Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)
TCCS - Ngày 1-2-2024, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm, làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); thăm, nghe giới thiệu các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của Viettel tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và làm việc tại trụ sở Tập đoàn.
Tại buổi đón tiếp, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, năm 2023, doanh thu của Viettel đạt trên 172 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,4%; đóng góp gần 39 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Ba năm qua, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu đạt trên 25%. Viettel đã đầu tư ra 10 thị trường tại 3 châu lục, trong đó 7 thị trường đứng vị trí số một về thị phần viễn thông. Viettel đã xây dựng hai hạ tầng ở quy mô quốc gia, gồm: Thứ nhất, hạ tầng viễn thông siêu băng rộng với 5 đường trục cáp quang nội địa; 3 hướng trục cáp quang quốc tế đi Trung Quốc, Lào, Campuchia trên đất liền; 4 đường cáp quang biển kết nối châu Á, châu Âu và châu Mỹ; gần 100.000 trạm phát sóng, trong đó có hơn 55.000 trạm 4G phủ sóng tới 98% dân số Việt Nam. Thứ hai, hạ tầng số với mạng 5G đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố; hạ tầng IoT kết nối vạn vật, 13 trung tâm dữ liệu DC, lớn nhất Việt Nam.
Viettel đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Năm 2023, trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt, Viettel đã xây dựng trợ lý ảo tiếng Việt cho đội ngũ công chức Việt Nam. Năm 2024, Tập đoàn đặt mục tiêu xây dựng trợ lý ảo tiếng Việt cho từng công dân Việt Nam. Đặc biệt, Viettel là hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam; làm chủ các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông trên cả 4 lớp mạng, giúp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất hệ sinh thái sản phẩm 5G và thử nghiệm thành công trên mạng lưới, sẵn sàng thương mại hóa vào năm 2024, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Viettel cũng nghiên cứu thành công 2/3 chip set dành cho hạ tầng 5G. Viettel cũng đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới, phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện tác chiến của quân đội, một số có tính năng chiến - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hơn so với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Các sản phẩm này vừa bảo đảm an toàn, vừa giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Đến nay, Viettel sở hữu 136 bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam, 30 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ. Các công trình, sáng chế đều do các chuyên gia Việt Nam tự chủ từ nghiên cứu tới chế tạo, không chỉ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng chi phí nghiên cứu sản xuất, mà còn bảo đảm bí mật tác chiến, an toàn thông tin, quyết định tới hiệu quả của hệ thống phòng thủ đất nước.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nghe một số đơn vị của Viettel tại nước ngoài báo cáo kết quả kinh doanh với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời động viên, thăm hỏi tới các cán bộ, nhân viên và mong muốn các đơn vị tiếp tục nỗ lực kinh doanh hiệu quả tại nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển và thương hiệu của Tập đoàn cũng như đất nước.
Chia sẻ những ấn tượng sau khi tham quan, nghe giới thiệu về các sản phẩm của Viettel cũng như những kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn thời gian qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá: Viettel thực sự là tập đoàn kinh tế chủ lực hàng đầu của đất nước, là hình mẫu của doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, kinh doanh sáng tạo và hiệu quả, tiên phong trong các lĩnh vực, nhất là viễn thông, công nghệ thông tin và công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Viettel trở thành thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam và số một Đông Nam Á, số 9 châu Á. Tập đoàn có vai trò tích cực và là nhân tố giúp bùng nổ viễn thông tại Việt Nam, góp phần phổ cập di động toàn dân và cung cấp dịch vụ internet; góp phần hình thành nền công nghiệp điện tử của Việt Nam, làm chủ lĩnh vực 5G và đang hướng tới 6G…
Với những thành tích quan trọng đạt được, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn, Viettel phải luôn giữ vai trò là tập đoàn kinh tế chủ lực hàng đầu của đất nước; phải trở thành mô hình kiểu mẫu của doanh nghiệp nhà nước.
Với vai trò nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, Tập đoàn cần tập trung nghiên cứu sản xuất các loại vũ khí, khí tài công nghệ cao phù hợp với đối tượng tác chiến và bối cảnh công nghệ cao. Tập đoàn cần tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong kiến tạo Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số; nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông mà trọng tâm là thiết bị mạng viễn thông; phát triển các công cụ và giải pháp bảo đảm an ninh mạng, tác chiến mạng mà trọng tâm là bảo vệ an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trong đó có vấn đề giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài về viễn thông cũng như cung cấp các dịch vụ xuất khẩu ra thế giới, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam năng động, sáng tạo, có khoa học - công nghệ tiên tiến trên một số lĩnh vực. Hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả cao, đồng thời gắn với trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực có trí tuệ, bản lĩnh, có khả năng nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ khoa học - công nghệ trong mọi tình huống, đóng góp cho Viettel và đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng lưu ý Tập đoàn quan tâm công tác xây dựng Đảng bộ, các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; người chỉ huy gương mẫu để cán bộ, chiến sĩ noi theo; tập thể cấp ủy, lãnh đạo là chỗ dựa tinh thần để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Hà Phương (tổng hợp)
Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr thăm chính thức Việt Nam  (30/01/2024)
Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam  (23/01/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Thống đốc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản  (22/01/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển