Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41 và các Hội nghị liên quan
Câu hỏi 1: Xin Phó Thủ tướng cho biết kết quả lớn nhất của Hội nghị là gì và đóng góp của đoàn ta tại Hội nghị?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41 (AMM-41) và các Hội nghị liên quan (PMC ASEAN+1, ASEAN+3, EAS và ARF) năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, nhất là nảy sinh nhiều thách thức có tính toàn cầu. Chính vì vậy, các Bộ trưởng tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác nội khối và giữa ASEAN với bên ngoài để vượt qua khó khăn, đối phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra, duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực và cùng phát triển. Các Hội nghị đã đạt được một số kết quả chính sau đây:
Một là, ASEAN tiếp tục củng cố và tăng cường đoàn kết, quyết tâm đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống và đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng ASEAN. Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về Triển khai Hiến chương ASEAN, khẳng định cam kết hoàn tất phê chuẩn Hiến chương ASEAN trước cuối năm 2008; chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Hiến chương có hiệu lực và hoàn tất dự thảo Kế hoạch Tổng thể về xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội để kịp đệ trình lên Cấp cao ASEAN lần thứ 14 vào tháng 12-2008.
Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong nỗ lực thúc đẩy liên kết và hội nhập khu vực; nhất trí cần sớm hoàn tất Kế hoạch Công tác về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn 2009-2015 để kịp trình Cấp cao ASEAN-14. Đây chính là nền tảng để ASEAN tiếp tục các nỗ lực tăng cường hợp tác và liên kết nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên cơ sở pháp lý mới là Hiến chương ASEAN.
Hai là, quan hệ giữa ASEAN với các bên đối thoại và đối tác bên ngoài được củng cố hơn theo hướng tăng cường hợp tác vì phát triển. Các Hội nghị đã đề ra định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác của ASEAN với các đối tác bên ngoài, mở rộng và hướng các hoạt động hợp tác đi vào thực chất và có hiệu quả. Các bên Đối thoại đã ủng hộ mạnh mẽ quá trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN, cam kết tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội thực hiện thành công mục tiêu này. Nhiều nước Đối thoại cũng cam kết sẽ sớm cử Đại sứ về ASEAN sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực.
Ba là, vai trò và vị thế của ASEAN được nâng cao hơn. Tại các Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao trong và ngoài khu vực đều hoan nghênh việc thông qua Hiến chương ASEAN và đánh giá cao vai trò điều phối của ASEAN, mô hình hợp tác hiệu quả ASEAN-Liên hợp quốc-Mi-an-ma trong việc cứu trợ nhân dân Mi-an-ma khắc phục hậu quả tàn khốc của cơn bão lịch sử Nargis. Hội nghị cũng cho rằng các kinh nghiệm cứu trợ khẩn cấp và hợp tác của Nhóm nòng cốt sau cơn bão Nargis cần được thúc đẩy và phổ biến rộng rãi. Các đối tác ngoài khu vực đều hoan nghênh việc ASEAN phát huy vai trò nòng cốt và là động lực cho các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng tại khu vực.
Tại các Hội nghị năm nay, chúng ta đã có nhiều đóng góp tích cực và quan trọng vào thành công của Hội nghị. Với tinh thần trách nhiệm, chúng ta đã chủ động đưa ra các đề xuất và khuyến nghị, tập trung vào các vấn đề trọng tâm của ASEAN hiện nay như tăng cường đoàn kết và hợp tác giữa các thành viên trong Hiệp hội, đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiến chương ASEAN, tăng cường liên kết và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nhất là thực hiện sáng kiến liên kết IAI, hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng. Chúng ta cũng tích cực đóng góp ý kiến về các biện pháp đối phó nhanh chóng và hiệu quả với các khó khăn và thách thức mà khu vực đang bị ảnh hưởng trực tiếp hiện nay nhằm vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ phát triển và liên kết khu vực, từ đó góp phần củng cố hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Bên lề các cuộc họp, tôi đã có nhiều hoạt động tiếp xúc song phương quan trọng với các Trưởng đoàn của Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Nga, Ôx-trây-lia, Ca-na-đa và Xri Lan-ca để trao đổi về các vấn đề quan tâm và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương với các nước này.
Câu hỏi 2 : Thưa Phó Thủ tướng các nước ASEAN đã và đang có kế hoạch cụ thể nào để chuẩn bị cho Hiến chương ASEAN có hiệu lực vào ngày mùng 1 tháng 1 năm 2009?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Thực hiện cam kết của Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao 13, đến nay, đã có 7 nước ASEAN phê chuẩn Hiến chương. Ba nước còn lại (In-đô-nê-xia, Phi-líp-pin, Thái Lan) cam kết sẽ phê chuẩn Hiến chương trước Cấp cao ASEAN-14. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua Tuyên bố về triển khai Hiến chương ASEAN, khẳng định lại cam kết của tất cả các nước thành viên đẩy nhanh việc hoàn tất phê chuẩn và các công tác chuẩn bị cho Hiến chương có hiệu lực. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua Quy chế hoạt động cho Ủy ban các Đại diện Thường trực về ASEAN ở Gia-các-ta, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ 1-1-2009; thông qua Điều khoản tham chiếu cho Nhóm Đặc trách Cao cấp về Cơ quan Nhân quyền ASEAN và Nhóm Chuyên gia pháp lý cao cấp soạn thảo các văn kiện về cơ chế giải quyết tranh chấp và tư cách pháp nhân của ASEAN. ASEAN cũng đã điều chỉnh lại niên lịch Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) cho phù hợp với thời gian Hiến chương ASEAN bắt đầu có hiệu lực, đồng thời hợp nhất các chức chủ tịch ASEAN trong các kênh hợp tác khác nhằm thống nhất việc điều phối hoạt động hợp tác của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực.
Câu hỏi 3: Với vị thế ngày một được nâng cao trên trường quốc tế như hiện nay, Việt Nam đã đóng góp như thế nào đối với quá trình thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng các nước ASEAN cũng như việc phát triển quan hệ đối ngoại của ASEAN, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Trong 13 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động hợp tác của ASEAN và có những đóng góp quan trọng vào thành công của Hiệp hội. Trong bối cảnh ASEAN đang bước sang một giai đoạn mới, hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN và hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác ASEAN với tinh thần tích cực, chủ động, và có trách nhiệm, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của Hiệp hội, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.
Cụ thể là, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình soạn thảo Hiến chương và các Kế hoạch Tổng thể xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Việt Nam chính là nước đã đề xuất xây dựng trụ cột thứ ba là Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN. Chúng ta cũng tích cực cùng các nước xây dựng, triển khai Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên mới (CLMV) và các nước thành viên cũ của ASEAN. Đến nay, Kế hoạch hành động IAI giai đoạn I (2002-2008) đã được hoàn tất. Với vai trò là Chủ tịch đương nhiệm Nhóm Đặc trách IAI, ta tích cực cùng các nước tiếp tục soạn thảo Kế hoạch hành động giai đoạn II (2009-2015) với các trọng tâm như: phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quốc gia, liên kết kinh tế, và cơ sở hạ tầng bao gồm cả phần cứng và phần mềm, và sẽ trình lên Cấp cao ASEAN lần thứ 14.
Bên cạnh đó, Việt Nam cùng các nước ASEAN đang tích cực huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân ASEAN và từ các nước Đối thoại, các tổ chức tài chính quốc tế để tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện các mục tiêu và dự án phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển. Ta cũng đề nghị ASEAN xem xét xây dựng một chiến lược tổng thể và các biện pháp triển khai cụ thể nhằm đảm bảo việc huy động nguồn lực cho ASEAN hướng đến các mục tiêu dài hạn và bền vững.
Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò nước Điều phối quan hệ giữa ASEAN với Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ôx-trây-lia, và hiện nay là Ca-na-đa. Với tư cách đó, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy quan hệ ASEAN với các nước Đối thoại này phát triển hơn cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, liên kết và thu hẹp khoảng cách phát triển của Hiệp hội. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã có giữa ASEAN với Ca-na-đa nói riêng và với các nước Đối thoại nói chung và cùng các bên đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán xây dựng các Khu vực mậu dịch tự do để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hội nhập của các nước ASEAN vào thương mại quốc tế và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi, nhất là xử lý các vấn đề có tính toàn cầu, từ đó đóng góp nhiều hơn cho việc duy trì hòa bình, an ninh và phát triển ở Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Câu hỏi 4: Thưa Phó Thủ tướng, vấn đề nổi cộm và được dư luận quan tâm nhiều nhất trước thềm hội nghị lần này là việc tranh chấp ngôi đền tại khu vực biên giới Thái Lan và Cam-pu-chia, quan điểm chung của tất cả các nước ASEAN về vấn đề này là như thế nào và liệu ASEAN đã có biện pháp gì để làm dịu tình hình và tránh xảy ra những xung đột trong khu vực ?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Như tin đã đưa, ngay tối ngày 20/7/2008 các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự AMM-41 đã có Bữa ăn tối làm việc để trao đổi về các vấn đề khu vực quan tâm. Tại đây, các Bộ trưởng đã được Cam-pu-chia và Thái Lan thông báo vắn tắt tình hình liên quan đến khu vực Đền Preah Vihear tại vùng biên giới Cam-pu-chia và Thái Lan. Các Bộ trưởng đã nhất trí ra Tuyên bố của Chủ tịch về vấn đề này; kêu gọi hai bên liên quan kiềm chế, giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trên tinh thần đoàn kết và láng giềng thân thiện truyền thống của ASEAN; quyết định ASEAN sẽ sẵn sàng có những hỗ trợ cần thiết trong giải quyết vấn đề này một khi được Cam-pu-chia và Thái Lan yêu cầu./.
Một số vấn đề đặt ra trong việc phát triển lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho thanh niên hiện nay  (25/07/2008)
Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn ngày 24-7-2008  (25/07/2008)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Biểu dương kịp thời và nhân rộng những điển hình, nhân tố mới  (25/07/2008)
Ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp  (25/07/2008)
Ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp  (25/07/2008)
Đổi mới, sáng tạo vì quyền và lợi ích của công nhân viên chức - lao động  (25/07/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên