Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh có 56 xã, thị trấn khu vực I, không còn xã khu vực II và khu vực III là các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn; tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 12 thôn, bản, khu đặc biệt khó khăn ở 6 xã và 1 thị trấn. Đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 16,2 vạn người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, với 42 thành phần dân tộc anh em cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh là các địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Tỉnh Quảng Ninh xác định chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh: “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; trong mọi điều kiện phải bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Xác định rõ những khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn phát triển mới, tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương để ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch triển khai sớm và có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Ngày 17-5-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, cụ thể là: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu - nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Kế thừa những thành tựu đạt được của việc triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc trong các nhiệm kỳ trước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân, thời gian qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển đột phá.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi được ưu tiên đầu tư: Với quan điểm “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phát triển đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng cùng với phát triển toàn diện các hạ tầng thiết yếu phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đến nay, hệ thống giao thông đã được nhựa hóa, bê-tông hóa, kết nối liên thông đến 100% số thôn, bản; 100% số hộ dân ở các xã, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia và điện an toàn từ các nguồn; 100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh Quảng Ninh, phủ lõm sóng điện thoại di động đến hầu hết các thôn, bản.

 Công tác giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng: Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 54,4 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020. Đến cuối năm 2022, tỉnh còn 258 hộ nghèo (giảm 1.268 hộ so với năm 2021, giảm 83,09% số hộ nghèo cuối năm 2021), chiếm tỷ lệ 0,067% (giảm 0,343% so với năm 2021); trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo còn 171 hộ nghèo (giảm 1.183 hộ so với năm 2021, giảm 87,37% số hộ nghèo thuộc vùng cuối năm 2021); 12/12 thôn, bản đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn. Đồng thời, hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

 Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng: 100% số xã, huyện đạt chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85,85%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 47,5%; 100% số học sinh là người dân tộc thiểu số được định hướng nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở được phân luồng vào học nghề và vừa học văn hóa vừa học nghề đạt 24,48%. Tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất các trường học đạt chuẩn với chỉ tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2025, hoàn thành việc hỗ trợ mỗi huyện xây dựng một trường công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã xây dựng một trường trung học phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao; nâng cao chất lượng các trường và cơ sở dạy nghề theo hướng chất lượng cao gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng và có bước phát triển: Tỉnh ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách chi cho sự nghiệp y tế, đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở y tế, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là người nghèo, đối tượng khó khăn thông qua việc ban hành chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho 100% người dân sống ở địa bàn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, duy trì trên 98% số đồng bào dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế. Bảo đảm 100% số xã tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; duy trì ổn định 97,82% số hộ dân tại xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và quyết liệt triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt sạch theo quy chuẩn cho 70% số dân cư nông thôn toàn tỉnh trong năm 2023.

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn: Bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của tỉnh Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm. Việc giữ gìn gắn với khai thác các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ được hình thành. Xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đạt kết quả bước đầu tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, đến nay 100% số thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhà văn hóa và sân chơi thể thao. Tỉnh đã xây dựng, triển khai đồng bộ các đề án: Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở; Đề án xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh; Đề án phát triển sản phẩm du lịch; Đề án du lịch cộng đồng bền vững; Đề án thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa một số làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc triển khai công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cũng còn một số khó khăn, thách thức là: Địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cách xa trung tâm chính trị tỉnh, địa hình chia cắt, khí hậu, thời tiết có những diễn biến phức tạp, không thuận lợi trong phát triển kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân trong vùng; khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội thiết yếu so với các vùng, miền khác còn lớn. Nhiều chính sách còn gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện, chưa mang lại hiệu quả thiết thực, như chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế, đào tạo nghề hỗ trợ việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động. Tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, trình độ của đội ngũ cán bộ ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Vấn đề giao thoa văn hóa giữa các dân tộc (nội vùng) và du nhập các văn hóa ngoại lai hiện nay đang là nguy cơ làm mất bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Một bộ phận người dân tộc thiểu số còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc bằng lòng với hiện tại, thiếu ý chí tự chủ, vươn lên thoát nghèo.

Trong những năm tiếp theo, công tác dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền quan tâm một cách sâu sắc và toàn diện. Đảng và Nhà nước ta đang điều chỉnh mạnh mẽ các chính sách dân tộc để phù hợp với điều kiện mới của đất nước và yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thể hiện trong Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới; các nghị quyết của Quốc hội; Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Đây là những chủ trương, chính sách tạo bước ngoặt hết sức to lớn, đột phá cho công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, qua nhiều năm được tỉnh quan tâm đầu tư hỗ trợ, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thay đổi rõ rệt; dân trí phát triển, ý thức tự lực thoát nghèo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số của tỉnh.

Từ thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh, đề xuất một số giải pháp sau:

1- Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai đầy đủ các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh đối với các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17-5-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm trước mắt là triển khai có hiệu quả, đúng định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 2- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông với quan điểm “truyền thông đi trước một bước”, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực, khích lệ và khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vươn lên vượt khó của đồng bào các dân tộc. Chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động gắn với phát động, tổ chức các phong trào thi đua, nhất là thực hiện khâu đột phá “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng, miền” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Công tác truyền thông cần góp phần làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, chuyển từ là đối tượng thụ động thụ hưởng các cơ chế, chính sách thành chủ thể chủ động triển khai thực hiện chính sách và hưởng thành quả từ chính sách.

3- Xác định phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới là khâu “đột phá của đột phá”; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm dựa trên các lợi thế của tỉnh trong chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị, các ngành dịch vụ. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định mang tính chiến lược để tăng cường nguồn lực con người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

4- Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo; trong đó, tập trung vào một số dự án củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa bàn xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu, động lực kết nối vùng và nội vùng phục vụ cho lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao đời sống nhân dân; ưu tiên các dự án công trình thiết yếu, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cấp hệ thống điện, giải quyết các vấn đề về đất ở, đất sản xuất, nhà ở; các công trình cấp nước sạch tập trung tại địa bàn các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

5- Tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình "Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)" đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới theo hướng phát triển sản phẩm lợi thế, riêng có của vùng, miền, lựa chọn sản phẩm “đặc sản” thay thế cho “cao sản”. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khôi phục, phát triển, mở rộng các chợ phiên miền núi, biên giới và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ hàng hóa cho người dân.

6- Thực hiện có hiệu quả các đề án liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới. Ban hành các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số, để thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa ở các huyện miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm văn hóa đặc trưng vùng, miền để phục vụ phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

7- Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với “thế trận lòng dân” vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo. Phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá để có những giải pháp phù hợp trong từng thời điểm./.