Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong bối cảnh hội nhập quốc tế - Góc nhìn từ Quảng Ninh

GS, TS Nguyễn Chí Bền
Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
02:24, ngày 30-09-2023

Hội nhập quốc tế là xu hướng lớn của thời đại, với những biến động khó lường. Văn hóa dân gian của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới chịu tác động to lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong tham luận này, chúng tôi, từ quan niệm chung về hội nhập quốc tế, trình bày những vấn đề đặt ra của văn hóa dân gian ở một tỉnh có nhiều đặc thù như tỉnh Quảng Ninh. 

Mấy phác thảo về văn hóa dân gian tỉnh Quảng Ninh

Nói đến tỉnh Quảng Ninh, phải nói đến vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của một vùng đất có khá nhiều đặc thù. Trước hết, Quảng Ninh là một tỉnh biên giới, tiếp giáp với Trung Quốc, một trong số 7 tỉnh, thành của nước ta có đường biên giới với Trung Quốc, là tỉnh duy nhất có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc, trong đó đường biên giới đất liền là 118,82km, đường phân định vịnh Bắc Bộ trên biển dài 191km, vùng biển của tỉnh Quảng Ninh có trên 6.000km2 với đường bờ biển dài trên 250km.

Mặt khác, Quảng Ninh là tỉnh có cả ba không gian văn hóa: không gian văn hóa núi đồi, không gian văn hóa đồng bằng và không gian văn hóa biển đảo. Quảng Ninh là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải, với hơn 80% đất đai là đồi núi. Vùng núi chia làm hai miền: Vùng núi miền đông từ huyện Tiên Yên qua các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến thành phố Móng Cái. Đây là vùng nối tiếp của vùng núi Thập Vạn Đại Sơn từ Trung Quốc. Vùng núi miền tây từ huyện Tiên Yên qua huyện Ba Chẽ, phía bắc các thành phố Hạ Long, Uông Bí và thấp dần xuống ở phía bắc thị xã Đông Triều. Vùng trung du và đồng bằng ven biển gồm những dải đồi thấp bị phong hóa và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các chân núi thấp dần xuống các triền sông và bờ biển. Đó là vùng thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, bắc thị xã Quảng Yên, nam huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà và một phần thành phố Móng Cái. Các cửa sông, các vùng bồi lắng phù sa tạo nên những cánh đồng và bãi triều thấp. Vùng biển và hải đảo của tỉnh Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo. Hơn hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2.078/2.779), đảo trải dài theo đường ven biển hơn 250 km chia thành nhiều lớp và diện tích các đảo chiếm 11,5% diện tích đất tự nhiên. Có những đảo rất lớn như đảo Cái Bầu, Bản Sen, lại có đảo chỉ như một hòn non bộ. Có hai huyện hoàn toàn là đảo, là huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long có hàng ngàn đảo đá vôi, nguyên là vùng địa hình karst (axit carbonic) bị nước bào mòn tạo nên muôn nghìn hình dáng bên ngoài và trong lòng là những hang động kỳ thú.

Với vị thế địa - chính trị và địa - văn hóa như thế, văn hóa dân gian Quảng Ninh có nhiều đặc thù, trước hết là các hằng số của lịch sử văn hóa dân gian. Nói đến các hằng số của văn hóa dân gian Việt Nam, GS Trần Quốc Vượng khẳng định: “thần thái văn hóa dân gian, văn hóa Việt Nam nói chung dựa trên ba hằng số kinh tế - xã hội là nghề nông trồng lúa nước - người tiểu nông - làng xóm, trên tảng nền ấy đã nảy sinh và đi vào cả vĩnh hằng lịch sử di sản folklore Việt Nam”(1). Trên bình diện lý thuyết, quan điểm này hoàn toàn chính xác, nhưng ở các vùng văn hóa khác nhau, các hằng số ấy khác nhau. Ở tỉnh Quảng Ninh, không phải chỉ có nghề trồng lúa nước, mà còn trồng lúa rẫy và nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, làng xóm cũng vậy, có làng của dân trồng lúa nước, nhưng cũng có các vạn chài. Chủ thể sáng tạo văn hóa dân gian Quảng Ninh, nhìn ở phương diện dân tộc gồm người Kinh (Việt), người Tày, người Dao, người Sán Dìu, Sán Chay, Sán Chí…; nhìn ở phương diện nghề nghiệp, có người sống với nghề trồng lúa nước, lúa rẫy, có người sống với nghề đánh bắt thủy, hải sản.

Vì thế, văn hóa dân gian Quảng Ninh là một kho tàng vừa phong phú về thể loại, giàu có về trữ lượng tác phẩm, sâu sắc về giá trị. Các loại hình của văn hóa dân gian, vào thập niên 90 của thế kỷ XX, theo GS Đinh Gia Khánh có: nghệ thuật ngữ văn dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian và lễ hội dân gian, một thành tố tổng hợp(2). Về sau, các nhà nghiên cứu của Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tiếp nhận quan niệm của các nhà folklore Hoa Kỳ, bổ sung loại hình Tri thức dân gian.

Gần đây, thực hiện chủ trương kiểm kê di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã cho số liệu tỉnh Quảng Ninh có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, thuộc bảy loại hình: Lễ hội truyền thống có 77 di sản; nghề thủ công truyền thống có 25 di sản; nghệ thuật trình diễn dân gian có 22 di sản; ngữ văn dân gian có14 di sản; tập quán xã hội có 168 di sản; tiếng nói chữ viết có 7 di sản; tri thức dân gian  có 50 di sản. Trong đó, có 6 di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ then cổ của người Tày (huyện Bình Liêu), hát nhà tơ - hát (múa) cửa đình (thành phố Cẩm Phả), Lễ hội đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), Lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên), Lễ hội đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái), Lễ hội đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn).

Nói đến các loại hình của văn hóa dân gian Quảng Ninh, phải kể đến lễ hội cổ truyền, đó là những lễ hội rất độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Hội làng của đồng bào Dao ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ); lễ hội Soóng Cọ; lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu), của người Kinh như lễ hội đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái), lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (thị xã Đông Triều).

Về nghệ thuật trình diễn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều thể loại dân ca tiêu biểu như: Hát chèo đường, hát đám cưới trên Vịnh Hạ Long; hát đúm ở thị xã Quảng Yên; hát chèo ở thị xã Đông Triều, hát nhà tơ - hát múa cửa đình ở thành phố Móng Cái, các huyện Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn; hát soọng cô, soóng cọ, sáng cố, hát then, hát pả dung ở thành phố Hạ Long và các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu... Vì thế có nhiều nghệ nhân được trao tặng danh hiệu, như: Nghệ nhân nhân dân Đặng Thị Tự ở huyện Đầm Hà; các nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Lận, Nguyễn Thị Từ, Hoàng Thị Thảo, Nguyễn Thị Lộc ở thành phố Móng Cái với loại hình hát nhà tơ; các nghệ nhân ưu tú Ngô Đăng Nhuận, Phạm Thị Thành, Phạm Thanh Quyết, Phạm Thị Hợp với loại hình hát đúm ở thị xã Quảng Yên; các nghệ nhân Hà Thị Phương, Nông Thị Sin, Lương Thiêm Phú, Lương Thiêm Thành với hát then cổ ở huyện Bình Liêu; Nông Thị Hang với hát then ở  huyện Tiên Yên; các nghệ nhân Bàn Thị Vinh, Trương Thị Hoa, Lý Văn Út, Bàn Văn Khương, Trương Thị Quý hát dân ca Dao ở thành phố Hạ Long...

Ở các vùng giáp biển và trên các đảo của tỉnh Quảng Ninh đều có những lễ hội về biển. Tín ngưỡng của cư dân ven biển và trên đảo là đường dây nối kết, tạo cho lễ hội là “thời điểm mạnh trong sinh hoạt của cộng đồng” - GS. Đinh Gia Khánh, nhìn ở phương diện đạo lý, tín ngưỡng của cư dân biển đảo là tấm lòng tri ân với các anh hùng của quê hương, đất nước, những nhân vật lịch sử và các nhân vật huyền thoại, nhưng cũng thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Chẳng hạn, hội đình Trà Cổ được mở để người dân tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng, các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất hoang, mở làng, trong khi đó ở đình, miếu, nghè, chùa Quan Lạn (huyện Vân Đồn) lại là nơi thờ phụng 3 vị tướng tài của vương triều Trần (1226 - 1400): Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công đã anh dũng hy sinh trong trận chiến trên biển với giặc Nguyên Mông xâm lược năm 1288; đền Cửa Ông, đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn) thờ danh tướng Trần Quốc Tảng - người đã lãnh đạo người dân ở đây lao động, sinh sống, bảo vệ vùng biển Bái Tử Long - Hạ Long.

