Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân - Từ mô hình “Dân tin, Đảng cử” tại tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Trải qua các thời kỳ phát triển dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân luôn là cội nguồn sức mạnh, nhân tố làm nên mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Bài học lớn rút ra từ thực tiễn là trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền thì lại càng phải đặc biệt chăm lo, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; bởi vì, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Đảng gắn bó và liên hệ mật thiết với nhân dân; nhân dân tin Đảng, theo Đảng, ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ Đảng. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn ấy, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức việc bầu trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên do tổ chức đảng giới thiệu, theo quy trình nhân sự “Dân tin, Đảng cử” và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Không ngừng vun đắp, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân - Từ chủ trương đến hành động của Đảng
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải “lắng nghe, học hỏi nhân dân”. Người khẳng định, Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì nhân dân, vì đất nước, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(1). Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Người căn dặn, Đảng “phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”(2).
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ta không ngừng chăm lo, vun đắp mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) chỉ rõ: “Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(3). Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định rõ hơn mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(4). Kế thừa tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện bước nhận thức mới, đầy đủ, rõ ràng hơn về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, về quyền làm chủ của nhân dân: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(5). Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được bổ sung thêm nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây vừa là kết quả của tổng kết thực tiễn, vừa là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; bởi lẽ, nhân dân là trung tâm thì nhân dân có toàn quyền quyết định; trong đó, có quyền giám sát, quyền thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân với vai trò “vừa là lãnh đạo, vừa là đày tớ trung thành của nhân dân”. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng tới lợi ích, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân; chú trọng thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định về dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội; phát huy quyền làm chủ, quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân…
Đảng không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng nhận thức rõ rằng, để có được niềm tin từ nhân dân, thì Đảng, Nhà nước phải có những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn, hợp lòng dân và mang lại hiệu quả trên thực tế, ngày càng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân; có sự quản lý, điều hành phù hợp, sâu sát với sự gương mẫu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng phải luôn cầu thị, tiến bộ, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.
Xác định nhân dân là chỗ dựa vững chắc, là nguồn sức mạnh của Đảng, nên Đảng đặc biệt coi trọng và dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta ngay từ khi mới thành lập và được nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa trong bối cảnh mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và nhất là Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã cụ thể hóa nội dung này ở 2 khía cạnh cơ bản: 1- Nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng cách trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ, các chủ trương, đường lối lớn của Đảng. Nhân dân có quyền góp ý kiến, kiến nghị đối với tổ chức đảng và chính quyền, phát hiện những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là phát hiện những tiêu cực, như tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”; hoặc nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp, như đối thoại, tiếp công dân, tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết những kiến nghị, phản ánh của nhân dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, các tổ tự quản của nhân dân ở cơ sở, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, các tổ giám sát cộng đồng cũng là hình thức quan trọng để nhân dân có thể tham gia góp ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; 2- Nhân dân gián tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và các đại biểu do nhân dân bầu ra; thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Thông qua hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đã đến nghị trường của Quốc hội; những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, những nội dung cần tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, pháp luật… đã được bàn bạc, thảo luận công khai, xử lý phù hợp. Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo đúng chức năng, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình; tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền, công tác ở những lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm…
Mô hình “Dân tin, Đảng cử” ở tỉnh Quảng Ninh - minh chứng sinh động, thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong thực tiễn
Quán triệt chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định dựa vào nhân dân để củng cố, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò, đề cao vị trí “dân là gốc” trong công cuộc xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh. Những điều đó được coi là động lực, cơ sở lý luận để xây dựng, thực hiện mô hình “Dân tin, Đảng cử” tại tỉnh Quảng Ninh, trong đó coi trọng việc lấy các tổ dân cư, khu phố làm nền tảng.
Ngay từ năm 2015, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, đánh giá hoạt động của tổ chức, bộ máy, cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh và phát hiện ra nhiều bất cập, mâu thuẫn. Toàn tỉnh chỉ có 32,8% số trưởng thôn, khu phố là đảng viên; tỷ lệ chưa qua đào tạo cao. Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố đạt tỷ lệ thấp, chỉ có 336 đồng chí, chiếm 21,8%; vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở nhiều thôn, khu phố còn rất hạn chế, nhất là vùng sâu, xa, khó khăn, biên giới, hải đảo; trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn của một số bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hiểu về tổ chức đảng nhưng thiếu kiến thức về chính quyền cơ sở; đối với những nơi trưởng thôn, khu phố chưa là đảng viên thì thiếu lý luận về công tác đảng, lãnh đạo cứng nhắc, chưa thực sự hiệu quả, thậm chí có nơi còn vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Dựa trên cơ sở lý luận và từ thực tiễn trên, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25); đồng thời, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; trong đó, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cấp xã và thôn, khu phố.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành các nghị quyết, chỉ thị về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, khu phố(6), đặt ra mục tiêu thực hiện 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố, với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân có tin rồi Đảng mới cử”, với quy trình thực hiện như sau: 1- Cấp ủy cơ sở dự kiến lựa chọn đảng viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hoặc kết nạp quần chúng có năng lực, uy tín với nhân dân, có khả năng làm trưởng thôn, khu phố vào Đảng (bước rà soát, tạo nguồn, cách lựa chọn nhân sự theo từng địa phương, cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn); 2- Thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân bầu chức danh trưởng thôn, khu phố; sau khi có kết quả bầu trưởng thôn, khu phố, cấp ủy thực hiện quy trình nhân sự để đại hội chi bộ bầu chức danh bí thư chi bộ (các bước giới thiệu nhân sự trưởng thôn, khu phố được thông qua ban công tác mặt trận theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, “Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN, ngày 17-4-2008, của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, “Hướng dẫn thi hành các điều 11, điều 14, điều 16, điều 22 và điều 26 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn); 3- Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ bí thư chi bộ; 4- Phân công cấp ủy viên (cấp xã) trực tiếp phụ trách các chi bộ; thường xuyên tổ chức giao ban với các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố; 5- Rà soát xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc của chi bộ thôn, khu phố; 6- Đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tránh sự độc đoán, chuyên quyền, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”; 7- Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo động lực duy trì, phát triển mô hình. Cụ thể: Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết, như mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách thôn, khu phố ở mức cao nhất trong quy định của Chính phủ; thực hiện chính sách trợ cấp nghỉ việc 1 lần (mỗi năm được 1/2 tháng lương cơ sở) đối với các đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố (giai đoạn 2014 - 2018 có 107/160 đảng viên; giai đoạn 2015 - 2019 có 139/170; giai đoạn 2016 - 2020 có 162/164; giai đoạn 2017 - 2021 có 156/190 đảng viên được tỉnh tặng bằng khen là bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố).
Nhờ cách làm bài bản, logic, khoa học, có lộ trình phù hợp, tỉnh Quảng Ninh đã duy trì thực hiện chủ trương 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu được 2 nhiệm kỳ (2017 - 2020; 2020 - 2022) và bước sang nhiệm kỳ thứ 3 (2022 - 2025); cả 3 nhiệm kỳ này đều tiến hành thống nhất bầu trưởng thôn vào 1 ngày, đại hội chi bộ thôn, khu phố vào 1 ngày nhằm tạo không khí phấn khởi, trở thành đợt sinh hoạt chính trị cơ sở sâu rộng, ngày hội toàn dân. Tỷ lệ cử tri đi bầu đều đạt trên 98%, tỷ lệ bí thư trúng cử với số phiếu cao (trên 95%), trong đó, nhiệm kỳ 2017 - 2020 với 1.565/1.565 thôn, khu phố; nhiệm kỳ 2020 - 2022 với 1.542/1.542 thôn, khu phố; nhiệm kỳ 2022 - 2025 với 1.452/1.452 thôn, khu phố có bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố. Trải qua 2 nhiệm kỳ (2017 - 2020; 2020 - 2022), các đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tín nhiệm tái cử cao.
Qua thực tiễn triển khai, mô hình “Dân tin, Đảng cử” đem lại nhiều kết quả tích cực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nổi bật là:
Thứ nhất, vai trò lãnh đạo và cụ thể hóa các nhiệm vụ của chính quyền cơ sở được tiến hành thuận lợi, nhất quán, tránh sự trùng chéo, đùn đẩy, giảm khâu trung gian; cơ cấu cán bộ thôn, khu phố gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân.
Thứ hai, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo thống kê, chỉ số lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng tăng từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, 85,1% năm 2018 và lên 96% năm 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bầu cử đều đạt trên 98% là minh chứng sinh động nhất, thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nhân dân tham gia trực tiếp vào xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thứ ba, bằng hoạt động lãnh đạo, điều hành hiệu quả của mình, các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố của tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là ở thôn, bản, khu phố có ít đảng viên; đời sống văn hóa, xã hội của địa phương được nâng lên rõ rệt.
Thứ tư, công tác vận động nhân dân có chuyển biến rõ rệt, nhân dân đồng thuận, ủng hộ Đảng, chính quyền trong việc giải phóng mặt bằng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Cơ sở đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi, nâng cao các chỉ số, nhất là Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Quảng Ninh từ chỗ đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố vào năm 2016, đã vươn lên vị trí thứ nhất toàn quốc vào năm 2020; đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố” đã góp phần quan trọng trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả./.
----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 289
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 278
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 51, tr. 151
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 89
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 27 - 28
(6) Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 28-12-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 18-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, về “Tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025”.
Mô hình “Dân tin, Đảng cử” - Sự thể hiện sinh động mối quan hệ mật thiết giữa “lòng dân” với “ý Đảng” qua thực tiễn tỉnh Quảng Ninh (kỳ 2)  (28/10/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên