Tăng chất lượng và hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài

Vũ Hải Hà Bộ Kế hoạch và Đầu tư
23:02, ngày 28-01-2012
TCCSĐT- Trong bối cảnh phải đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại ở trong nước, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả đáng khích lệ. Việt Nam là một điểm đến đầy hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Những chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư thế giới. Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) năm 2010-2012 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam đã thăng hạng 3 bậc, đứng thứ nhất trong ASEAN về mức độ hấp dẫn FDI và là 1 trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo kết quả điều tra đầu tư hải ngoại của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Kết quả điều tra trực tuyến của Thời báo Kinh doanh Nikkei cho thấy, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất(1), trên cả Ấn Độ và Thái Lan, còn với tư cách là thị trường tiêu thụ, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn thứ 3 sau Ấn Độ và Indonesia.

Số dự án còn hiệu lực tính lũy kế đến ngày 15-12-2011 là 13.667 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 198 tỉ USD, trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 54%. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24 tỉ USD, tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu của cả nước trong thu hút FDI, với 32,67 tỉ USD còn hiệu lực, tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương.

Năm 2011, vốn đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam đạt 14,7 tỉ USD, bằng 74% so với năm 2010, riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỉ USD, bằng 65% năm 2010, cơ cấu vốn đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. 76,4% vốn đăng ký năm 2011 tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cao hơn hẳn tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này năm 2010 (54,1%). Đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm 2011 chỉ chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký (trong khi năm 2010, con số này chiếm 34,3%). Vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,1 tỉ USD, tăng 1,65 lần mức vốn đăng ký tăng thêm của năm 2010 (1,89 tỉ USD). Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

 Vốn thực hiện của khu vực FDI tại Việt Nam năm 2011 ước đạt 11 tỉ USD, bằng với mức thực hiện của năm 2010 và đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 54,5 tỉ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 39,3% so với năm 2010, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 47,2 tỉ USD. Góp phần làm giảm gánh nặng cho cán cân thương mại. Nhập khẩu của khu vực FDI là 47,8 tỉ USD, tăng 29,3% so với năm 2010.

Thu nội địa từ khu vực FDI năm 2011 khoảng 3,5 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2010 (3,04 tỉ USD). Thu từ dầu thô vượt dự toán năm gần 44% và ước đạt 4,8 tỉ USD. Khu vực FDI góp phần đáng kể vào tăng thu ngân sách và do đó, làm giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Việc giải ngân các dự án FDI đạt được những kết quả trên là do chúng ta đã chú trọng việc thúc đẩy tiến độ giải ngân dự án, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại dự án và tập trung hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho nhà đầu tư, đồng thời kiên quyết xử lý các dự án chiếm dụng đất lớn, nhà đầu tư chậm triển khai, tiến hành thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Một trong những điểm nổi bật của năm 2011 là xu hướng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án quy mô lớn và rất lớn với quy mô vốn đăng ký hàng tỉ USD, nhất là các dự án bất động sản, đã giảm hẳn. Nếu như năm 2008 - năm thu hút FDI đạt mức 71,7 tỉ USD, cao nhất trong 25 năm thực hiện thu hút FDI, có đến 11 dự án có quy mô vốn đăng ký từ 1 tỉ USD trở lên với tổng vốn đăng ký của các dự án này là 45,7 tỉ USD (chiếm tới 64% tổng vốn đăng ký năm 2008) thì năm 2011, chỉ có 2 dự án có mức vốn đăng ký trên 1 tỉ USD. Hơn nữa, các dự án quy mô lớn của năm 2011 đều là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, dự án BOT điện lực Jak Hải Dương với quy mô vốn đăng ký 2,26 tỉ USD, dự án sản xuất pin mặt trời First Solar tại Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô vốn đăng ký trên 1 tỉ USD.

Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước

Năm 2011 đã đổi mới cách triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, vào các đối tác tiềm năng, thể hiện tính khu vực, liên vùng, liên ngành cao và mang tính chuyên đề. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng các bộ, ngành soạn thảo đề án đối tác chiến lược, danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Quy định về quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Trong công tác cấp phép đầu tư, các cơ quan cấp phép, nhìn chung, đã xem xét kỹ hơn, chuyên sâu, để hạn chế các dự án kém hiệu quả và các nhà đầu tư thiếu năng lực. Thời gian cấp phép và cơ chế phối hợp trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số những bất cập do luật pháp còn chưa đồng bộ, quy hoạch chưa rõ ràng.

Trong quản lý sau cấp phép, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các bộ, ngành tiến hành một số cuộc kiểm tra trong lĩnh vực xi măng, bất động sản, chuyển giá; rà soát việc vay vốn trong nước... để nắm bắt tình hình thực tế, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.

Về công tác phối hợp giữa các cơ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã triển khai công tác phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương thông qua các cuộc giao ban định kỳ về đầu tư nước ngoài; tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp thông qua kênh diễn đàn doanh nghiệp, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, gặp mặt với một số hiệp hội doanh nghiệp... tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Để tăng cường công tác quản lý, hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài đang được xây dựng. Các thông tư quy định về báo cáo thống kê; kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư đã được dự thảo, chuẩn bị ban hành. Công tác này được thực hiện tốt sẽ phục vụ hiệu quả việc phân tích, xây dựng chính sách. Năm 2012 Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai hệ thống thông tin nối mạng với các địa phương để thực hiện tốt công tác báo cáo thống kê, từ đó có thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành và hoạch định chính sách.

Một số định hướng chủ yếu trong thu hút, quản lý vốn FDI

Trong năm 2012 và thời gian tới, việc quản lý FDI sẽ chú trọng và tăng cường theo hướng: (1) nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn FDI; (2) nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; và (3) hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về FDI, đồng thời, đôn đốc các bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung được nêu tại Chỉ thị 1617/CT-TTg, ngày 19-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới”.

Việc thu hút FDI sẽ không đặt nặng về lượng vốn đăng ký, mà tập trung vào thúc đẩy giải ngân FDI; thu hút FDI phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; thu hút FDI có chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường; lĩnh vực tạo liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng; công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh; lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực... Đồng thời, hạn chế thu hút FDI trong những lĩnh vực phi sản xuất, làm gia tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên và đất đai, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Chủ trương đối với khu vực đầu tư nước ngoài là tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã cam kết, có định hướng thu hút vào các vùng một cách hợp lý, vào các lĩnh vực ưu tiên trên cơ sở phát triển bền vững và tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của từng sản phẩm ở thị trường nội địa và thế giới.

Thực hiện chủ trương để FDI tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển và khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dự kiến vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài năm 2012 tiếp tục duy trì ở mức 11 tỉ USD, bằng với ước thực hiện năm 2011; trong đó, vốn của bên nước ngoài đạt khoảng 8 tỉ USD.

Năm 2012 hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục thực hiện theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Loại dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường; những dự án có quy mô vốn thấp, sử dụng diện tích đất lớn, kinh doanh không hiệu quả; những dự án khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên và công nghệ lạc hậu, không có quy trình chế biến sâu; những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng... sẽ được xem xét một cách cẩn trọng, thẩm tra chặt chẽ theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Do vậy, dự kiến vốn đăng ký sẽ ở mức 15 tỉ USD./.



(1) Điều tra nhận được phản hồi của 346 nhà đầu tư, trong đó gần 70% câu trả lời chọn Việt Nam, trong khi Ấn Độ đứng thứ 2 với trên 40% và Thái Lan đứng thứ  3 với 40%