Công đoàn Viên chức Việt Nam 30 năm đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động
TCCS - Ngày 1-7-2024, tại Hà Nội, Công đoàn viên chức Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2-7-1994 - 2-7-2024) và tuyên dương cán bộ công đoàn tiêu biểu, giai đoạn 2018 - 2023.
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy, cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành; lãnh đạo Công đoàn Viên chức Việt Nam qua các thời kỳ.
Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khẳng định, 30 năm qua, các cấp công đoàn đã làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Cùng với sự ra đời của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX dưới hình thức các hội, đoàn. Ngày 15-8-1994, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), lễ ra mắt Công đoàn Viên chức Việt Nam được tổ chức trọng thể. Sự ra đời của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra; đồng thời thể hiện ý nguyện của đông đảo công chức, viên chức trên cả nước, cũng như các cấp công đoàn cơ sở, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào công nhân, viên chức, lao động và Công đoàn Việt Nam. Đây cũng là mốc son mới đánh dấu sự phát triển và hội nhập giữa Công đoàn Việt Nam với các tổ chức công đoàn quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn quốc tế đối với Việt Nam.
Qua 30 năm xây dựng và phát triển với 6 kỳ đại hội, Công đoàn Viên chức Việt Nam không ngừng phát triển đồng bộ với 2 hệ thống: Công đoàn viên chức các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và công đoàn viên chức tỉnh, thành phố. Đến nay, Công đoàn Viên chức Việt Nam có 60 đơn vị trực thuộc (trong đó có 25 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 35 công đoàn cơ sở) với hơn 600 công đoàn cơ sở; số lượng đoàn viên của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 2,2 vạn đoàn viên lúc mới thành lập (năm 1994) đến nay đã lên trên 8,4 vạn đoàn viên. Hệ thống công đoàn viên chức tỉnh, thành phố phát triển nhanh từ 8 công đoàn viên chức tỉnh, thành phố khi mới thành lập, đến nay số công đoàn viên chức tỉnh, thành phố là 63 đơn vị với hơn 3 nghìn công đoàn cơ sở và hơn 24 nghìn đoàn viên. Cùng với sự phát triển hệ thống tổ chức công đoàn viên chức các cấp, Công đoàn Viên chức Việt Nam cũng đã và đang mở rộng quan hệ hợp tác với công đoàn viên chức và phong trào công đoàn viên chức các khu vực và thế giới.
Từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp của các cấp ủy, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn của các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; sự nỗ lực đoàn kết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam qua các thời kỳ, của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp và của cả hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam, hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Thực hiện phương châm đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; lấy phong trào hoạt động và xây dựng công đoàn cơ sở làm nền tảng, làm trọng tâm; lấy nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và công đoàn trong từng giai đoạn làm mục tiêu tổ chức hoạt động, kết quả phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong thời gian qua của Công đoàn Viên chức Việt Nam góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhận định, trải qua ba thập kỷ lớn mạnh cùng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam tự hào là nơi có nhiều đổi mới, khởi xướng nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình hay, cách làm hiệu quả, đề xuất các giải thưởng có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần vào việc động viên cán bộ, công chức, viên chức, lao động thi đua học tập, công tác tốt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, tổ chức công đoàn trong sạch, vững mạnh, như: Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (năm 1999), nay là Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa "hồng", vừa "chuyên"; Phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả” (năm 2007); Phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cùng với các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; các chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và công đoàn các cấp tham gia thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính…
Với những đóng góp to lớn trong 30 năm qua, Công đoàn Viên chức Việt Nam được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các ban, bộ, ngành và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huân chương các loại của Ðảng, Nhà nước. Những thành tích đạt được trong 30 năm qua là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam; sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Ðảng đoàn, Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; sự quan tâm, phối hợp của lãnh đạo các cấp ủy, chuyên môn các cơ quan, đơn vị có tổ chức công đoàn trực thuộc; là sự tận tụy, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ cán bộ công đoàn viên chức các cấp.
30 năm hình thành và phát triển, đội ngũ cán bộ Công đoàn Viên chức hiện nay rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đó là:
Thứ nhất, chủ động tham mưu, nắm chắc và cụ thể hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Phát huy tốt sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến người lao động, huy động các nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động và xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm.
Thứ hai, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, kịp thời thích ứng những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; đầu tư cho công tác dự báo, nắm và phân tích tình hình, quan tâm thí điểm các mô hình mới.
Thứ ba, tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; phải đầu tư nguồn lực, đổi mới cách làm, quản trị rủi ro, coi đây là động lực thu hút, tập hợp người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn.
Thứ tư, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp.
Thứ năm, xác định đúng, trúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
“Với tinh thần nhìn lại để đi tới, đổi mới và phát triển, cán bộ, đoàn viên Công đoàn Viên chức Việt Nam nguyện kế thừa và phát huy truyền thống, nỗ lực không ngừng, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lập nên nhiều thành tích mới trong chặng đường tiếp theo”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động, của tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với số lượng đoàn viên chủ yếu làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, phục vụ tại các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp và các hội quần chúng, suốt 30 năm qua, cán bộ, đoàn viên Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tham mưu, đề xuất hầu hết các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần quan trọng vào những thành tựu của đất nước ta đạt được trong gần 40 năm đổi mới.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, mỗi cán bộ, đoàn viên trong hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam hôm nay cần nhận rõ thời cơ và thách thức, không ngừng nỗ lực, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự lớn mạnh, phát triển của Công đoàn Viên chức Việt Nam những năm tới.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam tiếp tục đề ra những giải pháp khoa học, chủ động thực hiện có hiệu quả Quy chế Dân chủ ở cơ sở; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường làm việc tốt để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam; tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng công tác nữ công, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ; đẩy mạnh công tác đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam; xây dựng nguồn tài chính công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam; đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.
Tại lễ kỷ niệm, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tuyên dương 100 cán bộ công đoàn tiêu biểu, giai đoạn 2018 - 2023./.
Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân, công đoàn  (19/05/2024)
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động công đoàn  (02/12/2023)
Công tác phát triển tổ chức và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh trong khu vực doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế  (05/11/2022)
“Bản lĩnh Việt Nam” - tôn vinh các tập thể, cá nhân người lao động có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước  (11/09/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển