Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cao Bằng cần tập trung phát triển kinh tế vùng biên, kinh tế cửa khẩu
TCCS - Trong chương trình công tác tại Cao Bằng, ngày 16-1-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kết quả năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và tỉnh Cao Bằng.
Tại buổi làm việc, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cho biết, năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp và đạt những kết quả nổi bật. GRDP tăng 5,04%, quy mô kinh tế 22.100 tỷ đồng. GRDP bình quân đạt 40,2 triệu đồng/người/năm, tăng 8,2% so năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bằng 106% năm 2021. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, tiêu chí bình quân đạt 11,63 tiêu chí/xã, tăng 0,56 tiêu chí.
Xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 885 triệu USD, tăng 11%. Du lịch phục hồi ấn tượng, đạt trên 1,1 triệu lượt khách, tăng 165%; doanh thu tăng 762%. Thu ngân sách nhà nước đạt 3.966 tỷ đồng, bằng 236% dự toán Trung ương giao, tăng 104% so năm 2021. Cùng với đó, tỉnh tích cực triển khai công tác quy hoạch; tổ chức rà soát, phê duyệt 10/10 đô thị; trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu đến 2040; hoàn thành hồ sơ quy hoạch tỉnh.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả các vụ việc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
Cao Bằng đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm cân đối, bố trí kinh phí cho tỉnh thực hiện, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; xem xét, nâng cấp các cửa khẩu Trà Lĩnh, Lý Vạn, Pò Peo và công nhận lối mở Nà Lạn. Đặc biệt, đề nghị hỗ trợ tỉnh xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và với các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đánh giá tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tỉnh Cao Bằng; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Các đại biểu cho rằng điểm quan trọng nhất để Cao Bằng phát triển là phải phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối, khơi dậy các cực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới, nhất là kinh tế vùng biên, cửa khẩu.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Cao Bằng có vị trí chiến lược trọng yếu, là “phên giậu” biên cương phía bắc của Tổ quốc; có nền văn hóa đặc sắc của 27 dân tộc anh em. Nhiều di tích lịch sử, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn như sắt, chì, kẽm. Tỉnh có thiên nhiên hùng vĩ, bao la, núi rừng hoang sơ; dân số tuy ít nhưng người Cao Bằng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, giàu truyền thống yêu nước là điểm tựa vững chắc để xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cao Bằng đã đạt được, nhất là trong phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là thực hiện xóa nhà tạm bợ, dột nát. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục, như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; năng lực cạnh tranh thấp. Đời sống của một bộ phận người còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, với 30,7%...
Cùng với nhận định tình hình năm 2023, Thủ tướng Chính phủ quán triệt quan điểm chỉ đạo, điều hành để thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tỉnh Cao Bằng tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, Cao Bằng phải triển khai thực hiện hiệu quả kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Cao Bằng hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Về hạ tầng giao thông, tỉnh cần xác định và tập trung cao độ, làm bằng được những công trình cần nhất để phát huy hiệu quả lan tỏa, nâng cao giá trị đất đai, mở ra không gian phát triển mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ với Trung Quốc; xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; xây dựng phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra. Tỉnh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa an toàn gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa và truy xuất nguồn gốc; tăng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, nhất là giống cây ăn quả đặc sản địa phương và cây dược liệu; phát triển chăn nuôi gia súc, cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu; chú trọng phát triển chế biến gỗ gắn với phát triển, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh Cao Bằng cần phát huy, nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thu hút các ngành công nghiệp mới; chú trọng đầu tư hạ tầng cho phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu quả khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Tỉnh cần đầu tư phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với đó, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với hình thành các tuyến, cụm du lịch.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Cao Bằng cần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để nâng cao khả năng kết nối, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Cao Bằng phải thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Đặc biệt, tỉnh phải chú trọng giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả nguồn lực về con người; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, miền núi; bảo tồn, phát huy những giá trị con người Cao Bằng, các yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của các dân tộc.
Là tỉnh có đường biên giới dài, hiểm trở, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Cao Bằng phải bảo đảm quốc phòng, quản lý chặt chẽ biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng phải chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng tình xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Cao Bằng giải quyết. Riêng về đầu tư hạ tầng, các bộ, ngành và tỉnh cân nhắc, tập trung bố trí vốn cho tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sau đó mới tính đến các dự án khác.
*** Trước đó sáng cùng ngày, trong không khí rộn ràng đón tết cổ truyền của dân tộc – Xuân Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, chúc tết, tặng quà động viên các lực lượng vũ trang; gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo; đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Cao Bằng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và khảo sát một số khu vực, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, như khu vực cửa khẩu Tà Lùng, cột mốc biên giới 943 và cầu Tà Lùng 2, thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa...
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Mọi chủ trương, đường lối đều vì lợi ích của nhân dân  (15/01/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng Nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất  (25/12/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Samsung cần coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu  (24/12/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Vương quốc Hà Lan  (13/12/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển