TCCSĐT - Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 23-9-1945, trước dã tâm xâm lược của kẻ thù, nhân dân Nam Bộ đã anh dũng đứng lên nổ phát súng đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc chống thực dân Pháp. Thời gian trôi qua, lịch sử vận động phát triển song bài học về tinh thần quật khởi “Ngày Nam bộ kháng chiến” vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.

Mãi sáng ngời tinh thần quật khởi của quân và dân Nam Bộ

Thực tế lịch sử cho thấy, trước và sau Cách mạng Tháng 8-1945, Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam Bộ đã phải đối diện với tình hình hết sức khó khăn, căng thẳng. Lực lượng quân đội phát xít Nhật ở Nam Bộ vốn đông và mạnh nhất so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy đã tuyên bố đầu hàng quân đội Đồng minh, song quân đội Nhật ở miền Nam vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng cùng với một lượng lớn vũ khí trang bị. Tình hình càng trở lên khó khăn hơn khi cùng với 20 vạn quân Tưởng ở miền Bắc, là quân Pháp với sự hậu thuẫn của quân đội Anh cũng tiến vào Nam Bộ dưới danh nghĩa giải giáp vũ khí phát xít Nhật nhưng thực chất là hiện thực hóa mưu đồ tái xâm lược Đông Dương. Và điểm chung nhất của các lực lượng này chính là dã tâm tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám của nhân dân ta.

Ngay từ ngày 06-9-1945, phái bộ quân sự Anh đã tới Sài Gòn kéo theo phía sau là lực lượng binh lính Pháp. Cấu kết chặt chẽ với các lực lượng phản động, chúng vu cáo chính quyền cách mạng không giữ được trật tự trị an; ngang ngược yêu cầu chúng ta giải tán các đội tự vệ; ngăn cấm người dân biểu tình và tham gia các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng;… Phái bộ quân sự Anh còn thả và trang bị vũ khí cho trên 1.400 lính Pháp bị quân Nhật bắt giữ trước đó. Ngày 21-9, quân Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát quận 3 và thực hiện thiết quân luật. Tối 22-9, chúng chiếm Đài Phát thanh của chính quyền cách mạng. Đến ngày 23-9, được quân Anh giúp đỡ và hỗ trợ của tàn quân Nhật, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, chính thức thực hiện âm mưu chiếm lại miền Nam Việt Nam rồi mở rộng tái chiếm toàn bộ bán đảo Đông Dương.

Trước tình thế cách mạng cấp bách, khắc sâu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(1), phát huy truyền thống yêu nước và khí thế của Cách mạng Tháng Tám lịch sử, quân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng dậy cầm vũ khí đánh bại các thế lực xâm lược. Ngay ngày 23-9, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã họp khẩn cấp để bàn về việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình, nhận định về âm mưu của thực dân Pháp và thái độ đồng lõa của quân đội Anh, Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây, cầm chân địch trong thành phố; tiêu hao dần lực lượng và làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp… Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cũng ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ đoàn kết xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước: “Độc lập hay là chết… Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược… Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng”(2).

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã “muôn người như một” anh dũng đứng lên với tinh thần quyết chiến và ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Ngay chiều 23-9, cả Sài Gòn - Chợ Lớn như ngập tràn trong khí thế chiến đấu tiêu diệt quân thù. Các công sở, xí nghiệp, hang buôn đều đóng cửa. Đêm 23-9, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn bãi công cắt toàn bộ điện, nước. Trong nội thành, chiến lũy được dựng lên ở khắp các phố phường để cản bước tiến của quân địch. Các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học. Chỉ sau thời gian ngắn, ta đã tổ chức được 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí tại 16 khu vực tác chiến trọng điểm. Ở các tỉnh Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến cũng chỉ đạo thành lập những đội du kích, đội tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ chính quyền. Với tinh thần đó, chỉ trong trận mở đầu ở Tân Định, ta đã tiêu diệt gần 200 tên địch. Ngày 23-9 đi vào lịch sử cách mạng của dân tộc như một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra một trang sử oanh liệt, hào hùng: “Ngày Nam Bộ kháng chiến”.

Phải đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể mới thấy hết tính quyết đoán của Xứ ủy, Ủy ban Hành chính Nam Bộ và tinh thần quật khởi của nhân dân Nam Bộ. Trước hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, vấn đề đặt ra là ta có phát động kháng chiến hay không? Nếu không đánh thì địch sẽ chiếm ưu thế, quần chúng sẽ hoang mang và sau này, khi thương lượng thì ta sẽ mất thế. Còn nếu đánh, thì sẽ gây thiệt hại cho địch đồng thời cũng sẽ tạo cơ sở để thương lượng sau này. Nhưng vấn đề là tình thế cấp bách, có nên quyết định đánh trong khi chưa có lệnh của Trung ương? Và với tinh thần quyết đoán, Xứ ủy, Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã quyết định vừa phát động kháng chiến vừa đợi ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Thực tế cho thấy, quyết định của Xứ ủy, Ủy ban Hành chính Nam Bộ là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.

Với tinh thần quật khởi và lòng yêu nước, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10-1945, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã cùng với nhân dân các tỉnh Nam Bộ anh dũng chiến đấu chống lại quân Pháp xâm lược. Thực hiện chủ trương “trong đánh ngoài vây”, cùng với phát huy vai trò của các đội tự vệ chiến đấu với các cách đánh tập kích, phục kích tại khu vực nội thành thì ở các vùng ven đô, ta cũng tổ chức thành 4 mặt trận (Đông, Bắc, Tây, Nam) để tạo thành thế trận bao vây, không cho quân địch mở rộng vùng chiếm đóng ra ngoại thành. Vì vậy, trong những ngày đầu tái xâm lược Nam Bộ, thực dân Pháp đã bị bao vậy chặt trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Nửa tháng đầu tiên, quân Pháp chỉ chiếm đóng được các vị trí, công sở chủ yếu ở trung tâm thành phố. Kẻ địch lâm vào tình trạng khốn đốn: không điện, không nước, thiếu lương thực, thực phẩm; thiếu quân, thiếu vũ khí;… Âm mưu đánh chiếm Nam Bộ trong thời gian 3 tuần của thực dân Pháp đã bị phá sản hoàn toàn.

Có thể thấy, tinh thần quật khởi “Ngày Nam Bộ kháng chiến” nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp có ý nghĩa hết sức to lớn. Hành động nhân dân Nam Bộ đánh trả tái chiếm thực dân Pháp là kịp thời, đúng đắn, hợp lý. Không chỉ ngăn chặn một bước âm mưu xâm lược của kẻ thù; đập tan mưu đồ đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp; kìm giữ và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài và góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền đất nước; những thắng lợi trong buổi đầu kháng chiến của quân dân Nam Bộ còn trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước quật cường và ý chí chiến đấu anh dũng của dân tộc ta với niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”(3).

Phát huy tinh thần quật khởi Ngày Nam Bộ kháng chiến trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay

70 năm qua, tinh thần quật khởi của “Ngày Nam Bộ kháng chiến” đã luôn là động lực to lớn, cổ vũ đồng bào Nam Bộ nói riêng và toàn dân tộc ta vững bước vượt qua những thử thách của lịch sử. Kế thừa và phát triển tinh thần quật khởi của “Ngày Nam Bộ kháng chiến” lên một tầm cao mới đã giúp quân dân ta viết lên bao trang sử hào hùng với những chiến công vẻ vang như chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07-5-1954, đại thắng mùa xuân năm 1975,…

Trong tình hình mới, tinh thần quật khởi của “Ngày Nam Bộ kháng chiến” vẫn còn nguyên giá trị to lớn; là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát huy tinh thần quật khởi của “Ngày Nam Bộ kháng chiến” trong giai đoạn cách mạng mới, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

Một là, kiên định lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình cách mạng lâu dài, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Do đó, trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng cụ thể, cần luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có thể nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình; xác định những quan điểm, đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, hợp lý, hiệu quả.

Chính nhờ những phân tích, đánh giá đúng về bối cảnh lịch sử, âm mưu của kẻ thù nên Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã kịp thời động viên toàn dân tham gia kháng chiến từ đó tạo lên sức mạnh tổng hợp để chủ động tiêu diệt kẻ thù ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong tình hình mới hiện nay, trước sự biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá điên cuồng của các thế lực phản động, thù địch, hơn lúc nào hết chúng ta cần thường xuyên kiên định chủ nghĩa lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bởi “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”(4).

Hai là, tích cực, chủ động tranh thủ những thời cơ, vận hội; đồng thời nỗ lực khắc phục những nguy cơ, thách thức để phát triển toàn diện đất nước.

Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng; khẳng định đường lối đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo. “Thành tựu của công cuộc đổi mới đã “tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước”(5). Đó là kết quả quá trình tìm tòi, sáng tạo và thể nghiệm của Đảng ta. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, diện mạo đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực; vị thế và uy tín của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tự to lớn, những thời cơ thuận lợi, nước ta hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đan xen nhau: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp…

Phát huy tinh thần quật khởi của “Ngày Nam Bộ kháng chiến” trong điều kiện cách mạng mới, trước sự đan xen, tác động tổng hợp của cả thời cơ và thách thức, chúng ta cần không ngừng nêu cao tinh thần chủ động, kịp thời tranh thủ những thời cơ thuận lợi; tích cực đẩy lùi những nguy cơ, thách thức; từ đó tạo động lực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.

Ba là, thường xuyên khơi dậy và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc và năng lực sáng tạo của quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh, truyền thống đại đoàn kết luôn là tài sản quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Sau “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, trên cơ sở khơi dậy và phát huy có hiệu quả tinh thần đại đoàn kết, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã tập hợp được đông đảo các giai tầng cùng đoàn kết trên dưới một lòng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết tâm chống giặc Pháp xâm lược, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”(6).

Cùng với truyền thống đại đoàn kết, năng lực sáng tạo của quần chúng nhân dân cũng luôn được Đảng ta phát huy trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung và trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến nói riêng. Từ sự sáng tạo đó, rất nhiều cách đánh hiệu quả đã ra đời. Và với tinh thần sáng tạo, dẫu chỉ nắm trong tay những vũ khí thô sơ, như gậy tầm vông, mã tấu, gậy gộc song quân và dân Nam Bộ đã không chỉ giam chân mà còn tiêu hao một phần đáng kể sinh lực địch; ngăn chặn một bước mưu đồ xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.

Gắn kinh nghiệm của những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến vào tình hình mới hiện nay, một vấn đề có tính khách quan đã và đang đặt ra là cần chú trọng khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và năng lực sáng tạo của quần chúng. Đây không chỉ là sự kế thừa những bài học lịch sử quý báu mà còn là “chìa khóa” quan trọng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; từng bước hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (7)./.

--------------------------------

Chú thích:

(1), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 4, tr. 3, 29

(2) Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc, tuyengiaoangiang.vn, ngày 21-9-2015

(4), (5) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 186, 184, 334

(6) Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb Sự thật, t. 1, H, 1986, tr. 86, 87