Phát huy giá trị kinh tế di sản vùng đồng bằng sông Hồng

PGS, TS Bùi Đức Triệu - Nguyễn Thị Hồng Vân
Trường Đại học Kinh tế quốc dân - Tạp chí Cộng sản
13:23, ngày 07-12-2024

Vùng đồng bằng sông Hồng có vị trí chiến lược trong lịch sử và hiện tại, các giá trị văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của vùng đất địa linh nhân kiệt, địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh... cần được phát huy trở thành động lực phát triển trong giai đoạn tới.

Nhận diện những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng

Vùng đồng bằng sông Hồng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nói chung ở Việt Nam. Là nơi có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, có cửa ngõ thông thương lớn và quan trọng, là vùng có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các khu vực lân cận và thế giới. Có tài nguyên thiên nhiên phong phú, là vựa lúa lớn thứ hai của Việt Nam, có trữ lượng than, khí đốt lớn. Dân cư đông đúc, đặc biệt là có trình độ cao. Có những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, có hệ thống đô thị phát triển...

Vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều di sản, danh lam thắng cảnh và hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa. Tài nguyên du lịch vùng đồng bằng sông Hồng hiện phân bố rộng khắp 11 tỉnh, thành phố trong vùng. Ngoài giá trị nổi bật về di sản, danh lam thắng cảnh, ở đây có hơn 23 nghìn di tích lịch sử, văn hóa cùng hàng trăm lễ hội truyền thống. Đến đây, du khách sẽ được đến Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Cát Bà (Hải Phòng), Bái Tử Long (Quảng Ninh) với hệ sinh thái đa dạng. Những suối khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh như: Kênh Gà (Ninh Bình), Quang Hanh (Quảng Ninh)…; những hang động kỳ thú như: Hương Sơn (Hà Nội), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Thiên Cung (Quảng Ninh)… hay các bãi biển nổi tiếng như: Ti Tốp, Trà Cổ (Quảng Ninh), Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Thịnh (Nam Định)... Bên cạnh đó, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với hàng ngàn đình, đền, chùa, miếu mạo cùng kho tàng kiến trúc, mỹ thuật độc đáo như chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Bút Tháp, đền Đô (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)… Đây cũng là quê hương của nhiều lễ hội truyền thống điển hình như lễ hội đền Trần, hội Gióng, hội Lim, lễ hội chùa Hương... cùng nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như chèo, quan họ, hát văn, tuồng, múa rối nước...

Đồng bằng sông Hồng còn có rất nhiều di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), ca trù và quan họ Bắc Ninh. Đặc biệt, về hạ tầng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh có cảng hàng không quốc tế. Cùng với đó, hệ thống giao thông trong vùng đồng bộ, kết nối rất thuận tiện giữa thị trường khách, điểm trung chuyển và điểm đến du lịch.

Nơi đây có đặc trưng nổi trội về cả ẩm thực, trang phục, đến các làng nghề truyền thống,… Các món ăn đậm nét đồng bằng Bắc Bộ, như phở Nam Định, bánh cuốn Thanh Trì, cá kho Hà Nam,… đã trở thành các món ăn truyền thống của Việt Nam được thế giới biết đến. Đặc biệt, các làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng là hiện thân sinh động của lịch sử lâu đời của người Việt cổ, nhiều làng nghề thủ công đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, như làng Ngũ Xã Tràng (Hà Nội) nổi tiếng với nghề đúc đồng, làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), lụa Hà Đông (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương)…

Đặc trưng văn hóa tinh thần cũng được hình thành từ môi trường sống cộng đồng. Đó là chân ái, kính trên nhường dưới, coi trọng tình làng nghĩa xóm, truyền thống thờ cúng tổ tiên, cúng giỗ…, tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ mẫu, thờ cụ tổ nghề… Đó là văn hóa dân gian múa rối nước, quan họ…; là lễ hội chùa Hương (Hà Nội), hội Đền Hùng (Phú Thọ), Hội Lim (Bắc Ninh),...

Chủ trương, đường lối và thực trạng việc phát huy các giá trị văn hóa di sản vùng đồng bằng sông Hồng

Trong thời kỳ chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, di sản văn hóa được Đảng ta xác định là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã đề ra giải pháp xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa, trong đó đã đề cập đến một số các chính sách như: kinh tế trong văn hóa; văn hóa trong kinh tế; xã hội hóa các hoạt động văn hóa; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; hợp tác quốc tế về văn hóa … Những chính sách này đã bước đầu tạo nên sự đột phá, mở đường để tạo điều kiện gắn kết giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Khái niệm phát huy di sản được nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn, nhất là khai thác các giá trị văn hóa - lịch sử của di sản để phát triển kinh tế - xã hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Như vậy, di sản văn hóa được nhìn nhận như một bộ phận quan trọng của các thành tố văn hóa, là sức mạnh nội sinh, động lực và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt tinh thần này của Cương lĩnh, Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã cụ thể hóa nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”.

Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện đầy đủ và rõ ràng trong Nghị quyết này. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế ngày càng được gắn bó chặt chẽ, bổ sung và hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa không phải là kết quả thụ động của kinh tế, mà là nguyên nhân, là động lực, là nguồn lực nội sinh để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú của đất nước ngàn năm văn hiến là cơ sở, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Triết lý làm giàu từ văn hóa và vì văn hóa đã từng bước thấm sâu vào trong hoạt động thực tiễn của hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói đây là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo có ý nghĩa đột phá của Đảng ta để khơi dậy nguồn lực di sản cho phát triển đất nước.

Tinh thần đổi mới đó tiếp tục được kế thừa và phát triển trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại Đại hội này, Đảng ta nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Trong lĩnh vực bảo tồn di sản, Đảng ta yêu cầu: “Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội”. Một nội dung mới mà Đại hội XIII nhấn mạnh là: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.

Thời gian qua Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển văn hóa, trong đó bao gồm nội dung bảo tồn và phát triển giá trị di sản. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những chính sách và chương trình hỗ trợ tài chính cho việc bảo tồn di sản. Tuy nhiên, ngân sách cho lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu bảo tồn và phát triển. Về hạ tầng du lịch, một số địa điểm du lịch di sản đã được đầu tư hạ tầng, nhưng nhiều nơi vẫn thiếu cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết để thu hút du khách.

Về công tác bảo tồn di tích, nhiều di tích chưa được bảo trì đúng mức, dẫn đến tình trạng xuống cấp. Việc sử dụng công nghệ trong bảo tồn còn hạn chế. Việc thu thập và quản lý thông tin về di sản chưa được chú trọng. Nhiều dự án thiếu dữ liệu cần thiết để đưa ra quyết định. Một số dự án thiếu sự phối hợp và quản lý hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực và không đạt được mục tiêu đề ra.

Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận. Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; đồng thời để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Sau khi các di tích, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, ghi danh, và được tu bổ, tôn tạo, nơi đây đã trở thành địa chỉ thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Quần thể di tích như Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi được ghi danh đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch. Đặc biệt là Quần thể Danh thắng Tràng An, thời điểm cấp hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Năm 2019, riêng 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 21.336.148 khách du lịch (trong đó 10.656.114 khách quốc tế) với doanh thu khoảng 3.123 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng để tái đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, bảo tồn, tôn tạo di sản, gia tăng các dịch vụ lưu trú, kinh doanh ăn uống, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ thông tin, nhà biểu diễn nghệ thuật truyền thống, quầy hàng lưu niệm, phát triển ngành nghề truyền thống… Từ đó tạo cơ hội có nhiều việc làm, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân thành phố di sản này.

Năm 2001, loại hình di sản văn hóa phi vật thể được chính thức đưa vào Luật Di sản văn hóa năm 2003, Công ước quốc tế về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua, và hai năm sau, Việt Nam đã gia nhập Công ước này. Thực hiện Luật Di sản văn hóa và Công ước quốc tế về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hiện nay cả nước có khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, đã có 498 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tính đến tháng 10-2023); 13 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đến nay Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho 131 cá nhân và danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” cho 1.619 cá nhân, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cho đất nước.

Tất cả các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đều có hoặc đang xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy. Nhiều địa phương đã tập trung vào gắn kết việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên thương hiệu riêng của địa phương để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nổi bật là Lễ hội Đền Sóc, Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ); Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh);…

Quá trình thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, thay đổi sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương, mở rộng không gian cho thị trường hàng hóa, dịch vụ, du lịch lưu thông cả trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội không chỉ tạo động lực, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các trung tâm di sản  lớn như vùng đồng bằng sông Hồng,… Việc thu hút khá đông khách du lịch tới tham quan, đã và đang làm thay đổi diện mạo về đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương này. Các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch tâm linh đan xen lẫn nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng trong cung cấp các sản phẩm du lịch, tạo việc làm và môi trường sinh kế mới, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, giảm bớt phân hóa xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đây là những thành tựu vừa có ý nghĩa về kinh tế, vừa có ý nghĩa vượt ra ngoài phạm vi kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Để phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng cho phát triển kinh tế - xã hội vùng

Để bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa di sản vùng đồng bằng sông Hồng nhằm cải thiện và tạo lập môi trường xã hội tốt đẹp, lành mạnh, thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có nhân cách văn hóa tốt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, cần nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau, gắn bó chặt chẽ trong một chỉnh thể thống nhất. Đảng ta khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thứ hai, hoàn thành quy hoạch tổng thể về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa. Phân định rõ các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và những vùng điều chỉnh quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực quan trọng, các dự án thành phần về công trình hạ tầng, công trình di tích, công trình quản lý, các chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích hợp lý và hiệu quả. Thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật định hướng phát triển bền vững như bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên kết hợp tạo việc làm cho nhân dân địa phương bằng các nghề truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống của người dân trong vùng di tích. Thực hiện thẩm tra, thẩm định các dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích mà có nguy cơ và khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích.

Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý thông qua hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, nguồn lực cho phát huy giá trị kinh tế di sản nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Nhà nước cần trao quyền nhiều hơn cho các địa phương trong việc phát huy tính tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo của họ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, tôn trọng sự đa dạng, tính đặc thù của Vùng. Đồng thời tăng cường sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất của luật pháp, chính sách và phát huy được tính sáng tạo của địa phương./.