Châu Âu đối mặt với những thách thức về an ninh con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19
TCCS - Khởi phát từ tháng 12-2019, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã làm thế giới “chao đảo” bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan không thể kiểm soát. Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đến mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh… của các quốc gia, khu vực và thế giới. Châu Âu là khu vực được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó có những tác động đến an ninh con người.
Tác động của đại dịch COVID-19 đến an ninh con người
Hiện nay, đại dịch COVID-19 đang là một trong những mối đe dọa an ninh phi truyền thống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh con người. Tính đến ngày 11-1-2021, theo thống kê của worldometers.info, thế giới đã có 90.698.044 người mắc bệnh, 1.943.252 người tử vong do dịch bệnh COVID-19(1). Riêng khu vực châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp khi số lượng ca nhiễm ghi nhận tại các nước thuộc hàng cao nhất thế giới. Đứng đầu khu vực châu Âu về số lượng ca nhiễm bệnh và tử vong là Nga với 3.401.954 ca nhiễm, 61.837 ca tử vong, tiếp đó là Pháp với các con số lần lượt là 2.783.256 và 67.750, Anh (3.072.349; 81.431), Italy (2.276.491; 78.755), Tây Ban Nha (2.050.360; 51.874), Đức (1.929.353; 41.434)(2).
Có thể thấy, thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có, gây nên tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên quy mô lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế…, đặc biệt là mạng sống của con người đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình hình trên, các quốc gia không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm làm chậm quá trình lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không chỉ dịch bệnh COVID-19 đang đe dọa tới mạng sống của con người, mà ngay cả những biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh được chính phủ các nước đưa ra cũng đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người. Nói cách khác, dịch bệnh COVID-19 và những hệ lụy của nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người.
Một là, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia trong một khoảng thời gian ngắn. Tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu tăng liên tiếp trong các tháng cuối năm 2020(3). Tỷ lệ này tại 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên tới 8,1% trong tháng 8-2020, với khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp. Ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, các chương trình cứu trợ của các chính phủ chưa thể giúp các doanh nghiệp tránh được nguy cơ phá sản. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu còn tăng mạnh hơn trong những tháng tới khi những chương trình hỗ trợ tiền lương hết hạn, trong khi số lượng ca mắc bệnh COVID-19 tăng với tốc độ “phi mã” ở nhiều quốc gia, dẫn đến tình trạng các lệnh hạn chế đi lại được tái áp đặt ở một số nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như, nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu là Ðức cũng sụt giảm mạnh khi Ngân hàng Trung ương Ðức (Bundesbank) cảnh báo về số lượng công ty vỡ nợ gia tăng. Do lệnh hoãn trả nợ đối với các công ty vỡ nợ hết hiệu lực, số lượng doanh nghiệp phá sản có thể tăng hơn 35%, lên hơn 6.000 công ty/quý, mức cao nhất kể từ năm 2013. Tại Anh, giai đoạn từ tháng 6-2020 đến tháng 8-2020, tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 4,5%. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Anh, số lượng nhân viên được trả lương giảm 673.000 người(4).
Một tác động dây chuyền của dịch bệnh COVID-19 đối với tình trạng thất nghiệp đó là ảnh hưởng đến hệ thống lương thực và an ninh lương thực do gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm; mất thu nhập và sinh kế; sự gia tăng bất bình đẳng; gián đoạn các chương trình bảo trợ xã hội; môi trường thực phẩm bị thay đổi; giá thực phẩm gia tăng(5). Trong bất kỳ trường hợp nào, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là nhóm người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất do có ít nguồn lực dự trữ để đối phó với tình trạng mất việc làm và thu nhập, sự gia tăng của giá lương thực và sự không ổn định của nguồn cung lương thực, từ đó có ít khả năng thích ứng với khủng hoảng.
Hai là, tác động trực tiếp tới quyền học tập của trẻ em. Trường học đóng cửa đã làm gián đoạn quyền được học tập của trẻ em. Để hạn chế dịch bệnh COVID-19 bùng phát ảnh hưởng tới sức khỏe của giáo viên và học sinh, đa số các trường học trên khắp châu Âu phải ban hành tình trạng đóng cửa. Đặc biệt đối với các quốc gia là điểm nóng của dịch bệnh COVID-19 như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nga và nhiều nước khác, cũng đang có xu hướng phải đóng cửa đồng loạt các cơ sở giáo dục trong thời gian dài. Mặc dù giải pháp dạy và học trực tuyến được áp dụng, song không phải học sinh nào cũng được tiếp cận với hình thức học này, nhất là những trẻ em nghèo.
Ba là, tác động trực tiếp đến quyền được chăm sóc y tế. Ở một số quốc gia, số lượng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng quá nhanh, trong khi các nguồn lực y tế quan trọng như máy thở, thiết bị bảo hộ y tế và thậm chí nhân viên y tế trở nên khan hiếm. Do vậy, các bác sĩ buộc phải lựa chọn đối tượng được ưu tiên chăm sóc.
Ngày 23-3-2020, một nhóm bác sĩ và học giả từ khắp nơi trên thế giới đã xuất bản một bộ hướng dẫn về đạo lý trên Tạp chí Y học New England (NEJM), phác thảo cách phân bổ nguồn lực trong đại dịch COVID-19. Theo đó, vào những thời điểm căng thẳng, việc điều trị sẽ áp dụng dựa trên giới hạn tuổi và đặc thù bệnh lý nền cho những người được đưa vào điều trị cấp cứu, thay vì quan điểm thông thường “phục vụ theo thứ tự”. Với việc tối đa hóa lợi ích là tối quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, lập luận được đưa ra là sự chuyển hướng nguồn lực y tế ít ỏi cho những người có nhiều cơ hội sống sẽ mang lại lợi ích cho một số lượng lớn nhất người được cứu chữa. Điều này rõ ràng đặt ra những câu hỏi về việc bảo đảm bình đẳng về quyền được sống như nhau của mọi người dân mà luật pháp thừa nhận.
Bốn là, tác động trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em khi phải cách ly ở nhà. Còn quá sớm để thấy được tác động toàn diện của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em từ các số liệu thống kê chính thức. Nhưng kể từ khi châu Âu ban hành các biện pháp hạn chế đi lại, phụ nữ và trẻ em nếu lâm vào cảnh bị bạo hành gia đình sẽ không được tiếp cận với các cơ sở bảo vệ tại địa phương, do đó nguy cơ bạo lực gia đình và tỷ lệ bạo lực trong gia đình tăng lên. Chẳng hạn, ở Pháp, trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, số lượng cuộc gọi đến đường dây trợ giúp quốc gia giảm mạnh. Nhưng trong vòng một tuần kể từ khi áp dụng biện pháp khẩn cấp hạn chế đi lại bắt đầu từ tháng 3-2020, các báo cáo của cảnh sát về việc lạm dụng bạo lực trong gia đình đã tăng 1/3 trên toàn quốc, thậm chí nhiều nhất ở Thủ đô Paris. Hiện có rất nhiều yêu cầu giúp đỡ gửi qua email, tăng 286% so với tháng 2-2020(6). Ở Tây Ban Nha, trong hai tuần đầu tiên khi ban bố tình trạng hạn chế đi lại (tháng 3-2020), đường dây trợ giúp đã nhận được nhiều hơn 18% cuộc gọi so với tháng 2-2020. Theo Marceline Naudi, người đứng đầu nhóm chuyên gia về bạo lực giới của Hội đồng châu Âu, mối đe dọa lây nhiễm từ virus Corona trong một số trường hợp là trở ngại trực tiếp cho việc các nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ(7).
Năm là, tác động trực tiếp đến người nghèo, người vô gia cư. Các chiến lược ngăn chặn virus Corona rất khó áp dụng đối với những người không có chất lượng sống an toàn, đầy đủ, nhất là đối với nhóm người vô gia cư hoặc cư dân ở khu nhà ổ chuột - nơi thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh. Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến các cá nhân, gia đình và cộng đồng. Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện nay có hơn 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nguồn nước an toàn và 4,5 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch(8), do đó việc rửa tay thường xuyên không phải là một lựa chọn đối với họ. Dựa trên các báo cáo quốc gia, ước tính, không dưới 150 triệu người, tức khoảng 2% dân số thế giới là người vô gia cư. Tuy nhiên, thực tế có khoảng 1,6 tỷ người, hơn 20% dân số thế giới là người vô gia cư hoặc có nhà ở chật chội, thiếu thốn(9). Không có nơi cư trú an toàn, chênh lệch về vật chất, thiếu thốn lương thực, thực phẩm thực sự khó khăn để họ có thể cách ly ở nhà nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chính sự nghèo đói là một yếu tố rủi ro rất lớn, chưa nói tới tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với họ.
Ngoài những tác động đến an ninh con người, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những bất cập đe dọa sự thống nhất của châu Âu. Sự chủ quan và chần chừ đã khiến châu Âu phải trả giá đắt với số lượng người bệnh bị tử vong do dịch bệnh COVID-19 chỉ đứng sau nước Mỹ. Do những hậu quả nặng nề, dịch bệnh COVID-19 là phép thử “gắt gao” đối với toàn bộ hệ thống y tế cũng như nền kinh tế châu Âu. Hơn nữa, đây còn là phép thử đối với sự thống nhất của châu Âu. Như trường hợp của Italy, tâm dịch của châu Âu, là quốc gia đầu tiên phải hứng chịu những tổn thất ghê gớm do dịch bệnh COVID-19 gây ra, cả về phương diện con người cũng như tác động đối với nền kinh tế. Thế nhưng, tại thời điểm khởi phát dịch bệnh COVID-19 ở quốc gia này, các nước còn lại trong EU đã phản ứng một cách chậm chạp trước yêu cầu của Italy về việc kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của EU đối với việc cung ứng thiết bị bảo hộ cá nhân.
Không chỉ có vậy, trước nguy cơ đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế mà lẽ ra các nước châu Âu phải nhanh chóng có các biện pháp thống nhất và đồng bộ để đối phó thì lại xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc, nhất là xung quanh vấn đề phát hành “trái phiếu corona”. Đây là loại trái phiếu nợ chung với sự bảo đảm của tất cả các nước thuộc Eurozone để giúp chi trả cho những nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Một số nước EU cương quyết chống lại sự phát hành trái phiếu này, viện dẫn nguyên tắc trong EU “cấm biến các khoản nợ riêng thành nợ chung”. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng làm nảy sinh sự kết hợp giữa chủ nghĩa hoài nghi châu Âu với chủ nghĩa dân tộc thời dịch bệnh, lợi dụng cuộc khủng hoảng để đổ lỗi cho dân di cư hay tiến trình toàn cầu hóa. Chính những tư tưởng dân túy này làm xói mòn các giá trị cộng đồng, đe dọa sự thống nhất của châu Âu(10).
Giải pháp nhằm hạn chế tác động của đại dịch COVID-19 đến an ninh con người
Luật pháp quốc tế quy định các quốc gia trong các trường hợp khẩn cấp có thể yêu cầu đặt giới hạn về việc thực hiện một số quyền con người, cụ thể trong Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 khẳng định: “Trong khi thực hiện những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra để những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an toàn chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”(11). Trong trường hợp này, quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 là căn cứ để mỗi quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, để hạn chế những tác động của đại dịch COVID-19 cũng như ảnh hưởng của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đối với an ninh con người, Liên hợp quốc cũng đã có một bộ công cụ, dưới hình thức nhân quyền, trang bị cho các quốc gia trong việc ứng phó với các mối đe dọa và khủng hoảng theo cách đặt con người là trung tâm của sự phát triển. Thông qua đó, quan sát cuộc khủng hoảng và tác động của nó qua lăng kính nhân quyền, tập trung vào những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến mọi mặt của đời sống con người như thế nào, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và những biện pháp cần phải thực hiện trước mắt và về lâu dài vì lợi ích của người dân và không làm ảnh hưởng đến các quyền của họ.
Từ thực tiễn cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 vừa qua ở châu Âu có thể thấy, trên cơ sở những vấn đề về quyền cơ bản của con người có thể giúp các quốc gia điều chỉnh lại các biện pháp ứng phó để tối đa hóa hiệu quả trong việc phòng, chống căn bệnh này và giảm thiểu những hậu quả tiêu cực. Trọng tâm là phải bảo đảm cùng giữ gìn nhân phẩm và phẩm giá chung của con người với ba mục tiêu: 1- Tăng cường hiệu quả của phản ứng trước mắt đối với các quyền cơ bản của con người; 2- Giảm thiểu tác động rộng hơn của cuộc khủng hoảng đối với cuộc sống của người dân; 3- Tránh tạo mới hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có. Cả ba yếu tố này sẽ giúp xây dựng các cơ sở bảo đảm quyền con người tốt hơn.
Thứ nhất, tăng cường hiệu quả của nhữngphản ứng trước mắt đối với các quyền cơ bản của con người. Dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc, có thể kéo dài trong một vài năm tới. Do vậy, về trước mắt cũng như lâu dài, các quốc gia cần chú trọng bảo đảm các quyền được ưu tiên hàng đầu trong đại dịch hiện nay:
Quyền sống và nghĩa vụ bảo vệ sự sống. Để bảo đảm tính mạng của con người, các quốc gia đã phần nào mạnh tay áp đặt các biện pháp hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với quy mô và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh như vậy thì những biện pháp hạn chế trước mắt này dường như là chưa đủ, cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh hơn trên phạm vi cả nước để dập tắt nguồn lây nhiễm, hạn chế sự kéo dài của dịch bệnh. Tiếp đó là có những gói kích thích phát triển kinh tế - xã hội để ổn định cuộc sống của người dân. Theo trang Europa.eu ngày 16-12-2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua ngân sách của EU cho giai đoạn 2021 - 2027 trị giá 1.074 nghìn tỷ euro cùng với 15 tỷ euro, bổ sung cho các chương trình quan trọng của Khối. Chủ tịch EP D. Sassoli khẳng định: “Đó là một ngân sách lịch sử cho một thời điểm lịch sử. Với ngân sách này, “Kế hoạch Marshall châu Âu” có thể bắt đầu, giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra và đặt nền móng cho một khởi đầu mới vì một châu Âu xanh hơn và công bằng hơn”(12). Đây được xem là một dấu ấn quan trọng bởi lần đầu tiên tất cả các nước EU thống nhất vay nợ chung, trả nợ chung để cùng nhau vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh COVID-19. Đó là một bước tiến lớn trong tiến trình nhất thể hóa của châu Âu.
Quyền được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Quyền được bảo vệ sức khỏe là quyền cơ bản của con người. Dịch bệnh COVID-19 đang thử nghiệm khả năng bảo vệ sức khỏe của các quốc gia ở mức tối đa. Trên thực tế, việc phòng, chống đại dịch COVID-19 ở các nước trên thế giới cho thấy, những nước bị thiệt hại nặng nề nhất lại là những nước có nền kinh tế và nền y tế được đánh giá là mạnh nhất ở châu Âu (như Italy, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…). Lý giải điều này có hai nguyên nhân chính: Một là, chính phủ của các nước chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm của đại dịch COVID-19, chủ quan, phản ứng chậm đối với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, việc thực hiện các giải pháp thiếu quyết liệt, thiếu sự đồng thuận cao của người dân. Hai là, cấu trúc của hệ thống y tế có những bất cập (y tế dự phòng, y tế công cộng, hệ thống kiểm dịch yếu…), do đó, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, các nước này đã không kiểm soát được một cách hiệu quả. Không chỉ đại dịch COVID-19 có tác động lâu dài, mà các loại dịch bệnh mới khác sẽ phát sinh, vì vậy, vấn đề nghiên cứu để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cân đối, phù hợp, hiệu quả giữa y tế dự phòng, y tế công cộng, hệ thống kiểm dịch và hệ thống khám điều trị là một nhiệm vụ quan trọng. Trên cơ sở đó, xây dựng thể chế và cơ chế, chính sách cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả, bền vững(13). Về lâu dài, các quốc gia cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC)(14), tiếp cận những người dễ bị tổn thương và thúc đẩy công tác chuẩn bị và phòng, chống đại dịch.
Thứ hai, giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng đối với cuộc sống của người dân. Mối đe dọa của đại dịch COVID-19 đã hiện hữu, hàng triệu sinh mạng đã mất đi nhưng thảm kịch sẽ còn tồi tệ hơn nếu xã hội phớt lờ các tác động tiêu cực rộng lớn của đại dịch này, chẳng hạn như vấn đề ưu tiên đối tượng được cứu chữa như đã đề cập ở trên, làm dấy lên làn sóng phản đối phân biệt đối xử trong xã hội. Điều quan trọng là các quốc gia cần sớm có những biện pháp phản ứng hạn chế tối đa những tác động trong trường hợp xảy ra đại dịch, trang bị đầy đủ về mặt khoa học, trang thiết bị cần thiết bảo đảm quyền tiếp cận với dịch vụ y tế của tất cả mọi người dân, không có sự phân biệt(15). Tăng cường khả năng hệ thống cảnh báo, phát hiện sớm, bảo đảm khi xuất hiện các mối đe dọa của dịch bệnh có thể cảnh báo, kích hoạt, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, thậm chí “đóng băng nguy cơ”. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của ngành y tế quốc gia và quốc tế, nhất là đầu tư nhân lực, vật lực, tài chính cho các trung tâm, các công ty dược phẩm nghiên cứu, sản xuất vaccine; bổ sung cơ chế, chính sách, dự án cần thiết để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khả năng dự phòng, dự trữ chiến lược quốc gia là những việc làm cấp thiết để hạn chế tác động của dịch bệnh trong tương lai.
Thứ ba, tránh tạo mới hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có. Trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa độc tài và những phản kháng trước đại dịch COVID-19 được cho là ảnh hưởng đến quyền con người của một bộ phận người dân ở một số quốc gia châu Âu, khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 có thể là cái cớ để áp dụng các biện pháp đàn áp vì các mục đích khác không liên quan đến đại dịch COVID-19. Mối lo sợ đại dịch đang làm trầm trọng thêm các quyền con người hiện nay cần được chính phủ các quốc gia quan tâm hơn nữa, như sự phân biệt đối xử với các nhóm người tới từ các khu vực có dịch bệnh, hành vi bài ngoại, ngược đãi người di cư, bạo lực tình dục và giới(16)...
Các chuyên gia cho rằng, sớm muộn thì đại dịch COVID-19 cũng sẽ được kiểm soát. Nhưng cho dù được kiểm soát, dịch bệnh này đã gióng lên “hồi chuông” cảnh tỉnh thế giới về tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Do vậy, để bảo đảm an ninh con người, các quốc gia cần xem xét lại các chính sách của mình và có một chiến lược phù hợp hơn trong tương lai, lập kế hoạch và tạo nguồn dự trữ, đoàn kết và hợp tác toàn cầu, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, tiếp cận y tế, bao phủ bảo hiểm xã hội đối với mọi người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội; đồng thời, nhấn mạnh bảo đảm quyền con người là vấn đề then chốt để bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định xã hội và phát triển bền vững cho các quốc gia./.
-----------------------------
(1) COVID-19 Coronavirus pandemic, https://www.worldometers.info/ coronavirus/#countries
(2) Reported Cases and Deaths by Country, Territory, or Conveyance, https://www.worldometers.info/coronavirus/#countries
(3) Unemployment statistics, https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php/Unemployment_statistics
(4) Hà Anh: “Ưu tiên hàng đầu”, https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/-uu-tien-hang-dau-620894/
(5) High Level Panel of Experts on Food Security and Nutrition Rome: “Impacts of COVID-19 on food security and nutrition: developing effective policy responses to address the hunger and malnutrition pandemic”, http://www.fao.org/3/cb1000en/cb1000en.pdf
(6), (7) Natalie Higgins: “Coronavirus: When home gets violent under lockdown in Europe”, https://www.bbc.com/news/world-europe-52216966
(8) Khánh Linh: “Liên hợp quốc: Hơn 2 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch”, https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/lien-hop-quoc-hon-2-ty-nguoi-khong-duoc-tiep-can-voi-nuoc-sach-516701.html
(9) Joseph Chamie: “As Cities Grow, So Do the Numbers of Homeless”, https://yaleglobal.yale.edu/content/cities-grow-so-do-numbers homeless#:~:text=Based%20on%20national%20reports%2C%20it's,population%2C%20may%20lack%20adequate%20housin
(10) Yên Ba: “Phép thử khắc nghiệt”, https://nhandan.com.vn/quoc-te-hangthang/phep-thu-khac-nghiet-459716/
(11) Article 29 of The Universal Declaration of Human Rights, https://www.humanrights.com/course/lesson/articles-26-30/read-article-29.html
(12) Đình Phúc: “Nghị viện châu Âu thông qua ngân sách bảy năm”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/nghi-vien-chau-au-thong-qua-ngan-sach-bay-nam-628488/
(13) Trần Quốc Toản: “Tác động của đại dịch Covid-19 và những vấn đề phát triển đặt ra”, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/tac-dong-cua-dai-dich-covid---19-va-nhung-van-de-phat-trien-dat-ra-%E2%80%8Bphan-2.html
(14) UHC là viết tắt của “Universal Health Coverage” có nghĩa là “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”
(15) National Institutes of Health: “Strategies for disease containment”, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK54163/
(16) Luke Cooper & Guy Aitchison: “Covid-19, Authoritarianism and Democracy”, http://eprints.lse.ac.uk/105103/4/dangersahead.pdf
Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất cho vay VND trong 3 tháng  (15/12/2020)
Vietcombank lên đỉnh vốn hóa của thị trường  (15/12/2020)
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  (24/10/2020)
Tỉnh Bắc Ninh - Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19  (03/10/2020)
An ninh lương thực của Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (23/08/2020)
Bảo vệ môi trường từ bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập  (20/08/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển