Sáng 23-7, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết phiên họp diễn ra từ ngày 23 đến 29-7 với nội dung chủ yếu là công tác lập pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật Đa dạng Sinh học; Luật Cán bộ, Công chức; Luật Quốc tịch (sửa đổi); Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo hiểmY tế; Luật Thi hành án Dân sự; Luật Công nghệ Cao; cho ý kiến về dự án Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển.

Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về việc đàm phán, ký kết Công ước Lahay ngày 29-5-1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Ngay trong buổi sáng, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đa dạng sinh học, các ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung xoay quanh phạm vi điều chỉnh của Luật, như việc có điều chỉnh đối với sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen hay không; chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; nguyên tắc trong hoạt động quản lý, phát triển đa dạng sinh học.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không nên quy định cho phép nuôi sinh sản thương mại loài thuộc danh mục loài được ưu tiên bảo vệ nhằm tránh lợi dụng hoạt động này để buôn bán, giết thịt, tiêu thụ trái phép.

Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho rằng loài thuộc danh mục loài được ưu tiên bảo vệ là loài đang bị đe doạ tuyệt chủng thì không nên cho phép nuôi sinh sản thương mại để giết thịt, tiêu thụ mà chỉ nên cho phép nuôi nưỡng, nuôi sinh sản phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng tình với chỉnh lý của Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng đề nghị quy định nghiêm cấm việc nuôi sinh sản để khai thác các bộ phận cơ thể, giết thịt, tiêu thụ loài thuộc danh mục các loài được ưu tiên bảo vệ; chỉ cho phép nuôi dưỡng, nuôi sinh sản để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Chiều 23-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Dự án Luật cán bộ công chức, chuẩn bị thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII sắp tới.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 91 điều, trong đó quy định cụ thể về và quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức; đạo đức, văn hoá giao tiếp, công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; công tác khen thưởng kỷ luật đối với cán bộ công chức.

Các thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí với cấu trúc của Luật cán bộ, công chức, chia đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của Luật thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Nhóm thứ hai là đội ngũ công chức trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và nhóm thứ ba là đội ngũ cán bộ cấp xã.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành đề nghị của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là xem xét, quy định trong dự thảo Luật một chương riêng về cán bộ, công chức cấp xã./.