Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh sau 3 năm nỗ lực phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép”
TCCS - Là mảnh đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, từ một tỉnh miền núi ven biển, Quảng Ninh vươn lên trở thành một trong ba cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Gần 3 năm sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sức khỏe, tính mạng của nhân dân, với chủ trương đúng đắn, quyết liệt, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng và sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp... Quảng Ninh đã từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vượt khó thành công
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể người dân, sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhận diện sớm nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh, có biện pháp, kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, Quảng Ninh đã phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và không để dịch lây lan ra cộng đồng, giữ vững địa bàn. Tỉnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, lấy lại đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự. Kết quả rất đáng tự hào đó đã được Trung ương, các bộ, ngành cùng toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 10,05%. Đây là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau Bắc Giang, Hải Phòng). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán, tăng 7% so với năm 2019. Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động dịch vụ, du lịch gần như bị tê liệt, thế nhưng với một địa bàn an toàn, cùng những chính sách kích cầu kịp thời, hợp lý, hiệu quả, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh vẫn đón 8,8 triệu lượt du khách trong năm. Tuy số lượt khách du lịch có giảm 36,8% so với năm 2019, nhưng trong bối cảnh “bão dịch” hoành hành thì đó là con số kỷ lục mà nhiều địa phương trong cả nước ao ước.
Năm 2020, với tỉnh Quảng Ninh như một thử thách lớn, đầy cam go đối với cả hệ thống chính trị, chính quyền từ tỉnh đến từng thôn, bản, khu phố nhưng đã chứng minh cho sự đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, quân và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành để vượt qua mọi khó khăn, gian khó, đạt được những kết quả rất đáng tự hào.
Giữ vững "mục tiêu kép"
Năm 2021, Quảng Ninh xác định tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen, thế nhưng mục tiêu tối thượng là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với đại dịch COVID-19, luôn nỗ lực vượt bậc hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép”, cùng với đó là thực hiện thành công chủ đề năm là “đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, Quảng Ninh tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, giữ vững địa bàn an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Một trong những nhiệm vụ trọng yếu là quản lý, kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép; quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả mọi nguồn lây từ bên ngoài. Giám sát chặt chẽ tất cả các trường hợp cách ly tập trung, tuân thủ đúng, đủ các biện pháp phòng, chống dịch gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương xã, phường và các cơ quan chức năng.
Cùng với đó, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, tận dụng tốt các cơ hội, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, mối tương quan, liên kết giữa Quảng Ninh với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kết nối quốc tế gắn với các chiến lược, quy hoạch thúc đẩy liên kết vùng. Đặc biệt là Quảng Ninh đã biết tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược ngày càng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi; cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, tiếp cận đất đai, thủ tục thông quan, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong, ngoài nước, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, cảng biển, hậu cần cảng biển, thương mại, logistics….
Quảng Ninh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình động lực, trọng điểm, bảo đảm kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, như Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)... Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thiện thủ tục để khởi công khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, khu du lịch, dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn. Hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời để các tập đoàn Amata, Vingroup, Sun Group, FLC, Thành Công, TH... đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu quy hoạch, ý tưởng đầu tư các dự án mới trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu các tỉnh, thành phố của cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.
Năm 2021, Quảng Ninh xác định chủ đề xuyên suốt là “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”. Với việc xác định rõ mục tiêu hướng đến, xây dựng kịch bản chi tiết, kỹ lưỡng cho từng thời điểm, địa bàn, cùng sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự thành công xuất sắc của kết quả thực hiện “mục tiêu kép” năm 2020 đã tạo lực đẩy mạnh mẽ để năm 2021 Quảng Ninh thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu
Tiếp nối những kết quả đạt được từ năm 2020, 2021, từ đầu năm 2022 đến nay, bên cạnh một số khó khăn nhất đinh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc. Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và những nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã góp phần đưa Quảng Ninh tiếp tục bứt phá vươn lên, giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chỉ số tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 tháng năm 2022 đạt 10,21%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 44.870 tỷ đồng, bằng 85% dự toán năm, 81,5% kịch bản, 119% cùng kỳ. Đặc biệt, 10 tháng năm 2022, lĩnh vực dịch vụ du lịch có sự bứt phá mạnh mẽ với 9,7 triệu lượt du khách đến Quảng Ninh, gấp 3,55 lần cùng kỳ, bằng 83,7% kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế 177.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 20.864 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, bằng 82,9% kịch bản tăng trưởng... Đây là nền tảng để Quảng Ninh bứt tốc hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra năm 2022.
Bên cạnh việc duy trì các sản phẩm du lịch sẵn có, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm hơn đến đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhiều hoạt động kích cầu phát triển du lịch. Với sự kiện khánh thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, lượng du khách đến thành phố Móng Cái tăng cao đột biến, với khoảng 150.400 lượt, đông nhất từ đầu năm 2022 đến nay. Du lịch phát triển, kéo theo đó doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn tỉnh cũng tăng 22,3%. Công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được tỉnh chỉ đạo triển khai tích cực… Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh cũng nhận định những tồn tại, khó khăn cần phải khắc phục để bứt tốc hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm, như giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao, phần nào ảnh hưởng tới việc mở rộng sản xuất, tái đàn của nông dân. Giá xăng dầu dù nhiều lần giảm, tuy nhiên còn ở mức cao, kết hợp với thiếu hụt nguồn cung một số nguyên liệu đầu vào, do đó, giá cả nhiều mặt hàng và dịch vụ vẫn chưa giảm tương ứng. Biến động của giá xây dựng, nguyên nhiên vật liệu lớn cũng làm ảnh hưởng phương án tài chính của các nhà thầu, nhất là nhà thầu ký hợp đồng trọn gói, các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật...
Nhận diện rõ những tồn tại đó, các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Với quyết tâm giữ vững thành quả phòng chống dịch, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành tiêm vắc-xin phòng COVID-19 (mũi 1, 2) cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi (mũi 3 và tiêm mũi 4) với các trường hợp có chỉ định tiêm, bảo đảm an toàn theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Đồng thời, tỉnh tiếp tục giám sát diễn biến của dịch để kịp thời có giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022, với những địa phương có tiến độ thu tiền sử dụng đất không đạt kế hoạch, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo từng điểm, cần khẩn trương có giải pháp để bảo đảm nguồn vốn giải ngân chi đầu tư phát triển, tránh tình trạng thu dồn vào cuối năm. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công 2022 của tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến hết tháng 12-2022, toàn tỉnh sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí dự toán đầu năm, trong đó đến hết quý III-2022, giải ngân đạt tối thiểu 80% kế hoạch vốn; phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng.
Nhìn lại kết quả đã sau gần 3 năm thực hiện “mục tiêu kép”, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trên địa bàn tỉnh được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế của Quảng Ninh được nâng cao; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng tiến bộ và được củng cố vững chắc, mới thấy được sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao, sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh./.
Hà Nội chủ động kiểm soát, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới  (10/11/2022)
Mô hình “Dân tin, Đảng cử” - Sự thể hiện sinh động mối quan hệ mật thiết giữa “lòng dân” với “ý Đảng” qua thực tiễn tỉnh Quảng Ninh (kỳ 2)  (28/10/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay