Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
TCCS - Giáo dục toàn diện để phát triển con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ luôn là tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh mới của sự phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh những tác nhân truyền thống cũng xuất hiện nhiều tác nhân giáo dục mới. Vì vậy, cần tìm tòi và đề xuất những giải pháp đột phá để huy động mọi chủ thể cho giáo dục toàn diện gắn với tình hình mới.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chủ trương nhất quán của Đảng ta
Vấn đề giáo dục con người toàn diện đã được đặt ra từ rất lâu, được phản ánh qua triết lý, tư tưởng trong đời sống của ông cha ta. Chẳng hạn, trẻ em cần phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, làm người phải trang bị “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, phụ nữ cần trau dồi “công, dung, ngôn, hạnh”... Nhìn chung, theo truyền thống con người cần được giáo dục và phát triển nhân cách một cách hài hòa để sống có tình, có nghĩa, yêu quý và cư xử hiếu thuận với người thân, giữ chữ tín, có năng lực thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo, nhà văn hóa lớn của thế giới, đã sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới đã khẳng định rằng “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”(1). Người đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục, tất cả vì một mục tiêu cao cả là vì con người, cho con người, đặc biệt là “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của học sinh, kết hợp giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Người vận dụng quan điểm mác-xít về con người để xây dựng con người mới, những con người mang thế giới quan và nhân sinh quan của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, con người thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Theo Người, để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa phải chú ý cả hai phương diện. Một mặt, đó là sự phấn đấu vươn lên không ngừng của mỗi người theo hướng tự giác đấu tranh với những mặt lạc hậu, mặt xấu vốn tồn tại như mặt bản năng tự nhiên của con người, đồng thời học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng được xem như tinh hoa văn hóa của nhân loại, mặt khác, đó là sự tham gia tích cực của con người vào việc cải tạo xã hội theo hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, đối với nước ta là thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, kết hợp với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là hai mặt luôn gắn kết với nhau và “muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Tư tưởng về phát triển toàn diện con người đã được thể hiện một cách dung dị trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt; Kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Tư tưởng đó được kết tinh trong hai khái niệm “hồng” và “chuyên”, đó là hai mặt có mối quan hệ chặt chẽ hữu cơ với nhau, trong đó “hồng” hay đạo đức là gốc. Người cũng xác định phương pháp xây dựng con người là nêu gương người tốt, việc tốt.
Những luận điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, con người phát triển toàn diện được tiếp thu và thể hiện nhất quán trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục phát triển con người toàn diện.
Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).
Đại hội Đảng lần thứ X chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”(3).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rõ định hướng lớn về giáo dục - đào tạo ở nước ta: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”(4).
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” khẳng định: đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.
Quan điểm của Đảng về xây dựng con người phát triển toàn diện được thể hiện sâu sắc trong Văn kiện Đại hội XII, trong đó khẳng định: 1- Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển, là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước; 2- Gắn mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa với xây dựng con người; 3- Khẳng định vấn đề xây dựng con người là bốn trong sáu nhiệm vụ trung tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII; 4- Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Luật Giáo dục năm 2019 khi đề cập đến mục tiêu giáo dục cũng khẳng định: giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Bối cảnh kinh tế - xã hội và vai trò của việc giáo dục phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam
Việt Nam có những thuận lợi khi hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, đó là có nền chính trị ổn định, con người Việt Nam đang khát khao cống hiến phát triển đất nước, nhưng cũng đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, như ở một số nơi, môi trường sinh thái bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, an sinh xã hội và sức khỏe cộng đồng chưa được cải thiện như mong muốn, khoảng cách và sự phân hóa giàu nghèo gia tăng, tệ nạn xã hội, tội phạm xã hội phức tạp hơn.
Bối cảnh thế giới có những bất ổn và sự cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc để phát triển ngày càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, đạo đức xã hội ở nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm, thể hiện qua hành vi ứng xử thường ngày. Điều này càng cho thấy để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trên con đường xã hội chủ nghĩa thì không có gì hơn là xây dựng đất nước dựa trên phát triển con người. Những con người có đủ phẩm chất và năng lực, phải là những người bằng bàn tay khối óc của chính mình xây dựng đất nước, đưa dân tộc ta phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Chính vì vậy, giáo dục không chỉ là quốc sách mà còn là sinh mệnh chính trị của dân tộc. Chúng ta có thể nhìn thấy tương lai của đất nước qua việc đánh giá nền giáo dục. Do đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã cụ thể hóa quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” với ngân sách mỗi năm chi cho giáo dục khoảng 20% chưa tính đến những nguồn kinh phí xã hội chi trả cho các dịch vụ giáo dục. Đảng và Nhà nước cũng đã triển khai nhiều nghiên cứu để xây dựng bộ tiêu chí con người Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng:
- Xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, coi đó là “một mục tiêu của chiến lược phát triển”, “phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”(5).
Bên cạnh những bước phát triển quan trọng, giáo dục ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa phát triển toàn diện năng lực của người học. Có thể nói, dẫu có nhiều cố gắng, dường như giáo dục vẫn đang chú trọng mục tiêu phát triển “trí tuệ” là chính và ít chú trọng đến khả năng, sở thích hay năng khiếu của học sinh. Nhiều cơ sở giáo dục coi trọng thành tích thi cử nên chỉ tập trung vào một số môn thi, xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ - những yếu tố then chốt để hình thành nhân cách cho học sinh.
Một trong những nguyên nhân chính là do chúng ta tập trung dạy về kiến thức chuyên môn, chú trọng các môn học “thời thượng”, các môn học khoa học tự nhiên,... mà chưa coi trọng đúng mức các môn học về xã hội - con người, như giáo dục công dân, đạo đức... Vì vậy mà ý thức, kỹ năng lao động của học sinh Việt Nam nói chung còn chưa tốt, nhiều em học rất giỏi ở trường nhưng không biết tự làm những công việc nhà (như nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa...). Ngành giáo dục chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa việc dạy chữ và dạy người. Nói một cách khác, chúng ta chưa thực sự có một nền giáo dục con người toàn diện theo đúng nghĩa.
Những định hướng và tiếp cận giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Kế thừa những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bài học quốc tế (Báo cáo phát triển con người, công bố lần đầu tiên năm 1990 trong Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)về xây dựng phát triển con người toàn diện(6)), có thể xác định một số tiêu chí con người Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay phải bao gồm: 1- Có sức khỏe tốt (gồm cả sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội); 2- Có tinh thần yêu nước; 3- Có đạo đức tốt (gồm cả đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp); 4- Có kỹ năng sống tốt; 5- Có trách nhiệm công dân; 6- Có phẩm chất “công dân toàn cầu”. Bên cạnh đó, cũng có thể xác định định hướng giáo dục con người Việt Nam toàn diện trên 5 mặt theo định hướng của Đại hội XII của Đảng bao gồm 1- Đạo đức; 2- Nhân cách; 3- Lối sống; 4- Trí tuệ; 5- Năng lực làm việc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi sâu sắc về cách sống, cách làm việc trong mối quan hệ tương tác với nhau. Sự biến đổi không ngừng của hoàn cảnh xã hội đòi hỏi mỗi con người cần phải liên tục cập nhật kỹ năng, hoàn thiện mình để thích ứng với tình hình mới. Chính vì vậy, giáo dục càng phải tập trung phát triển toàn diện năng lực của cá nhân dựa trên việc áp dụng các công nghệ đột phá. Xu hướng cá nhân hóa học tập liên quan đến việc giảng dạy phải được thực hiện theo nhịp độ phù hợp với nhu cầu học tập, được thiết kế theo sở thích và sự hứng thú cụ thể của từng người học; được thực hiện bằng cách cung cấp các lựa chọn từ nhiều chương trình giáo dục (từ nhiều trường phái, môn học, kỹ năng và năng lực khác nhau), nhiều tiếp cận giảng dạy (trực tiếp, gián tiếp, tương tác, thực nghiệm hoặc độc lập), trải nghiệm học tập (truyền thống như trong lớp học, phi truyền thống như trực tuyến hoặc kết hợp) và các chiến lược hỗ trợ học tập (các dịch vụ giáo dục sẵn có để hỗ trợ người học và thúc đẩy quá trình học tập). Về mặt nội dung, các chương trình giáo dục phải giúp người học hình thành năng lực sáng tạo và tư duy phản biện, khả năng giao tiếp và hợp tác, kỹ năng tự học, có kiến thức về kỹ thuật số và dữ liệu, có kiến thức liên ngành để có thể chuyển đổi công việc. Về mặt phương pháp sư phạm, phải tạo ra cơ hội để xây dựng một “hệ sinh thái” học tập cho phép cá nhân hóa việc học tập về mặt thời gian và địa điểm. Người học phải được hướng dẫn để có năng lực tự học và thiết kế các lộ trình học tập của riêng mình dựa trên các mục tiêu cá nhân qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ, như khóa học trực tuyến theo mô hình khóa học trực tuyến đại chúng mở (Massive open online course, viết tắt là MOOC), các lớp học, phòng thí nghiệm ảo và các trò chơi học tập, sử dụng đa dạng các hình thức dạy học kết hợp (blended learning), dạy học theo dự án, dạy học dựa vào kịch bản và dạy học định hướng giải quyết vấn đề.
Những yêu cầu hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục với mục tiêu đào tạo ra những “công dân toàn cầu” đã đặt ra trách nhiệm của từng học sinh là phải chủ động với bản thân mình và với xã hội. Công dân toàn cầu là người có khả năng hành động hợp tác, có trách nhiệm, sáng tạo giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng, góp phần làm cho địa phương, đất nước, thế giới tốt đẹp và phát triển bền vững; giao tiếp, thích ứng trong những môi trường văn hóa khác nhau, môi trường đa văn hóa; tôn trọng quyền con người, sự đa dạng; trân trọng, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, đất nước mình, đồng thời có ý thức học hỏi những tinh hoa văn hóa của các dân tộc, quốc gia khác.
Những quan điểm về giáo dục công dân toàn diện hướng tới công dân toàn cầu hiện đã được phản ánh trong việc xác định mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông “phát triển con người Việt Nam toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu””(7) và cụ thể hóa thành những phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và phát triển toàn diện các năng lực gồm các năng lực chung, như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù, như năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, con người Việt Nam phát triển toàn diện phải là con người có văn hóa, mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cùng năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, thể hiện qua phẩm chất năng lực của công dân toàn cầu. Con người Việt Nam phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ phải bao gồm: Có lòng yêu nước nồng nàn từ yêu quê hương, yêu con người và yêu những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có lòng nhân ái thể hiện qua việc yêu thương, quý trọng con người không chỉ trong phạm vi gia đình, nhà trường, quốc gia mà cả quốc tế. Đó còn là người có lý tưởng sống, có ý thức trách nhiệm, có ý chí phấn đấu không ngừng, có lối sống giản dị vì cộng đồng, hành động cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải xây dựng nền giáo dục con người có đủ sức khỏe thể chất và tâm trí để phát huy trí tuệ, tối đa hóa tiềm năng lao động sáng tạo của bản thân, có năng lực tự học suốt đời.
Bên cạnh việc xác định những tiêu chí con người toàn diện phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần thực thi một số giải pháp căn bản tạo môi trường cho việc giáo dục toàn diện con người như sau:
- Thứ nhất, cần phân tích chính xác về thực trạng giáo dục toàn diện con người tại thời điểm hiện tại từ tiếp cận liên ngành và cá nhân hóa để thấy rõ bức tranh giáo dục con người làm trung tâm và vì con người để đề xuất các giải pháp mang tính tổng hợp.
- Thứ hai, cần phân định rõ chức năng của các thiết chế, chủ thể giáo dục, đặc biệt là chủ thể phi truyền thống, các phương tiện truyền thông mới, phim ảnh, video game, thực tại ảo (VR), thực tại mở rộng (XR), sự kết nối vạn vật (IoT),... Cần có những nghiên cứu để cụ thể hóa những điều này trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 để tránh tình trạng chồng chéo hoặc những “vùng trắng”.
- Thứ ba, cần phải quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của gia đình và các tổ chức khác tham gia vào hoạt động giáo dục con người toàn diện, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời phải triển khai phổ biến, hướng dẫn thực thi các quy định đó. Nhấn mạnh trách nhiệm giáo dục con người toàn diện phải là nhiệm vụ của cả một hệ sinh thái bao quanh đứa trẻ.
- Thứ tư, xây dựng một xã hội học tập, một xã hội văn minh với các giá trị chân, thiện, mỹ; biết phê phán và lên án những hành động đi trái với những quy chuẩn đạo đức xã hội; giáo dục con người toàn diện. Cần phải xây dựng mô hình này mang “tính mở”, tức là những mô hình và hoạt động vốn từ xưa chỉ mang tính “gia đình” và “nhà trường” nay cần chuyển sang tính “xã hội”. Chính vì vậy, đối với nhà trường, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng một môi trường học “mở”, có “tính phản biện”; chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực - dựa trên trải nghiệm; phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm, sử dụng tiếp cận đánh giá toàn diện thông qua các công cụ phù hợp trong đánh giá năng lực công dân toàn diện. Đánh giá không chỉ dừng lại ở đánh giá kết quả học tập của người học (đánh giá quá trình và đánh giá tổng thể), mà còn cần đánh giá chính chương trình, đặt chương trình trong bối cảnh thực tế để đánh giá, theo dõi và kịp thời điều chỉnh, cải thiện, duy trì giáo dục công dân toàn cầu một cách phù hợp và hiệu quả./.
-----------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, t. 12, tr. 333
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 114
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 106
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 77
(5) Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
(6) Human Development Report 1990: “Concept and Measurement of Human Development”, UNDP, 1990
(7) Quyết định 404/QĐ-TTg, ngày 27-3-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông”
Tỉnh Bắc Ninh duy trì chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học  (01/09/2020)
Tỉnh Quảng Ninh bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới  (26/08/2020)
Tạo chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo của Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (23/08/2020)
Tạo chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo của Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (23/08/2020)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên