TCCSĐT - Chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiều địa phương tiếp tục khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử - ngày hội của toàn dân vào ngày 22-5-2011.

* Phú Yên: hoàn thành niêm yết danh sách cử tri tại các cơ sở; toàn tỉnh có 642.713 cử tri, trong đó 316.120 cử tri nam và 326.593 cử tri nữ. Phú Yên đã thành lập 2 đơn vị bầu cử ĐBQH 15 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và 811 tổ bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu, trong đó, có 9 khu vực bỏ phiếu các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

* Hải Dương: Ủy ban Bầu cử tỉnh đã ra quyết định thành lập 3 đơn vị bầu cử ĐBQH, 13 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 99 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 1.923 ban bầu cử cấp xã và 1.992 khu vực bỏ phiếu. Bên cạnh việc khởi động không khí cho cuộc bầu cử, các đơn vị thuộc tỉnh Hải Dương như huyện Cẩm Giàng, Hải Dương đã làm tốt công tác kiểm tra ở các xã, thị trấn; ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản, phát hành đầy đủ các tài liệu, con dấu của Ủy ban Bầu cử, Ban Bầu cử, Tổ Bầu cử.

* Lạng Sơn: tổ chức mở 11 lớp tập huấn cho 2.655 nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Các nữ ứng cử viên tham gia lớp tập huấn sẽ được truyền đạt các chuyên đề: Giới thiệu HĐND và đại biểu HĐND; phụ nữ với việc tham gia chính trị; xây dựng chương trình hành động của ứng cử viên HĐND; kỹ năng trình bày chương trình hành động trước cử tri... Đây là cơ hội để giúp các nữ ứng cử viên nâng cao kiến thức cũng như trình độ hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của ứng cử viên đại biểu HĐND; qua đó có chương trình hành động tốt để đạt được tỷ lệ phiếu cao trong đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong thời gian tới.

* Đồng Nai: đã chính thức lập danh sách 15 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIII. Trong đó có 14 ứng cử viên được các cơ quan, đơn vị tổ chức giới thiệu và 1 người tự ứng cử. Trong số 15 ứng cử viên ĐBQH khoá XIII có 4 người ngoài Đảng, chiếm 26,67%; ứng cử viên nữ chiếm 40%; có một ứng cử viên là người dân tộc; tôn giáo chiếm 6,67%; có 3 người tái cử. Trong số 15 ứng cử viên, có 1 người có trình độ học vấn là tiến sĩ, 8 thạc sĩ, còn lại là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ.

* Hòa Bình: đã in khoảng 1,5 triệu cuốn tài liệu (bao gồm Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HÐND và tài liệu tập hợp các văn bản của Trung ương, tỉnh về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016) để phục vụ công tác bầu cử. Khoảng hai triệu bản các mẫu văn bản khác như thẻ cử tri, các loại biên bản, phiếu bầu cử, danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử... Các loại tài liệu sau khi in ấn đều được chuyển về cơ sở phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền và các công việc chuẩn bị cuộc bầu cử ĐBQH và HÐND.

* Bắc Giang: có 3 đơn vị bầu cử để bầu ra 8 đại biểu Quốc hội khóa XIII, 21 đơn vị bầu cử để bầu ra 85 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 90 đơn vị bầu cử để bầu ra 387 đại biểu HĐND cấp huyện và 1842 đơn vị bầu cử để bầu ra 6427 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011-2016. Tỉnh cũng đã lập và niêm yết danh sách cử tri tại UBND các xã, phường, thị trấn; tiếp nhận, giải quyết đơn thư liên quan đến bầu cử.

* Bình Dương: Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Bình Dương tổ chức lớp tập huấn cho tất cả nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp xã của các xã, phường, thị trấn ở 7 huyện, thị trong tỉnh. Thời gian tập huấn từ ngày 20 đến 29-4. Thông qua lớp tập huấn, các ứng cử viên nữ được trang bị các kiến thức và kỹ năng nhằm giúp các chị tự tin hơn khi tham gia ứng cử.

* Quảng Nam: gần 180 nữ ứng cử viên lần đầu được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2011-2016 được tham gia một lớp tập huấn các kỹ năng về lãnh đạo từ ngày 21 đến 28-4. Tại lớp tập huấn, nữ ứng cử viên sẽ được thông tin về những kiến thức và kỹ năng cơ bản liên quan đến hoạt động, chức năng của HĐND, đại biểu HĐND.

* Thanh Hoá: toàn tỉnh có 2.367.280 cử tri. Các xã, phường, thị trấn đã lựa chọn và đang tiến hành trang trí khánh tiết tại 5.400 khu vực bỏ phiếu, tạo điều kiện cho các cử tri đi bầu cử được thuận tiện. Sở Nội vụ Thanh Hoá đã in ấn 43 loại tài liệu phục vụ bầu cử; tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác bầu cử cho 200 cán bộ chủ chốt và công chức phòng Nội vụ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

* Hải Dương: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tại Hải Dương, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Bầu cử tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức tập huấn về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 cho đội ngũ cán bộ làm công tác bầu cử các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng. Tham dự Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển và đại diện uỷ ban bầu cử các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng.

* Nghệ An: Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức gặp mặt những người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016 nhằm hướng dẫn các nội dung tuyên truyền vận động bầu cử được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biêủ HĐND các cấp. Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba của Nghệ An đã lập danh sách chính thức 17 ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 135 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

* Cà Mau: Sau khi bàn giao biên bản Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 và danh sách chính thức 8 ứng cử viên ĐBQH khóa XIII và 85 ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2011 - 2016, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Cà Mau phối hợp với Ủy ban Bầu cử, UBND cùng cấp tổ chức các hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử, để các ứng cử viên trình bày trước cử tri chương trình hành động nếu được bầu làm đại biểu dân cử.

* Trà Vinh: MTTQ các cấp đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ 3 lập danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa 13 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 với tổng số người ứng cử của 4 cấp bầu cử là 5.047 ứng cử viên. Đến thời điểm này, tỉnh Trà Vinh đã thành lập 2 ban bầu cử ĐBQH khóa XIII và 13 ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 86 ban bầu cử đại biểu HĐND huyện, thành phố và 839 ban bầu cử đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn cùng với 1.123 tổ bầu cử.

* Đà Nẵng: chốt danh sách chính thức 8 ứng cử viên do thành phố giới thiệu (chưa tính 2 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu) để bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XIII, 81 ứng cử viên để bầu 50 đại biểu HĐND thành phố khóa VIII và 495 ứng cử viên để bầu 316 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011-2016, UBND các phường, xã đã thành lập và công bố 484 tổ bầu cử và hoàn thành việc niêm yết danh sách 617.872 cử tri.

* Đà Nẵng: có tổng số dân là 914.983 người; tổng số cử tri được đi bầu là 617.872 người, trong đó nữ 313.785 người. Số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố là 15 đơn vị; số đơn vị bầu cử HĐND cấp xã là 89 đơn vị. Tổng số khu vực bỏ phiếu bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp là 484 khu vực bỏ phiếu.

* Bình Phước: Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị họp mặt 10 ứng cử viên ĐBQH khoá XIII tỉnh Bình Phước và 96 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016, để hướng dẫn xây dựng chương trình hành động; đồng thời thảo luận, thống nhất kế hoạch tổ chức vận động bầu cử theo luật định. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Phước sẽ ban hành chỉ thị, công văn đề nghị lãnh đạo của 60 đơn vị, tổ chức, cơ quan có người ra ứng cử tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, phương tiện và các công việc liên quan nhằm giúp cho các ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc, vận động cử tri theo đúng quy định của pháp luật.

* Ninh Bình: tổ chức cuộc họp báo để thông báo kế hoạch cũng như chương trình bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ở thành phố. Đến nay thành phố đã tổ chức gần 600 buổi tuyên truyền miệng về công tác bầu cử cho trên 30.000 lượt người nghe. Dịp này, thành phố chú trọng và đẩy nhanh công giải quyết đơn thư khiểu nại tố cáo, hạn chế đơn thư vượt cấp.

* Quảng Ninh: đang phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 480 nhà văn hóa thôn trước ngày 30-4 để kịp phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tới đây. Các nhà văn hoá đã xây dựng cũ, sẽ được cải tạo, nâng cấp, hoặc phá dỡ xây mới để đảm bảo tiêu chí quy định. Mỗi nhà văn hóa ở khu vực đồng bằng có quy mô tối thiểu 100 chỗ ngồi với diện tích xây dựng tối thiểu là 140m2, diện tích đất tối thiểu là 500 m2; khu vực miền núi có quy mô tối thiểu 80 chỗ ngồi với diện tích xây dựng tối thiểu là 120 m2, diện tích đất tối thiểu là 300 m2; khu vực đô thị: áp dụng tiêu chí của khu vực đồng bằng.

* Vĩnh Long: đã triển khai kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn trang bị những kỹ năng cần thiết cho nữ ứng cử viên trong quá trình bầu cử; trong đó, tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 nhằm giúp nữ ứng cử viên tự tin và thành công trong quá trình ứng cử, góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp từ 30% trở lên. Qua các vòng hiệp thương, số lượng nữ ứng cử viên được giới thiệu chiếm tỷ lệ khá trong đó có 5 nữ ứng cử viên trên tổng số 8 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, chiếm tỷ lệ 62,5%; 27 nữ ứng cử viên trên tổng số 76 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, chiếm tỷ lệ 35,52%; 153 nữ ứng cử viên trên tổng số 423 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND huyện, thành phố, chiếm tỷ lệ 36,17% và 1.292 nữ ứng cử viên trên tổng số 4.550 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, chiếm tỷ lệ 28,39%.

* Bình Dương: vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2011-2015 cho hơn 100 chức sắc các tôn giáo trong tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Cao Đài, với 1.038 chức sắc và trên 150.000 tín đồ, chiếm khoảng 10% dân số toàn tỉnh. Từ cơ sở nội dung, tài liệu của hội nghị tuyên truyền này, các vị chức sắc tôn giáo sẽ về cơ sở triển khai, tuyên truyền vận động tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia công tác bầu cử đạt kết quả tốt.

* Thành phố Hồ Chí Minh: có tổng cộng 51 ứng cử viên ĐBQH, trong đó 10 người do Trung ương giới thiệu về ứng cử (giảm 1 người so với dự kiến ban đầu), 37 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thành phố giới thiệu và 4 người tự ứng cử. Có 161 ứng cử viên ĐB HĐND thành phố khóa VIII; trong đó có 158 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 3 người tự ứng cử. Lần bầu cử này, cử tri thành phố sẽ tham gia bầu 30 ĐBQH tại 10 đơn vị bầu cử và bầu 95 ĐB HĐND thành phố tại 32 đơn vị bầu cử./.