Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi trong tình hình mới

TS Nguyễn Hải Lưu
Bộ Ngoại giao
06:08, ngày 11-07-2024

TCCS - Trong thời gian qua, nhiều nước châu Phi triển khai các chính sách, biện pháp tích cực để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác nông nghiệp. Hướng đi chủ đạo này nhằm khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực của các nước trong châu lục. Điều này mở ra cơ hội, triển vọng mới cho các nước ngoài châu lục trong tiếp cận, tăng cường hợp tác nông nghiệp với châu Phi, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các lĩnh vực hợp tác khác, trong đó có Việt Nam.

Tiềm năng nông nghiệp của châu Phi và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, châu Phi ngày càng có vai trò, vị thế trên trường quốc tế, thậm chí nhiều nghiên cứu quốc tế dự báo châu lục này sẽ trở thành một cực tăng trưởng của thế giới trong tương lai. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế khu vực châu Phi (AU - OECD), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này trong giai đoạn 2000 - 2020 đạt mức trung bình 4,6%/năm, đứng thứ hai trên thế giới, sau châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP là 7,4% và cao hơn Mỹ La-tinh và Caribe (LAC) là 2,6%(1); đồng thời, châu lục này có những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, như: Ethiopia, Rwanda, Ghana, Bờ Biển Ngà… Liên hợp quốc dự báo, dân số châu Phi sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050, chiếm 1/4 dân số toàn cầu. Đến năm 2050, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Phi dự kiến sẽ đạt khoảng 16 nghìn tỷ USD(2). Báo cáo của Đại học Havard (Mỹ, tháng 7-2022) dự báo có tới 5 quốc gia châu Phi nằm trong nhóm 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới đến năm 2030 là Madagasca, Ai Cập, Mozambique, Tanzania và Uganda(3).

Thu hoạch ca cao ở châu phi_Ảnh: Tư liệu

Diện tích đất đai của châu Phi lớn hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và phần lớn châu Âu cộng lại. Châu Phi có khoảng 1.120 triệu héc-ta đất nông nghiệp (chiếm 40% diện tích châu lục, 24% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu), nhiều khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển nông nghiệp(4). Ngành nông nghiệp đóng góp hơn 35% GDP, cung cấp việc làm cho khoảng 50% dân số châu Phi trong độ tuổi lao động, gấp đôi mức bình quân của thế giới và cao hơn nhiều so với các khu vực khác (chẳng hạn, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của khu vực Đông Nam Á giảm từ 30 - 35% năm 1970 xuống 10 - 15% năm 2019)(5). Nhiều quốc gia châu Phi coi nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, giúp giải quyết các thách thức về xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an ninh lương thực, theo đó xây dựng chiến lược chuyển đổi nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng nước. Như Nigeria xây dựng Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp (năm 2012), Chương trình cho vay (năm 2015) cùng các giải pháp cung cấp vốn, phân bón, bao tiêu đầu ra sản phẩm nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tanzania phát triển Hành lang Tăng trưởng nông nghiệp phía Nam, quy hoạch 350.000ha đất thương mại hóa nông nghiệp, triển khai Chiến lược phát triển lúa gạo quốc gia giai đoạn hai (2019 - 2030). Sierra Leone xây dựng Chiến lược Chuyển đổi nông nghiệp quốc gia, thành lập Nhóm tư vấn cho Tổng thống về phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, hằng năm, châu Phi phải nhập khẩu hơn 100 triệu tấn lương thực, hơn 280 triệu người dân thiếu đói phải sống nhờ viện trợ quốc tế. Trình độ nông nghiệp châu Phi kém phát triển nhất thế giới do năng suất lao động và canh tác thấp nhất, chưa đạt được mục tiêu tự túc về lương thực do tình hình chính trị - xã hội bất ổn, xung đột, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra khiến sản xuất gián đoạn, đất đai bỏ hoang, chỉ khoảng 43% diện tích đất được canh tác. Giá trị gia tăng bình quân đầu người trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ bằng 1/5 mức bình quân thế giới và thấp hơn 1/5 so với mức của Trung Quốc(6). Đa phần nông dân là hộ sản xuất nhỏ, chủ yếu tự sản, tự tiêu; quy mô nông trại ở khu vực Tây Sahara bình quân chỉ khoảng 1,3ha, thấp hơn nhiều so với khu vực Trung Mỹ (22ha), Nam Mỹ (51ha) và Bắc Mỹ (186ha). Trong khi đó, diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tốc độ hoang mạc hóa gia tăng. Đầu tư của chính phủ cho nông nghiệp còn hạn chế. Nhiều nước không phát triển hệ thống thủy lợi nên chỉ khoảng 6% diện tích đất canh tác được tưới tiêu, diện tích còn lại phụ thuộc nguồn nước tự nhiên. Hầu hết lao động nông nghiệp không được đào tạo, kỹ thuật canh tác lạc hậu, trình độ cơ giới hóa thấp. Giống chất lượng cao, phân bón, thuốc trừ sâu… đều phải nhập khẩu, giá thành cao. Nhiều nông dân không đủ khả năng mua phân bón theo đúng kỹ thuật (giá thành phân bón nhập khẩu quá cao, trung bình chỉ sử dụng 24kg/ha, bằng 1/5 mức trung bình toàn cầu), năng lực chế biến sau thu hoạch kém.

Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá lương thực và các loại nhu yếu phẩm khác trên thế giới tăng cao. Lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga làm gián đoạn nguồn cung phân bón, vật tư nông nghiệp, ảnh hưởng đến mùa vụ. Theo ước tính của Liên hợp quốc, châu Phi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất từ trước đến nay, với 20% người dân châu lục, tương đương 280 triệu người, phải đối mặt với nạn đói. Điều này đã đặt ra nhu cầu bức thiết, buộc châu Phi phải thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp.

Do những lợi thế và tiềm năng nông nghiệp của châu Phi nói trên, tình hình an ninh lương thực của châu Phi luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh về lương thực châu Phi tại Senegal (tháng 1-2023), các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết cung cấp 30 tỷ USD trong 5 năm tới để châu Phi chuyển đổi nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, trở thành vựa lúa mì của thế giới. Với việc loại bỏ các rào cản đối với phát triển nông nghiệp và được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư mới, ước tính sản lượng nông nghiệp của châu Phi có thể tăng từ 280 tỷ USD/năm và đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Và đây chính là thời điểm thích hợp để đầu tư vào tương lai cho “lục địa đen”.

Nhiều quốc gia cũng tranh thủ đẩy mạnh hợp tác. Trung Quốc xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng để thúc đẩy quan hệ với châu Phi trên cơ sở đối tác cùng có lợi; xây dựng các diễn đàn hợp tác phát triển lúa gạo, xây dựng chuỗi giá trị, thương mại điện tử…; thành lập 23 trung tâm phát triển kỹ thuật nông nghiệp tại châu Phi để triển khai các chương trình viện trợ phát triển và mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân thâm nhập thị trường; triển khai các dự án nông nghiệp lớn để đưa doanh nghiệp, công nhân Trung Quốc sang sản xuất nông nghiệp tại chỗ; thu mua sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu(7). Năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại Trung Quốc - châu Phi đạt mức kỷ lục 282 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021, chủ yếu nhờ điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại và tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ châu Phi. Tại Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm 2021 (FOCAC), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cập Bình khẳng định Trung Quốc “sẽ mở làn xanh” cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp châu Phi sang Trung Quốc và hỗ trợ 10 tỷ USD cho nâng cao năng lực xuất khẩu của châu Phi(8).

Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai các chương trình hợp tác nông nghiệp Nhật Bản - châu Phi được đưa ra tại Diễn đàn quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD), bao gồm hỗ trợ 23 nước châu Phi xây dựng chiến lược phát triển lúa gạo, phát triển nguồn nhân lực, phổ biến kỹ thuật trồng lúa gạo. Hàn Quốc, Ấn Độ triển khai các chương trình riêng, coi hợp tác nông nghiệp là công cụ ngoại giao thúc đẩy quan hệ chính trị và hợp tác về thương mại, đầu tư. Ngoài ra, châu Phi tăng cường hợp tác với các nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời, như Sri Lanka, Việt Nam, Philippines,… để tìm kiếm những kinh nghiệm, quy trình canh tác kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên và năng lực của nông dân châu Phi.

Liên minh châu Âu (EU) duy trì diễn đàn hợp tác nông nghiệp cấp bộ trưởng để định hướng hợp tác; hỗ trợ châu Phi bảo đảm an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, hội nhập thương mại.

Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi thời gian qua và những đề xuất chính sách trong tình hình mới

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống, thể hiện rõ tình hữu nghị, tương trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước châu Phi. Từ những năm 1980 đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và ba bên với các nước Guinea, Namibia, Mozambique, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Congo, Chad; cử hàng trăm lượt chuyên gia, kỹ thuật viên sang hướng dẫn nông dân các nước châu Phi kỹ thuật thâm canh lúa, làm thủy lợi… với sự hỗ trợ tài chính của bên thứ ba, như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), JICA, Pháp, Nhật Bản, Nam Phi và đón các đoàn chuyên gia, sinh viên của bạn sang học tập, tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp; tổ chức nhiều cuộc hội thảo về hợp tác nông nghiệp với châu Phi với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương hai bên, các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức sản xuất nông nghiệp cho nhiều nước châu Phi trong chương trình hợp tác Nam - Nam, được coi là hình mẫu điển hình trong hợp tác giữa các nước đang phát triển, Việt Nam còn đẩy mạnh hợp tác song phương về xuất khẩu lúa gạo, phát triển cây cao su, cà phê, điều, rau quả, nuôi trồng thủy sản với nhiều nước, như Angola, Mozambique, Ai Cập, Libya... Các dự án nông nghiệp Việt Nam tham gia tại khu vực mang tính hỗ trợ phát triển, phổ biến kỹ thuật trồng xen canh, gối vụ giúp tăng năng suất cây trồng sở tại (lúa, khoai lang, đậu tương…) từ 2 đến 4 lần, góp phần nâng cao đời sống người dân và giải quyết an ninh lương thực.

Đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với đại diện Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế - khu vực châu Phi tại Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 – IRC 2023 do Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức_Nguồn: danviet.vn

Trong vòng hơn một thập niên qua, trao đổi thương mại Việt Nam - châu Phi đã tăng hơn gấp đôi, từ 2,52 tỷ USD năm 2010 lên 5,5 tỷ USD năm 2022(9). Tổng kim ngạch thương mại nông sản của Việt Nam với châu Phi tăng đều qua các năm và các mặt hàng xuất khẩu cũng đa dạng hơn. Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi năm 2022, giá trị nông sản xuất khẩu các loại đạt hơn 950 triệu USD, chiếm tỷ trọng 26,5% trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực, trong đó, đứng đầu là mặt hàng gạo với kim ngạch đạt 624 triệu USD, cà phê (161 triệu USD) và hạt điều (66,1 triệu USD). Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang châu Phi đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Xuất khẩu gạo sang Senegal đạt 11.908 tấn (tăng 3.018% về số lượng và 2.214% về giá trị); xuất khẩu cà phê sang Nam Phi tăng 115% về số lượng và 121,5% về giá trị… (10). Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hải sản… Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường châu Phi, được người dân sở tại ưa chuộng. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ châu Phi một số nguyên liệu thô phục vụ công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu, như hạt điều, gỗ, bông, một số loại hoa quả… Các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực gồm Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana, Algeria, Nigeria, Cameroon… Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai bên.

Trong thời gian tới, nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa Việt Nam và châu Phi. Với sự ra đời của Khu vực Tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA)(11), trao đổi thương mại của Việt Nam với thị trường châu Phi dự kiến sẽ tăng đáng kể. Chương trình Nghị sự 2063 (khuôn khổ Chiến lược của châu Phi từ nay đến 2063) đặt mục tiêu phát triển châu Phi thịnh vượng dựa trên tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững, trong đó dựa vào phát triển nông nghiệp hiện đại giúp tăng sản lượng, năng suất và giá trị gia tăng, đóng góp vào sự thịnh vượng quốc gia và an ninh lương thực toàn châu lục. Dự báo từ nay đến năm 2050, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi và sản xuất lương thực của châu Phi tăng 60%, nhưng nguồn cung vẫn sẽ thấp hơn cầu. Do đó, châu Phi đang và sẽ có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu nông sản và các yếu tố đầu vào (phân bón, giống, thiết bị máy móc cơ khí…), công nghệ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp, vốn đầu tư…

Việt Nam từ quốc gia phải nhập khẩu lương thực, trong vòng hơn 30 năm qua, đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt 190,5 tỷ USD; riêng năm 2020, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Nông sản Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, gắn kết với thị trường quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu. Việt Nam chú trọng đầu tư vào hệ thống hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi và tăng cường hội nhập vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế lớn trong hợp tác nông nghiệp với châu Phi. So với các đối tác khác, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lâu đời, hình mẫu về phát triển nông nghiệp với chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, kỹ thuật nông nghiệp đơn giản, phù hợp với trình độ của người dân châu Phi. Tuy nhiên, hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi thời gian gần đây bị chững lại. Nguyên nhân chính là do các nước châu Phi phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ và các ưu tiên quan trọng khác nên khó thống nhất nội dung cần ưu tiên thúc đẩy hợp tác. Khi tiếp nhận vốn viện trợ trong một số dự án hợp tác ba bên, phía đối tác châu Phi sử dụng nguồn tài chính không đúng mục đích hoặc chậm giải ngân dẫn đến việc tưới tiêu, bón phân… chậm thời vụ, quy trình canh tác không đúng kỹ thuật. Khi tài trợ kết thúc thì dự án cũng dừng hoạt động, kết quả không được phổ biến, không chuyển giao thành năng lực canh tác của địa phương. Nhiều đối tác quốc tế sau khi kết thúc dự án đã chấm dứt tài trợ, rà soát đánh giá kỹ đối với các dự án mới. Chế độ đãi ngộ chuyên gia của Việt Nam được trả theo mức sống sở tại, chưa tương xứng với trình độ và sức lao động, trong khi điều kiện sinh hoạt, an ninh… không bảo đảm nên không thu hút được chuyên gia có ngoại ngữ, năng lực. Số lượng cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ còn mỏng(12), thiếu thông tin về tiềm năng, năng lực đối tác châu Phi. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các thỏa thuận hợp tác, nhất là sau các chuyến thăm cấp cao chưa thực sự chặt chẽ. Chưa có đầu mối thống nhất để quản lý, điều phối cũng như đánh giá hiệu quả, hạch toán kinh tế các dự án hợp tác về nông nghiệp tại khu vực châu Phi.

Trong bối cảnh an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng, các nước châu Phi đang có nhu cầu cấp bách tìm kiếm đối tác để khai thác tiềm năng, thực hiện chuyển đổi nông nghiệp, tiến tới tự túc lương thực. Việc phát huy thế mạnh nông nghiệp, tăng cường hợp tác khi các đối tác châu Phi cần sẽ giúp củng cố quan hệ và vị thế của Việt Nam, tạo cơ hội mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam tại châu Phi, cùng với đó là xuất khẩu lao động nông nghiệp, giống, phân bón, thiết bị vật tư nông nghiệp…, giúp khai phá thị trường nông sản 1,3 tỷ dân nhiều tiềm năng; thu hút nguồn tài chính từ các nhà đầu tư quốc tế và mở đường cho các ngành khác (như viễn thông, dầu khí, khai khoáng) thâm nhập thị trường châu Phi. Ngoài ra, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp tại châu Phi thành công sẽ mở ra hướng đi mới giúp bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam.

Trên cơ sở đó, để góp phần thúc đẩy thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Phát triển quan hệ của Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 2015/QĐ-TTg, ngày 24-10-2016 và Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Phát triển quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Phi giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 36/QĐ-TTg, ngày 10-5-2021, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi trong tình hình mới tiếp tục triển khai theo một số định hướng, giải pháp:

Thứ nhất, thay đổi cách tiếp cận trong hợp tác quốc tế về nông nghiệp với châu Phi theo hướng đối tác bình đẳng, hiệu quả kinh tế, cùng có lợi. Cần nghiên cứu khả năng triển khai hợp tác trên nhiều cấp độ như tư vấn chính sách vĩ mô (chiến lược chuyển đổi nông nghiệp, phát triển lúa gạo, xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp…), tư vấn quy hoạch phát triển nông nghiệp cấp vùng (quy hoạch vùng trồng cây nông nghiệp, phát triển hệ thống thủy lợi…), triển khai các dự án hợp tác cụ thể (cử chuyên gia, kỹ thuật viên, cung cấp giống, phân bón, máy móc, chuyển giao kỹ thuật canh tác…).

Thứ hai, lựa chọn đối tác có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bạn bè truyền thống và có tiềm năng nông nghiệp, chính trị, an ninh tương đối ổn định. Ngoài hợp tác chính thức kênh nhà nước, cần kêu gọi mở rộng hợp tác tư nhân, giữa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo động lực phát triển đột phá.

Thứ ba, việc xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả, thực hiện dự án thành công có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ khẳng định uy tín nông nghiệp Việt Nam mà còn có tác dụng quảng bá cho các dự án hợp tác ba bên với đối tác châu Phi khác. Mô hình hợp tác phải phù hợp với đặc điểm của mỗi nước và học tập, vận dụng kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp phát triển tiên tiến.

Thứ tư, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác nông nghiệp đã ký kết trong các chuyến thăm chính thức Việt Nam gần đây của các nhà lãnh đạo châu Phi; sớm nối lại các cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ/Ủy ban hỗn hợp, qua đó rà soát, đàm phán, ký kết lại các thỏa thuận hợp tác nông nghiệp với các đối tác châu Phi phù hợp với điều kiện và tình hình mới; chủ động phát huy vai trò quan sát viên của AU, đưa vấn đề hợp tác nông nghiệp ra các diễn đàn đa phương và song phương; phát huy vai trò kết nối, khai thông thị trường của các cơ quan đại diện tại các nước châu Phi, định kỳ cung cấp thông tin về thị trường, những thay đổi trong chính sách thương mại của các nước trong lĩnh vực nông sản; đẩy mạnh trao đổi đoàn xúc tiến thương mại, giao lưu trực tuyến, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp (hệ thống phân phối, nghiên cứu, phát triển, mở rộng thị trường).

Thứ năm, xây dựng cơ chế liên ngành, thành lập cơ quan đầu mối quản lý thống nhất để điều phối và thúc đẩy hoạt động hợp tác về nông nghiệp với châu Phi; tổ chức đàm phán, tranh thủ tối đa lợi ích trong các dự án hợp tác (về quyền lợi chuyên gia Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu thiết bị, vật tư nông nghiệp do Việt Nam sản xuất); đánh giá, hạch toán hiệu quả kinh tế cụ thể sau mỗi dự án.

Thứ sáu, về lâu dài, cần xây dựng chiến lược hợp tác nông nghiệp với châu Phi trong bối cảnh mới, trong đó coi kỹ thuật nông nghiệp là hàng hóa xuất khẩu cùng với phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp do Việt Nam sản xuất; xác định các đối tác, lĩnh vực hợp tác ưu tiên, cơ chế huy động vốn, chuẩn hóa quy trình đàm phán tham gia, quy hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả dự án hợp tác; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đầu tư cho các hoạt động chế biến nông sản, tăng cường kết nối và liên kết theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có chương trình đào tạo nguồn chuyên gia, nhân viên kỹ thuật (cả về trình độ kỹ thuật, ngoại ngữ và năng lực quản lý dự án) cho hợp tác nông nghiệp với châu Phi; xây dựng quy chuẩn chất lượng vật tư, thiết bị đầu vào sử dụng cho các dự án hợp tác ba bên; tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn trong các hoạt động đầu tư nông nghiệp./.

------------------

(1), (2) Lê Kim Sa - Kiều Thanh Nga: “Thế kỷ châu Phi - sự thần kỳ mới của thế giới”, Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 9-4-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825248/the-ky-chau-phi---su-than-ky-moi-cua-the-gioi.aspx
(3) Lê Xuân Thuận: “Gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga tại khu vực châu Phi”, Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 10-7-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/gia-tang-canh-tranh-chien-luoc-my-trung-quoc-nga-tai-khu-vuc-chau-phi
(4) Mozambique có hơn 41 triệu héc-ta đất nông nghiệp, trong đó chỉ 5,6 triệu héc-ta được canh tác, 73,3% dân số làm nông nghiệp. Tanzania có diện tích đất nông nghiệp gần 40 triệu héc-ta, trong đó chỉ 10 triệu héc-ta được canh tác, 75% dân số làm nông nghiệp. Nigeria có diện tích đất nông nghiệp gần 70 triệu héc-ta, trong đó 34,76 triệu héc-ta được canh tác, 70% dân số làm nông nghiệp. Angola có diện tích đất nông nghiệp gần 57 triệu héc-ta, trong đó chỉ 5,9% triệu héc-ta được canh tác, 50% dân số làm nông nghiệp. Sierra Leone có 5,4 triệu héc-ta đất nông nghiệp, trong đó 4,05 triệu héc-ta được canh tác, 60% dân số làm nông nghiệp
(5), (6) Jo Adetunji: “Africa’s agribusiness sector should drive the continent’s economic development: Five reasons why” (Tạm dịch: Ngành kinh doanh nông nghiệp của châu Phi sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của lục địa này: Năm lý do tại sao), The Conversation, ngày 17-2-2023, https://theconversation.com/africas-agribusiness-sector-should-drive-the-continents-economic-development-five-reasons-why-198796:~:text=Africa%27s%20agriculture%20sector%20accounts%20for,of%20any%20other%20emerging%20region
(7) Zhang Yiming: “China-Africa Cooperation Enters a New Stage and Implements a New Plan” (Tạm dịch: Hợp tác Trung Quốc - châu Phi bước vào giai đoạn mới và triển khai một kế hoạch mới), Embassy of China in Namibia, ngày 21-1-2022, http://na.china-embassy.gov.cn/eng/dsxx/hdjh/202201/t20220121_10631816.htm# :~:text=China%20will%20implement%20five%20agricultural,facilities%20and%20technical%20assistance%20to
(8) Jevans Nyabiage: “China - Africa trade hits record US$282 billion with boost from Beijing and soaring commodity prices” (Tạm dịch: Trao đổi thương mại Trung Quốc - châu Phi đạt mức kỷ lục 282 tỷ USD với động lực chính là Bắc Kinh và giá hàng hóa tăng), Souch China Morning Post, ngày 19-1-2023, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3207403/china-africa-trade-hits-record-us282-billion-boost-beijing-and-soaring-commodity-prices
(9) XD: “Thúc đẩy Khu  vực Tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 19-5-2023, https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-khu-vuc-tu-do-thuong-mai-luc-dia-chau-phi-afcfta-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-638210.html#:~:text=(ĐCSVN)%20%2D%20Trong%20vòng%20hơn,Phi%20sẽ%20tăng%20đáng%20kể
(10) Xem: Huy Dương: “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại châu Phi”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 2-11-2023, https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-thuong-mai/nang-cao-hieu-qua-quang-ba-nong-san-viet-nam-tai-chau-phi.html
(11) Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 ở Addis Ababa, Ethiopia vào tháng 1-2012, các nguyên thủ châu Phi đã ra quyết định thành lập Khu vực Tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA). Sau hơn 7 năm chuẩn bị, đến tháng 5-2019, Hiệp định AfCFTA bắt đầu có hiệu lực với sự phê chuẩn của 22 quốc gia châu Phi đầu tiên. Tính đến nay, đã có 46 quốc gia châu Phi chính thức phê chuẩn Hiệp định AfCFTA. Khi đi vào hoạt động đầy đủ, AfCFTA sẽ là khu vực tự do thương mại lớn trên thế giới, với thị trường gồm 1,3 tỷ người và GDP lên tới 3.400 tỷ USD
(12) Việt Nam có cơ quan đại diện ngoại giao tại 8/55 nước, thương vụ tại 5/55 nước châu Phi