Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV
TCCS - Ngày 20-10-2021, tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt; dự kiến bế mạc vào ngày 13-11-2021.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên khai mạc.
Tham dự phiên khai mạc tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các vị khách quốc tế.
Tại phiên khai mạc, sau lễ chào cờ, Quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm đồng bào tử vong; cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn. Nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng đang chậm lại và có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia, khu vực, chủ yếu do khác biệt mức độ và quy mô bao phủ vắc-xin; sự đứt gãy của các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài hơn so với dự báo, sức ép lạm phát và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng. Ở trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đời sống của nhân dân.
Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, nên tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5% - 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra (khoảng 6%). Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán thiếu ổn định, có thời điểm tăng nóng; nợ xấu ngân hàng tăng. Một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn kinh tế trọng điểm. Việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề; công tác an sinh xã hội có lúc, có nơi còn bất cập cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội; xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Chúng ta dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Đạt được những kết quả đó, Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; trân trọng, cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Qua gian nan, thử thách, truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương nòi, khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, đất nước ta lại càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào cả những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong thời gian giữa hai kỳ họp, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung làm việc ngày, đêm, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh nhạy, kịp thời ban hành nhiều nghị quyết rất quan trọng, cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 và nhiều chính sách quan trọng, thiết thực để huy động nguồn lực, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng số tiền lên đến gần 100.000 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để theo dõi và giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách; bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo chương trình đã được thông qua, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng:
Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án luật, gồm: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); nghị quyết quy định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, thành phố Hải Phòng và xem xét, ban hành nghị quyết chung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết của Trung ương và Quốc hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Thứ ba, Quốc hội sẽ dành thời gian phù hợp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021; xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm (2019 và 2020); nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Ngoài ra, nhiều báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.
Sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống dịch COVID-19); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Cuối phiên họp sáng, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Tiếp theo chương trình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Cuối phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê./.
Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề thuộc đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (20/10/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ  (16/10/2021)
Bế mạc phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (14/10/2021)
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam  (08/10/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên