Nhận diện bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển bền vững đất nước. Bản sắc văn hóa và giá trị con người chính là lợi thế, là nguồn lực của quá trình phát triển. Tỉnh Quảng Ninh là một vùng đất được ví như hình ảnh của đất nước "Việt Nam thu nhỏ", là nơi hội tụ, giao thoa, kết tinh các giá trị tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng, giàu bản sắc với sức mạnh đặc trưng của con người đất Quảng Ninh hội tụ bốn phương. Bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để phát triển Quảng Ninh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Để khơi nguồn lực cho quá trình phát triển, việc nhận diện để xác định phương hướng, giải pháp phát huy bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh là một trong những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hiện nay.
BẢN SẮC VĂN HÓAVÀ VAI TRÒ CỦA BẢN SẮC VĂN HÓATRONG PHÁT TRIỂN
Bản sắc văn hóa là các giá trị văn hóa độc đáo, riêng biệt, thể hiện đặc trưng riêng của mỗi vùng, miền, rộng hơn là mỗi quốc gia, dân tộc. Đây là dấu hiệu để phân biệt văn hóa của vùng này với vùng khác, dân tộc này với dân tộc khác.
Bản sắc văn hóa được thể hiện tập trung ở truyền thống văn hóa. Truyền thống văn hóa là các giá trị do lịch sử để lại, được các thế hệ sau kế thừa và phát huy trong thời đại của họ, tạo nên dòng chảy liên tục của lịch sử. Khi được hình thành, truyền thống văn hóa có tính bền vững, có sức mạnh giúp các thế hệ sau nhận thức, định hướng, đánh giá và điều chỉnh hoạt động xã hội. Truyền thống văn hóa được biểu hiện sinh động trong các giá trị văn hóa vật thể (như các di tích lịch sử - văn hóa, các danh lam thắng cảnh, đền đài, lăng mộ, thành quách, các công trình kiến trúc, các khu vực khảo cổ,...) và các giá trị văn hóa phi vật thể (như thuần phong mỹ tục, lối sống, văn hóa ứng xử trong cộng đồng, các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian, trong ngôn ngữ, trang phục, nghi lễ, các biểu tượng văn hóa; các tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, nghệ thuật trình diễn dân gian, văn hóa ẩm thực, các ngành, nghề thủ công mỹ nghệ, bí quyết y dược học cổ truyền...). Đặc biệt, truyền thống văn hóa còn kết tinh tập trung ở con người, nhất là những danh nhân tiêu biểu, những anh hùng được cộng đồng suy tôn và ngưỡng vọng. Như vậy, bản sắc văn hóa không phải là cái trừu tượng mà nó được “vật chất hóa” thông qua các biểu hiện cụ thể mà chúng ta có thể thực hành để bảo vệ và phát huy nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại.
Truyền thống văn hóa mặc dù mang tính bền vững nhưng nó có tính lịch sử - cụ thể, có thể vận động và biến đổi theo thời gian và không gian. Truyền thống văn hóa cũng không phải chỉ bao gồm cái cũ do lịch sử để lại mà nó còn chứa đựng cả những cái mới đã và đang nảy sinh, tạo nên những giá trị mới để bổ sung cho truyền thống, đồng thời, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, hạn chế do lịch sử để lại để vượt lên, thích nghi với yêu cầu thời đại.
Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện tập trung ở hệ thống di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của mỗi vùng, mỗi quốc gia, dân tộc. Nhận thức về di sản hiện nay đã có một sự thay đổi mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển. Di sản văn hóa chính là tài sản văn hóa, một nguồn lực của phát triển. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa VIII, Đảng ta đã khẳng định một nhiệm vụ hết sức quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”. Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”(). Như vậy, có thể thấy vai trò của di sản trong phát triển đất nước hiện nay là:
1- Di sản văn hóa là cơ sở để cố kết cộng đồng; 2- Di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc; 3-Di sản văn hóa là cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hóa mới; 4-Di sản văn hóa là điều kiện để mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế' 5- Di sản văn hóa là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, bản sắc văn hóa của mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi quốc gia dân tộc ngày càng đóng vai trò trong phát triển. Bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa không chỉ có ý nghĩa khẳng định diện mạo, vị thế riêng của mỗi nền văn hóa mà nó còn là bảo vệ nguồn lực văn hóa cho phát triển. Sự đa dạng văn hóa là động lực cho sự sáng tạo, cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển. Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa đã được 146 quốc gia phê chuẩn, trong đó có Việt Nam (Việt Nam tham gia ngày 4/7/2007). Công ước này là một trong những yếu tố nền tảng để Việt Nam thúc đẩy và cụ thể hóa chính sách kinh tế, xã hội trong văn hóa, chú trọng tới các chính sách công nhằm bảo vệ, phát huy bản sắc thông qua tôn trọng sự đa dạng văn hóa, tôn trọng cách thức biểu đạt khác nhau của mỗi nhóm người và các xã hội. Đa dạng văn hóa không chỉ thể hiện ở những cách thức biểu đạt của di sản văn hóa mà còn được thể hiện ở những cách thức sáng tạo, sản xuất, phổ biến, phân phối và hưởng thụ nghệ thuật, sử dụng bất cứ phương tiện và công nghệ nào.
Các cách thức biểu đạt và sự sáng tạo này tác động trực tiếp đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển thị trường văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách văn hóa ở Việt Nam trong những năm gần đây đều chú ý tới tôn trọng và bảo vệ bản sắc văn hóa, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, hướng đến nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa, góp phần vào nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa trong giao lưu, hội nhập quốc tế.
Như vậy, vấn đề bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa đã trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với xây dựng văn hóa mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa. Chính vì vậy, văn hóa đã được nhấn mạnh là “hồn cốt của dân tộc”, “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đây chính là khẳng định vai trò của văn hóa, đặc biệt là bản sắc văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
NHẬN DIỆN BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ SỨC MẠNH CON NGƯỜI QUẢNG NINH
Điều kiện địa lý - sinh thái nhân văn
Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, và địa - văn hóa độc đáo, có dáng một hình chữ nhật lệch nằm chếch theo hướng đông bắc - tây nam.
Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ và trên biển với giáp Trung Quốc. Địa hình tỉnh Quảng Ninh là tỉnh miền núi - duyên hải. Hơn 80% đất đai là đồi núi, hơn 2.000 hòn đảo nổi trên mặt biển cũng là những quả núi. Vùng núi của tỉnh chia làm 2 miền: Vùng miền Đông từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái; vùng núi miền Tây từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, Hoành Bồ. Phía Bắc thị xã Uông Bí và thấp dần xuống phía bắc huyện Đông Triều (đây thường được gọi là cánh cung Đông Triều với đỉnh Yên Tử (1068m) trên đất Uông Bí và đỉnh Am Váp (1094m) trên đất Hoành Bồ).
Vùng trung du và đồng bằng ven biển gồm những dải đồi thấp bị phong hóa và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các chân núi thấp dần xuống các triền sông và bờ biển. Đó là các vùng Đông Triều, Uông Bí, bắc Yên Hưng (đảo Hà Nam), đông Yên Hưng, Đồng Rui (Tiên Yên), nam Đầm Hà, đông nam Hải Hà, nam Móng Cái.
Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng có địa hình độc đáo. Có hơn 2.000 hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2.078/2.779 đảo). Các đảo trải dài ven biển hơn 250km chia thành nhiều lớp. Có đảo lớn như đảo Cái Bầu, Bàu Sen, lại có đảo nhỏ như hòn non bộ. Có 2 huyện hoàn toàn là đảo là huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long có hàng ngàn đảo đá vôi, nguyên là vùng địa hình Karst bị nước bào mòn tạo nên hình dáng bên ngoài và nhữnghang động bên trong kỳ thú.
Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn có những bãi cát trắng táp lên từ sóng biển. Có nơi thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ thủy tinh, có nơi thành bãi tắm nổi tiếng như Trà Cổ, Quan Lạm, Minh Châu, Ngọc Vừng... Vùng biển Quảng Ninh giáp vịnh Bắc Bộ, một vịnh lớn nhưng hiếm gió, thuận lợi cho các tàu thuyền ra vào tránh gió bão.
Điều kiện địa lý - sinh thái nhân văn nói trên đã góp phần làm nên bản sắc độc đáo của văn hóa Quảng Ninh, con người Quảng Ninh trong lịch sử và tiếp nối đến hiện nay.
Truyền thống lịch sử và văn hóa
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, tiền sử Quảng Ninh được biết đến sớm nhất là các địa điểm thuộc văn hóa Soi Nhụ. Vào thời kỳ của văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn khoảng 18.000 năm về trước, lúc băng hà lần cuối cùng phát triển, mực nước biển Đông thấp hơn độ sâu 110 - 120m dưới mực nước biển. Trên vùng đất vài nghìn km của Quảng Ninh và khu vực vịnh Hạ Long là một đồng bằng cổ. Ở đây đã tồn tại một cộng đồng cư dân tiền sử lớn. Họ sống trong các hang động đá vôi, trên một địa bàn độc lập so với cư dân Hòa Bình - Bắc Sơn cùng thời, đã sáng tạo nên nền văn hóa Soi Nhụ song song tồn tại với các văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Đây là cơ sở để hình thành các loại hình văn hóa mới tại Cái Bèo, tiếp theo là nền văn hóa Hạ Long nổi tiếng().
Căn cứ vào các dữ liệu khoa học lịch sử, các nhà khoa học đã xác định từ thời kỳ tiền sử đến đầu thời sơ sử, tỉnh Quảng Ninh có quá trình phát triển liên tục, không có sự đứt đoạn nào (thông qua tài liệu sau cuộc khai quật di chỉ Đầu Rằm). Việc phát hiện các di tích sơ sử ở Quảng Ninh đã góp phần khẳng định rằng vào thời Hùng Vương, Quảng Ninh đã thực sự là một bộ phận của nhà nước Văn Lang.
Trong quá trình lịch sử, tỉnh Quảng Ninh là vùng đất liên tục diễn ra các cuộc chiến chống ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ, tỉnh Quảng Ninh đã ghi dấu những chiến công lừng lẫy nhất trong lịch sử với ba lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Nơi đây cũng chứng kiến sự phát triển kinh tế sôi động dưới thời phong kiến, đặc biệt là với thương cảng Vân Đồn. Đồng thời, đây cũng là cái nôi văn hóa quan trọng nhất, thâm sâu nhất trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc với trung tâm phật giáo Yên Tử.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm khai thác than đem lại lợi ích cho thực dân Pháp. Và, vì vậy, nơi đây cũng trở thành cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, trở thành trường rèn luyện đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và giác ngộ ý thức giai cấp và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trở thành giai cấp duy nhất trong thời đại mới có thể tập hợp được lực lượng của toàn thể dân tộc, có thể kế thừa và phát huy được truyền thống hào hùng của dân tộc để đứng lên đấu tranh chống đế quốc, phát xít xâm lược và bè lũ tay sai của chúng cho đến thắng lợi cuối cùng. Hàng triệu người dân Quảng Ninh đã lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Nhật, và chống đế quốc Mỹ, góp phần viết nên bản anh hùng ca trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh tiếp tục phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của tỉnh để tạo nên những kỳ tích mới trong phát triển Quảng Ninh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Đặc điểm cư dân
Quảng Ninh là vùng đất sinh sống của nhiều dân tộc anh em, vừa có nguồn gốc bản địa, vừa có nguồn gốc từ các tỉnh, đông nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Họ tập trung chủ yếu tại các đô thị, các khu công nghiệp và đồng bằng ven sông, ven biển. Người Việt (Kinh) chiếm 89,23% tổng dân số; người Dao (4,45%) có hai nhánh chính là Thanh Y, Thanh Phán thường cư trú ở vùng núi cao; người Hoa (0,43%), người Sán Dìu (1,8%), Sán Chỉ (1,1%)... Các dân tộc thiểu số ở đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng biệt trong ngôn ngữ, y phục, lễ hội, phong tục.
Dân số ở Quảng Ninh có đặc điểm đáng chú ý là “dân số trẻ”, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tới 37,6%. Người già trên 60 tuổi (với nam) và trên 55 tuổi (với nữ) là 7,1%. Các huyện miền núi tỷ lệ trẻ em dưới tuổi lao động còn lên tới 45%. Tỷ lệ nam giới đông hơn nữ giới (nam chiếm 50,9%, nữ 49,1%), ngược với tỷ lệ toàn quốc. Ở các địa phương có ngành công nghiệp mỏ, tỷ lệ này còn cao hơn, ví dụ: Cẩm Phả, nam là 53,2%, nữ là 46,8%. Mật độ dân số của tỉnh phân bố không đều, dân số sống ở thành thị đạt gần 620.200 người/km2; mật độ dân số tại nông thôn đạt 557.000 người/km2. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 11,5%(). Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Quảng Ninh là vùng đất hấp dẫn lực lượng lao động từ các nơi trên cả nước về sinh sống và làm việc khá đông. Đây là những chủ nhân góp phần quyết định vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh để phát triển bền vững, làm giàu cho vùng đất mỏ anh hùng, giàu truyền thống lịch sử cách mạng.
Tài nguyên văn hóa của Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh có một kho tài nguyên văn hóa khổng lồ. Đó là 541 di sản văn hóa vật thể gồm những đình, chùa, đền miếu, danh lam thắng cảnh và hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian. Các di sản văn hóa của Quảng Ninh phản ánh sự kế tiếp lịch sử từ khi con người xuất hiện ở vùng đất này giai đoạn đồ đá, đồ đồng (cách ngày nay hàng ngàn năm) đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, giai đoạn chống Pháp, Mỹ và hiện nay. Đồng thời, các di sản văn hóa cũng được phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh, từ khu vực miền núi, biên giới tới hải đảo từ Đông Triều đến Trà Cổ với những giá trị khác nhau, bản sắc khác nhau.
Điều kiện địa lý - sinh thái nhân văn đa dạng và phong phú đã tạo cho Quảng Ninh những thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó, dạng địa hình biển đảo là dạng địa hình đặc trưng, chi phối và kiến tạo cho Quảng Ninh không gian tự nhiên kỳ vĩ, độc đáo, là nền tảng tạo nên Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, vườn quốc gia Bái Tử Long... Dạng địa hình trung du có hồ Yên Lập (Hoành Bồ), hồ Yên Trung (Uông Bí), thác Lựng Xanh (Uông Bí), thác Mơ (Yên Hưng), rừng thông (Yên Hưng)... Dạng địa hình đồi núi có rừng nguyên sinh Yên Tử, khu Bảo tồn Đông Sơn - Kỳ Thương,... là một trong những nôi của người Việt cổ, với ba nền văn hóa kế tiếp nhau từ nền văn hóa Soi Nhục, văn hóa Cái Bèo, văn hóa Hạ Long, Quảng Ninh đã phát hiện hàng ngàn hiện vật cổ chứng minh sự tồn tại của một nền văn hóa độc đáo ở vào vị thế “cửa ngõ” của nền văn minh Việt cổ. Bên cạnh đó, các di tích khảo cổ, Quảng Ninh còn lưu giữ hàng loạt các di tích - lịch sử văn hóa quan trọng như Di tích thương cảng Vân Đồn; khu di tích lịch sử Bạch Đằng, các cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ...
Về di sản văn hóa phi vật thể, Quảng Ninh là vùng đất rất giàu có về di sản văn hóa phi vật thể với 2.800 hồ sơ gồm: 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng văn hóa vùng, miền; hàng loạt các di sản bao gồm ngữ văn dân gian (gồm có: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm âm nhạc, vũ điệu, sân khấu); tập quán xã hội (bao gồm hương ước, luật tục, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động, y dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục,...); nghề thủ công truyền thống.
Đặc biệt, Quảng Ninh lưu giữ được nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Hội làng của đồng bào dân tộc Dao ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ), Lễ hội Sóng Cọ; Lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày ở xã Lục Hồn (Bình Liêu), Lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), Lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), Hội chùa Quỳnh Lâm, Hội đền An Sinh (huyện Đông Triều), lớn nhất là Lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả) và Lễ hội Yên Tử (Uông Bí).
Ngoài ra, văn hóa Quảng Ninh còn có đặc trưng mang bản sắc riêng của “văn hóa công nhân mỏ” được hình thành và phát triển gần 150 năm nay, gắn liền với quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc tronghai cuộc kháng chiến chống xâm lược và những thành tựu trong xây dựng đất nước, góp phần làm nên những đặc trưng của văn hóa Quảng Ninh hiện nay.
Có thể nói, nguồn tài nguyên văn hóa của Quảng Ninh thể hiện ở truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng, phản ánh qua các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giàu có, phong phú, đa dạng cùng với tinh thần yêu nước, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh là nguồn lực vô giá để phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng: Hành chính - Minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc hiện nay.
NHỮNG THÀNH TỰU VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI QUẢNG NINH TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Quán triệt sâu sắc và toàn diện quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (năm 1998) và Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương chín khóa XI (năm 2014) về văn hóa, ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Trong đó, xác định mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện. Đặc biệt là tập trung phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính - Minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.
Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh cũng tiếp tục xác định: Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Từ đó, tập trung nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này. Nghị quyết này đã đề ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với các trọng tâm, trọng điểm và lộ trình cụ thể. Trong đó, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung, và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể, phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân vùng mỏ; khắc sâu, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm du lịch, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản có nguy cơ mai một.
Trên cơ sở chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết một cách sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương.
Quá trình thể chế hóa chủ trương của Đảng bộ tỉnh đã được tiến hành nghiêm túc, thành các quy hoạch, đề án, chuyên đề cho việc phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh trong xây dựng
Quảng Ninh giàu mạnh. Đó là tỉnh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn; Quy định việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, và lễ hội; Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh; Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh; Đề án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Nhiều công trình văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm: Bảo tàng, Thư viện tỉnh; Công viên hoa Hạ Long; Quảng trường 10/10; Cột Đồng Hồ; Cung Quy Hoạch; Hội chợ triển lãm tỉnh. Hệ thống các thiết chế văn hóa các cấp từ tỉnh tới cơ sở được đầu tư đồng bộ, tạo cơ sở vật chất thuận lợi để rút ngắn khoảng cách về tham gia và thụ hưởng văn hóa của người dân. Các thiết chế văn hóa của cấp huyện ở 13 địa phương được nâng cấp và sửa chữa, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khu dân phố đạt 98%.
Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được tăng cường. Đặc biệt là Di sản vịnh Hạ Long, Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Khu Di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, di tích đền Cửa Ông cùng nhiều di tích khác. Việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới tiếp tục đưa Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn để phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh ra thế giới.
Toàn tỉnh hiện có trên 600 di tích đã được kiểm kê, trên 100 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích được chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là vịnh Hạ Long, Yên Tử và di tích lịch sử Bạch Đằng. Bên cạnh đó, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, các hoạt động văn hóa dân gian trên biển của từng vùng, từng địa phương, các làng nghề truyền thống, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng và phát huy, như Tục hát “đúm” trên biển làng chài Cửu Vạn; hát Nhà tơ, hát múa Cửa Đình, lễ hội Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ Đại Phan của người Sán Dìu, lễ hội Xuống đồng, lễ hội Lồng Tồng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh” đã đạt những kết quả quan trọng. 94% số hộ trên toàn tỉnh đạt chuẩn gia đình văn hóa, 90% số thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 100% thôn, khu phố đã xây dựng quy ước, hương ước. Các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, năm 2020 có gần 40% tỷ lệ dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Nhiều vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia đạt huy chương tại các giải khu vực và quốc tế. Các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh được phát triển mạnh như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi, đua thuyền, pencak silat, cờ vua... Toàn tỉnh có trên 500 văn nghệ sĩ hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật có nhiều khởi sắc; mỗi năm có hơn 500 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng và hàng trăm buổi liên hoan, hội thi, hội diễn. Hàng loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao lớn của đất nước được tổ chức ở Quảng Ninh đã góp phần khẳng định vị thế quan trọng của Quảng Ninh trong đời sống văn hóa của đất nước.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại. Công nghiệp văn hóa đã bước đầu được hình thành, xây dựng được một số sản phẩm văn hóa đặc trưng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Trên đây là những thành tựu tiêu biểu trong quá trình bảo tồn và phát huy vai trò của bản sắc văn hóa Quảng Ninh để phát triển.
Tuy nhiên, so với các thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các thành tựu trên lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng. Tiềm năng và lợi thế về bản sắc văn hóa Quảng Ninh vẫn chưa được phát huy có hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong bối cảnh chung của thời kỳ sau đại dịch COVID-19, tiềm năng, lợi thế của du lịch di sản, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa biển và du lịch văn hóa bản địa chưa được đẩy mạnh. Các ngành công nghiệp văn hóa chưa có thành tựu nổi bật và tính liên kết, hệ thống của các lĩnh vực này chưa rõ. Việc phát triển các thị trường sản phẩm văn hóa còn chậm. Sự quảng bá các thành tựu văn hóa của Quảng Ninh ra thế giới còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của bản sắc văn hóa Quảng Ninh trong xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh phồn vinh, hạnh phúc, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Trước hết, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, các chương trình, dự án đề ra về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động văn hóa, khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế của văn hóa Quảng Ninh - vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể về nguồn lực văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa của Quảng Ninh, trong đó có nguồn lực về địa - văn hóa, về cảnh quan thiên nhiên, nguồn lực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nguồn lực con người, đặc biệt là nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, báo chí,... xác định vai trò, vị trí của từng loại nguồn lực này trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ ba, để phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là những ngành du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng, phát triển mạnh nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thời trang, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực... Kết nối phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Trung ương và các tỉnh bạn trên phạm vi cả nước. Mở rộng giao lưu văn hóa với các Di tích được UNESCO vinh danh trong nước và khu vực.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh, giới thiệu bản sắc văn hóa của Quảng Ninh đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Chú trọng quảng bá các chương trình tổ chức sự kiện văn hóa tại Quảng Ninh trên các Đài Truyền hình Trung ương và các đài phát thanh - truyền hình các tỉnh và thành phố trên cả nước. Đầu tư quảng bá, giới thiệu một số thành tựu văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh trên các kênh quốc tế uy tín. Đẩy mạnh quảng bá thông qua báo chí điện tử và mạng xã hội.
Thứ năm, tập trung đổi mới quản lý phát triển văn hóa, xây dựng con người trong giai đoạn mới gắn với yêu cầu phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh để phát triển. Trong công tác quản lý văn hóa, cần vận dụng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong hội nhập quốc tế, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, đẩy mạnh việc biến các giá trị văn hóa giàu bản sắc thành sản phẩm gắn kết với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Nguồn lực văn hóa phong phú và đa dạng của tỉnh chỉ trở thành “vốn văn hóa” khi nào gắn kết với sản xuất và thị trường tiêu thụ, tạo ra giá trị thặng dư. Khi đó, bản sắc văn hóa kết tinh trong các giá trị văn hóa mới được nhân lên và tỏa sáng trong xã hội, vừa góp phần cho tăng trưởng kinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa của xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần giảm phân hóa giàu, ngheo, phân hóa giữ các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường hòa bình cho phát triển bền vững. Điều tiết sự phát triển văn hóa thông qua đòn bẩy kinh tế, thông qua việc thể chế hóa chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế là một nội dung rất quan trọng trong đổi mới tư duy quản lý văn hóa hiện nay. Trong đó, cần nhấn mạnh đến vấn đề xã hội hóa, khai thông, huy động các nguồn lực trong xã hội, kết hợp các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội trong quá trình phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ sáu, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở tỉnh Quảng Ninh. Nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nhìn chung đội ngũ nguồn nhân lực trên lĩnh vực đào tạo, quản lý và thực hành chuyên môn để xây dựng và phát triển văn hóa, con người, phát huy bản sắc địa phương đang đứng trước những yêu cầu mới, đặc biệt là những kiến thức về khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao về tư tưởng, thẩm mỹ, nghệ thuật và kinh tế. Vì vậy, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho tỉnh để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một ưu tiên có ý nghĩa cơ bản và cấp bách hiện nay. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực này không chỉ hạn hẹp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuât mà cần mở rộng ra các kiến thức mới về khoa học, công nghệ, kiến thức về kinh tế trong sáng tạo, sản xuất và phát triển các sản phẩm văn hóa và các dịch vụ văn hóa./.
Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong bối cảnh hội nhập quốc tế - Góc nhìn từ Quảng Ninh  (30/09/2023)
Giá trị đặc sắc của di tích lịch sử, kiến trúc đình Trà Cổ - cột mốc văn hóa ở vùng duyên hải đông bắc  (30/09/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp