Máy bay cũ, chiến lược mới

Trường Lưu
09:24, ngày 23-08-2007

Tupolev Tu-95 nhìn từ phía trước.
Ảnh:Avia.Russian. Nguồn: VnExpress
 
Ngày 17-8, sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổng thống Nga V. Pu-tin cùng các nguyên thủ quốc gia của 5 nước Trung Quốc, Ka-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Ta-gi-kít-xtan và U-dơ-bê-kít-xtan đã đến Chê-li-a-bin-xcơ (Nga) để thị sát cuộc tập trận chung, có quy mô lớn chưa từng thấy của các quốc gia trong thành phần Tổ chức này. Tại đây, ông V. Pu-tin đã tuyên bố, Nga sẽ nối lại các chuyến bay tuần tra định kỳ của các máy bay ném bom chiến lược tầm xa ở vùng tàu thủy hoạt động tích cực và vùng hoạt động kinh tế của Nga sau 15 năm gián đoạn. Tuyên bố này ngay lập tức được dư luận các nước phương Tây, nhất là Mỹ đặc biệt quan tâm.

Tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn ra ngày 19-8 nhận định rằng, với hành động này, Nga muốn gửi tới Mỹ và các nước phương Tây thông điệp rằng, nước Nga sẽ có thái độ cương quyết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và những lợi ích của mình khi NATO đang áp sát biên giới, mà sự kiện gần đây nhất là việc Mỹ triển khai kế hoạch xây dựng các trạm ra-đa và hệ thống đánh chặn tên lửa ở các nước Đông Âu, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nga.

Tờ Thời báo Lốt An-giơ-lét (Mỹ) thì cho rằng, việc làm này của Nga nhắm đến những mục đích cao hơn trong chính sách đối nội và đối ngoại chứ không đơn thuần là giải quyết vấn đề cân bằng lực lượng.

Xin Mắc Cô-mác - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - một mặt cố tình hạ thấp ý nghĩa sự việc khi nói rằng Mỹ quan hệ với Nga không giống như với Liên Xô trước đây nên không chống lại việc này; một mặt, lại châm biếm rằng, nếu Nga muốn đưa những máy bay cũ cất trong kho ra để bay trở lại thì đó là quyết định riêng của họ.

Nói gì thì nói, nhưng một điều chắc chắn là, 15 năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga đã phần nào tìm lại được sức mạnh kinh tế của mình đủ để đảm bảo cho các hoạt động quân sự của một cường quốc. Dưới “triều đại” của ông Pu-tin, nền kinh tế của nước Nga đã dần dần được khôi phục. Nga lại càng thu lợi nhiều khi giá dầu trên thế giới tăng và luôn giữ ở mức cao, trong khi Mỹ và các nước phương Tây lao đao vì khát thứ hàng chiến lược này.

Những động thái gần đây cho thấy, người Nga không dễ gì quên đi quá khứ vinh quang của một cường quốc vĩ đại, chịu cho Mỹ và phương Tây coi thường, o ép. Nga đã phản ứng quyết liệt, cứng rắn với kế hoạch bố trí tên lửa đánh chặn của Mỹ ở các nước Đông Âu bằng việc rút khỏi Hiệp định về vũ khí thông thường ở châu Âu, thử loại tên lửa chiến lược mới Topol M có khả năng chống được tên lửa đánh chặn, tổ chức diễn tập rầm rộ tại Cực Bắc... Quân đội Nga đã được hiện đại hóa, trang bị hàng loạt vũ khí, thiết bị kỹ thuật hiện đại như tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, máy bay chiến đấu Su-khôi 30. Chi phí sản xuất và xuất khẩu vũ khí của Nga năm 2007 lên tới 35 tỉ USD, tăng 2 lần so với năm 2004.

Nước Nga cũng không đơn độc khi phải đối mặt với một NATO đang tìm cách mở rộng phạm vi và sức mạnh của mình. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Nga và Trung Quốc là thành viên, mới thành lập năm 2001 nhưng đã làm cho dư luận Mỹ và phương Tây lo lắng. Tờ Chính khách mới của Anh ra ngày 18-8 cho rằng, SCO đang trở thành một đối thủ hùng mạnh chống NATO. Tờ báo Tin tức (I-vet-xti-a) của Nga thì không cần úp mở khi gọi Hội nghị thượng đỉnh của SCO ở Bít-sơ-kếch (Bishkek) là “Hội nghị chống NATO”. Nếu đó là một nửa sự thật thôi thì người ta đã có thể hình dung ra diện mạo của một thiết chế mới thay thế cho Khối Vác-sa-va trước đây trong vai trò đối trọng với NATO. Tất nhiên, SCO ngày nay khác cả thế và lực so với Khối Vác-sa-va trước đây khi trong thành phần của nó có cả “người khổng lồ” - Trung Quốc.

Một chiếc Tupolev Tu-95 của Nga.
Ảnh: Wordpress. Nguồn VnExpress

Trở lại vụ máy bay ném bom chiến lược của Nga nối lại các chuyến bay tuần tiễu, nói là làm, thậm chí làm rồi mới nói, ngay từ sáng 16-8, 14 chiếc Tu-95 đã cất cánh. Máy bay của NATO đã ghi nhận sự xuất hiện của những máy bay Tu-95 của Nga ở Đại Tây Dương và ở Thái Bình Dương, ngay gần căn cứ quân sự trên đảo Guy-am. Những chiếc Tu-95 được sản xuất từ năm 1979 với chiều dài 49,5 mét, sải cánh 51,1 mét, tốc độ tối đa 925 km/giờ, tầm bay 15.000 km và độ cao 12.000 mét, mang theo phi hành đoàn 7 người, 2 khẩu pháo 23 ly cùng 15 tấn tên lửa sẽ thường nhật tuần tiễu bên ngoài lãnh thổ nước Nga, sát sạt ngay cạnh những căn cứ quân sự của Mỹ. Tuy là máy bay cũ nhưng Tu-95 mới chỉ xuất xưởng cách đây chưa đầy ba chục năm. Trong khi đó, máy bay ném bom chiến lược B-52 được sản xuất từ cách đây gần nửa thế kỷ (1948) vẫn là con át chủ bài trong lực lượng không quân chiến lược của Mỹ.

Những chuyến bay tuần tiễu của Tu-95 không chỉ bảo vệ lợi ích cho nước Nga và các đồng minh, không chỉ là biểu dương sức mạnh quân sự và đối trọng với những cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ và khối NATO. Hơn thế nữa, sự việc này còn báo hiệu một chiến lược quân sự mới của Nga - chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự để giữ thế cân bằng lực lượng với Mỹ và NATO nhằm bảo vệ lợi ích và giành lại vị trí cường quốc của mình.

Sau sự việc này, người ta càng có thêm cơ sở thực tế để tin vào dự báo về một cuộc chiến tranh lạnh mới!