TCCS - Ngày 15-11-2022, tại nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XV bế mạc Kỳ họp thứ 4 sau 21 ngày họp. Với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khoa học và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Tham dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khách mời và các đại biểu Quốc hội khóa XV.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tiếp nối và phát huy thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Tại kỳ họp, đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận hội trường; 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 lượt tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến đối với 8 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Đánh giá khái quát kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội cho biết, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022; vui mừng, đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Quốc hội cũng lưu ý, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn. Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…; tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, thông qua 6 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn bảo đảm thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 như dự kiến của Quốc hội và Chính phủ.
Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội đã nghe và thảo luận sâu sắc, thực chất các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đây là chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, bao gồm cả 63 đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ; được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước.
Hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực: nội vụ, xây dựng, thanh tra, thông tin và truyền thông. Thủ tướng Chính phủ, 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 vị trưởng ngành và 7 bộ trưởng khác tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan. Quốc hội đã thống nhất cao thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau. Trân trọng đề nghị cử tri và nhân dân cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, hội đồng nhân dân các cấp tích cực tham gia cùng với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết giám sát, các cam kết, lời hứa của Chính phủ và các bộ, ngành, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đồng hành, thúc đẩy, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quốc hội đề nghị các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, sớm nắm bắt công việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập để tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực được giao phụ trách, đóng góp vào sự phát triển chung, hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị: 1- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội, “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất; 2- Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng; 3- Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân khi nhập cảnh tại các nước.
Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2023 và tết Nguyên đán Quý Mão, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết đầm ấm./.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp Đoàn Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào  (11/11/2022)
Để việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, nhân lên những tấm gương, việc làm tốt đẹp trong đời sống xã hội  (10/11/2022)
Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia  (10/11/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Vương quốc Campuchia  (10/11/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu Doanh nhân Sao đỏ  (09/11/2022)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên