Thời gian tới, vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam cần tập trung làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, xử lý nhanh và triệt để ô nhiễm của các con sông, nguồn chất thải rắn và chuẩn bị nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi chủ trì Hội nghị trực tuyến Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, ngày 19-7.

Những cản trở cần tháo gỡ

Vùng KTTĐ phía Nam được coi là khu vực có sự phát triển nhanh và lớn nhất, là động lực phát triển của cả nước. Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo điều phối Vùng, tốc độ tăng trưởng GDP của Vùng năm 2007 đạt 12,6%, trong đó nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 6%, công nghiệp xây dựng tăng 12,4%, dịch vụ tăng 14,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng, cao gấp 2,6 lần so với mức bình quân cả nước, gấp 1,9 lần so với Vùng KTTĐ phía Bắc và 3,2 lần so với Vùng KTTĐ miền Trung. Vùng cũng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất (năm 2007 đạt 36,8 tỉ USD) và cũng là vùng xuất siêu duy nhất. Thu hút đầu tư chiếm 54% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Tuy nhiên sự phát triển của Vùng KTTĐ phía Nam đang gặp những cản trở, thách thức lớn. Trong đó, vấn đề hạ tầng giao thông dù được đầu tư mạnh đã không theo kịp đà tăng trưởng kinh tế. Trong cuộc họp, hầu hết các ý kiến từ địa phương đều phản ánh về lực cản này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Tín cho biết, sự ùn tắc và nghẽn mạng giao thông kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh đã làm cho khả năng phát triển của Thành phố bị giảm sút. Đặc biệt là các tuyến đường liên cảng Sài Gòn, QL 51, các đường vành đai, sự bồi lắng trên các sông Soài Rạp, Vàm Cỏ,…

Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong nhóm cảng biển số 5, tỉnh hiện có 14 cảng đang khai thác và chỉ một vài năm tới, số cảng này sẽ lên gần gấp đôi.

Một số vấn đề khác liên quan đến hạ tầng Vùng KTTĐ phía Nam cũng cần quan tâm, đó là việc phát triển đô thị và khu công nghiệp trong Vùng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Theo ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua, hệ thống đô thị vùng phát triển một cách ồ ạt, trong đó không ít đề án không mang lại hiệu quả, gây lãng phí đất đai và vốn đầu tư.

Vấn đề ô nhiễm môi trường được hầu hết các địa phương đề cập, coi đây là vấn đề nóng bỏng nhất. Với sự tăng nhanh về dân số và công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai đã đến mức báo động, cùng với đó, yêu cầu xử lý rác, chất thải rắn, chất thải nguy hại ngày càng bức xúc.

Nguồn nhân lực trong Vùng cũng đang là một thách thức lớn, nhất là nhu cầu lao động có kỹ năng nghề nghiệp ở trình độ cao. Là một vùng kinh tế lớn nhất cả nước song đến nay, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, rõ ràng trong việc xây dựng những cơ sở đào tạo nghề đúng tầm cho toàn Vùng cũng như cho cả nước.

Vốn không phải là vấn đề khó nhất

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, với Vùng KTTĐ phía Nam, vốn đầu tư không phải là vấn đề khó nhất. Điều mà các bộ, ngành trung ương cũng như 8 địa phương làm chưa tốt, để tồn tại một số yếu kém, cản trở sự phát triển kinh tế Vùng chính là công tác phối hợp, phân công còn thiếu và chậm. Vốn trái phiếu chính phủ giao thời gian qua không giải ngân hết. Chính phủ đã tháo gỡ rất nhiều về cơ chế vốn, điển hình như ứng vốn cho các dự án giải phóng mặt bằng. Vì vậy, điểm yếu cốt lõi chính là việc chuẩn bị, triển khai, thông tin phối hợp ở các dự án, các nhiệm vụ phát triển.

Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm của Vùng thời gian tới là xây dựng hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường và chuẩn bị nguồn nhân lực; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải ưu tiên xử lý các vướng mắc, khó khăn của các dự án xây dựng công trình giao thông cấp bách, thiết yếu; thường xuyên giao ban, liên hệ với địa phương để liên tục cập nhật các quy hoạch giao thông, đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh và thay đổi lớn trong Vùng.

Sớm xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp và nguồn nhân lực

Để đẩy nhanh tiến trình phân công, quy hoạch trong Vùng, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng sớm xây dựng quy hoạch về các khu công nghiệp, nguồn nhân lực, xây dựng các cơ sở xử lý chất thải, chất thải rắn; chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các Ủy ban lưu vực sông, nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý từng trường hợp, từng khu vực sông. Kiểm tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp không vận hành các khu xử lý nước thải.

Ngay sau Hội nghị này, Ban Điều phối sẽ lấy ý kiến từ các Bộ, ngành hữu quan để cùng tìm giải pháp cho từng kiến nghị cụ thể./.