiếm đất đai trên địa bàn của công ty vẫn thường xảy ra, các đối tượng phá rừng ngày càng manh động, hung hãn và liều lĩnh. Hơn nữa, tình trạng dân di cư tự do và người dân địa phương cấu kết nhau để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp, vi phạm chính sách, pháp luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần của các công ty lâm nghiệp nhưng chưa được xử lý nghiêm minh, đồng bộ và dứt điểm. Theo ý kiến của một số lãnh đạo công ty lâm nghiệp, với tình trạng này nếu nguồn lực và kinh phí cho hoạt động của các công ty không bảo đảm thì ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ rừng, giữ rừng và giữ đất không bị lấn chiếm...
Bên cạnh đó, hoạt động của các công ty lâm nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn do phần lớn cán bộ, công nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý trước đây chủ yếu hoạt động công ích đơn thuần trong các lâm trường quốc doanh nên khi thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp, họ chưa theo kịp với cơ chế mới, còn thiếu kiến thức thị trường, chậm nắm bắt thông tin khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý. Lực lượng lao động trực tiếp ở các doanh nghiệp lâm nghiệp, phần lớn chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, tay nghề. Đội ngũ cán bộ chủ chốt, tuy có kinh nghiệm nhưng phần lớn có tuổi đời khá cao, trong khi đó các công ty lâm nghiệp hiện chưa thu hút được nhiều lao động có chất lượng do thu nhập thấp, lương bình quân 5.471 nghìn đồng/tháng và làm việc trong môi trường khó khăn, phức tạp...
Thứ ba, vấn đề về cơ chế, chính sách. Thực tế việc triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp nói chung, cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên nói riêng vẫn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế, chưa tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn.
Một là, về cơ chế quản lý, sử dụng rừng. Theo phương án sắp xếp, đổi mới được phê duyệt, Tây Nguyên có 2 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững. Sau khi có chủ trương đóng cửa rừng, hai công ty chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững trong địa giới công ty. Tuy nhiên, cho đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thật sự được tự chủ trong sản xuất kinh doanh, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng để khai thác tối đa các lợi ích từ rừng theo phương án đã được phê duyệt. Thêm vào đó, quá trình thực hiện chứng chỉ rừng, doanh nghiệp chưa có được sự hỗ trợ chi phí thực hiện phương án và chi phí đánh giá hằng năm.
Hai là, về tài chính. Các công ty lâm nghiệp ở Tây Nguyên hiện nay chủ yếu tập trung nhiệm vụ bảo vệ rừng là chính, chưa thật sự có nhiều hoạt động sản xuất và kinh doanh. Nguyên nhân chính là các công ty lâm nghiệp sau cơ cấu lại đều có xuất phát điểm là tình hình tài chính khó khăn, vốn ít, không thể vay vốn để tổ chức hoạt động. Đến giữa năm 2018, vẫn chưa có chính sách tài chính, tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Theo các lãnh đạo các doanh nghiệp lâm nghiệp, đề án sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp vốn được xây dựng trên cơ sở thực tế về vốn, tài nguyên rừng. Nhu cầu vốn đầu tư để mở rộng ngành, nghề kinh doanh là rất cần thiết nhưng đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện đề án các công ty vẫn chưa được bổ sung vốn điều lệ theo phương án, trong khi đó để đầu tư sản xuất, các công ty không đủ điều kiện về tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Ba là, về chính sách hưởng lợi từ quản lý bảo vệ rừng. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng và phát triển rừng. Cụ thể như Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 09-9-2015 và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14-9-2016 của Thủ tướng chính phủ; trong đó hỗ trợ bảo vệ rừng và chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ công ích trên diện tích rừng của các công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn chi tiết thực hiện. Theo lãnh đạo một số công ty, kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 2242/QĐ-TTg và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn chưa bảo đảm kinh phí hoạt động. Hai công ty lâm nghiệp: Đầu tư và Phát triển Đại Thành và Đắk Wil của tỉnh Đắk Nông quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn (trên 45.772ha) nhưng không hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng do lưu vực dòng chảy sang Cam-pu-chia. Và, nguồn hỗ trợ công tác bảo vệ rừng lại quá ít (200 nghìn/ha/năm), không đủ bù đắp chi phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng của doanh nghiệp.
