TCCSĐT - Hôm nay, 22-7-2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, đã diễn ra một loạt các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với 10 đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nga, Eu, Mỹ và Ca-na-đa... Những hội nghị này được xem là bước chuẩn bị quan trọng cho các hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác trong nửa cuối năm 2010.

Tại các hội nghị này, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các bên đối tác đã kiểm điểm lại những tiến triển trong quan hệ hợp tác trong năm qua, đồng thời, đề ra phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác cho thời gian tới.

Các bộ trưởng đã tập trung bàn về việc tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả và toàn diện giữa ASEAN với các đối tác, từ hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và kết nối ASEAN đến ứng phó với các thách thức đang nổi lên như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh, hàng hải... Tại Hội nghị này, các bộ trưởng ASEAN đã thông qua các chương trình hành động với các biện pháp hợp tác cho giai đoạn mới với một số đối tác như Ấn Độ, Ca-na-đa, Niu Di-lân..

Các bộ trưởng cũng tập trung thảo luận về công tác chuẩn bị cho các hội nghị cấp cao quan trọng vào cuối năm bao gồm Hội nghị cấp cao thường niên giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các Hội nghị cấp cao đặc biệt với Nga, Mỹ, Liên hợp quốc, Ô-xtrây-li-a, và Niu Di-lân, đặc biệt là chương trình nghị sự, hợp tác ưu tiên, các văn kiện của Hội nghị này.

Các bộ trưởng cũng đã trao đổi về tăng cường hợp tác khu vực, trong đó, có khả năng tham gia và gắn kết sâu rộng hơn của các đối tác trong tiến trình hình thành cấu trúc khu vực và chia sẻ tầm nhìn của ASEAN về một cấu trúc khu vực tương lai bao gồm nhiều tầng nấc, đan xen và bổ trợ cho nhau, dựa trên cơ sở của các cơ chế hiện có.

Các bộ trưởng ASEAN hoan nghênh mong muốn của Nga và Mỹ tham gia gắn kết sâu hơn vào cấu trúc khu vực, trong đó có việc tham gia làm thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) với phương thức phù hợp, để trình Hội nghị cấp cao ASEAN 17.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc:

Tại Hội nghị này, với tư cách là Điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định, quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình hành động, triển khai Tuyên bố chung Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng. ASEAN đánh giá cao sáng kiến mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thông báo tại phiên họp Cấp cao năm ngoái. Các sáng kiến đó kết hợp với sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho triển khai sáng kiến thương mại ASEAN, thúc đẩy sự liên kết ASEAN - Trung Quốc, đồng thời giúp hai bên hợp tác có hiệu quả chống lại tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính. ASEAN đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Trong thời gian tới, ASEAN - Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề khu vực. Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để quan hệ ASEAN -Trung Quốc đạt nhiều thành tựu tốt đẹp; tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược và đưa quan hệ này lên tầm cao mới, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng khu vực.

Bên cạnh việc trao đổi thêm về những vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc còn thảo luận một số vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc phát triển hơn nữa như:

Khẩn trương hoàn tất dự thảo Chương trình hành động mới triển khai Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng giai đoạn 2011-2015, trình Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc vào cuối năm nay xem xét thông qua;

Đẩy mạnh triển khai các sáng kiến hợp tác giữa hai bên, trong đó có kết cấu hạ tầng, năng lượng, công nghệ thông tin... cũng như sử dụng các Quỹ do Trung Quốc hỗ trợ như Quỹ Hợp tác đầu tư ASEAN - Trung Quốc trị giá 10 tỉ USD và Quỹ hỗ trợ tăng cường trao đổi thương mại trị giá 15 tỉ USD;

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hai bên vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, hợp tác trong các tiến trình như ASEAN+3, EAS, ARF và trong việc tiếp tục các nỗ lực triển khai hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC);

Tại Hội nghị, các bên đã nhất trí tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc vào năm 2011.

Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc đã chính thức khởi động đầu năm 2010. Hợp tác tài chính ASEAN+3 tiếp tục có những bước đột phá, hai bên đã tuyên bố thành lập Quỹ dự trữ ngoại hối khu vực, Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư… và đang chuẩn bị thành lập Cơ cấu giám sát khu vực.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên về quan hệ ASEAN - Trung Quốc cũng như quan hệ song phương Việt - Trung, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, trong bối cảnh thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều điều chỉnh và thay đổi, mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế vẫn rất nặng nề, việc phát triển nhanh và tốt đẹp mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. ASEAN và Trung Quốc đang hoạch định Chương trình hành động thứ hai và chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại vào năm 2011. Ông Dương Khiết Trì bày tỏ hy vọng, hai bên nhân cơ hội này sẽ đưa quan hệ đối tác chiến lược song phương lên tầm cao mới.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nga:

ASEAN và Nga chính thức xác lập khuôn khổ quan hệ đối thoại tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a) tháng 7-1996. Tháng 11-2004, Nga gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Á (TAC), và trở thành nước thứ hai tham gia vào Hiệp ước này. Từ đó tới nay, Nga đã tích cực tham gia hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN. Hai bên có khả năng thúc đẩy hợp tác an ninh – chính trị lên mức cao hơn do có nhiều quan điểm trùng hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế. Nga luôn muốn củng cố quan hệ với ASEAN và coi đây là ngưỡng cửa để trở thành viên vào một câu lạc bộ kinh tế và an ninh mới.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nga, các bộtrưởng đã hoan nghênh những kết quảtích cực trong triển khai Chương trình hành động toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2005-2015; sớm hoàn tất chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao hai bên vào cuối năm như dự thảo Tuyên bố chung; Hiệp định Hợp tác văn hóa ASEAN - Nga; tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN - Nga; bàn và thống nhất một số hoạt động cụ thể chuẩn bị kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Nga, trong đó có việc tổ chức ngày văn hóa Nga tại các nước ASEAN.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ:

Mỹ là một trong những đối tác lâu nhất của ASEAN, và là 1 trong 6 nước đối thoại đầu tiên mà ASEAN thiết lập quan hệ (năm 1977). ASEAN luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất. Năm 2009, Mỹ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC).

Trong những năm qua, quan hệ ASEAN – Mỹ chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế, thương mại và hợp tác phát triển do đó là thế mạnh của Mỹ và cũng là điều các nước ASEAN cần. Mỹ không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN, mà còn là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào ASEAN. Hợp tác phát triển ASEAN – Mỹ cũng gia tăng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giáo dục – đào tạo, trao đổi văn hóa...

Về chính trị - an ninh: hiện Mỹ đã tham gia Tuyên bố ASEAN – Mỹ về hợp tác chống khủng bố quốc tế (2002); Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN – Mỹ năm 2005; tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và hai bên cũng đã hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ARF. Ngay sau khi có Hiến chương ASEAN, Mỹ là nước đầu tiên cử Đại sứ tới ASEAN và là nước đầu tiên tuyên bố lập phái đoàn thường trực bên cạnh ASEAN tại Gia-các-ta. Hiện, ASEAN và Mỹ đang thiết lập cơ chế đối thoại chính trị thường niên.

Về kinh tế - phát triển: năm 2006, ASEAN và Mỹ đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Đây là bước tiến lớn trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên, đồng thời là bước tiến gần hơn tới việc xây dựng một Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Mỹ.

Tiếp tục triển khai kết quảcuộc gặp Cấp cao lần thứ nhất vào năm 2009 và chuẩn bị cuộc gặp Cấp cao lần thứ hai trong năm 2010, hai bên nhất trí sớm hoàn tất xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Đối tác tăng cường ASEAN - Mỹ giai đoạn mới 2011-2015; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, cũng như ứng phó với các thách thức như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hoan nghênh việc Mỹ mở phái đoàn đại diện thường trực tại ASEAN. Hai bên cũng bàn cụ thể về các nội dung chuẩn bị cho cuộc gặp Cấp cao ASEAN - Mỹ lần 2 sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản:

ASEAN và Nhật Bản thiết lập quan hệ phi chính thức đầu tiên năm 1973. Mối quan hệ này sau đó đã được chính thức hóa vào tháng 3-1977 với việc thành lập Diễn đàn ASEAN – Nhật Bản. Kể từ đó, quan hệ ASEAN – Nhật Bản phát triển nhanh chóng về cả bề rộng và chiều sâu, bao quát các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trong đó, hợp tác phát triển kinh tế là chủ đạo. Hiện, Nhật Bản là một trong số những nước đóng góp chính cho các hoạt động hợp tác phát triển của ASEAN thông qua nhiều chương trình như Chương trình trao đổi Nhật Bản – ASEAN (JAEP), Quỹ trao đổi phổ thông Nhật Bản – ASEAN (JAGEF).

Các hoạt động hợp tác phát triển gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như hỗ trợ Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng sông Mê Công... Hiện nay, Nhật Bản đang là đối tác quan trọng bậc nhất của ASEAN trong lĩnh vực hợp tác phát triển và tích cực hỗ trợ liên kết ASEAN trên nhiều phương diện khác nhau.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hoan nghênh đề xuất của Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác hướng tới tăng trưởng kinh tế với việc phối hợp triển khai kết nối ASEAN theo khuôn khổ “Đối tác ASEAN - Nhật Bản vì tăng trưởng mớiở châu Á”. Nhật Bản khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua việc tiếp tục đóng góp cho Quỹ Hội nhập ASEAN - Nhật Bản; thông báo sẽ dành một khoản trợ giúp trị giá 800 tỉ yên hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối. Tại Hội nghị, ASEAN và Nhật Bản cũng đã khẳng định cam kết sớm đưa vào hiệu lực và triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP).

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hàn Quốc

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN và Hàn Quốc đã nhất trí đẩy mạnh triển khai hiệu quả thỏa thuận Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Hàn Quốc, với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại 2 chiều lên 150 tỉ USD vào năm 2015. ASEAN và Hàn Quốc nhất trí kiến nghị nâng cấp quan hệ ASEAN - Hàn Quốc lên tầm Đối tác chiến lược và sẽ trình lãnh đạo thông qua Tuyên bố về vấn đề này tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc vào cuối năm nay. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng hoan nghênh Hàn Quốc đã mời Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN dự Cấp cao G20 tại Hàn Quốc vào tháng 11 tới. Nhân dịp này, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng đã chia sẻ những tổn thất của Chính phủ và người dân Hàn Quốc do vụ chìm tàu Cheonan và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ:

Tại Hội nghị này, các bên đã nhất tríthông qua Kế hoạch hành động triển khai đối tác ASEAN - Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung giai đoạn 2010-2015; đồng thời, khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, môi trường cũng như hợp tác ứng phó với các thách thức như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng đã giao các quan chức đề xuất các dự án cụ thể có thể sử dụng nguồn lực từ Quỹ xanh ASEAN - Ấn Độ và Quỹ phát triển Khoa học công nghệ ASEAN - Ấn Độ. Hai bên cũng bàn việc chuẩn bị kỷ niệm 20 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ vào 2012.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ô-xtrây-li-a:

Tại Hội nghị, hai bên đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa và việc triển khai hiệu quả Hiệp định FTA ASEAN – Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân (AANZFTA) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay; nhất trí đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động triển khai Đối tác tăng cường ASEAN - Ô-xtrây-li-a, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, thương mại và đầu tư, giao thông vận tải, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, văn hóa, giao lưu nhân dân... ASEAN và Ô-xtrây-li-a nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - Ô-xtrây-li-a bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 17 vào cuối năm 2010, để tạo đà mạnh mẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Niu Di-lân:

Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Niu Di-lân về đối tác tăng cường giai đoạn 2010-2015 với trọng tâm thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa và giao lưu nhân dân. Hai bên đánh giá cao ý nghĩa và nhất trí triển khai hiệu quả Hiệp định FTA ASEAN – Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân (AANZFTA) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. ASEAN hoan nghênh các đề xuất hợp tác mới của Niu Di-lân, trong đó có Khoản trợ giúp trị giá 54 triệu đô-la hỗ trợ sinh viên các nước ASEAN tham gia các khóa đào tạo tại Niu Di-lân trong 3 năm tới. Các bộ trưởng ASEAN và Niu Di-lân nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Niu Di-lân bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tại Hà Nội.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ca-na-đa:

Hai bên thông qua Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố chung ASEAN - Ca-na-đa về đối tác tăng cường giai đoạn 2011-2015; nhất trí hợp tác xây dựng Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư ASEAN - Ca-na-đa (TIFA) nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hoan nghênh Ca-na-đa ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), coi đó là một tiến triển quan trọng ý nghĩa trong quan hệ đối thoại ASEAN - Ca-na-đa, cũng như cam kết của Ca-na-đa đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU:

EU là một trong các đối tác trợ giúp ASEAN tích cực nhất trong việc thúc đẩy liên kết và tăng cường xây dựng thể chế khu vực. Trong hợp tác chính trị, hai bên đã thiết lập cơ chế họp Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – EU hai năm 1 lần và trở thành diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác quan trọng nhất giữa ASEAN và EU. Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN sau Nhật Bản với hơn 200 tỉ USD, chiếm gần 12% tổng giá trị thương mại của ASEAN. Bên cạnh đó, EU cũng là khu vực đầu tư lớn nhất vào ASEAN với giá trị đạt gần 44 tỉ USD trong giai đoạn 2006-2008, chiếm 23,5% tổng giá trị đầu tư vào ASEAN.

Nhằm tăng cường đối thoại về kinh tế, ASEAN – EU đã đề ra sáng kiến thúc đẩy thương mại liên khu vực (TREATI). Hiện, EU đang đàm phán thiết lập khu vực mậu dịch tự do thương mại với ASEAN. Tại Hội nghị, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh các chương trình và kế hoạch hợp tác triển khai quan hệ Đối tác tăng cường ASEAN - EU, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. ASEAN hoan nghênh mong muốn của EU gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và thông báo việc ASEAN dự kiến cùng các nước tham gia TAC sẽ ký Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp ước này vào ngày 23-7 nhằm tạo điều kiện để EU có thể sớm tham gia./.