THAM LUẬN HỘI THẢO: Kết nối văn hóa biển Quảng Ninh - Hải Phòng trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Hải Phòng là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; đứng thứ hai trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng với thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng là một trong ba đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Trong sáng kiến hợp tác kinh tế “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, thành phố Hải Phòng là một trung tâm kinh tế quan trọng.
Với tổng chiều dài khoảng hơn 376 km bờ biển trong tuyến vành đai biên giới biển (Hải Phòng có chiều dài khoảng 126 km, Quảng Ninh có chiều dài khoảng 250 km), thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là 2 địa phương có vị trí trọng yếu về kinh tế và quốc phòng - an ninh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Hải Phòng và Quảng Ninh đều đã và đang đặt trọng tâm cho sự hợp tác, liên kết trên nhiều phương diện, góp phần vào thành công chung trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng.
Được xác định là hạt nhân, là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo Quyết định số 198/QĐ-TTg, ngày 25-01-2014, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ký kết các chương trình hợp tác, phát triển toàn diện giữa 2 địa phương để cùng tạo ra những bước phát triển mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó phải kể đến một số dự án giao thông mang tính liên kết vùng, như: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến Cầu Kiền; Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh…
Sự hợp tác hiệu quả đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Quảng Ninh và Hải Phòng: 2 địa phương đều là những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao khu vực phía Bắc; thu ngân sách tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách Trung ương; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao...
Điểm nhấn trong phối hợp giữa Hải Phòng và Quảng Ninh là công trình cầu Bạch Đằng, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2018 đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hải Phòng và Hạ Long chỉ còn 30 phút - 40 phút. Công trình đã góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ; giảm tải lưu lượng cho quốc lộ 18 và quốc lộ 10, đồng thời, tạo liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động, thu hút đầu tư, tạo động lực trong phát triển của 2 địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ cũng như phát triển liên vùng.
Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cùng nằm trong vành đai biên giới biển, là phên dậu phía đông - đông bắc của Tổ quốc, có sự tương đồng và gắn kết chặt chẽ không chỉ về phát triển kinh tế mà còn về cả lịch sử, văn hóa. Từ bao đời nay, câu “Trà Cổ tổ ở Đồ Sơn” đã lưu truyền trong người dân cả ở Trà Cổ (Quảng Ninh) và Đồ Sơn (Hải Phòng), cho thấy sự gắn kết về huyết thống của người dân 2 địa phương, là sợi dây vô hình, góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa chung của người dân Hải Phòng và Quảng Ninh.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nữ tướng Lê Chân được người dân Hải Phòng tôn vinh là Thành Hoàng - Người có công lớn trong việc hình thành nên vùng đất Hải tần phòng thủ - Hải Phòng ngày nay. Nữ tướng Lê Chân quê ở trang Yên Biên (tên Nôm là làng Vẻn), huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Ba trận chiến trên sông Bạch Đằng lừng danh, đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 không chỉ trong lịch sử quân sự Việt Nam mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử nhân loại có sự đóng góp quan trọng của nhân dân hai bên bờ sông là Hải Phòng và Quảng Ninh.
Điểm qua một vài sự kiện trong lịch sử để thấy rằng, Hải Phòng và Quảng Ninh có truyền thống gắn kết từ lâu đời và cùng hướng đến mục tiêu chung là vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự phồn vinh của đất nước.
Tiếp nối truyền thống đó, trong những năm qua, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều sự trao đổi, hợp tác, liên kết rất chặt chẽ thông qua các chương trình, công tác phối hợp chung trên nhiều lĩnh vực: Phát triển du lịch, nông nghiệp, thương mại, kinh tế biển, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường... Đặc biệt, 2 địa phương đã tăng cường hợp tác, liên kết thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, cát, đá, sỏi; về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trật tự, an toàn giao thông; thống nhất kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về những vấn đề tương đồng. Trong phát triển du lịch, Hải Phòng và Quảng Ninh đã duy trì sự kết nối vùng du lịch thông qua tuyến phà Tuần Châu (Hạ Long) - Gia Luận (Cát Bà), liên kết quản lý, khai thác Vịnh Lan Hạ và Vịnh Hạ Long, góp phần phát triển du lịch Cát Bà và Hạ Long ngày càng sôi động.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của văn hóa, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản gắn với lịch sử dân tộc Việt Nam, với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng, như: ban hành Kế hoạch số 07/KHPH-SVHTT, ngày 15-1-2020, về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích ven sông Bạch Đằng giai đoạn 2020 - 2025 và xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Vịnh Hạ Long vinh dự hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và 2000, với giá trị về cảnh quan tự nhiên và địa chất, địa mạo. Vịnh Lan Hạ nằm ở phía đông của đảo Cát Bà và sát kề Vịnh Hạ Long, có đặc điểm địa lý tương tự như Vịnh Hạ Long, nằm trong tốp những vịnh đẹp nhất thế giới. Thành phố Hải Phòng đã lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới từ năm 2012. Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được bảo vệ hiệu quả thông qua các luật có liên quan như: Luật Di sản văn hóa, Luật Đa dạng sinh học…
Triển khai Công văn số 7594/VPCP-KGVX, ngày 12-9-2016, của Văn phòng Chính phủ, về việc xây dựng hồ sơ đề cử mở rộng không gian Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long đến Quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, trình UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thông báo số 4161/TB-BVHTTDL, ngày 14-10-2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh lập Báo cáo tóm tắt Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất về chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có Công văn số 171/CV-UBND, ngày 11-1-2017, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng ký với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO đưa “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” vào Danh mục dự kiến xây dựng Hồ sơ Di sản Thiên nhiên thế giới (mở rộng tiêu chí VII về giá trị thẩm mỹ, tiêu chí VIII về đa dạng sinh học - là các tiêu chí mà Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận; bổ sung mới tiêu chí IX và X về đa dạng sinh học).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, thông qua Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi Báo cáo tóm tắt “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” tới UNESCO đề nghị đưa vào Danh mục Dự kiến xây dựng Hồ sơ di sản thế giới; Hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng lập hồ sơ “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESSCO xem xét, công nhận là Di sản Thế giới.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan lập hồ sơ “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới và pháp luật về di sản văn hóa, đồng thời phối hợp xây dựng báo cáo giải trình các khuyến nghị của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đối với hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Qua lần khảo sát gần đây nhất, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã nhận thấy vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà có những nét tương đồng về vị trí địa lý, giá trị khảo sát về địa chất, đồng dạng về đa dạng sinh học nên đề nghị xét chung là một quần thể không thể tách rời và đánh giá đề cử di sản thiên nhiên thế giới lần này là đánh giá tổng thể cả 2 địa danh. Lần đánh giá đề cử này gần như là công đoạn cuối cùng trước khi quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới gắn liền với Vịnh Hạ Long. Cùng với đó, từ năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ đề nghị xin chủ trương lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa - lịch sử chiến thắng Bạch Đằng trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Những hoạt động phối hợp giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, đặc biệt là sự phối hợp trong việc phát huy các giá trị văn hóa, đặc trưng về vị trí địa lý của 2 địa phương luôn được duy trì chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực.
Việc đề cử để công nhận Di sản văn hóa - lịch sử chiến thắng Bạch Đằng; Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới sẽ góp phần nâng cao giá trị về thiên nhiên, địa chất vùng Cát Bà - Vịnh Hạ Long, phát huy các giá trị hiện hữu cần được bảo tồn, thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của 2 địa phương. Kết quả đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 30/NQ-TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị, về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, khi cả 2 địa phương đều phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bao gồm quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển. Đó cũng là thành quả trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương ven biển.
Việc kết nối văn hóa biển giữa Hải Phòng và Quảng Ninh cùng với các hoạt động liên kết về kinh tế sẽ đưa Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới./.
THAM LUẬN HỘI THẢO: Xây dựng điểm đến du lịch di sản - nhìn từ Hạ Long  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Duy trì và phát triển giao lưu văn hóa giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc)  (30/09/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm