Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương
TCCS - Ngày 27-6-2021, đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã về kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương cần áp dụng sáng tạo phương án phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay cho phù hợp. Đặc biệt, tỉnh cần vừa thực hiện cách ly xã hội, sớm đẩy lùi dịch bệnh, vừa tập trung sản xuất, kinh doanh tại chỗ. Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương áp dụng mô hình tổ chức ăn ở, sản xuất tại chỗ, nhất là tại các khu công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đề nghị tỉnh chủ động điều chỉnh các dự án đầu tư công cho phù hợp, nhất là các dự án trọng điểm cần triển khai thực hiện có hiệu quả. Thủ tướng đánh giá cao định hướng tăng trưởng kinh tế xanh của Bình Dương bằng áp dụng khoa học - công nghệ, trong đó có chuyển đổi số của nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng nhân cơ hội thay đổi trong thời kỳ dịch bệnh này, tỉnh Bình Dương mạnh dạn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng đổi mới công nghệ số; tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh kết nối giao thông, đẩy mạnh phát triển hơn nữa tính liên kết vùng.
Thời gian tới, Thủ tướng lưu lý tỉnh Bình Dương ổn định chính trị, an toàn, an ninh và an dân; tổ chức hoàn thành tốt kỳ thi trung học phổ thông, kết thúc tốt năm học 2021. Để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát tình hình, không được lơ là, mất cảnh giác. Tỉnh phải có kịch bản ứng phó tình huống xấu khi dịch diễn biến phức tạp, nhưng không vội vàng, hốt hoảng, nhanh chóng phong tỏa, khép kín “dễ cho người làm, nhưng khó cho dân”.
Thủ tướng chỉ đạo Bình Dương khi có dịch xảy ra cần khẩn trương khoanh vùng dập dịch; đồng thời thay đổi cách ly cho phù hợp, nên nghiên cứu thí điểm cách ly diện F1 tại nhà. Thay đổi này quan trọng, nhưng chắc chắn phải triển khai làm đúng quy trình, đúng quy định. Việc này đã ban hành quy chế, quy định, tiêu chuẩn, nên Bình Dương nghiên cứu áp dụng. Mặt khác, việc cách ly tại nhà cần áp dụng qua điện thoại, qua phương tiện internet, thiết lập tư vấn hằng ngày; diễn tập cho người cách ly tại nhà và có cơ quan, đơn vị quản lý, giám sát...
Trước đó, Đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Báo cáo với Thủ tướng, TS. Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, là bệnh viện hạng I, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận trung bình 1.500 lượt người đến khám bệnh ngoại trú; chăm sóc và điều trị từ 1.400 - 1.600 người bệnh điều trị nội trú. Về năng lực xét nghiệm, bệnh viện đã triển khai thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 từ ngày 12-1-2021. Ngày 21-5-2021, bệnh viện trang bị thêm test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 để phục vụ công tác sàng lọc người bệnh.
Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng đã thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 200 giường. Vừa qua, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thẩm định và công nhận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý bên cạnh các điều kiện, trang bị, vật tư phục vụ cho công tác điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần rút kinh nghiệm từ các trường hợp lây nhiễm chéo trong khu điều trị tại các bệnh viện trong thời gian qua, nhất là phải bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ quy trình điều trị cách ly, phòng, chống lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên y tế.
Thủ tướng biểu dương công tác phòng, chống dịch, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện; động viên đội ngũ cán bộ y, bác sĩ bệnh viện nói riêng và đội ngũ y, bác sĩ cả nước nói chung đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ sức khỏe người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý, rút kinh nghiệm vừa qua một số bệnh viện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để xảy ra dịch ở nơi chống dịch. Do vậy, bệnh viện phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt hơn đối với đối tượng điều trị trực tiếp, để không xảy ra dịch từ trong bệnh viện.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, làm việc tại Nhà máy sữa Vinamilk tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tại đây, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của Vinamilk về phòng, chống dịch, “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt mục tiêu kép. Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu kép là nhiệm vụ khó nhưng cần phải thực hiện; phải chống được dịch để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; sản xuất, kinh doanh mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh  (26/06/2021)
Bộ Chính trị cho ý kiến về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19  (25/06/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới  (24/06/2021)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên