Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế di sản
Thừa Thiên Huế được hình thành và phát triển hơn 700 năm nay, trải qua các giai đoạn văn hóa Sa huỳnh, Chăm pa, Thuận Hóa, Phú Xuân và gần đây nhất là văn hóa kinh kỳ dưới triều đại Nhà Nguyễn. Nhờ đó, Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày về văn hóa lịch sử lâu đời, có hệ thống di sản, kiến trúc cung đình đồ sộ, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, hàng chục làng nghề thủ công truyền thống, cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng như Hải Vân quan, Lăng Cô vịnh đẹp thế giới, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai… Tỉnh Thừa Thiên Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu...; cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 hệ thống, quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh; gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, công bố 205 công trình, địa điểm; Thừa Thiên Huế cũng là vùng đất bảo tồn nhiều giá trị di sản thế giới gồm 8 di sản đã được UNESCO vinh danh với đầy đủ cả 3 loại hình di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu, đó là: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Việt Nam - Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế; đồng sở hữu 2 di sản: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ngoài ra, tỉnh có 9 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn là nơi bảo lưu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể phong phú bao gồm các loại hình nghệ thuật, âm nhạc dân gian, ca múa nhạc cung đình, trang phục, nếp sống, ẩm thực; nhiều làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời và nhiều lễ hội đặc sắc... có 4 di sản đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế, Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi, Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô, Tri thức dân gian May và Mặc Áo dài của người Huế. Trong đó, di sản nghệ thuật Ca Huế đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ẩm thực Huế phong phú và mang nhiều nét đặc trưng với khoảng 1.300 - 1.700 món ăn của cả nước.
Ngày nay, các đặc trưng di sản văn hóa đã và đang được bảo tồn, phát huy trở thành tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Thừa Thiên Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế được khẳng định các thương hiệu: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiến hành xây dựng hồ sơ Huế gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Ẩm thực.
Quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Thừa Thiên Huế định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa, có lựa chọn theo hướng xanh - sạch, trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống... Phát huy lợi thế, tiềm năng về di sản văn hóa, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả các giá trị di sản văn hóa để phát triển kinh tế di sản, du lịch một cách bền vững; chú trọng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh; công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài...
Kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 3.066.343 lượt, tăng 26,7% so với cùng kì năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 996.289 lượt, tăng 33,6%; khách nội địa ước đạt 2.070.054 lượt, tăng 23,6%. Khách lưu trú ước đạt 1.581.871 lượt, tăng 21,3% so với cùng kì năm trước; trong đó khách quốc tế lưu trú ước đạt 496.528 lượt, tăng gần 28,5%; khách nội địa lưu trú ước đạt 1.085.343 lượt, tăng gần 17,8%. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 6.243,8 tỷ đồng; tăng 15,3%. Thị trường khách Tây Âu phục hồi tốt, thị trường khách Nhật và Hàn có chững lại. Thị trường khách nội địa phục hồi rất tốt, thậm chí bùng nổ vào những kỳ nghỉ lễ, đóng góp rất lớn cho ngành du lịch tỉnh. Trong Quý IV/2024, lượng khách quốc tế được dự đoán sẽ tăng mạnh, khả năng ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 dự kiến đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60 - 70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.500 - 8.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được Quốc Hội quan tâm ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng để tạo điều kiện cho tỉnh phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực phát triển đột phá để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành đồng ý các khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã tạo điều kiện cho công cuộc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần thu hút khách tham quan, du lịch, tạo nguồn thu ngân sách của địa phương.
Để tạo điều kiện cho tỉnh phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực phát triển đột phá để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ. Ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn di sản, phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa, chuyển hóa không gian di sản trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng mới. Xây dựng Thừa Thiên Huế là một tiêu điểm quan trọng của quốc gia, đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa để trở thành điểm đến văn hóa toàn cầu, cần các giải pháp phát triển trong thời gian tới gồm:
- Xây dựng chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế, hướng tới bảo đảm các tiêu chí theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Thường vụ Quốc hội, các đô thị thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế được phát triển bền vững dựa trên nền tảng di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đã từng có vai trò trong lịch sử gắn liền với quá trình hình thành Cố đô Huế về địa thế, kiến trúc cảnh quan, sinh thái, môi trường, giao thương, trị thủy, giao thông thủy, hậu cần và cửa ngõ để xác định các tính chất, chức năng, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi danh gắn với Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Xây dựng Chiến lược bảo tồn bền vững di sản Cố đô Huế: phát triển Huế thành một trung tâm công nghiệp văn hóa sáng tạo của khu vực, dựa trên nền tảng di sản phong phú và bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Cố đô;
- Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa gắn với công tác, bảo tồn phát huy giá trị di sản: Các đối tượng tham gia bao gồm nghệ nhân và người làm nghề truyền thống, doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, cơ sở đào tạo, các tác giả và nghệ sĩ quốc tế, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cộng đồng địa phương và du khách;
- Xây dựng Chiến lược phát triển thành phố Festival: xây dựng Huế thành điểm đến Festival hàng đầu khu vực và thế giới. Các yếu tố cần lưu ý bao gồm di sản văn hóa, nghệ thuật đương đại, không gian công cộng, và cơ sở hạ tầng du lịch;
- Xây dựng Chiến lược phát triển du lịch văn hóa tại Cố đô Huế: phát triển Huế thành điểm đến du lịch di sản hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Các yếu tố cần lưu ý bao gồm quần thể di tích Cố đô Huế, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa phi vật thể, cộng đồng địa phương, sản phẩm du lịch và du khách;
- Xây dựng Chiến lược phát triển đô thị và kinh tế di sản: phát triển kinh tế dựa trên việc khai thác giá trị di sản một cách bền vững. Các đối tượng tham gia bao gồm cộng đồng địa phương, doanh nghiệp du lịch, nghệ nhân truyền thống, và chính quyền địa phương.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang trên đường về đích trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo chủ trương đã được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 54/NQ-TW. Có thể nói, phát triển kinh tế di sản là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với những tiềm năng, lợi thế di sản, văn hóa Huế mà tỉnh Thừa Thiên Huế vốn có. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung, nỗ lực sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo nhiệm vụ phê duyệt tại Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 nhằm bảo đảm cơ sở thúc đẩy phát triển hơn nữa lĩnh vực kinh tế đặc biệt này; từng bước khẳng định Thừa Thiên Huế là một trung tâm văn hóa, di sản hàng đầu của cả nước và sớm xây dựng “Thành phố Huế - Thành phố sáng tạo” tham gia mạng lưới “Các thành phố sáng tạo của UNESCO” (The UNESCO Creative Cities Network - UCCN)./.
Văn hóa công nhân mỏ và cơ sở nền tảng để bảo tồn và phát huy văn hóa công nghiệp than trong phát triển kinh tế xanh ở Quảng Ninh  (07/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và những vấn đề cần quan tâm  (07/12/2024)
Kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
Phát huy giá trị kinh tế di sản vùng đồng bằng sông Hồng  (07/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay