Khai mạc Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Ngày 14-8-2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 25 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là phiên họp có số lượng nội dung lớn nhất từ đầu năm đến nay với 21 nội dung, tập trung vào công tác giám sát, lập pháp và một số vấn đề quan trọng khác.
Với khối lượng công việc lớn, thời gian phiên họp sẽ tương đối dài (tổng thời gian là 7 ngày), được bố trí linh hoạt thành 2 đợt (đợt 1 từ ngày 14-8 đến ngày 18-8-2023, đợt 2 từ ngày 24-8 đến ngày 25-8-2023).
* Lần đầu phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên giám sát chuyên đề
Theo Chương trình, kế hoạch giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; đồng thời, tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Lần đầu tiên, phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, góp phần phát huy tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.
Thực hiện quy định của pháp luật, trên cơ sở đề xuất của 53 đoàn đại biểu Quốc hội với 132 nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định dành 1 ngày (15-8-2023) để tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề.
Nhóm thứ nhất thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào các vấn đề về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Nhóm thứ hai thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là một trong hai chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2023. Quá trình triển khai chuyên đề giám sát này tiếp tục ghi nhận 2 điểm đổi mới nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Một là, sự đổi mới về tư duy, cách tiếp cận trong lựa chọn nội dung giám sát: Tiến hành giám sát chuyên đề ngay trong giai đoạn đầu triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra những kết quả đạt được và những vấn đề còn vướng mắc để sớm cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách quan trọng đã được Quốc hội quyết định.
Hai là, sự phối kết hợp giữa các hình thức, các hoạt động giám sát khác nhau để bảo đảm hiệu quả chung. Sự kết hợp và cộng hưởng của các hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan nhìn nhận, đánh giá kỹ vấn đề giám sát từ nhiều góc độ, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát.
Ngày 24-6-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm khắc phục một số điểm bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện đã được địa phương kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra qua quá trình giám sát.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch và đề cương báo cáo của ba đoàn giám sát chuyên đề trong năm 2024.
* Khối lượng công tác lập pháp lớn
Trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 8/9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5; cho ý kiến lần đầu đối với 2/8 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khối lượng công tác lập pháp tại phiên họp này rất lớn, trong đó có nhiều dự án luật phức tạp, quan trọng, được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm.
Điển hình là nhóm 3 dự án luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là các dự án luật có tác động lớn về kinh tế - xã hội, quan hệ chặt chẽ với nhau và cũng liên quan trực tiếp với các nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, cần phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất cao để khơi thông các nguồn lực phát triển, thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ các nghị quyết của Đảng; đồng thời, cần hết sức lưu ý để tránh tạo nên những vướng mắc mới về thể chế, tránh sơ hở có thể dẫn tới tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ...
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ lập pháp rất quan trọng của toàn khóa, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội đã rất tích cực, tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có liên quan; khẩn trương phối hợp với Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án; báo cáo Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về những nội dung lớn, còn ý kiến khác nhau.
Đến nay, nhiều nội dung đã được các cơ quan cơ bản thống nhất, còn một số nội dung đưa ra xin ý kiến tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu kỹ và quan tâm đóng góp ý kiến để hoàn thiện và trình Quốc hội dự thảo với chất lượng cao nhất.
Nhóm luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh tại phiên họp này cũng chiếm số lượng không nhỏ với 3 dự án bao gồm: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Đây là những dự án luật quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh trong tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến cụ thể, trong đó cần tiếp tục cùng với Chính phủ đánh giá một cách thẳng thắn, toàn diện và cầu thị về tác động của các quy định, nhất là về tổ chức, biên chế, ngân sách... để góp phần hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đặt ra nhiều vấn đề “nóng”, có ảnh hưởng lớn về an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến như thời gian đóng bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung khác theo thẩm quyền.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (11/08/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Đại hội đồng AIPA-44 và thăm chính thức Iran  (11/08/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Indonesia  (04/08/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  (03/08/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Indonesia và Đại sứ Iran  (26/07/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển