BRICS nỗ lực khẳng định vai trò và ảnh hưởng của mình
BRICS - Cơ chế hợp tác của các quốc gia đang phát triển
Ngày 16-6-2009, cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên ở thành phố Yekaterinburg của Nga đã đánh dấu sự ra đời chính thức của một lực lượng mới: Nhóm các nền kinh tế mới nổi - BRIC trên vũ đài quốc tế. Cũng kể từ đó hội nghị cấp cao của khối được tổ chức thường niên.
BRIC là khái niệm do ông Jim O’Neill, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Goldman Sachs, đưa ra năm 2001 để đề cập đến nhóm các nền kinh tế đang phát triển mạnh nhất, bao gồm các quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. BRIC là từ ghép bởi chữ cái đầu tiên của tên 4 nước thành viên và cũng chính là tên gọi được dùng để chỉ liên minh giữa các nước này.
Tháng 11-2010, Nam Phi nộp đơn gia nhập BRIC tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ngày 24-12-2010, Nam Phi đã nhận được lời mời chính thức gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực kinh tế lớn BRIC dựa trên thỏa thuận giữa các thành viên của nhóm này. Từ đó, tên gọi BRIC chính thức được đổi thành BRICS gồm 5 nước thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Các nước trong nhóm BRICS có đặc điểm chung là dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh, chiếm 26% diện tích lãnh thổ toàn cầu và hơn 40% dân số thế giới (hơn 3 tỷ người). Đây cũng là các nền kinh tế đang nổi, có tiềm lực lớn, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tất cả thành viên BRICS đều là thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 2 thành viên Nga và Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Không chỉ đơn thuần là một tập hợp của một số quốc gia, BRICS còn là sự hội tụ của các quốc gia mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Brazil mạnh về sắt và nông nghiệp; Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ; Ấn Độ duy trì lợi thế về công nghệ thông tin; Trung Quốc nổi tiếng với danh hiệu công xưởng của thế giới; và Nam Phi được xem là một trung tâm tài chính mạnh trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Một khả năng tương tác mạnh mẽ nội khối như vậy đã và đang biến cơ chế từng bị nghi ngờ về sức mạnh khi mới ra đời trở thành một diễn đàn có tiếng nói ngày càng lớn bên cạnh những thể chế như Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) hay G20.
Đến nay BRICS đã chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Việc BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ ngoại tệ với tổng trị giá 200 tỷ USD thực sự là bước tiến trong quá trình khẳng định vị thế của nhóm. Chính vì thế, trong bối cảnh trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, BRICS được các nước thành viên kỳ vọng sẽ nổi lên như là một đại diện cho các quốc gia đang phát triển, củng cố hơn nữa hợp tác Nam-Nam. Không những thế, BRICS được xem là “bệ phóng” để mỗi nước thành viên nâng cao vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế. BRICS là diễn đàn khá mới nhưng đang ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm.
Kể từ khi thành lập đến nay, BRICS đã tổ chức 9 hội nghị thượng đỉnh thường niên do các nước thành viên lần lượt đăng cai và luân phiên tổ chức.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần đầu tiên diễn ra ngày 16-6-2009, tại thành phố Yekaterinburg, Nga. Tại hội nghị này, lãnh đạo các nước thành viên BRIC tập trung thảo luận về các vấn đề bao gồm: cải cách thể chế tài chính quốc tế, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, đối thoại về tương lai và triển vọng hợp tác của nhóm BRIC.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ hai tổ chức ngày 15-4-2010, tại thủ đô Brasilia của Brazil. Nam Phi được tham dự với tư cách khách mời. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề như: tình hình kinh tế thế giới, cải cách các tổ chức tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, đối thoại và hợp tác giữa bốn nước thành viên. Ngoài ra, hội nghị cũng bàn về các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Hội nghị kết thúc với việc ra thông cáo chung kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới mọi hình thức.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ ba tổ chức ngày 14-4-2011, với chủ đề “Nhìn về tương lai, cùng hưởng phồn vinh”, tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên BRICS nhóm họp với năm thành viên, sau khi Nam Phi trở thành thành viên chính thức. Tại hội nghị này, BRICS đã ra “Tuyên bố Sanya” ủng hộ cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm thiết lập một hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế quy mô lớn, ổn định và đáng tin cậy, hối thúc tăng cường giám sát tài chính quốc tế và phối hợp chính sách để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các thị trường tài chính toàn cầu. BRICS cũng cam kết duy trì hợp tác trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Libya, tái khẳng định sự cần thiết cải tổ Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an để tổ chức này mang tính đại diện hơn, hoạt động tích cực và có hiệu quả hơn trước các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 4 tổ chức trong hai ngày 28 và 29-3-2012 tại thủ đô New Dehli, Ấn Độ, với chủ đề “BRICS hợp tác vì sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu”. “Tuyên bố Dehli” cam kết sẽ mở rộng thương mại song phương và thúc giục đẩy nhanh cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, vốn đang do phương Tây kiểm soát. BRICS cũng ký kết các thỏa thuận giúp các nước thành viên có thể chuyển sang giao dịch bằng đồng nội tệ trong quan hệ thương mại nội khối. