Nâng cao hiệu quả hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây
TCCSĐT - Ngày 26-6, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây. Tham dự Diễn đàn có 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương của Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mi-an-ma, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Hai vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm đó là phát triển hạ tầng giao thông và cải cách thủ tục hành chính.
Diễn đàn Hành lang Kinh tế Đông - Tây (East-West Economic Corridor - EWEC) là nơi các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận, khai thông các cơ chế chính sách, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy đầu tư, thương mại du lịch, đồng thời khai thác tiềm năng thế mạnh của các nước trong khu vực.
Diễn đàn được tổ chức nhằm khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của EWEC đối với sự phát triển của khu vực và các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang; quảng bá tiềm năng liên vùng, của các địa phương nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế và trong nước về những cơ hội phát triển của EWEC; tạo sự hiểu biết sâu sắc hơn của các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó thu hút sự quan tâm hơn nữa của các nhà tài trợ, giới đầu tư kinh doanh vào khu vực hành lang này;đồng thời đề xuất các chủ trương và giải pháp tháo gỡ vướng mắc hiện nay để khai thác có hiệu quả và phục vụ phát triển kinh tế các nước trên hành lang. Đây cũng là cơ hội để Quảng Trị quảng bá, kêu gọi đầu tư, tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế.
Những năm qua, được sự giúp đỡ của Ngân hàng châu Á, Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ 4 nước trong EWEC là Mi-an-ma, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng giao thông như : Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa, Đà Nẵng; Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân; nâng cấp quốc lộ 9, xây dựng cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Kông và nhiều công trình khác. EWEC đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông. Hành lang kinh tế Đông - Tây đã tác động một cách tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan trên hành lang. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, để EWEC thực sự trở thành một hành lang kinh tế như tên gọi của nó, thực tế còn gặp không ít những khó khăn, trở ngại mà những cố gắng của các bên liên quan trong thời gian qua chưa đạt được kết quả mong muốn, như: hạ tầng dịch vụ kỹ thuật, các cơ chế chính sách, các thủ tục hành chính, sự phân bổ nguồn lực, việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, các vấn đề xã hội, môi trường, sự liên kết, bổ sung lợi thế giữa các địa phương trên tuyến hành lang...
Diễn đàn EWEC lần này tập trung thảo luận các nội dung: tiềm năng, thế mạnh của EWEC việc và cần phải liên kết để phát huy; nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng; nhu cầu kết nối để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào những vấn đề thực tế đang đặt ra và cần phải giải quyết để xây dựng thương hiệu của EWEC. Trên cơ sở đó, các bên đưa ra các sáng kiến, các chương trình hợp tác, các giải pháp hành động chung, phù hợp, hiệu quả để biến Hành lang từ kết nối giao thông trở thành Hành lang kinh tế - một tuyến hành lang hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần tăng cường liên kết, đưa các chiến lược phát triển Hành lang kinh tế Đông-Tây ngày càng đổi mới, năng động và hiệu quả...
Một nét mới của Diễn đàn lần này là các tỉnh của các nước trên trục EWEC ký một biên bản hợp tác để xây dựng và phát triển.
Đánh giá cao kết quả của Diễn đàn hợp tác EWEC năm 2010, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi các địa phương, các nước tạo điều kiện phát huy nội lực, tăng cường phối hợp và hợp tác hơn nữa cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tạo thêm thuận lợi cho EWEC phát huy tác dụng cho các vùng và quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội và an ninh khu vực và các nước.
*** Sau khi Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây kết thúc, ngày 26-6-2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư.Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị giới thiệu các tiềm năng và cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Trị. Đó là các tiềm năng về đất đai, tài nguyên khoáng sản, giao thông và hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh...
Các cơ chế, chính sách ưu đãi, thông thoáng thu hút đầu tư đã và đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính đến cuối năm 2009, Quảng Trị đã thu hút 144 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 24.034 tỉ đồng, trong đó có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 616 tỉ đồng và đã có 51 dự án đi vào sản xuất kinh doanh.
*** Ngày 27-6-2010, tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị hợp tác du lịch lần thứ VI giữa 3 tỉnh: Quảng Trị (Việt Nam), Sa-va-na-khet (Lào) và Muk-da-han (Thái Lan). Thực hiện Biên bản ký kết hợp tác du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Trị - Sa-va-na-khet- Muk-da-han ký tại Muk-da-han tháng 9-2009, hoạt động về hợp tác du lịch giữa 3 tỉnh và các địa phương trên toàn tuyến EWEC thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cả 3 tỉnh đều tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, đơn giản; không ngừng đổi mới cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ kiểm soát tại các cửa khẩu. Hoạt động hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, các tỉnh đều tích cực tham gia vào các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của các bên; xây dựng các sản phẩm du lịch đồng thời, mở rộng hợp tác phát triển du lịch đến các tỉnh lân cận…
Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, xây dựng định hướng và đi đến ký kết bản ghi nhớ lần thứ VI về hợp tác du lịch giữa Quảng Trị, Sa-va-na-khet và Muk-da-han. Theo đó, các bên sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập cảnh, vận chuyển khách du lịch thực hiện theo quy định của mỗi nước. Thúc đẩy việc quảng bá xúc tiến du lịch tại các tỉnh, tiếp tục mở rộng hợp tác phát triển du lịch đến các tỉnh lân cận trên EWEC.
Hội nghị cũng đã thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị hợp tác Du lịch 3 tỉnh 3 nước lần thứ VII tại tỉnh Sa-va-na-khet./.
Tập đoàn kinh tế Việt Nam phải làm chủ sức mạnh tổng hợp trước áp lực cạnh tranh của các tập đoàn xuyên quốc gia  (26/06/2010)
Liên bang Nga: nỗ lực vượt qua khủng hoảng, hiện đại hóa đất nước  (26/06/2010)
Thành phố Kon Tum giải quyết hiệu quả những vấn đề đối với nông nghiệp và nông dân sau khi thu hồi đất phục vụ đô thị hóa, công nghiệp hóa  (26/06/2010)
Tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp  (26/06/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên