TCCS - Ngày 23-10-2023, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Hà Nội, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6. Kỳ họp diễn ra trong 22 ngày (đợt 1 từ ngày 23-10-2023 đến ngày 10-11-2023; đợt 2 từ ngày 20-11-2023 đến ngày 28-11-2023). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Tham dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội thuộc 63 đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, cùng các đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.
Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 1-7-2024; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026; đồng thời, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Bên cạnh đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả rà soát hệ thống pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi); cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Về hoạt động giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023. Phát huy hiệu quả từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đồng thời lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Căn cứ báo cáo kết quả giám sát, đề nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; từ đó, ban hành nghị quyết về giám sát với các kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Việc chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày, tập trung vào việc thực hiện các lời hứa, cam kết và yêu cầu của Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội. Thành công tốt đẹp với nhiều quyết định rất cơ bản và quan trọng tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó, có những quyết sách sẽ được thể chế hóa kịp thời ngay tại kỳ họp này khẳng định quyết tâm và sự chuẩn bị chắc chắn để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hưởng ứng lời kêu gọi, sự mong đợi và đề nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh vững vàng đã tích lũy, được trui rèn qua một nửa nhiệm kỳ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu nhân dân; đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; phát huy tinh thần dân chủ đối với từng nội dung của kỳ họp.
Cũng trong phiên khai mạc, sau khi nghe phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở Trung ương, các địa phương); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở Trung ương, các địa phương); Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại  (02/10/2023)
Bế mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9  (17/09/2023)
Họp báo quốc tế: Quốc hội Việt Nam chuẩn bị tốt và sẵn sàng tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9  (13/09/2023)
Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV  (22/05/2023)
Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV  (09/01/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên