Khai mạc Hội nghị cấp cao G20

21:36, ngày 27-06-2010

Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn G20 đã bắt đầu bước vào Hội nghị cấp cao lần thứ 4 tại thành phố Tô-rôn-tô, Ca-na-đa chiều 26-6 (theo giờ địa phương). 

Hội nghị cấp cao G20 đã chính thức khai mạc với sự tham gia của người đứng đầu các nước Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Ca-na-đa, I-ta-li-a, Bra-xin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và EU.

Tham dự Hội nghị còn có các nước khách mời khác như Ma-la-uy, Ê-ti-ô-pi-a, Tây Ban Nha, Hà Lan và các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới…).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cao cấp G20 lần này với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010.

Ngay sau Lễ đón chính thức, các trưởng đoàn dự Hội nghị cấp cao G20 do Thủ tướng Ca-na-đa Xtê-phan Ha-pơ (Stephan Harper) và Phu nhân chủ trì, các nước tham dự Hội nghị đã thảo luận chủ đề “Kinh tế toàn cầu: Triển vọng và thách thức”.

Nhiều nước dự Hội nghị có chung nhận định, kinh tế toàn cầu về cơ bản tiếp tục phục hồi nhanh hơn dự kiến nhưng không đồng đều giữa các nước và các khu vực khác nhau.

Các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, khu vực châu Âu, Anh, Nhật Bản phục hồi tương đối chậm. Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là ở khu vực châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam …) phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng khá cao, là động lực chính cho phục hồi chung của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế thế giới vẫn đang đứng trước các thách thức lớn như: Tác động của cuộc khủng hoảng vẫn còn tồn tại nhiều nơi; nợ chính phủ của hầu hết các nền kinh tế lớn ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ; tình trạng thất nghiệp cao quá mức cho phép; sự mất cân bằng toàn cầu vẫn tiếp diễn với mức độ hạn chế hơn trước; tình hình tăng trưởng nóng, lạm phát gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi; không ít nước gặp thách thức về ngân sách nghiêm trọng…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010 cho rằng: Bước vào năm 2009, kinh tế thế giới đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929 – 1933. Với những nỗ lực và sự phối hợp chưa từng có trong chính sách tiền tệ và tài khóa của các nền kinh tế, kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu phục hồi với tốc độ phục hồi khác nhau giữa các khu vực.

Đầu năm 2010 này, các định chế, tổ chức kinh tế quốc tế đã đưa ra nhiều nhận định khá lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới trong giai đoạn 2010 - 2011.

Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là châu Á, trong đó có ASEAN, được đánh giá trở thành động lực cho quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu, điều này thể hiện ở việc hầu hết các nền kinh tế ở châu Á đã tăng trưởng khá cao trong năm 2009, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp sau đó là khu vực ASEAN,... chiếm khoảng 3/4 tăng trưởng GDP của toàn cầu trong năm qua.

Tuy nhiên quá trình phục hồi toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong ngắn hạn, khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng ơ-rô đặt ra sự cần thiết tiến hành củng cố tài khóa tại một số nền kinh tế phát triển, bao gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các rủi ro khác bao gồm sự gia tăng lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi và thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển.

Về dài hạn, đó sẽ là những thách thức trong việc duy trì tăng trưởng cân bằng và bền vững, đồng thời các vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường với những tác động mạnh mẽ và kéo dài trong nhiều năm./.