Phát huy hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế di sản: Thực trạng và giải pháp
Cùng với thiên nhiên tươi đẹp và các di sản văn hóa vật thể đa dạng, hệ thống lễ hội phong phú của tỉnh Quảng Ninh đã và đang được phát huy giá trị để xây dựng những sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế di sản của địa phương.
Hệ thống lễ hội phong phú, đặc sắc
Với sự đa dạng của thiên nhiên cùng 43 thành phần dân tộc, tỉnh Quảng Ninh sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, trong đó có hệ thống lễ hội đặc sắc. Hiện nay, tỉnh có hơn 100 lễ hội, trong đó có 76 lễ hội đã được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Có thể kể tới các lễ hội truyền thống, tiêu biểu của Quảng Ninh, như lễ hội Bạch Đằng, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội chùa Long Tiên, lễ hội Thập Cửu Tiên Công, lễ hội Trà Cổ, lễ hội Quan Lạn, lễ hội Yên Tử…
Lễ hội Bạch Đằng là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời của tỉnh Quảng Ninh, được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 (âm lịch) hằng năm (kéo dài khoảng 3 - 4 ngày) tại thị xã Quảng Yên. Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng của quân và dân ta gắn với những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm, như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo với nghi lễ dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, rước kiệu dọc bờ sông, sau đó là các hoạt động sôi nổi, như bơi trải, tái hiện lại những cuộc tập trận gắn liền với người dân miền sông nước, tạo điểm nhấn và sức hấp dẫn cho lễ hội, cùng nhiều trò chơi dân gian, như đấu vật, đánh cờ người, chọi gà... Lễ hội đền Cửa Ông là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất Quảng Ninh, diễn ra tại đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) từ mồng hai tháng giêng đến hết tháng 3 (chính hội được diễn ra vào ngày 2 tháng 3 âm lịch) để ghi nhớ công ơn của tướng Trần Quốc Tảng và các tướng lĩnh có công dẹp giặc, mang lại bình yên cho nhân dân. Sau phần nghi lễ truyền thống gồm tế lễ và rước kiệu bài vị tướng Trần Quốc Tảng, người dân được tham gia các hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian lôi cuốn như múa rồng, bịt mắt đập niêu, đánh trống, đẩy gậy, kéo co,... Du khách tham dự lễ hội còn có thể tham quan nhiều thắng cảnh như vịnh Bái Tử Long hùng vĩ... Lễ hội Trà Cổ tổ chức từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 6 tháng 6 (âm lịch) hằng năm tại làng Trà Cổ (thành phố Móng Cái) để tưởng nhớ công ơn của thành hoàng làng và cầu mong những điều tốt lành cho dân làng. Nét độc đáo của lễ hội Trà Cổ là có hội thi làm cỗ, thi nấu ăn. Ngày kết thúc lễ hội có múa bông để cầu mong trời đất phù trợ cho người dân đánh bắt được nhiều cá tôm, buôn bán phát đạt, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Đặc biệt, lễ hội Yên Tử (thành phố Uông Bí) là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, được công nhận là lễ hội văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội được tổ chức từ mồng 10 tháng giêng đến tháng 3 theo lịch âm tại vùng núi linh thiêng Yên Tử nổi tiếng với thiền phái Trúc Lâm, là trung tâm Phật giáo lớn nhất ở nước ta. Đây là dịp để các Phật tử và du khách thập phương đến trẩy hội, chiêm bái với tất cả tấm lòng thành kính, nghiêm trang, đồng thời có thể tham quan cảnh núi rừng hùng vĩ. Tất cả các lễ hội cổ truyền trên đều thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn với những người anh hùng có công với quê hương, đất nước. Các hình thức biểu diễn như tế lễ, diễn trò, trình diễn nghệ thuật, trang trí, thể thao, ẩm thực được diễn ra trong lễ hội đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, củng cố tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Nhiều lễ hội đã được tỉnh Quảng Ninh phục dựng thành công, bài bản, giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc, như lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Gắn với các lễ hội truyền thống là các trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống, trang phục, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian về lâm - nông - ngư nghiệp, văn hóa ẩm thực truyền thống, được gìn giữ ở các làng xóm, thôn bản đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ninh - những nơi được coi là “bảo tàng sống” để các du khách có những trải nghiệm thú vị về văn hóa dân gian của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều lễ hội hiện đại (lễ hội mới) được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên đặc sắc, độc đáo, như lễ hội Carnaval, lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, lễ hội hoa sở, lễ hội trà hoa vàng... Các lễ hội hiện đại này cũng mang nhiều giá trị và bản sắc riêng, thể hiện những câu chuyện, thông điệp từ cộng đồng và cuộc sống. Nếu như lễ hội truyền thống là những sự kiện lịch sử - văn hóa mang tính cộng đồng, là không gian thực hành những tập tục, nghi thức, nghi lễ cùng nhiều hoạt động văn hóa gắn liền với đời sống thường nhật của cộng đồng bản địa, như hát, múa, diễn xướng, trò chơi dân gian... thì các lễ hội hiện đại lại thể hiện sự sôi động, hội tụ nhiều màu sắc, mang yếu tố sáng tạo, giao thoa, hội nhập văn hóa của xã hội hiện đại.
Có thể thấy, hệ thống lễ hội phong phú, đa dạng của tỉnh Quảng Ninh là nguồn lực quý giá để xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế di sản và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.
Thực tiễn phát huy giá trị của hệ thống lễ hội trong xây dựng, phát triển các sản phẩm văn hóa đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh
Kinh tế di sản thông qua khai thác các di sản văn hóa và thiên nhiên để tạo ra giá trị kinh tế, đồng thời gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc thù. Kinh tế di sản bao gồm các hoạt động, như du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, phát triển các dịch vụ gắn liền với di sản, bảo tồn di sản. Trên cơ sở thống nhất quan điểm phát huy các giá trị của hệ thống lễ hội - một trong những nguồn lực văn hóa quý giá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hành động thiết thực để vừa bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống vừa phát triển các lễ hội văn hóa mới mang thương hiệu riêng có, xây dựng thành các sản phẩm văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nghị quyết 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” xác định thiên nhiên, văn hóa và con người là ba trụ cột để phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, dành nguồn lực thỏa đáng tương xứng với mức thu ngân sách của tỉnh cho đầu tư văn hóa với 4.759 tỷ đồng giai đoạn 2018 - 2022. Tỉnh cũng nhấn mạnh, cần triển khai nhiệm vụ tiếp tục khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống; tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc; bảo tồn, quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, kiến trúc đặc trưng, không gian văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc giữ gìn, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trong xây dựng khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Ngày 12-3-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 780/QĐ-UBND phê duyệt đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định quan điểm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung, lễ hội truyền thống nói riêng; đặt mục tiêu bảo đảm sức sống của di sản, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, củng cố, phát huy, truyền dạy, đặc biệt thông qua công tác giáo dục chính quy và không chính quy, cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của di sản; quản lý, bảo vệ và phát huy lễ hội truyền thống phải được lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Tháng 7-2024, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 nhằm thực hiện Đề án “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Hội nghị, lãnh đạo, cán bộ phòng văn hóa và thông tin, trung tâm văn hóa - thể thao; cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn; đại diện nghệ nhân, người uy tín, người am hiểu, người thực hành lễ hội, đại diện ban tổ chức lễ hội, câu lạc bộ văn nghệ dân gian của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được trao đổi, học tập về các nội dung, như vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội; thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể nói chung và lễ hội nói riêng trên địa bàn tỉnh; phổ biến Luật Di sản văn hóa, các thông tư, nghị định và các văn bản có liên quan đến công tác quản lý và phát huy giá trị của lễ hội; hướng dẫn phương pháp, kỹ năng quản lý, tổ chức, thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới; qua đó, từng bước đổi mới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phù hợp với quy định và thực tiễn hiện nay.
Hằng năm, tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, như lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội Quan Lạn…, thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, vào dịp xuân Giáp Thìn, mỗi ngày có từ 1,5 - 2 vạn du khách, Phật tử đến với Yên Tử, chỉ trong 9 ngày tết Nguyên đán, khu di tích Yên Tử đã đón 138.000 lượt khách (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023). Trong 3 tháng hội xuân năm 2024, khu di tích và danh thắng Yên Tử đã đón 458.649 lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó có 19.784 lượt du khách nước ngoài (tăng 21% so với cùng kỳ 2023), doanh thu vé tham quan Yên Tử đạt trên 14,585 tỉ đồng… Tỉnh cũng đồng thời tổ chức các lễ hội hiện đại đã và đang tạo nên thương hiệu của địa phương, như lễ hội Carnaval Hạ Long, lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, lễ hội hoa sở, lễ hội trà hoa vàng... Đặc biệt, lễ hội Carnaval Hạ Long luôn là sự kiện văn hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước mong chờ, có vai trò khởi động du lịch hè, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Tham gia lễ hội Carnaval Hạ Long, du khách được hòa mình vào không gian nhiều màu sắc của những buổi diễu hành đường phố, trình diễn nghệ thuật đầy ấn tượng. Đây cũng là dịp để du khách trải nghiệm hành trình khám phá Di sản thế giới vịnh Hạ Long với cảnh sắc hùng vĩ và thơ mộng. Gần đây, lễ hội hoa anh đào cũng thu hút ngày càng đông du khách tham gia để trải nghiệm không gian sinh động với những hàng hoa anh đào khoe sắc ngọt ngào và vẻ đẹp rực rỡ của mai vàng Yên Tử, thưởng thức nhiều tiết mục giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt - Nhật với các trò chơi dân gian và các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của hai nước. Việc duy trì sự song hành cả lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại là cách làm sáng tạo của các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay để tạo ra các sản phẩm văn hóa giàu sức hấp dẫn, góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đồng thời, qua đó, du khách có cơ hội trải nghiệm ẩm thực, phong tục, tập quán tại các điểm đến xung quanh di sản, hiểu được thông điệp, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của các lễ hội.
Thời gian qua, nhiều địa phương miền núi, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh đã có sự sáng tạo, chủ động trong tổ chức, đầu tư để nâng tầm các lễ hội vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. Các hoạt động trong lễ hội được tổ chức hấp dẫn trên cơ sở khôi phục giá trị, nét đặc sắc văn hóa các dân tộc, từ đó tăng cường hoạt động trải nghiệm cho du khách với các tiết mục biểu diễn âm nhạc dân tộc, như hát then, hát soóng cọ…; các nghi lễ cầu mùa, cấp sắc, lễ rước dâu… của dân tộc Dao; lễ đại phan (cầu mùa) của dân tộc Sán Dìu; lễ thôi nôi của dân tộc Tày…, tạo điểm nhấn độc đáo thu hút du khách. Một số địa phương của tỉnh tổ chức thành công nhiều tuần văn hóa, du lịch, trong đó xây dựng các sản phẩm lễ hội đặc sắc. Tiêu biểu như Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu năm 2024 với nhiều sự kiện du lịch mùa thu, đông, như lễ hội mùa vàng, lễ hội hoa sở gắn liền với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc cùng các hội thi thể thao các dân tộc thiểu số, giải bóng đá nữ các dân tộc, giới thiệu sản phẩm du lịch cho khách nước ngoài, giới thiệu gian hàng nông sản OCOP, lễ hội mừng cơm mới của người Tày, trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn văn nghệ dân gian… Tại huyện Tiên Yên, lễ hội mùa vàng miền soóng cọ cũng được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc, như giao lưu hát dân ca Sán Chỉ, giao lưu văn nghệ và đánh quay tại ruộng bậc thang Khe Lặc, trải nghiệm các điểm du lịch gắn với mùa vàng, giải thể thao các dân tộc, tái hiện nghi lễ cầu mùa, thi trưng bày mâm cỗ của người Sán Chỉ, trải nghiệm ẩm thực miền soóng cọ.... Ngoài ra, địa phương cũng tổ chức thành công các lễ hội văn hóa dân tộc Dao.
Tỉnh Quảng Ninh còn tổ chức các tuần văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của các địa phương trong tỉnh và một số địa phương của tỉnh Lạng Sơn với những nét văn hóa đặc sắc, tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc. Sự kiện kết hợp với chuỗi các hoạt động, như hội thi vua gà, lễ hội nghệ thuật đường phố... thực sự trở thành ngày hội lớn của người dân và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội được gắn kết với hoạt động xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo nên sự đa dạng cho các sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần phát triển du lịch bền vững; đồng thời tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao hơn ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Bên cạnh đó, thành phố Hạ Long - trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những quyết sách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác nguồn lực từ các lễ hội văn hóa. Ngày 28-6-2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long đã ban hành Quyết định số 7556/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội” nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế. Để thực hiện Đề án, ngoài việc tổ chức lễ hội carnaval Hạ Long theo quy mô cấp tỉnh, thành phố Hạ Long duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có và sẽ điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện, xây dựng thêm các sự kiện văn hóa du lịch mới để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện. Dự kiến có 16 lễ hội, sự kiện văn hóa cấp thành phố; 14 lễ hội du lịch cấp xã, phường. Kể từ năm 2024, thành phố Hạ Long tiến hành phục dựng, bảo tồn, phát huy một số lễ hội truyền thống, như lễ mừng cơm mới của người Tày (xã Dân Chủ), lễ đại phan của dân tộc Sán Dìu, lễ hội chùa Lôi Âm, lễ hội đền Cái Lân, lễ hội chùa Long Tiên. Thành phố cũng có kế hoạch chi tiết để tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới, đặc sắc và sáng tạo với quy mô lớn, tập trung vào những tháng thấp điểm du lịch, như lễ hội hoa anh đào và Tuần văn hóa Nhật Bản (tháng 2); lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn (tháng 6); hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống (tháng 8); lễ hội trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh di sản (tháng 8 âm lịch); lễ hội khinh khí cầu, lễ hội mùa ổi chín (tháng 9); lễ hội hoa xuân Hạ Long; lễ hội hoa tại thiên đường hoa Quảng La…; đồng thời tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư dàn dựng, tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh gắn với văn hóa biển, đảo, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế di sản của địa phương. Thành phố đang hướng tới tổ chức các lễ hội truyền thống gắn với quảng bá, kích cầu du lịch, đồng thời có kế hoạch tổ chức các hoạt động xuyên suốt, trải đều trong cả năm, thúc đẩy thu hút du khách, phát triển du lịch 4 mùa với việc chọn lọc và đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác, từ đó hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, đẳng cấp, hấp dẫn du khách, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo động lực xây dựng thành phố Hạ Long “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”, “Thành phố của hoa và lễ hội”.
Có thể thấy, những hành động cụ thể, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của hệ thống lễ hội đã góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa, xây dựng nhiều sản phẩm văn hóa có thương hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành du lịch, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… trên địa bàn tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh Quảng Ninh(1). Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 2 triệu lượt du khách quốc tế (tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2022), doanh thu du lịch ước đạt trên 33.000 tỉ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022). Trong 9 tháng năm 2024, Quảng Ninh đón 15,6 triệu lượt khách (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98,1% kịch bản tăng trưởng 9 tháng); tổng thu du lịch ước đạt 36.856 tỉ đồng (tăng 39% cùng kỳ năm 2023, đạt 97,8% kịch bản tăng trưởng 9 tháng). Tỉnh đặt mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 3,5 triệu lượt trong năm 2024. Những kết quả này cho thấy, cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, thì sự đa dạng của các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch với nhiều sản phẩm mới, độc đáo gắn kết với phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa Quảng Ninh, khai thác hiệu quả giá trị di sản, trong đó có hệ thống lễ hội đặc sắc, phong phú là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế di sản của tỉnh ngày càng phát triển.
Tiếp tục nâng cao giá trị và thương hiệu lễ hội của tỉnh Quảng Ninh thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống và xây dựng, phát triển các lễ hội hiện đại trong phát triển du lịch và kinh tế di sản tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Cần thẳng thắn nhận thấy, mặt trái của kinh tế thị trường đã có tác động tới một số lễ hội, dẫn tới tình trạng bị thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, có địa phương chỉ chú trọng phần hội để thu kinh phí mà có phần coi nhẹ phần lễ, làm giảm tính thiêng và sự trang trọng của nghi lễ truyền thống. Ở một số nơi, các trò chơi dân gian đặc sắc không được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng rất ít, thậm chí có nơi còn diễn ra các trò chơi mang tính thương mại để thu lợi. Bên cạnh đó, một số địa phương tổ chức lễ hội còn phô trương, kém hiệu quả, trong khi đó các sản phẩm văn hóa lại đơn giản, chưa có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo nhân dân và du khách. Việc tổ chức lễ hội ở một số địa phương chưa kết hợp hiệu quả với các hoạt động dịch vụ, du lịch di sản, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… Một số lễ hội truyền thống tổ chức ở quy mô nhỏ, chưa gắn với các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch. Một số lễ hội được phục dựng còn thiếu kinh nghiệm, chưa bài bản. Việc tổ chức một số lễ hội hiện đại chưa chọn lọc, còn dàn trải, chưa thực sự tạo nên nét đặc sắc của địa phương, còn có sự na ná giống nhau ở các sản phẩm lễ hội ở một số địa phương. Ngoài ra, ý thức chấp hành các quy định ở lễ hội (như gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh) tại một số lễ hội của không ít người dân và du khách chưa cao, ảnh hưởng đến không khí lễ hội và không gian di sản. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa nói chung và lễ hội nói riêng còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, nhất là ở cấp huyện, xã chưa đủ năng lực để quản lý, hướng dẫn, tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục dựng lễ hội và các hoạt động văn hóa dân gian.
Từ thực tiễn đó, thời gian tới, cần có những giải pháp đột phá và đồng bộ để phát huy và nâng cao giá trị các lễ hội trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh như:
Một là, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa nội dung cũng như hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí của hệ thống lễ hội trong xây dựng các sản phẩm văn hóa, về vai trò nguồn lực quan trọng của lễ hội trong phát triển du lịch văn hóa, kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục xác định công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống và việc sáng tạo, tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn các lễ hội hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với văn hóa, góp phần phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh trong bối cảnh mới. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, trong đó có việc thực hiện bảo tồn và quảng bá các lễ hội mang bản sắc văn hóa đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh. Công tác tuyên truyền về lễ hội cần phải được thông tin đầy đủ, khách quan, kịp thời để giúp người dân và khách du lịch hiểu đúng bản chất, giá trị, ý nghĩa nhân văn của các lễ hội, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia các hoạt động lễ hội, hành xử văn minh, lịch sự.
Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả gắn kết giữa hoạt động bảo tồn các lễ hội văn hóa (truyền thống và hiện đại) và chiến lược phát triển các công nghiệp văn hóa dựa trên việc khai thác thế mạnh, tiềm năng về di sản văn hóa, cảnh quan, ẩm thực, tri thức vùng, miền của Quảng Ninh. Gắn kết hiệu quả hoạt động lễ hội với phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, kết nối và mở rộng không gian du lịch, xác định một số sản phẩm du lịch văn hóa trọng tâm trên cơ sở khai thác nguồn lực từ hệ thống lễ hội, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nước và quốc tế. Có chiến lược, kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội với quy mô lớn hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn, tạo cơ sở nâng tầm các giá trị các sản phẩm lễ hội văn hóa (giá trị văn hóa, giá trị kinh tế), qua đó thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Ninh.
Ba là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29-8-2018, của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL, ngày 21-1-2011, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL, ngày 3-8-2023, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong các lễ hội của tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục xây dựng các quy định pháp lý cụ thể và chặt chẽ để hạn chế các biểu hiện thương mại hóa lễ hội. Tăng cường phối hợp liên ngành, có phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm lễ hội được tiến hành trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương có lễ hội phải xây dựng kế hoạch và thành lập ban tổ chức lễ hội để trực tiếp chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng công tác tổ chức; bố trí, sắp xếp khu vực dịch vụ bảo đảm thuận tiện, phù hợp với không gian của di tích, khu vực lễ hội. Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, những hiện tượng tiêu cực, biến tướng trong các lễ hội… Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong, mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần thực hiện nghiêm túc việc công khai niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội. Ở các điểm di tích, nơi tổ chức lễ hội cần công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận xử lý các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức và kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức và tham gia hoạt động lễ hội.
Năm là, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Thúc đẩy sự tham gia và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý lễ hội. Tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích các hình thức tài trợ hợp lý từ các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội và các nhóm quan tâm đến văn hóa để hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đầu tư, nâng cấp, tôn tạo quần thể di tích văn hóa, lịch sử gắn với duy trì và tổ chức các lễ hội. Đồng thời tạo cơ hội cho mỗi người dân có thể tham gia kinh doanh, phát triển các dịch vụ du lịch di sản, xây dựng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với không gian lễ hội văn hóa đặc sắc của địa phương, trong đó bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản nói chung và lễ hội nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh./.
--------------------
(1) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành du lịch Quảng Ninh trong giai đoạn từ năm 2015 - 2022 cho thấy: Lượng khách và doanh thu từ du lịch đều tăng trưởng tốt qua từng năm, từ 7,76 triệu lượt năm 2015 tăng lên 14 triệu lượt vào năm 2019 (trong đó lượng khách quốc tế tăng từ 2,75 triệu lượt khách lên tới 5,74 triệu lượt; lượng khách nội địa tăng từ hơn 5 triệu lượt lên hơn 8,25 triệu lượt). Doanh thu của du lịch văn hóa ước đạt 20% doanh thu của toàn ngành du lịch Quảng Ninh (Doanh thu từ du lịch đạt 10.900 tỉ, nộp ngân sách 1.200 tỉ năm 2015, đến năm 2019, doanh thu tăng lên 29.486 tỉ và nộp ngân sách 3.568 tỉ đồng). Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng khách và doanh thu từ du lịch giảm từ 36,8% năm 2020 xuống còn 63% năm 2021 so với năm 2019). Năm 2022, nhờ dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch Quảng Ninh cùng cả nước mở cửa và có những bứt phá tăng trưởng ấn tượng. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 đạt 11,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 304,000 lượt, tăng 122% so với năm 2021; tổng thu đạt 22,582 tỉ đồng, tăng 119% so với kế hoạch được giao.
Phát triển kinh tế di sản trong mối quan hệ với củng cố quốc phòng, an ninh - Từ thực tiễn Quảng Ninh  (07/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản ở Việt Nam: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra  (06/12/2024)
Gắn kết phát triển di sản với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng - nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh  (06/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay