Phát triển kinh tế di sản ở Việt Nam: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra
Hiện nay, phát triển kinh tế di sản dựa trên khai thác các giá trị của di sản văn hóa đang ngày càng được chú trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, việc phát triển kinh tế di sản ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, song cũng còn một số vấn đề đặt ra, đòi hỏi cần giải quyết để bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển kinh tế
Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của di sản văn hóa của nhân loại có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Như vậy, di sản văn hóa được khẳng định có vai trò quan trọng như một “động lực tinh thần” trong sự phát triển, song song với kinh tế và chính trị. “Di sản văn hóa là tài sản quý giá” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng bao hàm giá trị kinh tế của di sản dưới dạng các “sản nghiệp văn hóa”, của cải được kế thừa từ các thế hệ cha ông.
Với quan điểm bảo tồn phát triển, khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa được quan tâm đặc biệt. Những người theo quan điểm này cho rằng, di sản có thể trở thành nguồn lực cho phát triển nếu nó đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường. Và vì thế, cần đặt hoạt động bảo tồn trong mối quan hệ với phát triển, tức là bảo tồn di sản văn hóa phải đồng hành với việc sử dụng, phát huy giá trị của nó trong đời sống. Chỉ có như vậy, hoạt động bảo tồn mới thực sự có ý nghĩa và không đi ngược lại quá trình phát triển của xã hội. Với góc nhìn đó, đối với các nhà quản trị địa phương hiện nay, di sản là một trong những nguồn lực không thể bỏ qua và trở thành một lựa chọn cho kế hoạch phát triển; đồng thời kế hoạch bảo tồn di sản không tách rời các chiến lược phát triển khác.
“Kinh tế di sản” không phải là thuật ngữ mới với thế giới, nhưng còn chưa được sử dụng thống nhất tại Việt Nam. Giá trị văn hóa góp phần làm giàu nguồn lực xã hội, thông qua đó tạo nên giá trị kinh tế. Sự phát triển của kinh tế sẽ tạo điều kiện để công tác bảo tồn được thực hiện tốt hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là các nhà quản trị địa phương nhận thức được điều đó để có kế hoạch cân đối/hợp lý trong việc vừa khai thác, vừa bổ sung/tái tạo hay không. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa được thể hiện ở hai dạng: giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp. Giá trị trực tiếp lại được biểu hiện ở chức năng sử dụng/công năng và giá trị trao đổi với tư cách là hàng hóa đặc biệt, ẩn chứa trong các sản phẩm du lịch. Giá trị kinh tế gián tiếp của di sản văn hóa được hòa vào tổng thu của các ngành du lịch, giao thông, khoa học, công nghệ… đóng góp ngân sách quốc gia hằng năm.
Hiện nay, trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển cho các ngành có liên quan khác và góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại của đất nước, việc phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được chú trọng. Di sản văn hóa chính là tài nguyên và nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Ngành du lịch và ngành di sản văn hóa có chung một đối tượng tác nghiệp là di sản văn hóa và thiên nhiên, chung một đối tượng phục vụ là cộng đồng xã hội (du khách) và mục tiêu lớn cùng hướng tới là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đối tượng bảo tồn của ngành di sản văn hóa trở thành đối tượng sử dụng, khai thác và phát huy của ngành du lịch.
Bên cạnh việc góp phần vào phát triển văn hóa, định hình bản sắc, hệ thống di sản văn hóa đã và đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác, như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,... tạo ra sự phát triển hài hòa. Ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng sử dụng, khai thác hiệu quả di sản văn hóa trong công việc kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận (điển hình như các tour, tuyến du lịch tâm linh, kết nối di sản); các bảo tàng ngoài công lập với các bộ sưu tập có giá trị của tư nhân, các chương trình nghệ thuật lớn trưng bày và trình diễn các loại hình di sản văn hóa rất hiệu quả…
Tuy nhiên, có rất nhiều bất cập trên các phương diện cụ thể như: Thứ nhất, di sản văn hóa được sinh ra, nuôi dưỡng và trao truyền trong những bối cảnh tự nhiên và xã hội cụ thể nhưng nhiều khi chúng ta nhìn nó như một hiện tượng khu biệt, đơn lẻ. Nhiều di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ không thể bảo tồn do chúng ta triệt tiêu các điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội của nó. Ví dụ như không gian văn hóa cồng chiêng được bà con các buôn làng Tây Nguyên sáng tạo, trao truyền trong cuộc sống gắn bó chặt chẽ với đại ngàn. Mất rừng, mất cấu trúc buôn làng cổ truyền là mất không gian sáng tạo và nuôi dưỡng nó. Quy hoạch các khu nghỉ dưỡng ven biển nếu làm mất bến thuyền, cảng cá, đương nhiên làng chài sẽ chết và như vậy di sản văn hóa biển sẽ mất theo… Thứ hai, chủ thể của đa số các di sản văn hóa vốn dĩ là đông đảo quần chúng nhân dân, nhưng đôi khi Nhà nước lại quá ôm đồm công tác bảo tồn, hoặc thiên lệch về phía các doanh nghiệp khiến cho chủ thể văn hóa bị mất vai trò vốn có và di sản văn hóa không giữ được những giá trị vốn có. Thứ ba, với tư cách là một nguồn vốn xã hội trong phát triển, di sản văn hóa - cũng như các nguồn vốn khác - luôn là hữu hạn. Nếu không được khai thác hợp lý, không có sự bù đắp, tái tạo, bổ sung, một ngày nào đó, các di sản vật thể sẽ bị hủy hoại, còn các di sản văn hóa phi vật thể sẽ mai một dần.
Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực triển khai với các phương thức rất đa dạng (như tại Hội An, Huế, Đà Nẵng…), nhưng hiệu quả từ kinh tế di sản ở Việt Nam vẫn chưa thật sự khai thác hết tiềm lực của di sản hiện có. Việc khai thác các di sản văn hóa với tư cách là một nguồn lực phát triển đang trong tình trạng thiếu kiểm soát nghiêm trọng. Trong khi còn nhiều di sản bị bỏ sót, thì cũng có những di sản bị khai thác quá mức.
Thực trạng phát triển kinh tế di sản ở Việt Nam
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa đến tháng 12-2023, kết quả kiểm kê trên cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, gần 65.900 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố; 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.620 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 562 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 294 bảo vật quốc gia, 200 bảo tàng với hơn 4 triệu hiện vật. Đặc biệt, Việt Nam có 08 di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (14 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 01 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (trong đó có 03 di sản tư liệu thế giới, 07 di sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).
Với hệ thống di sản đồ sộ như trên, có thể nói kinh tế di sản là một lĩnh vực đang phát triển với tiềm năng to lớn, di sản hiện được coi là đòn bẩy quan trọng cho phát triển kinh tế, là công cụ đáp ứng nhu cầu về các hoạt động giải trí, cơ hội cho các địa phương có di sản tạo ra việc làm mới, nguồn tham chiếu mới cho các sáng kiến kinh tế, một cách thực thi tích cực bản sắc của chính quyền địa phương. Về cơ bản, như đã nêu trên thì di sản văn hóa là những thực thể được sử dụng trong hoạt động du lịch, trở thành một hợp phần quan trọng của một sản phẩm du lịch, của điểm đến và tour du lịch. Phần lớn các điểm đến của du lịch đều có liên quan đến di sản văn hóa.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023 và nhiều danh hiệu cao quý khác cho các điểm đến, như Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, các cơ sở lưu trú du lịch...
Đối với di sản phi vật thể, tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản (Lễ hội đền Gióng, Lễ hội Chùa Hương, Ca Huế, lễ hội Nghinh Ông, Hội Đền Hùng, Lễ hội đền Trần, Tín ngưỡng Tam phủ Tứ phủ...). Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động tại địa phương có di sản, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Trong những năm qua, các di tích, bảo tàng đã có nhiều hoạt động sáng tạo, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là du lịch đêm, điển hình như tại Hà Nội, du lịch đêm đã hình thành từ nhiều năm nay, được đánh giá là cơ hội mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Sản phẩm du lịch đêm Hà Nội đa dạng, đặc sắc, góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách, như Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tour tham quan Hỏa Lò về đêm với 3 chủ đề khác nhau, tour đêm Văn miếu Quốc Tử Giám (Tinh hoa Đạo học), show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (huyện Quốc Oai), tour đêm “Chữ Tâm Chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, không gian đi bộ, tour ẩm thực Tống Duy Tân - Tạ Hiện - Chợ đêm Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm); cùng rất nhiều chương trình giáo dục dành cho các lứa tuổi đã được tổ chức tại các bảo tàng như chương trình Câu lạc bộ lịch sử của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Chương trình Em là nhà khảo cổ nhí của Hoàng thành Thăng Long...
Có thể khẳng định những di sản văn hóa được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước của dân tộc ta, về bản sắc văn hóa dân tộc, về tính cố kết cộng đồng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Tuy nhiên, trên thực tế đã nẩy sinh nhiều bất cập, cụ thể như:
- Các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển chưa rõ ràng, cụ thể và chưa có chế tài cho việc hậu kiểm để phát huy được nguồn đầu tư lớn từ xã hội hóa; các địa phương chưa đưa ra được định hướng phát triển riêng.
- Trong quá trình hình thành, phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa vẫn thiếu hành lang pháp lý để kinh tế di sản không đi lệch hướng, quá chú trọng đến kinh tế mà vô hình chung lại phá hoại di sản văn hóa của cha ông; sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu (chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố vào ban đêm); các địa phương chưa có chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm; chưa có cơ chế đặc thù hơn cho các hoạt động mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí.
- Việc đào tạo nhân lực ngành di sản văn hóa đã và đang được quan tâm, nhưng nhu cầu về nguồn nhân lực trong quản lý, thực hành di sản là rất lớn và có tính đặc thù, một số lượng không nhỏ những chuyên viên, di sản viên, nhân viên kỹ thuật được đào tạo sau một thời gian lại chuyển công tác hoặc nghỉ việc khiến nguồn nhân lực của ngành chưa được bảo đảm.
- Những năm qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách nhà nước hằng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn chống xuống cấp di tích, nhưng so với nhu cầu vẫn ở mức thấp, kết quả như sau:
+ Giai đoạn 2001 - 2005: 533 di tích, kinh phí 518,35 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2006 - 2010: 1.218 di tích, kinh phí 1.510,47 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2011 - 2015: 1.302 di tích, kinh phí 1.436,844 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: 471 di tích, kinh phí 245 tỷ đồng (Chưa bao gồm một số di tích quốc gia đặc biệt, Di sản thế giới được hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công).
Việc đầu tư kinh phí cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn quá ít, chưa đáp ứng được thực tiễn hiện nay. Nguồn xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, việc sử dụng còn tự phát, chưa tuân thủ các quy định trong Luật Di sản văn hóa, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện. Nhiều nơi di tích bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có nguồn kinh phí tu bổ như tại Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa..., ảnh hưởng lớn tới việc phát triển kinh tế di sản.
Đề xuất giải pháp liên quan đến phát triển kinh tế di sản
Một là, tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản văn hóa theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm tạo động lực cho sự phát triển, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương với chính quyền địa phương. Từ đó nâng cao nhận thức của các cấp từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng và đến từng cá nhân trong việc quản lý, sử dụng, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển hiện nay.
Hai là, để tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần vào việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, cần triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chế nội dung liên quan đến kinh tế di sản; triển khai các dự án, đề án bảo tồn di sản văn hóa hiệu quả, nhằm bảo vệ di sản văn hóa, môi trường, cảnh quan văn hóa, nỗ lực duy trì các lễ hội truyền thống, khuyến khích việc truyền dạy các tri thức dân gian, từ đó sáng tạo ra các sản phẩm dịch vụ văn hóa mang tính đặc trưng và bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền trong xã hội hiện đại; thực hiện quay phim, thu âm, số hóa, văn bản hóa, ký âm, tư liệu hóa… toàn bộ di sản văn hóa để di sản có thể tiếp cận qua hệ thống thư viện, bảo tàng, nghiên cứu, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hay trên không gian mạng...
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh việc quảng bá di sản văn hóa; nghiên cứu gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch và kết nối vùng, thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói riêng, để các di sản văn hóa thực sự trở thành điểm đến quan trọng, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương, qua đó góp phần nâng cao đời sống cộng đồng địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu tiêu biểu trình cấp có thẩm quyền xếp hạng, công nhận trong nước, khu vực và quốc tế.
Bốn là, chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp nguồn nhân lực ngành di sản văn hóa và ngành du lịch, khuyến khích hoạt động liên kết các vùng, các địa phương trong phát triển du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện kết cấu hạ tầng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đón tiếp, thuyết minh bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho khách du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí... Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển các loại hình du lịch tại các di tích trọng điểm, vừa thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống tại các khu di sản, di tích.
Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn sống động trong đời sống của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng. Trong thời gian tới, kinh tế di sản sẽ là động lực mới, tạo sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao vị thế địa phương và quốc gia, hướng tới phát triển bền vững với yếu tố quan trọng là sự tham gia của toàn xã hội./.
Gắn kết phát triển di sản với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng - nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh  (06/12/2024)
Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hà Long theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO  (06/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay