Như tin đã đưa, sáng 18-6, lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội Ru-ma-ni. Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hạ viện Boóc-đan Ôn-tê-a-nu đã tiến hành Hội đàm và chứng kiến Lễ ký thoả thuận hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội hai nước.

Chủ tịch Hạ viện Ru-ma-ni đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam và tin tưởng, những thoả thuận hợp tác giữa lãnh đạo hai nước sẽ được cụ thể hoá bằng những kết quả đạt được sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Việc tăng cường quan hệ giữa hai Quốc hội Việt Nam - Ru-ma-ni sẽ góp phần vào thành công chung, nâng tầm quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Chủ tịch Hạ viện Boóc-đan Ôn-tê-a-nu cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay đối với cả hai bên là thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế và phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cảm ơn sự tiếp đón trọng thị và chân tình mà Hạ viện Ru-ma-ni đã dành cho Đoàn, đồng thời khẳng định, với Việt Nam, Ru-ma-ni luôn là người bạn truyền thống và là một trong những đối tác quan trọng trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chúc mừng nhân dân Ru-ma-ni về những thành tựu trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, hội nhập khu vực và quốc tế, trở thành thành viên của Liên minh châu Âu từ ngày 1-1-2007. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hai nước phát triển quan hệ không chỉ trên bình diện song phương mà cả trên bình diện đa phương. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chính sách nhất quán phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Ru-ma-ni. Trên tinh thần ấy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Hai Chủ tịch nhất trí cho rằng, doanh nghiệp hai nước sẽ được tạo điều kiện tiếp xúc trực tiếp, tham gia các hội chợ, hội thảo, triển lãm giới thiệu chính sách, cơ hội đầu tư, thương mại, du lịch ở mỗi nước nhằm tìm hiểu thị trường, mở rộng hợp tác, nâng kim ngạch thương mại và đầu tư. Vế phía Việt Nam, ngoài các sản phẩm truyền thống đang xuất khẩu sang Ru-ma-ni, Việt Nam sẵn sàng cung cấp các sản phẩm nhiệt đới mà phía Ru-ma-ni có nhu cầu. Hai bên sẽ tăng cường và mở rộng hoạt động hợp tác trên cơ sở Kế hoạch hợp tác được ký kết, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề trình độ cao; khuyến khích các trường đại học, các cơ sở đào tạo của hai nước có hình thức quan hệ hợp tác trực tiếp với nhau.

Hai bên nhận thấy, quan hệ giữa hai Quốc hội thời gian qua có những bước phát triển tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ chung giữa hai nước. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hơn nữa các chuyến thăm và làm việc của các cơ quan Quốc hội. Quốc hội hai nước cần đẩy mạnh vai trò giám sát việc thực hiện những hiệp định giữa Chính phủ hai nước để những hiệp định hợp tác mang lại kết quả thiết thực cho cả hai bên.

Việt Nam và Ru-ma-ni có nhiều điểm tương đồng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tham gia vào quá trình liên kết khu vực. Hai Quốc hội sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề này.

Ngay sau hội đàm, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hạ viện Boóc-đan Ôn-tê-a-nu đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai Văn phòng Quốc hội hai nước nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác giữa hai Nghị viện.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Phó Chủ tịchThượng viện Ru-ma-ni I-van Xít-ma-ru (Ivan Cismaru). Phó Chủ tịch Thượng viện Ru-ma-ni chào mừng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, chúc mừng những thành công của Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phó Chủ tịch Thượng viện cho rằng, cần thúc đẩy hơn nữa tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Với vai trò của mình, Thượng viện Ru-ma-ni sẽ tạo điện kiện tăng cường hợp tác, vì sự phát triển của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Trong sổ vàng tại Hạ viện và Thượng viện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi rõ: Tôi ấn tượng về Ru-ma-ni, về tình hữu nghị giữa hai nước. Chúng ta sẽ tiếp tục là những người bạn tốt của nhau.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ru-ma-ni do Phòng Công nghiệp và Thương mại hai nước tổ chức, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn khiêm tốn so với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng hợp tác của cả hai bên. Chủ tịch mong các doanh nghiệp Ru-ma-ni quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Với môi trường chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế mở đang phát triển năng động, nguồn lao động dồi dào, Việt Nam đã và đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ru-ma-ni. Theo đó, hai bên thỏa thuận tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước giao lưu, tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có cuộc hội kiến với Tổng thống Ru-ma-ni Tơ-rai-an Ba-xét-xcu (Traian Basescu). Tổng thống Bơ-xét-xcu nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và khẳng định “Ru-ma-ni sẽ ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu. Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng Ru-ma-ni là một người bạn, ủng hộ Việt Nam chân thành trong quan hệ song phương và đa phương”. Tổng thống Ru-ma-ni đánh giá cao và coi trọng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cảm ơn tình cảm tốt đẹp mà Chính phủ và nhân dân Ru-ma-ni dành cho Việt Nam, ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực và hiệu quả trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như là trong công cuộc phát triển đất nước Việt Nam hiện nay. Chủ tịch khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ quốc tế vì hoà bình, ổn định và phát triển. Với chủ trương đó, Việt Nam đã xác định Liên minh châu Âu, trong đó có Ru-ma-ni, là đối tác quan trọng. Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chuyển lời thăm hỏi và chuyển lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mời Tổng thống Ru-ma-ni Tơ-rai-an Ba-xét-xcu sớm sang thăm Việt Nam. Tổng thống Ru-ma-ni vui vẻ nhận lời và khẳng định sẽ cố gắng thu xếp để sang thăm Việt Nam trong năm 2009.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội hội kiến với Thủ tướng Ru-ma-ni Cơ-lin Pô-pét-xcu Tơ-ri-chê-a-nu (Popescu Taricenanu). Thủ tướng Ru-ma-ni đánh giá cao chuyến thăm, coi đây là bằng chứng của sự củng cố và tăng cường hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng chuyển lời chia buồn tới các vị lãnh đạo và nhân dân Việt Nam về việc nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có nhiều đóng góp trong công cuộc đổi mới, vừa từ trần. Thủ tướng Ru-ma-ni đề nghị hai bên cần đẩy mạnh xúc tiến kinh tế thương mại, tìm phương thức tăng cường quan hệ kinh tế song phương. Ru-ma-ni mong muốn tham gia nhiều dự án quan trọng ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, xi măng; tiếp tục trao đổi với Việt Nam về những kinh nghiệm chuyển đổi nền kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền. Chủ tịch chuyển lời mời thăm Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Thủ tướng Ru-ma-ni Cơ-lin Pô-pét-xcu Tơ-ri-chê-a-nu.

Cuối giờ chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt đang sinh sống làm việc tại Ru-ma-ni. Chủ tịch biểu dương bà con tuy xa xôi nhưng luôn hướng về Tổ quốc, là cầu nối quan trọng để tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, giúp bạn hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cho biết, các nhà lãnh đạo Ru-ma-ni đánh giá cao cộng đồng người Việt ở Ru-ma-ni, tuy số lượng không nhiều (khoảng 500 người) nhưng đã đóng góp tích cực, củng cố tình hợp tác, hữu nghị giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội mong rằng, trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Ru-ma-ni sẽ có nhiều hoạt động sáng tạo, nhằm tăng cường hợp tác hữu nghị, hiểu biết hơn về kinh tế, xã hội, văn hoá của mỗi nước./.