Một số giải pháp đột phá
Trên cơ sở kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra; đồng thời xuất phát từ thực tiễn của vùng đất Tây Nguyên, đòi hỏi phải tiếp tục triển khai cơ cấu lại và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lâm nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - chính trị và bảo đảm quốc phòng trên địa bàn. Để hoàn thành mục tiêu đó, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
1- Nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm. Cấp ủy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên tiếp tục quán triệt quan điểm, tư tưởng, chủ trương, mục tiêu, sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 và Nghị định 118. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết, xử lý kịp thời những vướng mắt, khó khăn trong quá trình sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
- Nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về chủ trương sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp cũng như vị trí, vai trò của doanh nghiệp lâm nghiệp, để người dân Tây Nguyên hiểu, đồng tình, hỗ trợ và tham gia cùng với các cấp chính quyền và doanh nghiệp lâm nghiệp thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn.
2- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Các cấp chính quyền, nhất là cấp tỉnh cần đẩy nhanh việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp; xử lý dứt điểm các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết và xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về đất đai. Khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch tiếp nhận đất đai của các doanh nghiệp lâm nghiệp giao về địa phương quản lý sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lâm nghiệp đổi mới phương thức hoạt động, quản trị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
- Trên cơ sở đề án sắp xếp, đổi mới được phê duyệt, các doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên cần xác định rõ loại hình hoạt động, tiếp tục đổi mới căn bản về phương thức tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp; chủ động vượt qua khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững và nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Phối hợp cùng với chính quyền ở địa phương rà soát, đo đạc, lập bản đồ; xây dựng phương án sử dụng đất sát với thực tế ở địa phương; đồng thời tích cực thu hồi và bàn giao đất về địa phương để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, một trong những yếu tố quan trọng trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp.
- Tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp lâm nghiệp. Có thể thực hiện mô hình chủ tịch kiêm giám đốc, kiểm soát viên đối với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ như các công ty lâm nghiệp ở Tây Nguyên, việc thực hiện mô hình chủ tịch, kiểm soát viên, giám đốc có thể chưa phù hợp, không những làm tăng quỹ lương mà còn chồng chéo trong công tác điều hành.
- Tăng cường vai trò của người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp. Họ là những hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích rừng của công ty, vừa là những người giám sát, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
3- Cơ chế, chính sách lâm nghiệp phù hợp, đồng bộ và hiệu quả. Giải pháp này thuộc về cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp Trung ương.
Đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh, cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30 và Nghị định 118, nhất là cơ chế về quản lý, sử dụng đất rừng; về đặt hàng, giao kế hoạch hằng năm, về tăng vốn điều lệ cho các công ty lâm nghiệp.
- Chỉ đạo xử lý dứt điểm các diện tích đất đang bị lấn chiếm, tranh chấp; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty lâm nghiệp trên địa bàn theo phương án sử dụng đất được phê duyệt.
- Kịp thời xử lý, tháo gỡ và đề xuất lên Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương những vướng mắt, khó khăn của các doanh nghiệp lâm nghiệp trong việc thực hiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp lâm nghiệp.
Đối với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cần bổ sung và hướng dẫn cụ thể việc đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng rừng, đất rừng; tăng vốn điều lệ cho các công ty lâm nghiệp. Đồng thời, có cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tạo nguồn vốn đối ứng bảo đảm cho công ty lâm nghiệp vay vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư, định hình, phát triển rừng bền vững.
- Có cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch hằng năm của Nhà nước và bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước kịp thời đối với những doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính trong hoạt động kinh doanh ngoài ngân sách, cần để doanh nghiệp tự chủ để bảo đảm có đủ điều kiện cạnh tranh với các doanh nghiệp khác theo cơ chế thị trường.
- Thực hiện chính sách đặc thù đối với lĩnh vực bảo vệ rừng, như: thời gian nghỉ hưu, thu nhập, thẩm quyền xử lý vi phạm... Bên cạnh đó, cần thực hiện gắn trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, người phụ trách trong quá trình diễn biến tài nguyên rừng; giao nhiệm vụ cụ thể bằng diện tích, trữ lượng rừng...
- Đối với đặc thù Tây Nguyên, có thể cho phép thành lập cơ quan quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (giống như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lâm nghiệp để tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý vốn tại địa phương và khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc”, một trong những yếu tố làm chậm tiến độ sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên trong thời gian qua./.
Nhận diện và đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để chống phá Đảng, Nhà nước, hòng chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam  (11/06/2019)
Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo, tổ chức việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế  (11/06/2019)
Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ  (10/06/2019)
Kế hoạch triển khai, sắp xếp lại các cơ quan báo chí  (10/06/2019)
Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết và thảo luận 2 dự án Luật  (10/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển