Lượng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 6-2008 đã đạt kỷ lục mới với hơn 16 tỉ USD. Trong 6 tháng qua, vốn FDI đã tăng khoảng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 1,5 lần mục tiêu đặt ra cho cả năm 2008. Những con số ấn tượng đó tiếp tục chứng minh các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng mạnh mẽ vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo số liệu chính thức từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 6-2008, cả nước có 163 dự án được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 16,2 tỉ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007.

Sáu tháng qua, Việt Nam tiếp nhận 487 dự án, với số vốn đăng ký 31,6 tỉ USD tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đa số vốn FDI 6 tháng qua đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng (khoảng 9 tỉ USD gồm cả vốn cấp mới và tăng vốn), công nghiệp nhẹ (1,5 tỉ USD). Hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài (19,5 tỉ USD), sau đó là liên doanh (10,2 tỉ USD).

Với dự án xây dựng khu liên hợp sản xuất gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) trị giá 7,8 tỉ USD đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh vươn lên là địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước. Đây cũng là dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam được cấp phép. Tiếp theo là Thanh Hóa, Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…

Đài Loan trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn hơn 8 tỉ USD. Với dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có số vốn 6,2 tỉ USD, Nhật Bản vươn lên đứng thứ 2 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, tiếp theo là Ca-na-đa, Xin-ga-po…

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, số vốn FDI đăng ký cao trong 6 tháng qua cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư ở Việt Nam với nhiều thế mạnh tiếp tục được giữ vững và phát huy.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, tình hình thu hút FDI cùng các chỉ số về lạm phát, giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… tháng 6-2008 chuyển biến tích cực, chứng tỏ, 8 nhóm giải pháp của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, phát triển ổn định kinh tế vĩ mô đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa nhằm tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài./.