Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Bảo đảm an ninh lương thực được coi là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong gần 40 năm đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong phát triển nông nghiệp, bảo đảm và tăng cường an ninh lương thực quốc gia.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp và ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nội dung quan trọng trong toàn bộ di sản của Người. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trọng tâm, ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân: “Nội dung cách mạng dân chủ căn bản là giải phóng nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. Nội dung cách mạng dân tộc cũng là giải phóng cho nông dân”(1). Người nhận định: “Nước ta là một nước nông nghiệp. Hơn 9/10 dân ta là nông dân. Hơn 9/10 nông dân ta là trung, bần và cố nông”(2). Chính vì vậy, nông dân Việt Nam là lực lượng chủ yếu, đông đảo và chiếm đại đa số. Họ là sự kết tinh cho những giá trị văn hóa, cả tinh thần và vật chất của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhận thức thấu đáo về đất nước, con người Việt Nam, một đất nước nông dân chiếm phần lớn số dân trong xã hội và lấy sản xuất nông nghiệp là chính, do vậy, nông dân có no ấm thì nước nhà mới hưng thịnh. Người viết: “Việt Nam là nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(3).
Sinh thời, Người thường đi kiểm tra tình hình thực tế ở các vùng nông thôn miền Bắc về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; luôn động viên bà con nông dân phải tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phải trồng nhiều cây lương thực, hoa màu, phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, gia cầm... quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Theo Người, trước hết bảo đảm về ăn, ở, học hành, sinh hoạt cho nông dân rồi mới đến tích trữ sản xuất để xuất khẩu đổi lấy máy móc, phát triển công, thương nghiệp. Thời kỳ nước nhà mới giành được độc lập năm 1945, trong hoàn cảnh phải đối phó với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không coi nhẹ loại giặc nào; Người chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện nhiệm vụ “Vừa kháng chiến, vừa cứu quốc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm. Như vậy, có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, từ đó có các chủ trương, chính sách để khuyến khích, động viên nông dân tích cực sản xuất, tạo bước phát triển mới trong đời sống xã hội.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Sự phát triển nông nghiệp phải gắn với sự thay đổi của nông thôn, phải làm cho diện mạo nông thôn được đổi mới cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Người nói: “Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì… Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải thế. Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ”(4).
Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nền kinh tế
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn nền nông nghiệp, nông thôn thoát khỏi độc canh, lạc hậu, sản xuất manh mún thì vấn đề chiến lược lâu dài của nền kinh tế nước ta là phát triển công nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, phải đưa nông nghiệp, kinh tế nông thôn từng bước lên sản xuất lớn. Người chỉ rõ: “Để giải quyết tốt vấn đề ăn thì sản xuất lương thực phải dồi dào. Muốn như vậy thì công nghiệp phải cho nông nghiệp có nhiều máy làm thuỷ lợi, máy cày, máy bừa, nhiều phân hoá học(5). Theo Người, muốn có nhiều máy thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra gang, thép, than, dầu… Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà. Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thực sự của nhân dân ta.
Trong các bài viết, bài phát biểu, Người chỉ rõ: Nông thôn giàu có sẽ mua nhiều hàng hóa của công nghiệp sản xuất ra, đồng thời sẽ cung cấp đầy đủ lương thực, nguyên liệu cho công nghiệp và thành thị, như thế là nông thôn giàu có giúp cho công nghiệp phát triển. Công nghiệp phát triển lại thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh hơn nữa.
Theo Người, để phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nông thôn, cần phải đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã trong nông nghiệp. Người cho rằng tiến lên chủ nghĩa xã hội, tất yếu phải tổ chức hợp tác hóa nông nghiệp, người nông dân là chủ thể của sản xuất và xây dựng nông thôn của họ.
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xây dựng nền nông nghiệp toàn diện. Vì, chỉ có phát triển nền nông nghiệp toàn diện mới khai thác một cách có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đa dạng của sản xuất cũng như tiêu dùng. Ở nông thôn phải xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, nghĩa là phải phát triển cả nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Trong nông nghiệp lại phải phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, nghề phụ… Khi về thăm đồng bào và cán bộ tỉnh Hưng Yên, ngày 16-9-1961, Người phát biểu: “Sản xuất phải toàn diện, sản xuất thóc là chính, đồng thời phải rất coi trọng hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, thả cá và nghề phụ”(6). Tại Hội nghị tổng kết Cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp ở các tỉnh miền núi, Người nhấn mạnh: “Sản xuất phải toàn diện, trồng cây lương thực và cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề rừng, chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi, vì miền núi có nhiều khả năng chăn nuôi”(7).
Tăng cường sự giúp đỡ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, Nhà nước phải ban hành hệ thống các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp để vừa có lợi cho nhân dân, vừa có lợi cho Chính phủ. Người nói: “Mua bán phải theo giá cả thích đáng… Giá cả phải bảo đảm cho Nhà nước, hợp tác xã và xã viên cùng có lợi để xây dựng nước nhà”(8). Đối với chính sách thuế nông nghiệp, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở phải nhằm khuyến khích sản xuất, khuyến khích tăng năng suất lao động. Người chỉ rõ: Thuế phải khuyến khích sản xuất. Cho nên, Nhà nước chỉ thu thuế những cây trồng chính. Trồng xen kẽ được miễn thuế. Tăng vụ chưa quá 3 năm, vỡ hoang chưa quá 5 năm, đều chưa phải nộp thuế. Người còn chủ trương, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi thì phải thực hiện miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp.
Đảng, Nhà nước cần quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới
Theo Người, nền nông nghiệp nước ta là nền nông nghiệp lúa nước, nên vấn đề thủy lợi được đặt lên hàng đầu, kinh nghiệm từ bao đời nay, các thế hệ ông cha ta đã rất chú trọng đến xây dựng thủy lợi, nhất là hệ thống đê điều ở vùng đồng bằng sông Hồng. Làm thủy lợi tốt là thực hiện tốt việc chống hạn, chống úng, chống lụt bão... Người còn chỉ ra cách làm thủy lợi ở nước ta là việc làm thủy lợi cần phải kết hợp việc giữ nước với dẫn nước và việc tháo nước. Trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, tài chính thiếu thốn, phải biết lựa chọn xây dựng các công trình sao cho thật hiệu quả và phải biết dựa vào sức mạnh của quần chúng. Người chỉ rõ: “Làm đại thuỷ lợi thì Nhà nước phải xuất tiền, nhân dân xuất sức. Trung thuỷ lợi thì Nhà nước với nhân dân cùng làm. Tiểu thuỷ lợi thì do nhân dân làm”(9). Người thường xuyên nhắc nhở và chính Người đã trực tiếp cùng nhân dân tham gia chống hạn, chống lụt. Người nói: “Xứ ta từ tháng 6 trở đi thường có lụt. Giặc lụt là đồng minh của giặc đói. Muốn chống đói thì phải chống lụt. Muốn chống lụt thì phải kịp thời đắp đê, giữ đê”(10).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giao thông là mạch máu kinh tế của đất nước, phát triển giao thông là góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế cũng như đời sống văn hoá của nông dân và nông thôn. Người nói: “Đắp đường lớn là do Trung ương phụ trách, Bộ Giao thông chịu trách nhiệm. Nhưng địa phương có thể làm những đường nhỏ. Làng này qua làng khác thì xã tự động làm, nhiều xã đã làm tốt. Nên cho đồng bào thấy rõ lợi ích của việc làm thêm đường sá”(11).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến các vấn đề ăn, mặc, ở cho nhân dân. Người nhấn mạnh “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng”(12). Vì vậy, Người căn dặn, việc đầu tiên của nông thôn là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng, đồng thời, quan tâm đến phát triển giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí và sức khoẻ cho nhân dân. Trước hết, phải xây dựng hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá, nhà trẻ, mẫu giáo, các công trình văn hoá ở nông thôn. Người luôn nhắc nhở: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp của Đảng ta trong bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam
Hiện nay, an ninh lương thực là vấn đề hết sức cấp bách, khi nguồn cung và quyền tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm một cách an toàn đang chịu tác động nghiêm trọng, nhất là do sự biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang... Điều này thể hiện rõ qua tần suất, cường độ của thiên tai như: bão, lũ, hạn hán, ngập úng, dịch bệnh… và các cuộc xung đột vũ trang gia tăng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập, Việt Nam cần cân nhắc, điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu lương thực từ quy mô đến chất lượng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân… Nhà nước cần bảo đảm an ninh lương thực, nhưng vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường, thu nhập và đời sống của nông dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh lương thực.
An ninh lương thực đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Thuật ngữ an ninh lương thực xuất hiện vào năm 1992 của Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO): “An ninh lương thực, thực phẩm là mọi người có quyền tiếp cận các thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động”. Trong bối cảnh và yêu cầu mới, bảo đảm an ninh lương thực sẽ cần khắc phục những điểm bất cập trong thời gian qua và tập trung vào: 1- Sự sẵn có; 2- Sự ổn định; 3- Khả năng tiếp cận, chi trả; 4- Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Theo Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 (2030 Agenda for sustainable development), năm 2017, tình hình an ninh lương thực trên thế giới đánh dấu bắt đầu một thời đại mới trong việc giám sát tiến triển hướng tới các mục tiêu toàn cầu, không có các nạn đói, thiếu dinh dưỡng. Mục tiêu thứ 2 của chương trình này là: xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Như vậy, theo xu hướng chung của Việt Nam và thế giới, bảo đảm an ninh lương thực còn hướng tới mục tiêu an ninh dinh dưỡng và xóa đói, giảm nghèo, bao gồm cả những vùng nghèo đói nhất.
Qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta luôn vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông nghiệp vào thực tiễn và luôn khẳng định nông nghiệp có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Sản xuất nông nghiệp luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Sự phát triển của nông nghiệp tạo ra bước tiến vượt bậc về chất, có ý nghĩa hết sức to lớn đối với nền kinh tế nước ta. Việt Nam từ một quốc gia hằng năm thường xuyên phải nhập khẩu lương thực (năm 1988 nước ta còn phải nhập khẩu hơn 45 vạn tấn gạo) đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sản lượng các nông sản đều tăng, trong đó đáng chú ý nhất là sản lượng lương thực luôn tăng cao. Kinh tế nông thôn bước đầu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Sự phát triển ổn định ngành nông nghiệp góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nhiều nhân tố mới trong nông nghiệp, nông thôn xuất hiện, việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... đã có tác động tích cực đến việc sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn tồn tại những yếu kém, bất cập, như: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng giảm, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và đổi mới phương thức, cách thức sản xuất còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng ngày càng lớn; hệ thống an sinh xã hội còn nhiều bất cập. Nhiều lao động nông thôn thiếu việc làm, môi trường tự nhiên ở nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, môi trường văn hóa - xã hội ở một số vùng bị xuống cấp, chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp…
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh lương thực, như: Kết luận số 53-KL/TW, ngày 5-8-2009, của Bộ Chính trị “Về đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020””; Kết luận số 81-KL/TW, ngày 29-7-2009, của Bộ Chính trị, “Về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”; Quyết định số 712/QĐ-TTg, ngày 12-6-2018, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025”; Nghị quyết số 34/NQ-CP, ngày 25-3-2021, của Chính phủ, “Về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”… Và gần đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (năm 2022) chỉ rõ: “Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”(13).
Để hiện thực hóa những quan điểm, định hướng đó, trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp:
Một là, đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân cả về số lượng, chất lượng và xuất khẩu.
- Về trồng trọt, cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến, an toàn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa sản xuất lương thực thông qua áp dụng hệ thống nông nghiệp bền vững, giảm sự lệ thuộc vào lúa gạo. Quy hoạch đất cho sản xuất lương thực phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ, tăng năng suất đi đôi với nâng cao chất lượng nguồn lương thực; vẫn giữ một diện tích đất lúa nhất định bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng cường công tác tổ chức và thực hiện quy hoạch sử dụng đất lúa; rà soát, xác định rõ chỉ tiêu khống chế về diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ. Chuyển đổi những diện tích trồng lương thực năng suất thấp do nhiễm mặn, hạn hán, lũ lụt… sang các loại cây phi lương thực hoặc nuôi thủy sản.
- Về chăn nuôi, phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp, phát triển trang trại gắn với chăn nuôi truyền thống, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tăng cường dịch vụ thú y; quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
- Về thủy sản, giảm cường độ khai thác thủy sản ven bờ, tăng hợp lý khai thác xa bờ; quản lý khai thác thủy sản theo hạn ngạch ở từng vùng biển, kết hợp khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát triển mô hình liên kết sản xuất trên biển theo chuỗi, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi, áp dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với cấp mã vùng, truy xuất nguồn gốc; quản lý hiệu quả sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào nuôi trồng.
Hai là, tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực thực phẩm, đời sống nhân dân
Đối với các vùng sản xuất lương thực tập trung, hoàn thiện hệ thống thủy lợi kết hợp với kiến thiết lại đồng ruộng và giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất. Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung và tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực. Xây dựng kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai đồng bộ, hiện đại nhằm bảo đảm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chủ động đối phó trong mọi tình huống.
Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia. Hỗ trợ các hộ nông dân đầu tư áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi. Tăng cường đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nghề cá; ưu tiên đầu tư, đưa vào hoạt động các trung tâm nghề cá lớn; hoàn thành đầu tư theo quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; thực hiện đầu tư các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế. Coi trọng hình thức hợp tác đầu tư PPP trong xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công.
Tăng đầu tư công cho sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa: Tập trung xây dựng mô hình các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, cải tiến kỹ thuật sản xuất, nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, nhà máy chế biến hiện có tại địa phương đầu tư cải tạo nâng cấp công nghệ nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm tạo đầu ra thuận lợi cho người dân. Xây dựng hệ thống dự trữ lương thực để chống tình trạng đầu cơ lương thực. Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics. Hình thành các cụm công nghiệp dịch vụ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất.
Ba là, nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lương thực, thực phẩm.
Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao những thành tựu khoa học, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, trọng tâm là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... Nghiên cứu giải pháp nâng cao mức độ sẵn sàng về công nghệ và khả năng đổi mới sáng tạo của nền nông nghiệp để tạo “đột phá” về năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2030, tỷ trọng các sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 40 - 45% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Từng bước hình thành nền nông nghiệp thông minh với quản trị tiên tiến, trong đó nền tảng là ứng dụng công nghệ cao để thay đổi phương thức sản xuất lương thực truyền thống sang hiện đại. Tích hợp các thành tựu của công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, ứng dụng trong sản xuất, góp phần hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, chính xác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, lao động và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.
Nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng, chống chịu dịch bệnh cho các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực. Sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Xây dựng chương trình nghiên cứu lúa gạo quốc gia giai đoạn đến năm 2045 để phục vụ cho tái cơ cấu ngành lúa gạo; nghiên cứu phát triển các giải pháp cải tiến công nghệ sau thu hoạch và sản xuất lúa bền vững, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu dịch bệnh. Chú trọng phát triển các giống lúa thân thiện với môi trường, cho sản phẩm chất lượng cao và những giống lúa đặc sản vùng miền. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Nâng cao năng lực hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ bảo đảm đủ các yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người tiếp cận và chuyển tải được tiến bộ khoa học, công nghệ của thế giới; nâng cao năng lực hệ thống quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ, thiết bị tiên tiến trong canh tác, khai thác, chế biến, bảo quản các sản phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Rà soát xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, thương mại lương thực, thực phẩm xuất khẩu. Tăng cường đăng ký nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa và bảo hộ sở hữu trí tuệ, đưa khoa học, công nghệ thực sự giữ vai trò then chốt và trở thành động lực phát triển. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng công nghệ, ưu tiên lĩnh vực công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm và hạn chế thất thoát, hư hỏng, kém chất lượng; tìm kiếm, mua công nghệ nguồn, công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất của một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm để làm chủ, cải tiến và sáng tạo công nghệ mới. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh; chế biến công nghệ cao; phát triển công nghiệp phụ trợ./.
---------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1996, t. 7, tr. 25
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 170
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 246
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 255
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 439
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 199
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 225
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 225
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 198
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 431
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 165
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 164
(13) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 94
Một số vấn đề về ứng phó với bão, lụt - góc nhìn từ tỉnh Ninh Bình qua cơn bão số 3  (25/09/2024)
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (30/07/2024)
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (30/07/2024)
Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi trong tình hình mới  (11/07/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay