Bảo đảm lợi ích của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bài học kinh nghiệm cho Quảng Ninh
Bảo đảm lợi ích của nhân dân chính là thực hiện tốt chính sách xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội nước ta. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện tốt chính sách xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Tỉnh Quảng Ninh không chỉ có các giá trị thiên nhiên mà còn sở hữu các giá trị văn hóa đáng quý, đó chính là hệ thống di tích, danh thắng phong phú, con người thân thiện, hào sảng, ẩm thực vùng, miền đặc sắc, văn hóa riêng vùng biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tỉnh Quảng Ninh luôn bảo đảm lợi ích của con người.
Mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là vì nhân dân
Kế thừa các quan điểm “dân là gốc”, “dân là chủ”, “dân làm chủ”, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã phát triển lên thành “nhân dân là trung tâm”, đồng thời cũng xác định nhân dân là trung tâm trong mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân. Theo đó, lợi ích chính đáng của nhân dân là điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là sự kế thừa, phát huy truyền thống trọng dân, kính dân, lấy dân là gốc - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đồng thời là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân, là sự đúc kết thực tiễn vai trò, vị thế của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đánh giá quá trình đổi mới, Đảng ta chỉ rõ, đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân trong lịch sử phát triển xã hội. Nhân dân là lực lượng cơ bản sáng tạo ra của cải vật chất và đời sống tinh thần của xã hội, là chủ thể của mọi phong trào đấu tranh cách mạng; là lực lượng cơ bản, quyết định mọi thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”; “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(1). “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2). Trong mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, Đảng là “người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(3). Nhân dân chỉ có thể phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, sức mạnh khi được “một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(4) lãnh đạo, dẫn đường chỉ lối.
Quan điểm của Đảng về “nhân dân là trung tâm” trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt. Để thực hiện quan điểm đó, Đảng “phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”… Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu… củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(5). Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài mục đích vì nhân dân phục vụ, phấn đấu cho nhân dân có cuộc sống no ấm, tự do, hạnh phúc. Vì thế, trong “mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”(6). Khi mọi đường lối, chính sách lấy nhân dân là trung tâm sẽ tạo thành một lực lượng lớn mạnh, tự giác bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân(7).
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng đề cao tư tưởng “lấy nhân dân làm trung tâm”, “lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Nhân dân làm trung tâm có nghĩa là mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của Nhân dân; coi Nhân dân là một nguồn lực, động lực của đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của Nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu thể hiện mục tiêu của Đảng và cả hệ thống chính trị nước ta.
Quan điểm “nhân dân là trung tâm” của Đảng là một nội dung quan trọng mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới năm 2021. Trong đó, cố Tổng Bí thư chỉ rõ: “việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối, cương lĩnh cần xuất phát từ nhận thức “lấy dân làm gốc”, lấy người dân là trung tâm, coi hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao nhất, từ đó thúc đẩy Nhà nước xây dựng, triển khai thực hiện luật pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả và cụ thể nhằm bảo đảm phát triển theo hướng đó”(8). Như vậy, quan điểm “nhân dân là trung tâm” là sự phát triển lý luận và là bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được Đảng ta nhận thức và đúc rút.
Biến văn hóa trở thành di sản, tạo sinh kế bền vững từ di sản văn hóa
Theo Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO, 2014), di sản văn hóa là di sản của các hiện vật vật thể và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm, tổ chức hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau. Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hóa (như các tòa nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật, và các hiện vật), văn hóa phi vật thể (như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học).
Theo Luật Di sản văn hóa (2001): Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng nghìn năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Trong đó, bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn. Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc chính là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, cũng như tạo ra sinh kế cho người dân.
Khi bàn về vai trò của văn hóa đối với dân tộc ta, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(9). Đây là một trong những luận điểm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; đồng thời là kim chỉ nam cho đường lối, chủ trương xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc Việt Nam sau này.
Từ khi Đảng lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới, tư duy về văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế đã có sự thay đổi. Vai trò của văn hóa đối với sự phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng đã được nhìn nhận một cách toàn diện và thấu đáo hơn. Văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Bản chất của văn hóa là sự sáng tạo hướng tới các giá trị nhân văn, vì ấm no, hạnh phúc của con người và sự thịnh vượng của quốc gia - dân tộc.
Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta nêu quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”(10). Trong Nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta đã xác định sự cần thiết phải xây dựng chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế. Theo đó, Đảng ta xác định nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa đồng thời cũng là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Một khi dân tộc, quốc gia thiếu đi nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, trong xây dựng và phát triển kinh tế phải hướng đến mục tiêu văn hóa, vì một xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Như vậy, văn hóa là sản phẩm kết tinh của hoạt động kinh tế nhưng đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong mục tiêu phát triển, những thành tố của văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội, từ phương diện chính trị, kinh tế, thiết chế xã hội đến luật pháp, kỷ cương...; đưa văn hóa từ nền tảng tinh thần của xã hội trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước nói chung và mỗi địa phương, vùng, miền nói riêng.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vào tháng 11-2021: “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”(11). Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, gia tăng sức sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đến nay, tại Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa được nhiều người biết đến là truyền hình - phát thanh, điện ảnh, quảng cáo, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế…
Có thể khẳng định, văn hóa là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng một hướng phát triển nhanh, bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Công nghiệp văn hóa là một tập hợp các ngành phát triển dựa trên sự khai thác tổng hợp các yếu tố: sáng tạo, khoa học - công nghệ, thị trường và vốn văn hóa. Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiều ngành, nghề khác, ngành công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Công nghiệp văn hóa chính là một biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển. Những quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là những vấn đề lý luận rất mới, có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu rộng, để bảo đảm sự hài hòa trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Tỉnh Quảng Ninh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bảo đảm lợi ích cho người dân, hướng đến mục tiêu Nhân dân hạnh phúc
Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, có kho tài nguyên văn hóa khổng lồ, với 541 di sản văn hóa vật thể, gồm những đình, chùa, đền miếu, danh lam thắng cảnh và hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian. Điều kiện địa lý - sinh thái nhân văn đa dạng và phong phú đã tạo cho Quảng Ninh những thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó, dạng địa hình biển đảo là dạng địa hình đặc trưng, chi phối và kiến tạo cho Quảng Ninh không gian tự nhiên kỳ vĩ, độc đáo, là nền tảng tạo nên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, vườn quốc gia Bái Tử Long... Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn lưu giữ hàng loạt các di tích - lịch sử văn hóa quan trọng như Di tích thương cảng Vân Đồn; khu di tích lịch sử Bạch Đằng, các cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ...
Quảng Ninh cũng là vùng đất rất giàu có về di sản văn hóa phi vật thể với 2.800 hồ sơ gồm: 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng văn hóa vùng, miền; hàng loạt các di sản bao gồm ngữ văn dân gian (gồm có: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm âm nhạc, vũ điệu, sân khấu); tập quán xã hội (bao gồm hương ước, luật tục, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động, y dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục,...); nghề thủ công truyền thống.
Đặc biệt, Quảng Ninh lưu giữ được nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Hội làng của đồng bào dân tộc Dao ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ), Lễ hội Sóng Cọ; Lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày ở xã Lục Hồn (Bình Liêu), Lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), Lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), Hội chùa Quỳnh Lâm, Hội đền An Sinh (huyện Đông Triều), lớn nhất là Lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả) và Lễ hội Yên Tử (Uông Bí).
Ngoài ra, văn hóa Quảng Ninh còn có đặc trưng mang bản sắc riêng của “văn hóa công nhân mỏ” được hình thành và phát triển gần 150 năm nay, gắn liền với quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và những thành tựu trong xây dựng đất nước, góp phần làm nên những đặc trưng của văn hóa Quảng Ninh hiện nay.
Có thể nói, nguồn tài nguyên văn hóa của Quảng Ninh thể hiện ở truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng, phản ánh qua các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giàu có, phong phú, đa dạng cùng với tinh thần yêu nước, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh là nguồn lực vô giá để phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 9-3-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.
Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Thông qua đó dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này. Nghị quyết đặt ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể. Trước hết thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Cùng với đó chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một.
Tháng 9-2012, Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Chính trị Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh”. Mục tiêu quan trọng được xác định trong Đề án là tạo bước phát triển đột phá, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, giữ vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc, là địa phương đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhảy vọt sau năm 2020.
Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, tăng 10,7%. Năm 2020, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Theo báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng năm 2024 của tỉnh đạt 8,02%. Mặc dù thấp hơn 2,07 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, thấp hơn 1,61 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 9 tháng đầu năm, nhưng đây là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3.
Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm lợi ích của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bao gồm:
Một là, tham gia cộng đồng. Theo đó, cần hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương trong quá trình lập kế hoạch và triển khai các dự án bảo tồn văn hóa, đảm bảo rằng người dân cảm thấy có tiếng nói và có trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản của mình. Có thể thực hiện điều này bằng các biện pháp, như: Tổ chức các buổi họp, hội thảo và tham vấn để lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân. Qua đó, chính quyền có thể điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn của cộng đồng; Khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào quá trình lập kế hoạch và triển khai các dự án. Điều này giúp họ cảm thấy có trách nhiệm và gắn kết với các hoạt động bảo tồn; Cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch về mục tiêu, lợi ích và tiến độ của các dự án bảo tồn. Người dân cần được thông báo thường xuyên và có cơ hội đặt câu hỏi cũng như đưa ra đề xuất; trang bị cho người dân các kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động bảo tồn thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; Kết nối và hợp tác với các tổ chức xã hội, phi chính phủ và các cơ quan chuyên môn để đảm bảo rằng các dự án bảo tồn được thực hiện một cách hiệu quả và bền vững.
Hai là, đào tạo và nâng cao nhận thức. Theo đó, tổ chức các chương trình đào tạo và tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của di sản văn hóa, cũng như trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để tham gia các hoạt động bảo tồn. Có thể triển khai các biện pháp, như: Tổ chức các hội thảo và khóa đào tạo chuyên sâu về giá trị và tầm quan trọng của di sản văn hóa, giúp người dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi của họ trong việc bảo tồn di sản; Lồng ghép nội dung về di sản văn hóa vào các chương trình giáo dục cộng đồng, từ các trường học đến các tổ chức xã hội, để tạo ra một nền tảng kiến thức vững chắc cho thế hệ trẻ và cộng đồng; Sử dụng các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, và mạng xã hội để tuyên truyền về ý nghĩa của việc bảo tồn di sản văn hóa, cũng như chia sẻ các câu chuyện thành công và các mô hình bảo tồn tiêu biểu; Tổ chức các chuyến tham quan thực tế tới các di sản văn hóa, nơi người dân có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo tồn, học hỏi từ các chuyên gia và thực hành các kỹ năng bảo tồn; Kết nối và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa để cung cấp thêm nguồn lực và kiến thức chuyên sâu.
Ba là, phát triển du lịch bền vững. Theo đó, khuyến khích các mô hình du lịch bền vững, trong đó người dân địa phương có thể tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, đồng thời bảo vệ môi trường và các giá trị văn hóa đặc trưng. Một số biện pháp cụ thể mà Quảng Ninh có thể áp dụng bao gồm: Tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, từ việc hướng dẫn du lịch đến cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống. Điều này không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn giúp họ cảm nhận và bảo vệ di sản văn hóa của mình; Tổ chức các khóa đào tạo về du lịch bền vững và bảo vệ môi trường cho người dân, giúp họ nắm vững các kỹ năng cần thiết để phát triển du lịch mà không làm tổn hại đến tự nhiên và di sản văn hóa; Khuyến khích sử dụng và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ đến các sản phẩm văn hóa, giúp tăng thu nhập và quảng bá văn hóa đặc trưng; Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, từ việc quản lý rác thải du lịch đến bảo vệ các khu vực sinh thái quan trọng, nhằm duy trì môi trường sống trong lành cho cộng đồng và du khách; Tăng cường quảng bá các mô hình du lịch bền vững và kết nối với các doanh nghiệp du lịch lớn, tạo ra các tour du lịch thân thiện với môi trường và văn hóa.
Bốn là, chính sách hỗ trợ. Theo đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án bảo tồn văn hóa, bảo đảm rằng người dân có đủ nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo tồn. Quảng Ninh có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, như: Tạo lập quỹ bảo tồn văn hóa từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài trợ khác, nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo tồn di sản văn hóa; Thiết lập các chương trình vay ưu đãi hoặc các gói hỗ trợ tài chính cho người dân và các tổ chức tham gia bảo tồn di sản, giúp họ có nguồn vốn cần thiết để thực hiện các dự án; Cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, giúp họ nâng cao năng lực và kỹ năng cần thiết để thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo tồn; Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về bảo tồn di sản văn hóa, giúp người dân và các tổ chức hiểu rõ hơn về quy trình, phương pháp và kỹ thuật bảo tồn hiện đại; Khuyến khích hợp tác giữa người dân, các tổ chức phi chính phủ, và các cơ quan chuyên môn để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và nguồn lực trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa.
Năm là, hợp tác với các tổ chức. Theo đó, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các phương pháp hiệu quả nhất. Một số cách mà tỉnh Quảng Ninh có thể thực hiện là: Thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức phi chính phủ có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn để tận dụng các kiến thức chuyên môn và nguồn lực của họ; Hợp tác với các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học để thực hiện các chương trình nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa, qua đó tìm ra các phương pháp và kỹ thuật bảo tồn tiên tiến nhất; Tổ chức và tham gia các hội thảo, hội nghị về bảo tồn văn hóa để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này; Phối hợp với các chuyên gia để triển khai các dự án bảo tồn thực tiễn, áp dụng các phương pháp mới và đánh giá hiệu quả của chúng trong bối cảnh cụ thể của Quảng Ninh; Nghiên cứu và học hỏi từ các mô hình bảo tồn thành công trong và ngoài nước, sau đó điều chỉnh và áp dụng các kinh nghiệm đó vào điều kiện thực tế của địa phương./.
------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 453
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 502
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 622
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 301
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 27 - 28
(6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 93
(7) Xem Đặng Văn Luận: Quan điểm mới của Đảng về hạnh phúc của nhân dân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 315, 2022, tr. 8
(8) Nguyễn Phú Trọng: “Nhân dân là nền tảng chính trị - xã hội, là cội nguồn sức mạnh của các chính đảng và tổ chức chính trị,” Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 7-7-2021, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/nhan-dan-la-nen-tang-chinh-tri-xa-hoi-la-coi-nguon-suc-manh-cua-cac-chinh-dang-va-to-chuc-chinh-tri-584773.html
(9), (10) Lê Quang Trang - Nguyễn Trọng Hòang (1999), Những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện đại, Nxb. Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 171, 533
(11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 164
Phát huy hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế di sản: Thực trạng và giải pháp  (07/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản trong mối quan hệ với củng cố quốc phòng, an ninh - Từ thực tiễn Quảng Ninh  (07/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản ở Việt Nam: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra  (06/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay