“Mọi tình yêu đều bình đẳng” - góp ý cho Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000
Mong muốn và hy vọng
Lời kêu gọi đó cũng là tiêu đề cuộc “Hội thảo lấy ý kiến cộng đồng về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2000” được Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và nhóm 6+ (Nhóm hoạt động vì hình ảnh tích cực của cộng đồng LGBT) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 17-9. Những người sẽ là đối tượng điều chỉnh của luật đã được nghe, hiểu và bày tỏ chính kiến về những vấn đề liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Tham dự Hội thảo để trao đổi và lắng nghe ý kiến của cộng đồng còn có các đại biểu từ Quốc hội, Bộ Tư pháp, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.
Một thông điệp kêu gọi sự chia sẻ và tôn trọng sự đa dạng |
Ở hành lang Hội thảo, khi được hỏi “Tại sao lại lấy tên nhóm là 6 + ?”. Cô gái trưởng nhóm giải thích: “Anh hãy nhìn lá cờ của cộng đồng LGBT. Lá cờ là sáu dải màu của cầu vồng, thiếu một màu. Vì là nhóm yếu thế, chưa được bênh vực nên lá cờ chỉ có sáu màu, như một tâm sự về sự chưa đầy đủ. Chúng em đặt tên nhóm là “6 +” với mong muốn được “cộng” thêm chút gì cho sự thiếu đó...”. Hội thảo là diễn đàn để cộng đồng LGBT nêu ý kiến, đóng góp những thông tin có giá trị và kịp thời cho quá trình thảo luận và ra quyết sách của các nhà lập pháp trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2013.
Các đại diện của cộng đồng LGBT khẳng định mong muốn có hôn nhân bình đẳng: “Chúng tôi mong muốn và tin rằng mình có quyền kết hôn với người mình yêu bởi pháp luật Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền con người, chống phân biệt đối xử. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng trong xã hội hiện còn nhiều luồng quan điểm khác nhau về vấn đề này. Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi mong muốn ít nhất các cặp đôi cùng giới sống chung được đối xử hoàn toàn bình đẳng như các cặp đôi khác giới sống chung, dù có hay không có đăng ký kết hôn”.
Đại diện cho các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) bày tỏ ý kiến: “Là những tổ chức, cá nhân hoạt động vì quyền bình đẳng của các nhóm thiểu số, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền cho người đồng tính, song tính và chuyển giới. Chúng tôi mong đợi điều này được thể hiện đầy đủ trong các điều khoản có liên quan của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi”.
Đại diện của cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “UN đã ủng hộ và hỗ trợ kỹ thuật cho việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình. Chúng tôi đã tổ chức Hội thảo với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Quan điểm của chúng tôi là bộ luật sẽ tuân thủ các công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết. Chúng tôi mong những người sống chung dù là đồng tính, hay khác giới đều được đối xử như nhau. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Bộ Tư pháp để luật này tốt hơn”.
“Bước đệm” cần thiết
So với Luật năm 2000, Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình quy định thêm một số điều liên quan đến quan hệ chung sống của những người cùng giới và việc giải quyết hệ quả pháp lý của các mối quan hệ đó. Những người tham gia Hội thảo đã được nghe đại diện nhóm soạn thảo từ Bộ Tư pháp trình bày cụ thể và giải thích ý nghĩa pháp lý của các sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Nhiều vấn đề được đưa ra trao đổi, thảo luận như: quan hệ gia đình của hai người cùng giới, tổ chức lễ cưới của những người LGBT, việc nhận con nuôi và mang thai hộ, tài sản chung và riêng…
Trong Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình lần này, Điều 5, khoản 10 quy định cấm kết hôn “giữa những người cùng giới tính” được bãi bỏ. Như vậy, về mặt dân sự, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới ở gia đình mà không bị ngăn cản bởi bất cứ tổ chức pháp lý nào. Họ cũng được chung sống với nhau như vợ chồng và được pháp luật bảo hộ như những cặp đôi dị tính chung sống như vợ chồng.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Bùi Minh Hồng - Thường trực Tổ biên tập Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình thuộc Bộ Tư pháp - cho biết: “Khi bàn về vấn đề quan hệ đồng tính, sau khi cân nhắc và tham khảo quá trình đi đến việc thừa nhận quyền kết hôn giữa những người đồng tính ở các quốc gia, phương án được chọn là thừa nhận quyền chung sống của những người đồng tính. Tức là người đồng tính được quyền chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa thừa nhận quyền kết hôn đồng tính trên giấy tờ pháp luật”.
Việc pháp luật công nhận hôn nhân đồng tính là xu thế tất yếu thể hiện quyền tự do, tính nhân văn của xã hội. Tuy nhiên, kể cả các quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng giới như Hà Lan, Pháp, Ca-na-đa đều đi qua một “bước đệm” là chấp nhận chung sống như vợ chồng rồi mới tiến tới chấp nhận kết hôn đồng giới. Từ “bước đệm” này, sẽ dần thay đổi nhận thức cộng đồng với quan hệ đồng tính. Việc công nhận đầy đủ quyền kết hôn của người đồng giới sẽ được thực hiện khi các điều kiện đã chín muồi.
Xóa bỏ dần những e ngại
Khi được hỏi về thái độ xã hội với những người đồng tính, đa số đều cho rằng những người đồng tính (nên) được sống với nhau theo tình cảm của họ. Nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn e ngại hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ làm ảnh hưởng đến xã hội: suy giảm dân số nếu hôn nhân đồng tính gia tăng và các cặp đồng tính không thể sinh con; các cặp đồng tính không bảo đảm chức năng nuôi dưỡng và xã hội hóa trẻ em; các giá trị hôn nhân truyền thống sẽ bị phá vỡ... Những lo ngại này đã được các báo cáo quốc gia từ các nước đã công nhận hôn nhân đồng giới và các nghiên cứu được các hội đồng khoa học của các tạp chí có uy tín đánh giá chứng minh là không có cơ sở.
Dù các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ xu hướng tính dục hình thành và phát triển ở mỗi cá nhân như thế nào, tuy nhiên, họ đã thống nhất rằng: Với nhiều người xu hướng tính dục được hình thành từ rất sớm thông qua những tương tác phức tạp về sinh học, các yếu tố tâm lý và xã hội. Nguyên nhân làm cho một người yêu người cùng giới cũng chính là nguyên nhân làm một người yêu người khác giới. Điều quan trọng là đồng tính hay dị tính đều là những xu hướng tính dục bình thường, tự nhiên của con người. Xu hướng đồng tính không giới hạn trong một đối tượng nhất định nào. Cũng như người dị tính, người đồng tính có ở mọi lứa tuổi, mọi nền văn hóa, quốc gia, chủng tộc, địa vị và nghề nghiệp. Các tổ chức y học, sức khỏe tâm thần đều lần lượt không còn xem đồng tính là một bệnh hay rối loạn tâm lý nữa. Cho đến nay, các nhà khoa học không còn tập trung nghiên cứu nguyên nhân tạo nên xu hướng tính dục nữa mà chuyển sang nghiên cứu ảnh hưởng của việc kỳ thị đồng tính và xóa bỏ những định kiến về đồng tính.
Xu hướng đa dạng các hình thức chung sống đã phát triển trong xã hội hiện đại. Bên cạnh hình thức hôn nhân truyền thống, những hình thức gia đình khác như bố/mẹ đơn thân, kết hợp dân sự, chung sống có đăng ký, chung sống không đăng ký tăng lên ở các nước phát triển. Đan Mạch là nước công nhận hình thức kết hợp dân sự từ năm 1989, cho đến nay tổng tỷ suất sinh vẫn ổn định. Hà Lan là nước đầu tiên công nhân hôn nhân đồng giới năm 2001. Số liệu điều tra quốc gia năm 2011 cho biết có 2,8% người đồng tính nam, 1,4% đồng tính nữ và 1/3 đăng ký sống chung hoặc kết hôn. Như vậy số lượng người đồng tính và số lượng các cuộc hôn nhân đồng giới chiếm phần rất nhỏ so với tổng dân số và số lượng các cuộc hôn nhân khác giới. Sự thừa nhận về mặt luật pháp với các hình thức sống chung của người đồng tính không tác động gì nhiều đến đặc điểm nhân khẩu học nói chung ở các quốc gia như lo ngại. Tình trạng diệt vong do gia đình không bảo đảm chức năng duy trì nòi giống chỉ xuất hiện khi 100% số dân trong xã hội là người đồng tính và họ đều lựa chọn kết hôn mà không sinh đẻ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Sự phát triển và hạnh phúc của trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa trẻ và người lớn, giữa trẻ và những người trong gia đình, phụ thuộc vào sức khỏe tâm trí, sự hòa hợp và hợp tác của những người lớn trong gia đình mà không phụ thuộc vào cấu trúc gia đình, bố mẹ khác giới, cùng giới hay bố mẹ độc thân.
Hướng tới sự bình đẳng
Cần phải kêu gọi “Mọi tình yêu đều bình đẳng” vì trong thực tế hiện nay, tình yêu, hạnh phúc của những người LGBT còn chưa bình đẳng và được bảo đảm. Xã hội vẫn “độc tôn dị tính” và nhìn những người LGBT với con mắt phân biệt, kỳ thị. Thực tế cho thấy việc không chấp nhận hôn nhân đồng giới đang gây những tác hại. Do áp lực của gia đình, xã hội về việc phải có một cuộc hôn nhân truyền thống mới được coi là “bình thường”, nhiều người đồng tính đã kết hôn với người khác giới. Và dù họ có được những đứa con và vai trò là bố, là mẹ của họ được xã hội thừa nhận nhưng cuối cùng rất nhiều các cuộc hôn nhân như vậy đã đổ vỡ do họ không thể sống mãi với một cái vỏ bọc. Sự đổ vỡ này để lại những hậu quả lên người bạn đời và ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ và hành vi của đứa trẻ sau này.
Tình yêu, hạnh phúc của những người LGBT hướng tới sự bình đẳng |
Việc thừa nhận chung sống (và có thể sau đó là hôn nhân) giữa những người đồng tính có thể mang lại cho từng cá nhân “trong cuộc” cảm giác an toàn về mọi khía cạnh trong cuộc sống chung, tăng thêm tự tin, đồng thời, cũng khiến cho họ tăng thêm trách nhiệm, tính cam kết và nỗ lực đầu tư cho cuộc sống chung. Nhìn rộng hơn ở phạm vi toàn xã hội, điều này làm giảm các nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, giảm chi phí khám chữa bệnh và các vấn đề liên quan đến phúc lợi xã hội, giảm (hoặc tránh) được xung đột gia đình khiến trẻ bỏ nhà và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bố mẹ. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chủ đề đồng tính và đa dạng tính dục sẽ giúp loại trừ dần những định kiến về người đồng tính và nhóm người thiểu số tính dục nói chung.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ có những đặc điểm khác nhau về văn hóa, chính trị, tôn giáo... nên có thái độ và những bước đi khác nhau với việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Ở Việt Nam, việc ban hành các quy định luật pháp cần được tiến hành song song với các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động, nâng cao nhận thức của xã hội với tiêu chí cuối cùng là pháp luật bảo đảm sự bình đẳng cũng như quyền của tất cả công dân./.
Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2013: Tôn vinh 5 tập thể và 10 cá nhân  (03/10/2013)
Hoàn thiện chế định chứng cứ và chứng minh trong Bộ luật Tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp  (03/10/2013)
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kết thúc đợt làm việc tại An Giang  (03/10/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Cố vấn cao cấp Đảng Vì người Thái  (03/10/2013)
Kỷ niệm 23 năm Ngày thống nhất nước Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh  (03/10/2013)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay