Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Hướng tới thực hiện các dịch vụ công theo phương thức “3 không”
TCCS - Ngày 15-9-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hội nghị được thực hiện trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 705 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, một số tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực viễn thông, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo và thảo luận, đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, sâu sắc các nhiệm vụ được triển khai về thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua; kết quả đạt được; những việc chưa làm được; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2025, bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm triển khai có hiệu quả, thực chất công tác này. Các đại biểu cho rằng, để việc cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy, hiệu quả hơn thì các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cần chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện; mặt khác cán bộ, công chức thực thi công vụ cần nỗ lực, tâm huyết hơn và được đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn; tăng cường tuyên truyền, huy động cả các tổ chức chính trị xã hội tham gia. Các đại biểu đề nghị, việc phân cấp trong thực hiện thủ tục hành chính cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để các cấp dễ dàng thực hiện. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường đầu tư các công cụ kỹ thuật số, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng; hoàn thiện và tích hợp các cơ sở dữ liệu để việc triển khai cải cách thủ tục hành chính được đồng bộ, dễ dàng, hiệu quả.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, nỗ lực triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, hơn 1.700 quy định được cắt giảm, đơn giản hóa tại 125 văn bản quy phạm pháp luật, hơn 1.100 quy định kinh doanh đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa; việc phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm chỉ đạo, từng bước đẩy mạnh theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, với 699 thủ tục hành chính đã được phê duyệt phương án phân cấp giải quyết.
Thủ tướng cho biết, dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký (tăng 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện (tăng 3 lần cùng kỳ); hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng 2 lần cùng kỳ); hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với hơn 2,78 nghìn tỷ đồng (tăng 16 lần cùng kỳ).
Nhiều bộ, ngành, địa phương đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng với tỷ lệ cao; hơn 14,2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước; gần 1.300 phiếu điện tử lấy ý kiến thành viên Chính phủ thực hiện trên Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân, cập nhật thường xuyên từ cấp xã; cấp hơn 68 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, đánh giá được quan tâm triển khai.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân đã tích cực thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ các tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục để công tác này thực chất, hiệu quả hơn như một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, nhiều nơi còn hình thức; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, gây bức xúc trong xã hội; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh chưa được quan tâm thực hiện đúng mức; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thông tin, truyền thông còn hạn chế...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số... Để việc cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt; có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và luôn đổi mới; phải luôn xác định “trụ cột, động lực” của cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành thời gian tới là chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, phải phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ, với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực”. Cải cách thủ tục hành chính phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu; đẩy mạnh xây dựng các hệ thống thông tin, sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 hằng năm; tổ chức thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được phê duyệt và phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tập trung rà soát, đơn giản hóa 59 thủ tục hành chính/nhóm thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng; tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%.
Thủ tướng đề nghị đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%; hướng tới hầu hết các dịch vụ công phải được thực hiện theo phương thức “3 không”, gồm không giấy tờ - không tiền mặt - không văn phòng. Đến cuối năm 2022, yêu cầu 100% thủ tục hồ sơ tiếp nhận phải được xử lý, cập nhật trạng thái trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ 100% trạng thái hồ sơ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Thực hiện đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu và theo thời gian thực.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại các cấp chính quyền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phần mềm chế độ báo cáo theo yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP; yêu cầu đến cuối tháng 6 năm 2023, tỷ lệ hồ sơ xử lý công văn giấy tờ trực tuyến ở các bộ, ngành trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh phải đạt 100%.
Thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu và xây dựng các bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của bộ, cơ quan, địa phương tích hợp với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu đến giữa năm 2023, có 5 bộ, ngành và 10 địa phương hoàn thành xây dựng Bộ chỉ số điều hành đưa vào hoạt động và tích hợp thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành nhằm nâng cao chất lượng thẩm định quy định về thủ tục hành chính; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, trong đó sớm triển khai các nhóm tiện ích thiết yếu phục vụ người dân và nghiệp vụ ngành Công an trên nền tảng VneID và tăng cường công tác truyền thông để người dân tin tưởng, sử dụng; sớm hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh, xác thực điện tử với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trong tháng 9-2022.
Các bộ, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn việc lưu trữ hồ sơ, dữ liệu điện tử; khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia; kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu tổng hợp về Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; kết nối, tích hợp, liên thông hệ thống thông tin thống kê quốc gia với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, bảo đảm thống nhất cách hiểu về dịch vụ công trực tuyến và lộ trình chuyển đổi cho phù hợp với thực tiễn; xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có chính sách liên quan người dân, doanh nghiệp; trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” để mối quan hệ giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn; tất cả vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, hiệu quả, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Kinh tế Việt Nam giữ ổn định trong bất định, chủ động trong thế bị động, nhất quán trong sự xáo trộn  (13/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam không được để thiếu năng lượng cho xây dựng, bảo vệ Tổ quốc  (12/09/2022)
Hà Nội: Tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính  (08/09/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển