Vấn đề tích tụ ruộng đất trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - kinh nghiệm nước ngoài và bài học cho Việt Nam
TCCS - Công nghiệp hóa nông nghiệp trên thế giới, do quy mô ruộng đất ban đầu của nông hộ ở mỗi nước khác nhau nên giải pháp tập trung ruộng đất có những điểm khác biệt. Kinh nghiệm của những nước đi trước, đồng thời có hoàn cảnh tương đối giống Việt Nam, chính là những gợi ý cho chúng ta trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Liền vùng, cùng trà, khác chủ - kinh nghiệm của Nhật Bản, Đài Loan
Đối với các nước và vùng lãnh thổ đang phát triển, nhất là các nước đất ít người đông, quy mô ruộng đất nông hộ bé nhỏ, vấn đề tập trung ruộng đất đã trở thành yếu tố gây trở ngại, khó khăn nhất cho quá trình công nghiệp hóa.
Tuy vậy, Nhật Bản, Đài Loan với điều kiện đất ít người đông đã tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp thành công trong thời gian khoảng 20 - 30 năm, chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 thời gian theo truyền thống.
Quy mô ruộng đất của đa số nông hộ Nhật Bản, Đài Loan đều ít: Nhật Bản đến năm 1986, thời kỳ hoàn thành cơ khí hóa nông nghiệp, bình quân ruộng đất của nông hộ là 1,24 ha; Đài Loan năm 1986 hoàn thành cơ khí hóa nông nghiệp, bình quân ruộng đất nông hộ khoảng 1 ha. Như vậy, để có sản lượng lớn, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường thì cần phải có cách làm phù hợp.
Sản xuất lớn trong nông nghiệp đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp có chất lượng đồng đều, số lượng ổn định, có hồ sơ theo dõi các thông số vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp cho công nghiệp chế biến ra hàng hóa bảo đảm thương hiệu. Muốn vậy, sản xuất nông nghiệp phải được tiến hành trên diện tích lớn, có cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Điều này thực sự là khó khăn cho những nước có diện tích sản xuất nông nghiệp bình quân trên mỗi nông hộ thấp.
Vấn đề cơ bản cũng là giải pháp tất yếu bảo đảm thành công ở đây là: tìm biện pháp để các nông hộ cá thể đồng tình thực hiện trên ruộng đất của mình toàn bộ chu trình sản xuất, theo một bộ kỹ thuật thống nhất (giống và quy trình kỹ thuật gieo trồng), đó là hiệu quả kinh tế trực tiếp ổn định và không ngừng tăng trưởng, hơn hẳn lối sản xuất cũ.
Trên cơ sở đó, sau khi đã giải quyết được ổn thỏa vấn đề quyền lợi từ thửa đất cho mỗi nông dân, Nhật Bản và Đài Loan đã lựa chọn một kiểu tích tụ ruộng đất mới để thực hiện sản xuất lớn trên cơ sở "liền vùng, cùng trà, khác chủ". Mô hình này đòi hỏi phải tổ chức sản xuất trên một nền ruộng đất liền vùng rộng lớn, cùng trà giống, cùng quy trình kỹ thuật gieo trồng chăm sóc và thu hoạch.
Những mô hình tiên phong ở Việt Nam
Ở Việt Nam, bước đầu cũng đã hình thành và tích lũy được một số kinh nghiệm về tích tụ ruộng đất. Công ty đường Bourbon tại Tây Ninh, cần có khối lượng nguyên liệu 8.000 tấn mía cây/ngày, có độ chín đồng đều với hàm lượng đường cao dùng cho máy hoạt động, cần có vùng sản xuất nguyên liệu hàng trăm ha trên cùng một xứ đồng. Để có đủ nguyên liệu hoạt động trong suốt vụ ép, nhà máy đã phải thiết lập mối quan hệ gắn bó với hàng ngàn nông hộ trên cả một vùng rộng lớn liên huyện với diện tích trên 15.000 ha.
Nhà máy đã thuyết phục nông hộ đồng tình tham gia sản xuất mía, giúp nông hộ lập hồ sơ độ phì đồng ruộng, hằng năm tiến hành phân tích NPK của đất và lập phương án bón phân cho mía. Vụ đầu, nhà máy giúp nông dân làm đất và giống để thực hiện được yêu cầu "liền đồng, cùng trà, khác chủ", hướng dẫn quy trình gieo trồng, chăm sóc mía và cuối cùng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả thỏa thuận. Đây là một loại hình quan hệ giữa nông dân với công ty chế biến mang nhiều yếu tố tiến bộ của hình thái tổ chức sản xuất mới.
Ở một số nơi khác, từ thực tế sản xuất cũng hình thành nhiều loại hình mới, dưới dạng công ty chế biến kinh doanh đặt hàng theo kiểu gia công với các hộ nông dân như: trồng ớt, các loại rau, chăn nuôi gà, lợn... Công ty cung cấp giống, quy trình sản xuất, các điều kiện phục vụ như phân bón, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, cuối cùng thu mua toàn bộ sản phẩm trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận.
Do tính đa dạng nông phẩm và trình độ sản xuất hàng hóa khác nhau, hiện nay, về mặt hình thái tổ chức sản xuất, chế biến và lưu thông nông sản ở nước ta đang tồn tại những yếu tố tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường thế kỷ XXI, nhưng đồng thời cũng tồn tại những yếu tố lạc hậu.
Những yêu cầu chung để thúc đẩy sản xuất tập trung ở nông thôn nước ta
Tùy theo mức độ, phạm vi tiêu thụ sản phẩm mà có kế hoạch tập trung vốn và kỹ thuật tương ứng cùng với hình thức hợp tác phù hợp của nông hộ (mức độ liên kết từ thấp lên cao, từ nhỏ đến lớn, từ hợp tác lỏng lẻo tạm thời đến hợp tác vững chắc lâu dài).
Ban đầu người sản xuất cần thay đổi thói quen, phải quan tâm đến tìm thị trường và giải pháp tiêu thụ sản phẩm. Chỉ có trên cơ sở xác định rõ thị trường thì mới quyết định được quy mô sản phẩm, giải pháp sơ chế hay tinh chế, giải pháp bao bì đóng gói, vận chuyển và hình thức tiêu thụ... đây là quy trình bắt buộc của cơ chế thị trường. Nhiều nơi, ngay cả một số trang trại, ban đầu làm ăn khấm khá, nhưng không theo quy trình bắt buộc này, cuối cùng đã thất bại.
Có những hạt nhân để quy tụ các hộ xung quanh. Làm được việc này ban đầu tương đối khó, nhưng nơi nào cũng xuất hiện nông hộ có đầu óc làm giàu sẽ là hạt nhân nhen nhóm lên thành các "đầu tầu" trong quá trình tổ chức các hình thức sản xuất mới theo hướng hiện đại trong nông thôn. Họ sẽ dần từng bước trở thành trung tâm thu hút vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất. Để xuất hiện nhiều những nhân tố như vậy, rất cần vai trò của chính quyền các cấp.
Qua nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi thấy rằng, hiện nay vai trò này của chính quyền còn chưa rõ. Hệ thống chính quyền các cấp chưa xác định rõ chức năng và phân công cụ thể cho tổ chức hữu quan tận xã để phát hiện kịp thời và có giải pháp thích ứng. Tốt nhất và kịp thời nhất, cần nâng cao vai trò của Hội Nông dân. Đây là tổ chức gần gũi nhất với nông dân, thường xuyên phát hiện những nhân tố mới, làm cầu nối thông tin và tham mưu cho chính quyền từ cấp xã.
Doanh nghiệp chế biến - nơi thống nhất về quy trình kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Hình thành xí nghiệp chế biến hiện đại (sơ chế hay tinh chế tùy theo loại hình hàng hóa tiêu thụ), sẽ đảm nhiệm vai trò liên kết các nông hộ, là hạt nhân thu hút vốn và kỹ thuật trong xã hội, đồng thời đứng ra tổ chức hoàn tất toàn bộ chu trình từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hiện thực được lợi nhuận. Mô hình này được thể hiện bằng "tổ hợp nông - công - thương".
Hiện nay, nhiều nông hộ tự nguyện tiếp thu những yếu tố kỹ thuật sản xuất tiên tiến để tổ chức sản xuất trên mảnh đất của mình với nhiều hình thức. Một số nông hộ dùng ruộng đất của mình sản xuất nông phẩm thuê cho nhà chế biến, một số cho những nông hộ có kỹ năng sản xuất tốt hơn thuê ruộng, còn mình trở thành người lao động làm thuê... Do đó, nhà chế biến cần chú trọng đến giải pháp kỹ thuật giúp các nông hộ không ngừng nâng cao độ đồng đều và độ phì của ruộng đất, để tăng chất lượng nông phẩm một cách bền vững.
Liên kết để bảo đảm đầu ra có lợi. Hiện nay, xuất hiện mô hình liên kết dựa trên tính kỹ thuật, gắn kết các chủ sở hữu sử dụng ít ruộng đất, do công ty đầu tầu tổ chức sản xuất theo các yếu tố kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nhiều hơn, có trách nhiệm với người tiêu dùng. Hệ thống kỹ thuật nông nghiệp này là chất keo kết dính các nông hộ ngày càng rộng lớn và vững chắc chung quanh nhà chế biến. Quá trình này, nhà chế biến phải biết chủ động và giải quyết hợp lý vấn đề phân chia lợi nhuận trong toàn bộ chu trình sản xuất. Nhà chế biến bắt buộc phải không ngừng hoàn thiện hệ thống kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và chế biến, nhưng trước hết là hệ thống kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.
Theo kiểu liên kết sản xuất này, người nông dân tránh được nhiều rủi ro mà hiện nay đang gặp phải như mua phải giống, phân, thuốc phòng trừ sâu bệnh giả, bị tư thương ép giá... Qua đó, thu nhập của nông dân không ngừng được tăng trưởng một cách bền vững, trình độ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp không ngừng được nâng cao.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hiện nay
Về chủ trương, chính sách, Luật Đất đai sửa đổi và bổ sung cần được thể hiện đầy đủ tính khuyến khích nông dân sử dụng ruộng đất theo hướng liên kết với công ty đầu tầu để phát triển sản xuất, bảo vệ quyền sử dụng ruộng đất lâu dài của nông dân. Nên cho phép và khuyến khích nông hộ dùng đất làm vốn góp cổ phần trong tổ hợp nông - công - thương. Luật cũng bảo đảm điều kiện để Nhà nước và tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng cải tạo hoàn thiện nâng cao độ phì của đất và hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu của phát triển hiện đại hóa nông nghiệp.
Có chính sách ưu đãi kinh tế khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tổ chức các công ty làm đầu tầu cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ các loại nông phẩm, tạo điều kiện giảm giá thành, bảo đảm chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Cần nghiên cứu xây dựng hệ chính sách thuế, cho vay vốn phù hợp đối với các tổ chức sản xuất nông - công - thương theo kiểu một chu trình khép kín.
Thực hiện nghiêm ngặt chế độ kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm, đặc biệt đối với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; động viên khen thưởng những tổ chức nghiêm chỉnh thực hiện sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện với môi trường và bảo vệ cân bằng sinh thái.
Tiến hành bảo hiểm sản xuất cần có sự tham gia của hệ thống tổ hợp sản xuất nông - công - thương và hiệp hội ngành nghề. Nhà nước nên nghiên cứu trích một phần ngân sách cứu tế thiên tai hằng năm đưa vào quỹ bảo hiểm sản xuất nông nghiệp để sử dụng thích hợp; đồng thời cũng trích từ lợi nhuận phát sinh từ sự biến động có lợi về giá cả thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới từ các tổ chức thụ hưởng hữu quan đưa vào quỹ bảo hiểm sản xuất nông nghiệp.
Về đầu tư, không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất phù hợp với sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại như hệ thống thủy lợi, giao thông.
Xây dựng hệ thống tạo nguồn giống gốc cây trồng cho phát triển hệ thống giống thương mại. Bảo vệ sản xuất, phòng trừ sâu bệnh. Đào tạo kỹ thuật cơ bản cho người lao động.
Để bảo đảm định hướng cho các công ty đầu tầu yên tâm bỏ vốn và thu hút nông dân tham gia sản xuất về các loại nông phẩm, Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn về cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển bền vững trên từng vùng sinh thái nông nghiệp.
Không ngừng nâng cao năng lực hoàn thiện các tổ chức dịch vụ công về thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới, xây dựng hành lang pháp lý về phân chia lợi ích kinh tế của các dịch vụ thông tin thị trường giữa tổ chức thương vụ với công ty trong nước thông qua hợp đồng kinh tế.
Có chính sách khuyến khích và hành lang pháp lý để các công ty đầu tầu thu hút các nhà khoa học kỹ thuật hoạt động phục vụ cho sự lựa chọn, ứng dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật tiến bộ bảo đảm toàn bộ chu trình sản xuất phát triển bền vững.
Nhà nước cần nghiên cứu và cung cấp căn cứ tham khảo và làm trung gian hài hòa cho sự phân bổ lợi ích giữa các công đoạn trong chu trình nông - công - thương, đặc biệt là hài hòa lợi ích giữa nông dân và công ty "đầu tàu"./.
Giải quyết đời sống của nhân dân diện thu hồi đất ở Đồng Tháp  (11/08/2010)
Kinh tế trang trại - một lựa chọn theo hướng phát triển bền vững trong nông nghiệp, nông thôn  (11/08/2010)
Ban hành quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng  (11/08/2010)
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự mới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Bình Dương  (11/08/2010)
Bộ Tài nguyên và Môi trường có thêm thứ trưởng  (11/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay