Đây là một trong những mục tiêu lớn và quan trọng nhất của công tác thông tin đối ngoại trong 6 tháng cuối năm 2008. Nếu được hoàn thành, dự kiến đầu năm 2009 sẽ triển khai thực hiện Chiến lược này.

Sáng 18-6, Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp triển khai Công tác thông tin đối ngoại 6 tháng cuối năm 2008. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và điều khiển cuộc họp.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó Trưởng Ban Thường trực đã có báo cáo về những kết quả đạt được của công tác thông tin đối ngoại trong 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2008. Một trong những kết quả nổi bật là tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 11 của Ban Bí thư Trung ương khoá VII về “Đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại”.

Hoạt động thông tin đối ngoại trong 15 năm qua góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, làm cho thế giới hiểu rõ hơn về đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước Việt Nam trên các lĩnh vực, về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam, những chủ trương, chính sách kinh tế cởi mở, đa dạng, thu hút quan tâm, đồng tình của bạn bè quốc tế; Phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, giúp Việt Nam không chỉ phá được sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, mà còn trở thành một địa chỉ hấp dẫn, tin cậy về đầu tư du lịch, hợp tác làm ăn.

Hội nghị cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, thiếu sót trong công tác thông tin đối ngoại như: Thông tin đối ngoại chưa kịp thời, nhạy bén, sắc sảo so với yêu cầu của tình hình mới, nhất là trong điều kiện các phương tiện thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay; Chưa có sự phối hợp tốt giữa thông tin đối nội và đối ngoại; Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa Ban Chỉ đạo, các đơn vị làm công tác thông tin đối ngoại, các địa phương còn nhiều bất cập, đặc biệt trong việc xử lý những vấn đề nhạy cảm; Thiếu chiến lược, định hướng và kế hoạch dài hạn cho thông tin đối ngoại...

Một kết quả quan trọng nữa trong công tác thông tin đối ngoại 6 tháng đầu năm là việc xây dựng Dự thảo Đề án Chiến lược Công tác Thông tin Đối ngoại đến năm 2020 với 8 đề án chuyên sâu tập trung vào các nội dung: Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình tuyên truyền đối ngoại trên kênh VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam; Cải tiến, nâng cấp Tạp chí Thông tin đối ngoại và xuất bản một số ấn phẩm song ngữ; Tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá đối ngoại; Sắp xếp lại hệ thống các cơ quan đại diện báo chí ở nước ngoài; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại; Nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống những luận điệu thù dịch liên quan đến các vấn đề nhạy cảm: Dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền...

Về phương hướng hoạt động thông tin đối ngoại 6 tháng cuối năm 2008, Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện Đề án Chiến lược Phát triển Công tác Thông tin Đối ngoại trong thời kỳ mới; Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trên tinh thần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò của công tác thông tin đối ngoại đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về sự cần thiết phải đối mới công tác này trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Tiếp tục đổi mới nội dung thông tin đối ngoại cho phù hợp với tình hình mới; Không ngừng đổi mới phương thức thông tin đối ngoại cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin...

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã nghe và thảo luận về một số đề án nằm trong Chiến lược phát triển công tác thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới. Thảo luận của đại diện Uỷ ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin - Truyền thông... đều nhấn mạnh phải có định hướng với từng đối tượng và khu vực cụ thể. Đó là con số hơn 3 triệu người Việt Nam đang sống và học tập ở nước ngoài cùng với người nước ngoài trên toàn thế giới. Việc xác định cụ thể này sẽ chỉ ra phương hướng và nội dung tuyên truyền đối với cộng đồng người Việt và người nước ngoài như thế nào, để đảm bảo công tác thông tin đối ngoại đạt hiệu quả.

Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng cần nhìn nhận rõ mối quan hệ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại. Với sự phát triển mạnh của CNTT hiện nay, không chỉ có thông tin đối ngoại mà cả thông tin đối nội cũng đến với thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng. Vì vậy cần xác định thông tin đối ngoại với những nội dung gì, cách thức truyển tải ra sao. Các ý kiến thống nhất rằng thông tin đối ngoại là góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, đưa các thông tin đối nội ra nước ngoài. Tuy nhiên để làm được điều đó cần có sự trao đổi, nhận thức để có phương hướng tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, bởi nếu không dù có rất nhiều thông tin nhưng những thông tin đó vẫn không tới được với khán, thính giả ngoài nước.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm: cải thiện chất lượng thông tin, đổi mới hoạt động, củng cố Ban Chỉ đạo kể cả việc phối hợp giữa các bên liên quan. Phó Thủ tướng nhấn mạnh công việc đặt ra trong 6 tháng cuối năm và cũng rất khó khăn đó là sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới để có thể đưa vào triển khai từ quý I-2009./.