TCCSĐT - Trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 và các hội nghị liên quan, ngày 22-8-2010, tại Đà Nẵng, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Hiệp hội các nhà chuyển phát nhanh châu Á - Thái Bình Dương và Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo về lộ trình hội nhập ngành dịch vụ lôgictics với mục tiêu “Khẩn trương hội nhập dịch vụ lôgictics giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với thế giới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng".

Dịch vụ lôgictics được xem là hàng loạt các hoạt động kinh doanh trải dài trong các khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm, đóng gói, tiếp thị, giám sát lưu thông,... Điểm khác biệt quan trọng giữa dịch vụ Lôgistics và vận tải thông thường là sự tồn tại của một nhà cung cấp giải pháp vận tải dựa trên việc lập kế hoạch, thực thi và quản lý chặt chẽ các luồng hàng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, vận chuyển hàng hóa qua các quốc gia ASEAN chủ yếu qua 2 phương thức: đường biển và đường bộ. Dịch vụ này đã góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng tổng thu nhập quốc doanh. Ước tính nếu giảm 10% chi phí vận chuyển thì GDP quốc gia sẽ tăng 0,5%.

Việt Nam là quốc gia đi đầu trong ASEAN về xây dựng hệ thống “mềm” trong phát triển lĩnh vực lôgictics. Cả nước hiện có trên 800 doanh nghiệp Lôgistics đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau và đóng góp vào GDP từ 15-20%.Tuy nhiên, những hoạt động này cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém về nhân lực, kết cấu hạ tầng, cảng biển, kho tàng bến bãi, năng lực doanh nghiệp… Tại Việt Nam, chỉ khoảng 100 doanh nghiệp có năng lực thực sự trong tổng số 800 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ logictics. Trong thời gian tớí, ASEAN cần hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tự do hóa thương mại, thuận lợi hóa các phân ngành vào năm 2013 và trong dài hạn ASEAN sẽ trở thành trung tâm dịch vụ logistics của châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, Hội thảo chuyên đề về thực thi lộ trình hội nhập dịch vụ logictics lần này là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong khối ASEAN có cái nhìn toàn diện hơn về yêu cầu thực tế đặt ra với dịch vụ logictics.

Các ý kiến tham gia tại Hội thảo tập trung chủ yếu vào một số nội dung sau:

- Hiện tại, sự yếu kém nhất trong hoạt động dịch vụ lôgictics trong khu vực là thủ tục liên quan giữa các nước. Do đó, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần có chính sách hỗ trợ và đầu tư đồng bộ từ các quốc gia trong khối ASEAN để khắc phục tình trạng này.

- Dù đã có hiệp định khung, hiệp định đa phương nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. “Nhà nước cần tạo chính sách thông suốt không chỉ ở cán bộ cấp cao mà phải ở cả những cán bộ ở địa phương trực tiếp làm thủ tục thông quan.

- Đối với Việt Nam, ngành lôgictics hiện đang gặp những khó khăn như: nhiều quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng; ngành vận tải chưa đáp ứng được thời gian giao hàng; khả năng marketing còn hạn chế; nguồn nhân lực đào tạo không chuyên, kết cấu hạ tầng còn yếu... Đây là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới có thể làm đại lý phân phối cho các hãng nước ngoài.

Các quan chức kinh tế ASEAN khẳng định, ASEAN cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logictics, coi đây là mắt xích quan trọng để kết nối các công đoạn sản xuất và vận chuyển giữa các nước ASEAN trong một không gian chung. Trước mắt, cần có 4 bước để dịch vụ logictics hội nhập nhanh, cụ thể là: tự do hóa thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế và phi thuế để hàng hóa giao thương thuận lợi; tạo cơ hội cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logictics; nâng cao năng lực quản lý logictics và đặc biệt là coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực./.