Kho tàng tri thức dân gian của người dân tỉnh Quảng Ninh cũng đa dạng, giàu có và phong phú. Với cư dân vùng núi, người dân thích ứng và luôn tổng kết thành những tri thức vô cùng quí giá. Với cư dân biển, đảo bên cạnh những lợi ích của biển còn là những hiểm họa khôn lường từ biển, cho nên cư dân biển, đảo phải không ngừng tích lũy kinh nghiệm để đối phó với biển. Cuộc sống gắn liền với biển đã khiến cho hệ thống tri thức dân gian của cư dân biển đảo Quảng Ninh hết sức phong phú, vì sự am hiểu về thiên nhiên, biển cả và nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với họ. Bởi vậy, từ thực tiễn đi biển, họ đúc rút thành những kinh nghiệm dân gian, tri thức dân gian về biển. Đó là các tri thức liên quan đến các hoạt động đánh bắt, lao động trên biển, các phong tục, tập quán sinh hoạt, các tri thức về môi trường và sử dụng nguồn tài nguyên, tri thức về sản xuất, tri thức về khí hậu, thời tiết, tri thức về đánh bắt thủy hải sản, tri thức về chế tạo công cụ. Chẳng hạn, người dân huyện Vân Đồn đã đúc rút nên những kinh nghiệm về những hiện tượng thiên nhiên, môi trường để căn cứ vào đó mà có những tính toán cho việc đi biển.

Như thế, văn hóa dân gian tỉnh Quảng Ninh là một kho tàng gồm những sáng tác của biết bao thế hệ người dân ở vùng đất Quảng Ninh, đa dạng về loại hình, thể loại, phong phú về trữ lượng tác phẩm, giàu có về giá trị.

Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức

Như đã phân tích, vị thế địa - chính trị, địa văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, khiến Quảng Ninh là một tiểu vùng văn hóa mở, các thời kỳ lịch sử luôn có  hội nhập quốc tế. Đây là địa bàn của Văn hóa Hạ Long phân bố ở vùng duyên hải đông bắc Việt Nam. Người Hạ Long phát triển đỉnh cao kỹ thuật chế tác đá, làm gốm, trồng cây lấy sợi; đánh bắt cá và giao thương trên biển. Di vật đặc trưng tiêu biểu nhất của văn hóa Hạ Long là những chiếc bôn có nấc và bàn mài có các rãnh hình chữ U cắt nhau. Một số di tích văn hóa Hạ Long có tuổi C14 là  4.100 ± 40 năm BP (di chỉ Ba Vũng), 3.380 ± 50 BP và 4.070 ± 50 BP (di chỉ Bãi Bến)(3). Đã có giao thương trên biển, ắt có hội nhập quốc tế. Ở thiên niên kỷ thứ hai sau CN, nhà Lý (1009 - 1225), là vương triều kế tục sự nghiệp nhà Tiền Lê. Năm 1149, nhà Lý, chủ thể văn hóa biển ở Đại Việt tiếp tục phát triển văn hóa biển,với đỉnh điểm là lập trang Vân Đồn vào năm 1149 cho người nước ngoài ở để buôn bán với Đại Việt: “Năm Kỷ Tỵ… (1149), mùa xuân, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”(4). Đầu thế kỷ XIX, khi viết về các tỉnh ven biển, các viên quan trong Quốc sử quán của nhà Nguyễn (1802 - 1945),vẫn ghi trong Đại Nam nhất thống chí: tỉnh Quảng Yên, “dân làm nghề đánh chài đi buôn, mối lợi nhờ  biển”(5). Dẫn lại như thế để thấy, Quảng Ninh là tỉnh địa đầu của Việt Nam, vừa là tỉnh biên giới, vừa là tỉnh biển, nên giao lưu văn hóa là nét đặc thù trong lịch sử văn hóa ở đây. “Giao lưu, ảnh hưởng, vay mượn còn là một nhân tố quan trọng trong quy luật truyền thống và đổi mới của văn hóa: Truyền thống - Tiếp biến (tiếp nhận - biến đổi), đổi mới”. Trong hội nhập, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là quan trọng, bởi bản sắc văn hóa chính là cái làm cho dân tộc không là cái bóng của dân tộc khác. Song, giữ gìn bản sắc không loại trừ sự tiếp biến văn hóa; văn hóa dân tộc phải hội lưu với văn hóa nhân loại, rồi theo dòng chảy của nó mà tiếp thu những cái “chân - thiện - mỹ” của các nền văn hóa trên thế giới để bồi đắp cho văn hóa bản địa”(6). Chính quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa đã mang đến những thay đổi và biến đổi lớn lao về cấu trúc cũng như phẩm chất của nền văn hóa, trong đó có văn hóa dân gian, theo ba hình thức của giao lưu văn hóa (acculturation)(7).

Về nguyên tắc, cần phân biệt sự khác nhau giữa hội nhập và mở cửa ở lĩnh vực kinh tế với hội nhập và mở cửa ở lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa dân gian, bởi kinh tế và văn hóa luôn là các lĩnh vực độc lập, mà lại phụ thuộc vào nhau. Thái độ cần tránh khi phân biệt hai lĩnh vực này, đương nhiên là tránh bảo thủ, tự tôn hoặc tự ti quá mức hoặc thiếu hiểu biết về cả hai lĩnh vực. Thái độ cần có là thái độ bình tĩnh khoa học để gạt bỏ những yếu tố tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa cũng như trong quá trình phát triển, nghĩa là câu chuyện chối từ và không chối từ, nhất là văn hóa dân gian. Bởi văn hóa dân gian là sáng tạo của các thế hệ tiền nhân,gắn bó với các chủ/khách thể ở làng quê, có thể là làng của đồng bào thiểu số, nhưng có thể ở các vạn chài, các đảo. Đấy chính là đơn vị xã hội căn cốt của xã hội ở tỉnh Quảng Ninh.

Cuối thế kỷ XX và những thập niên đầu của thế kỷ XXI, nhân loại đứng trước những biến đổi khó lường, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra với nội dung và phạm vi lớn. Về kinh tế, toàn cầu hóa tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng tạo ra những thách thức lớn cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cũng như các quốc gia khác, đón nhận yếu tố tích cực cũng nhiều nhưng tiếp nhận yếu tố tiêu cực không ít. Hội nhập quốc tế là quy luật khách quan, luôn đặt ra cho các quốc gia những thách thức: hội nhập mà không bị hòa tan. Trong lĩnh vực văn hóa, hội nhập quốc tế có những đặc thù riêng, không giống hội nhập quốc tế ở lĩnh vực kinh tế, xã hội hay quốc phòng, an ninh. Hội nhập quốc tế về văn hóa là sự thống nhất, biện chứng giữa “nhận” và “cho”. “Nhận” cái tinh hoa, ưu việt của nước ngoài nhưng quốc gia, tộc người tiếp nhận  cũng phải “cho” quốc gia khác, tộc người khác, đóng góp cho thế giới những tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Thực tiễn hội nhập quốc tế về văn hóa trong thời gian qua, chúng ta đang “nhận” nhiều mà “cho” ít. Việc đưa văn hóa Việt Nam, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, chưa đạt kết quả như chúng ta mong muốn.

Quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa trên nhiều khía cạnh đã tạo ra những động lực mới để văn hóa trong nước phát triển đa dạng, phong phú; xuất hiện nhiều loại hình, trong đó có cả những thiết chế văn hóa mới. Các sản phẩm văn hóa trong hội nhập quốc tế không chỉ góp phần tạo ra không khí dân chủ, cởi mở, người dân được tiếp cận nhiều tri thức nên dân trí được nâng cao, phát triển tính năng động sáng tạo, tự chủ và phát huy tính tích cực xã hội của con người, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Sản phẩm văn hóa tăng đáng kể về số lượng, có dấu hiệu tích cực về chất lượng, đã và đang hình thành thị trường văn hóa ở nước ta. Chính sự hội nhập quốc tế về văn hóa khiến cho hàng loạt các di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản thế giới theo Công ước năm 1972 như: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Khu di tích Mỹ Sơn..., được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp theo Công ước năm 2003, như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù của người Việt… Quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa hiện nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (gọi tắt là cách mạng 4.0), vì thế, các khía cạnh của hội nhập quốc tế về văn hóa càng rộng, càng sâu và đa dạng. Mặt khác, hội nhập  quốc tế về văn hóa còn mở ra những kênh trao đổi học thuật với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, qua các phương thức khác nhau từ đưa học sinh, sinh viên du học đến trao đổi học giả. Cho nên, trong lối sống và phong cách sống từ ăn, mặc, ở đến đi lại, ứng xử… của người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ đã tiếp nhận các yếu tố phương Tây và Bắc Mỹ, có hàng loạt các thay đổi trên các phương diện thụ hưởng cuộc sống, nâng cao chất lượng sống và thay đổi ứng xử liên quan đến bình đẳng giới. Bên cạnh những thành quả to lớn mang lại về kinh tế, văn hóa, xã hội, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong hơn 30 năm qua cũng dẫn đến những hậu quả  về văn hóa, xã hội, kinh tế. Đó là một thị trường văn hóa mà chưa có mô hình quản lý thích hợp gây ra sự khủng hoảng về đạo đức và lối sống trong xã hội. Chẳng hạn, trong lĩnh vực âm nhạc, các tác phẩm âm nhạc giải trí phát triển mạnh mẽ đang làm cho cả một thế hệ nhạc sĩ và ca sĩ lên ngôi; kèm theo là một thế hệ thính giả chỉ biết, chỉ nghe, chỉ thích những giai điệu, những lời ca thiếu sức truyền cảm, không biết, không nghe, không thích những ca khúc truyền thống mạnh mẽ và hào hùng, trữ tình và lãng mạn từng tạo nên nhiệt huyết công dân, tạo nên tình yêu cao cả đối với Tổ quốc, quê hương. Nhìn ở phương diện phát triển văn hóa, việc thuộc tên một ngôi sao nhạc nhẹ nước ngoài, thuộc những bài hát hay của thế giới đang thịnh hành thì không những không có hại mà còn có lợi ở chỗ thế hệ trẻ được mở mang tầm nhìn, tầm hiểu biết, được chia sẻ với bạn bè quốc tế những xúc cảm mạnh mẽ, những niềm vui, nỗi buồn thánh thiện do âm nhạc đem lại. Nhưng nếu chỉ chạy theo nhạc nước ngoài như một mode thời thượng, không cần hoặc không biết đến những tác phẩm âm nhạc trong sáng của dân tộc, tác phẩm âm nhạc dân gian của các thế hệ cha ông, thậm chí coi thường nó, thì lại hoàn toàn không đúng, tác hại khôn lường về đạo đức và lối sống của dân tộc.

Quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa là một quá trình hai chiều: tiếp nhận và sáng tạo, bị động và chủ động, và cuối cùng là mỗi quốc gia đều góp phần sáng tạo ra, làm giàu thêm cho văn hóa hội nhập nói chung và làm giàu thêm văn hóa dân tộc nói riêng. Giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế giữ vai trò hết sức quan trọng đối với  nền văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc: Không có một nền văn hóa nào, dù lớn và có ảnh hưởng sâu rộng đến đâu, lại có thể phát triển trong khép kín, biệt lập, tách rời với các nền văn hóa khác. Bài học lịch sử mà cha ông để lại trên vùng đất Quảng Ninh tại huyện đảo Vân Đồn, cả ngàn năm vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng hội nhập quốc tế trong tất cả các lĩnh vực kể cả văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng có hai mặt, mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặt tích cực là sẽ giúp cho văn hóa mỗi quốc gia, mỗi tộc người luôn phát triển, tiếp nhận được những giá trị tiến bộ của văn hóa các quốc gia khác, các dân tộc khác, làm giàu thêm cho văn hóa của dân tộc mình, quảng bá được văn hóa của dân tộc mình cho các dân tộc khác. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là nguy cơ san bằng và đồng nhất các hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa dân tộc, đe dọa và làm suy kiệt sự phong phú, khả năng sáng tạo của các nền văn hóa dân tộc, dẫn đến nguy cơ tha hóa, vong bản, thậm chí thủ tiêu các giá trị văn hóa dân tộc.

Những việc đã làm

Riêng về hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị khóa XI đã có Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, về hội nhập quốc tế xác định: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác.

Trong phạm vi tỉnh Quảng Ninh, ngày 9-3-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.

Có thể thấy hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng. Tại tỉnh Quảng Ninh, tư tưởng ấy luôn được quán triệt và thực hiện.

Trước tiên là đầu tư xây dựng những công trình văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế như: Bảo tàng - Thư viện, Công viên hoa Hạ Long, Quảng trường 30-10, Cột Đồng hồ, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh... Sau đó là xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư đồng bộ, đã rút ngắn khoảng cách nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân giữa các vùng miền, địa phương trong tỉnh. Thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện của 13 địa phương được xây mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp. Bên cạnh đó, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm chú trọng, như: Di sản vịnh Hạ Long, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, di tích đền Cửa Ông và nhiều di tích danh thắng khác. Đồng thời, việc đẩy mạnh các công việc làm hồ sơ quốc gia về Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới sẽ tiếp tục góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương hội nhập quốc tế về văn hóa mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho phát triển văn hóa, du lịch.

Với văn hóa dân gian, những năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện khá nhiều công việc có ý nghĩa và tác dụng để hội nhập quốc tế. Nhiều loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu của từng địa phương, từng vùng, các làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng và phát huy giá trị như: Tục hát “đúm” trên biển làng chài Cửa Vạn; hát Nhà tơ, hát múa Cửa đình; lễ hội Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ Đại phan của người Sán Dìu; lễ hội Xuống đồng; lễ hội Lồng Tồng. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở trong tỉnh, ngoài tỉnh đã sưu tầm, nghiên cứu và công bố các công trình văn hóa dân gian của các tộc người, các địa phương trong tỉnh. Có thể kể tới tác giả Nguyễn Quang Vinh với các công trình như Văn hóa làng Vân (2002), Văn hóa ẩm thực Quảng Ninh (2006), Văn hóa dân gian vùng biển Quảng Ninh (2010), Văn hóa dân gian làng Vạn Ninh (2015), Văn hóa dân gian xã đảo Ngọc Vừng (2019)...; tác giả Ngô Trung Hòa với công trình Góp phần bảo tồn lễ hội dân gian vùng biển đảo Quảng Ninh (2015); tác giả Nguyễn Thị Phương Thảo với công trình Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh  qua các lễ hội truyền thống (2016); tác giả Phạm Thanh Quyết với công trình Hát đúm Hà Nam, Yên Hưng (2004), Nguyễn Trung Hà với công trình Hát nhà tơ, múa cửa đình ( 2012), tác giả Từ Thị Loan với công trình Ca dao, dân ca vùng mỏ và vùng biển Quảng Ninh (2013) tác giả Vũ Thảo Ngọc với công trình Văn hóa dân gian công nhân mỏ Quảng Ninh (2020)(8). Những công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian của các tác giả trong tỉnh đều rất đáng quý. Tiếc là chưa có một công trình có tính chất tổng thể về văn hóa dân gian Quảng Ninh, chưa có một chuyên luận về văn hóa dân gian tỉnh Quảng Ninh. Và chưa có các công trình được in bằng tiếng nước ngoài, do các nhà xuất bản ở nước ngoài công bố. Nhất là các năm qua, các công trình trên đều ra mắt bạn đọc bằng bản in giấy.

Thay cho khuyến nghị

Xem xét những việc đã làm được về văn hóa dân gian trong hội nhập quốc tế về văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, cần đặt ra các vấn đề sau:

Thứ nhất, tổ chức một hoạt động nghiên cứu tổng thể về văn hóa dân gian tỉnh Quảng Ninh, mà đầu ra là một bộ Tổng tập văn hóa dân gian Quảng Ninh. Hai năm 2020 - 2021, tôi đã làm tổng chủ biên bộ sách Tổng tập văn hóa dân gian Nam Bộ, nên thấm thía công việc này. Quá trình sưu tập, sưu tầm cả dữ liệu và kết quả nghiên cứu tạo tiền đề để thế hệ hôm nay có thể có một bộ sách xuất bản bằng giấy và số hóa, trên cơ sở đó xây dựng và phát triển data bank (ngân hàng dữ liệu) văn hóa dân gian Quảng Ninh. Gần đây, rất nhiều người nói đến bigdata (dữ liệu lớn), nhưng không có data bank thì sao có big data được. Mặt khác, cần công bố kết quả nghiên cứu thành một chuyên luận/chuyên khảo ở trong nước và nước ngoài (với các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung…) về văn hóa dân gian Quảng Ninh. Hội nhập quốc tế, ắt hẳn các nhà khoa học cũng như bạn đọc nước ngoài mong muốn được tiếp cận công trình Văn hóa dân gian Quảng Ninh, bằng ngôn ngữ quốc tế, sẽ góp phần phát triển du lịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội và giới thiệu bản sắc Quảng Ninh, bản sắc Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, gắn kết quảng bá văn hóa dân gian với phát triển du lịch. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã yêu cầu: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”. Các tour, tuyến, điểm du lịch đều có tài liệu về văn hóa dân gian của tỉnh Quảng Ninh, giới thiệu cho du khách. Thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, so với nhiều địa phương khác trong nước là du lịch, du khách ưa thích, thậm chí đam mê vịnh Hạ Long, nên không thể không xem xét giới thiệu, quảng bá văn hóa dân gian Quảng Ninh với du khách trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, tổ chức cho các nhà khoa học, quản lý văn hóa dân gian và các nghệ nhân ở Quảng Ninh đi trao đổi, trình diễn ở nước ngoài và mời các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa dân gian, các nghệ nhân nước ngoài vào trình diễn, giới thiệu văn hóa dân gian của các quốc gia, các tộc người trên thế giới tại Quảng Ninh. Có thể suy tính một hội thảo khoa học quốc tế về văn hóa dân gian trong hội nhập quốc tế ở thời đại hiện nay vào thời điểm sắp tới.  

Thứ tư, xây dựng và thực hiện các chính sách hướng tới tạo mọi điều kiện cho các nghệ nhân dân gian có thể truyền dạy di sản văn hóa mà họ nắm giữ cho thế hệ kế tiếp, tránh sự đứt quãng trong việc trao truyền di sản văn hóa dân gian giữa các thế hệ. Thực tế, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện công việc này nhằm thực hiện Luật Thi đua khen thưởng và Luật di sản văn hóa 2001/2009, nhưng chưa thực sự để nghệ nhân làm tốt việc truyền dạy di sản văn hóa mà nghệ nhân đó được phong tặng.

Thứ năm, đưa các loại hình, thể loại văn hóa dân gian vào nhà trường các cấp sao cho hợp lý, không trở thành gánh nặng cho giáo viên và học sinh ở các nhà trường./.

-----------------------

(1) Xem: Nguyễn Du và di sản văn hóa Việt Nam, báo Văn nghệ số 47, ra ngày 20-11-198
(2) Xem: Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989
(3) Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo: Hạ Long thời tiền sử, Nxb. Thế giới, Hà Nội 1999. Xem thêm Hà Hữu Nga: “Văn hóa Hạ Long và Quá trình hình thành nhà nước Việt Cổ: Tiếp cận Khảo cổ học Nhận thức”, công bố trong blog Tiếng vọng Kattigara, 2012
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, t. 1, in lần 2, tr. 281
(5) Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, t. 4, tr. 13
(6) Ioanna Kucurradi: Triết học luận về sự phát triển văn hóa, trong cuốn: Phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr. 15
(7) Xem Trần Quốc Vượng (chủ biên): Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 52
(8) Xem thêm Thư mục địa chí Quảng Ninh, tài liệu của Thư viện tỉnh Quảng Ninh