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng lên tiếng ủng hộ quyền phát triển năng lượng hạt nhân dân sự của Iran và cảnh báo về “các hậu quả thảm khốc” nếu tình hình tại đây leo thang thành một cuộc chiến.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 5 tổ chức ngày 26-3-2013, tại Durban, Nam Phi, với chủ đề “BRICS - Châu Phi: Quan hệ đối tác phát triển, hợp nhất và công nghiệp hóa”. Hội nghị này của BRICS có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc định hướng lại tương lai của các nước đang phát triển. Một trong những nội dung trọng yếu được thảo luận tại hội nghị là thiết lập một ngân hàng phát triển chung của khối, và một quỹ dự trữ ngoại tệ khẩn cấp nhằm xây dựng một trật tự tài chính cân bằng. Hội nghị đã nhất trí trên nguyên tắc việc thành lập ngân hàng phát triển và Quỹ dự phòng rủi ro với quy mô ban đầu là 100 tỷ USD. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh mục tiêu đưa BRICS trở thành một cơ chế phối hợp thường xuyên và dài hạn trong các vấn đề kinh tế, chính trị quan trọng của thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 diễn ra trong hai ngày 15 và 16-7-2014, tại thành phố Fortaleza, Brazil, với chủ đề “Tăng trưởng toàn diện: Các giải pháp bền vững”. Hội nghị đã ký thỏa thuận thành lập một ngân hàng chung và một quỹ dự phòng trị giá ban đầu 100 tỷ USD, nhằm huy động nguồn lực cho các dự án hạ tầng, phát triển tại các nước thành viên, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác. Đây là thành tựu lớn đầu tiên của BRICS, khẳng định vị thế của trong bản đồ kinh tế thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 7 diễn ra ngày 08 và 09-7-2015, tại thành phố Ufa, Liên bang Nga, với chủ đề “BRICS - Nhân tố mạnh mẽ phát triển toàn cầu”. Hội nghị đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế nội khối, thúc đẩy các định chế tài chính của riêng BRICS và xây dựng cơ chế hợp tác toàn diện, với mục tiêu nâng cao vị thế của Nhóm trong đời sống kinh tế-chính trị toàn cầu. Các nhà lãnh đạo BRICS đã tuyên bố thành lập hai định chế tài chính đầu tiên của mình là Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ ngoại tệ (CRA), với tổng trị giá 200 tỷ USD.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 diễn ra ngày 15 và 16-10-2016, tại bang Goa của Ấn Độ. Với chủ đề “Xây dựng các giải pháp phản ứng nhanh, nhiều thành phần tham gia và mang tính tập thể”, hội nghị đã thảo luận các vấn đề quốc tế, vấn đề an ninh và chống khủng bố, cuộc chiến chống tham nhũng, nạn rửa tiền, hợp tác thương mại, thương mại điện tử, cuộc xung đột tại Syria, tình hình an ninh Afghanistan.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 9 diễn ra từ ngày 03 đến 05-9-2017 tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc với chủ đề “Quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn vì một tương lai tươi sáng hơn”. Hội nghị đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan tới tình hình thế giới, quản trị toàn cầu, các điểm nóng toàn cầu và khu vực, cũng như phát triển và an ninh quốc gia, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, chống khủng bố, an ninh mạng, gìn giữ hòa bình.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các lãnh đạo BRICS, qua đó tái khẳng định tinh thần cởi mở, toàn diện và hợp tác cùng có lợi của BRICS, cũng như đề ra kế hoạch mới nhằm tăng cường quan hệ đối tác BRICS và làm sâu sắc thêm hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10: BRICS thể hiện vai trò trong thời đại kinh tế 4.0
Chủ đề năm của Hội nghị thượng đỉnh BRICS được dư luận thế giới đặc biệt chú ý khi đề cập đến vấn đề mang tính xu thế thời đại là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Châu Phi, khu vực giàu tài nguyên song vẫn bị coi là chậm phát triển nhất thế giới, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt những cơ hội to lớn mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như giải quyết những thách thức phát sinh. Vì vậy, Nam Phi, nước Chủ tịch luân phiên BRICS năm nay, đã bày tỏ tham vọng tận dụng vai trò thành viên trong BRICS của mình để giúp thúc đẩy lợi ích và đem lại thịnh vượng cho toàn bộ “lục địa Đen” trong thời kỳ kinh tế 4.0. Sự tham gia tích cực của BRICS khẳng định vai trò “dẫn dắt” và đi đầu hỗ trợ của BRICS trong việc hướng châu Phi tập trung vào công nghệ, với sự xuất hiện của máy móc thông minh, trí tuệ nhân tạo… để biến những cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành động lực tăng trưởng cho “lục địa Đen”. Chủ đề của hội nghị phản ánh những ưu tiên cốt lõi của mỗi thành viên BRICS là nỗ lực hướng tới một xã hội rộng mở, gắn kết với nhau và quan hệ đối tác toàn cầu, từ đó sẽ đem lại sự thịnh vượng chung.
Bên cạnh đó, trật tự thương mại toàn cầu trước xu thế chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy mạnh mẽ cùng với những xung đột thương mại leo thang, đặc biệt là tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất BRICS, với Mỹ, sẽ là vấn đề quan trọng hàng đầu chi phối hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này. Nhiệm vụ của BRICS là tìm cách thức ứng phó hiệu quả với làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới. Quan điểm của BRICS đã được thể hiện tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng G-20 diễn ra tại Argentina cuối tuần trước, theo đó 5 nước phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi, đồng thời ủng hộ chủ nghĩa đa phương mở rộng, thương mại quốc tế và phát triển trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Các nước thành viên BRICS cũng bày tỏ tinh thần sát cánh bên nhau nhằm ngăn ngừa những rủi ro đối với các nền kinh tế mới nổi trước nguy cơ chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế đầu tàu của thế giới. Riêng với Trung Quốc, hội nghị tại Johannesburg sẽ là cơ hội lý tưởng để Bắc Kinh tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại đôi bên cùng có lợi với các đối tác BRICS cũng như các quốc gia ở “lục địa Đen”, trong bối cảnh nước này đang phải tính tới những phương án thay thế thị trường Mỹ nếu các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ phong tỏa.
Về mở rộng hợp tác của BRICS, sự kiện năm nay dự kiến thông qua mô hình hợp tác “BRICS+”, mời thêm nhiều đại diện từ các nước đang phát triển tới tham gia đối thoại, đồng thời tổ chức nhiều cuộc thảo luận giữa lãnh đạo các nước BRICS và châu Phi. Lãnh đạo Argentina, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… cùng tổng thống một loạt nước châu Phi như Namibia, Gabon, Angola, Senegal, Togo… là khách mời của hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay. Cơ chế hợp tác “BRICS+” được đánh giá là một nền tảng quan trọng cho hợp tác Nam-Nam, giúp các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn cũng như góp phần bảo đảm trật tự thế giới dựa trên nền tảng đa phương. Việc củng cố hợp tác BRICS cũng như hợp tác Nam-Nam sẽ là động lực thúc đẩy lớn nhất nhằm nâng cao vị thế quản trị toàn cầu của khối. Việc kết nạp thêm những nền kinh tế tăng trưởng mạnh còn giúp tạo một thị trường rộng lớn với mối liên kết mạnh mẽ hơn thay vì phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Việc mở rộng nhóm BRICS có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch do Mỹ để lại.
Nền kinh tế thế giới đang phục hồi ở mức ổn định và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển theo cấp số nhân. Thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng trong quản trị toàn cầu, với chính sách đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu và hoạt động thương mại quốc tế. Đây chính là lúc BRICS thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần định hình cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu mới, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của khối trên trường quốc tế./.
“Người nghệ sĩ phải bám sát, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống”  (25/07/2018)
Chủ tịch Hạ viện Australia kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam  (25/07/2018)
Tổng Bí thư Lào tiếp đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam  (25/07/2018)
Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ  (25/07/2018)
Chủ tịch Quốc hội gửi Điện thăm hỏi về sự cố đập thủy điện tại Lào  (25/07/2018)
- Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Marxist-Leninist thống nhất cầm quyền tại Nepal tiếp Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên