Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc
TCCS - Tiếp tục chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc, từ ngày 16 đến ngày 17-5-2022 (theo giờ địa phương), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với các lãnh đạo của Liên hợp quốc; gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, nhân viên và bà con Việt Nam ở nước ngoài; tiếp các doanh nghiệp, nhà khoa học Việt kiều và Hoa Kỳ; tiếp và điện đàm với các quỹ đầu tư, các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ; dự tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; dự hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tại cuộc gặp với các lãnh đạo của Liên hợp quốc và Hoa Kỳ, gồm: Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Amina Mohammed; Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell; Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid; Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner; Phó Thị trưởng thành phố thành phố Los Angeles bà Nina Hachigian, Thị trưởng thành phố San Francisco bà London Breed, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc - đối tác tin cậy hàng đầu vì hoà bình, hợp tác phát triển trên thế giới và người bạn tin cậy, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của Liên hợp quốc ở cả 3 trụ cột an ninh - chính trị, phát triển và quyền con người. Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ, toàn diện ba đột phá chiến lược để hiện thực hoá mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045; mong muốn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ hiệu quả, trong đó có việc hỗ trợ triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo chúc mừng những thành tựu to lớn Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn; cho rằng Việt Nam là một hình mẫu trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Mục tiêu SDGs, mang lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế. Các nhà lãnh đạo đặc biệt ấn tượng trước ứng phó linh hoạt, đúng đắn của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, những hướng đi, cam kết mạnh mẽ đi đầu của Việt Nam về phục hồi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các đột phá về thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế số của Việt Nam. Bên cạnh đó, San Francisco và Los Angeles hiện là những thành phố lớn của Hoa Kỳ và có đông cộng đồng người Việt Nam ở đây. Thủ tướng Chính phủ mong muốn thiết lập quan hệ giữa các thành phố của Việt Nam với Los Angeles, như quan hệ San Francisco với Thành phố Hồ Chí Minh để có thêm nhiều hợp tác hiệu quả, thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu...
Tại buổi tiếp lãnh đạo Quỹ Warburg Pincus, Tập đoàn Glenfarne Hoa Kỳ; Quỹ Đầu tư Kohlberg Kravis Robert (KKR); Tập đoàn VISA; lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thăm các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới gồm Intel, Apple, Google, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn những đánh giá tốt đẹp và sự hiểu biết của các quỹ đầu tư, các tập đoàn về Việt Nam, đánh giá cao hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư, các tập đoàn vào khu vực tư nhân ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ mong muốn các quỹ đầu tư, các tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm mới, tăng cường hợp tác với các ngân hàng thương mại, tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số, phát triển hệ thống tài chính Việt Nam ổn định, bền vững.
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các quỹ đầu tư, các tập đoàn trao đổi thêm về cách thức, kinh nghiệm thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng năng lượng, chuyển đổi số, hạ tầng y tế… Việc phát triển các lĩnh vực này cần các hoạt động hợp tác đối tác công tư mạnh mẽ, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm, nâng cao hiệu quả thị trường vốn, nâng cao năng lực quản lý các dự án, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu, duy trì sự đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan chức năng với khu vực tư nhân. Lãnh đạo các quỹ đầu tư, các tập đoàn của Hoa Kỳ cũng cho rằng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư.
Thông báo tới các nhà đầu tư một số nét lớn về tình hình kinh tế - xã hội, kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết năm 2021, Việt Nam thu hút được khoảng 1,3 tỷ USD cho các hoạt động khởi nghiệp, lớn nhất từ trước tới nay, bất chấp bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang rất quyết liệt xử lý các sai phạm để phát triển thị trường vốn phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững; đề nghị S&P hỗ trợ trong việc xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ tăng cường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực có ý nghĩa về cả kinh tế và chiến lược…
Tại buổi gặp mặt, đối thoại với đại diện trí thức Việt Kiều và kiều bào ta tại Hoa Kỳ, sau khi nghe báo cáo tình hình sinh sống, làm việc, học tập; các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại New York, San Francisco, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu về các vấn đề quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trải qua nhiều thăng trầm, trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp. Thủ tướng Chính phủ mong muốn bằng chính cuộc sống, việc làm, mỗi người Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định giá trị con người Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam; tiếp tục đóng góp cho gia đình, cho Tổ quốc; làm cầu nối, vun đắp cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên nguyên tắc tôn trọng, công bằng, công lý, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển. Đây là cuộc gặp mặt lần thứ 3 của Thủ tướng Chính phủ với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Trao đổi với Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, để làm tốt nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam phải nắm chắc các vấn đề song phương và các vấn đề toàn cầu, phải nhận thức rõ về vai trò của Liên hợp quốc và vai trò của Việt Nam với Liên hợp quốc; tiếp tục tổng kết sâu hơn về kinh nghiệm hai lần Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an; bám sát, nắm chắc, phân tích, đánh giá thông tin, tình hình thế giới, động thái của các nước; không ngừng khẳng định phẩm chất, năng lực, trí tuệ Việt Nam trong giải quyết các vấn đề song phương và đa phương, với phương châm “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện không ngừng nâng cao trình độ, chú ý việc giao lưu, học hỏi với các cơ quan đại diện các nước, bạn bè quốc tế, nhất là các kỹ năng ngoại giao; giữ vững đoàn kết, thống nhất; chăm lo cho cộng đồng người Việt, nhất là đội ngũ trí thức, sinh viên để đóng góp nhiều hơn cho đất nước và cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (18/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (17/05/2022)
Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou thăm chính thức Việt Nam  (16/05/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự các phiên họp Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ  (15/05/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Hoa Kỳ  (13/05/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên