Đã hơn 60 năm trôi qua (09-05-1945- 09-05-2008) kể từ ngày nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên thế giới, đứng đầu là Liên Xô, giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, đập tan chủ nghĩa phát-xít, xoá bỏ họa diệt chủng đối với nhân loại, nhưng nhiều cứ liệu lịch sử về cuộc chiến tranh này tiếp tục được công bố, được nghiên cứu và làm sáng tỏ thêm vai trò của Hồng quân Liên Xô và ý nghĩa lớn lao của chiến thắng này đối với hoà bình trên toàn thế giới. Những cứ liệu do ông Va-len-tin Pha-lin (Valentin Phalin), tiến sĩ khoa học lịch sử, và ông Vích-to Li-tốp-kin (Victor Litovkin), bình luận viên quân sự của Hãng thông tấn "Novosti" của Nga, công bố gần đây nhất chứng tỏ rằng, Chiến dịch Béc-linh trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh do Phương diện quân số 1 Bê-la-ru-xi-a của Hồng quân Liên Xô tiến hành dưới sự chỉ huy của Tướng Giu-cốp, không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự là đập tan sào huyệt cuối cùng của phát-xít Đức mà còn ý nghĩa chiến lược chính trị vô cùng quan trọng là ngăn chặn và phá tan âm mưu bí mật và đầy phiêu lưu của một số thế lực ở Phương Tây điên cuồng chống Liên Xô. Nếu âm mưu này không được ngăn chặn, có thể đã dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ III giữa một bên là Liên Xô và bên kia là một số thế lực trong hàng ngũ đồng minh của họ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít cùng với đám tàn quân của Hit-le.

Vào thời điểm đó, các cơ quan tình báo của Liên Xô và Mỹ đã khám phá âm mưu của một số thế lực ở Anh nhận mật lệnh của chính Thủ tướng Sớc-sin thu hồi vũ khí chiến lợi phẩm của Đức, tập trung lại và chuẩn bị một cuộc chiến khác chống lại Liên Xô vào những ngày cuối cùng của chiến tranh. Để thực hiện âm mưu đó, họ còn định thu thập đám tàn quân của phát-xít Đức để thành lập các sư đoàn ở phía Nam Đan Mạch nhằm sử dụng về sau này.

Rất nhiều văn kiện chính thức ở cấp độ quốc gia chứng tỏ, quyết định của Bộ chỉ huy quân sự Xô-viết mở Chiến dịch Béc-linh đã được xác định trong cuộc gặp cấp cao giữa nguyên thủ ba nước là Liên Xô (do Sta-lin đại diện), Mỹ (Tổng thống Ru-zơ-ven đại diện) và Anh (Thủ tướng Sớc-sin đại diện) là "một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng". Thế nhưng, mãi tới tháng 03-1945, Mặt trận thứ hai ở phía Tây vẫn chưa hình thành. Các đơn vị quân Đức hoặc đầu hàng Hồng quân Liên Xô, hoặc đang tiến về phía Đông mà không vấp phải sự kháng cự nào đáng kể từ phía các đồng minh Mỹ và Anh. Chiến thuật của tàn quân Đức lúc đó là cố bám giữ các vị trí có thể được trên toàn tuyến mặt trận Xô - Đức, chờ thời cơ để cùng với các đơn vị của Mỹ và Anh đánh trả "mối đe doạ từ phía Liên Xô" trên toàn bộ châu Âu. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Anh Sơc-sin cho rằng Liên Xô đã làm xong vai trò của họ và giờ đây Phương Tây cần lo liệu trước để trừ "hậu họa cộng sản" trong thời kỳ hậu chiến.

Tuy thống nhất để Liên Xô mở Chiến dịch Béc-linh, nhưng sau khi Hội nghị Y-an-ta kết thúc vào ngày 11-02-1945, thì đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13-02-1945, máy bay chiến đấu của Mỹ và Anh ném bom ồ ạt vào các khu vực mà Hồng quân Liên Xô sẽ chiếm đóng theo thoả thuận ở Hội nghị Y-an-ta như Đờ-ret-đen (Drezden, Đức), các xí nghiệp chủ yếu ở Slô-va-ki-a và biến những khu vực đó thành tro bụi. Năm 1944, máy bay ném bom của Anh và Mỹ tiến công các mỏ dầu ở Pơ-lô-et-ti (Ploetti) khi Hồng quân Liên Xô tiến gần đến trung tâm khai thác dầu chủ yếu của châu Âu - nơi đã từng cung cấp nhiên liệu cho nước Đức trong suốt cuộc chiến tranh. Một trong những mục đích chủ yếu của các cuộc ném bom ở Đờ-ret-đen là phá trụi hoàn toàn các cầu đi qua sông En-bơ nhằm cản bước rút lui của Hồng quân về phía Đông. Tháng 04-1945, không quân Mỹ và Anh ném bom vào các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Hồng quân Liên Xô là Pôt-sđam (Potsdam), tàn phá thành phố Ô-ra-nen-buốc (Oranien-Burg) vì ở đó có Phòng thí nghiệm làm giàu urani, để không một trang thiết bị thí nghiệm hoặc nhân viên kỹ thuật rơi vào tay Liên Xô. Như vậy, chính trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, Liên Xô đã phải đương đầu với âm mưu "bài Xô" trong chính hàng ngũ đồng minh của mình.

Đứng trước hành động lạ lùng đó của quân Mỹ và Anh, sau khi tiến đến ranh giới các khu vực được quyền kiểm soát theo quy định trong Hội nghị Y-an-ta, Sta-lin không mong đợi hành động phối hợp của đồng minh mà ra lệnh cho Hồng quân trong khi truy kích các đơn vị của Đức buộc phải vượt qua chiến tuyến đã từng được thỏa thuận trước đây với các đồng minh Mỹ và Anh. Sta-lin cam kết, sau khi kết thúc chiến sự, quân đội Liên Xô sẽ rút về phạm vi các khu vực phân công cho họ chiếm đóng như đã được Hội nghị Y-an-ta quy định.

Sau khi Tổng thống Ru-zơ-ven qua đời vào ngày 12-04-1945, Thủ tướng Anh Sớc-sin ra sức thuyết phục và gây áp lực đối với Tổng thống Mỹ Tờ-ru-man rằng không cần phải thực hiện các cam kết ở Tê-hê-ran và Y-an-ta bởi "thời cuộc lúc này đang chờ đợi những tình huống mới cần có những giải pháp khác". Đó là những giải pháp gì? Thủ tướng Anh Sớc-sin kiên quyết phản đối cuộc gặp thượng đỉnh ở Pốt-sđam như dự kiến hoặc tổ chức một cuộc hội nghị khác để thảo luận về chiến thắng và đánh giá tầm quan trọng của nhân dân Liên Xô trong chiến thắng này. Theo tính toán của Thủ tướng Anh Sớc-sin, phương Tây cần phải tận dụng cơ hội khi Liên Xô đã bị cạn kiệt sức lực, hậu phương bị phân tán, quân đội bị mệt mỏi, vũ khí trang bị bị hỏng hóc nhiều để đưa ra yêu sách đối với Mat-xcơ-va, buộc họ phải nghe theo sự chỉ huy của người Anh, nếu không thì Liên Xô sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nữa.

Vào đầu tháng 04-1945, Thủ tướng Sớc-sin ra lệnh khẩn cấp cho quân đội Anh và Mỹ chuẩn bị chiến dịch mang tên "Nhesmyslomoye" ("Vô hiệu hoá"). Thời điểm bắt đầu chiến dịch này dự kiến vào ngày 01-06-1945, trong đó có sự tham gia của quân Mỹ, Anh, Ca-na-đa, quân đoàn viễn chinh Ba Lan và khoảng 10-12 sư đoàn tàn quân phát-xít Đức. Đó chính là những sư đoàn không bị quân đồng minh Mỹ và Anh giải giáp ở phía nam Đan Mạch. Nhưng Tổng thống Mỹ Tờ-ru-man không ủng hộ tư tưởng đó của Thủ tướng Anh Sớc-sin, chí ít là do nguyên nhân: dư luận xã hội Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận sự phản bội đồng minh và bạn bè đến mức như vậy.

Trong khi đó, các tướng Mỹ kiên quyết đi theo quan điểm tiếp tục liên minh với Liên Xô cho tới khi Nhật Bản đầu hàng. Theo các tướng Mỹ, trong trường hợp cắt đứt quan hệ với Liên Xô thì người Mỹ buộc phải đơn phương chiến đấu với Nhật Bản. Theo đánh giá của các tướng lĩnh ở Lầu Năm góc, nước Mỹ phải trả giá 1-2 triệu sinh mạng quân nhân Mỹ trong cuộc chiến với Nhật Bản. Như vậy, các nhà quân sự Mỹ đã ngăn chặn được một thảm hoạ chính trị vào tháng 04-1945. Ngoài ra, các nhà quân sự của Mỹ và Anh cho rằng, gây chiến với Liên Xô thì dễ nhưng kết thúc chiến tranh với họ thì khó khăn hơn nhiều. Đối với các tướng Mỹ và Anh, đây là hành động vô cùng mạo hiểm.

Thông qua mạng lưới tình báo chiến lược, nắm rõ ý đồ của Mỹ và Anh, Bộ Chỉ huy tối cao của Liên Xô quyết định khẩn trương mở Chiến dịch Béc-linh như là sự đáp trả với kế hoạch mở chiến dịch "Vô hiệu hoá". Có thể nói, Xta-lin là tác giả kịch bản chính trị của chiến dịch Béc-linh, còn người thực hiện và là Tổng chỉ huy Chiến dịch là tướng Giu-cốp.

Tiến công nhanh chóng và công phá Béc-linh, giương cao ngọn cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội Đức không chỉ là biểu tượng chính trị mà còn là chiến dịch quân sự có ý nghĩa quyết định kết thúc chiến tranh trên mặt trận Xô - Đức. Đối với Hồng quân Liên Xô, nhiệm vụ có tính nguyên tắc là phải tiến vào sào huyện cuối cùng của địch và kết thúc cuộc chiến tranh khó khăn nhất trong lịch sử nước Nga. Chính từ Béc-linh đã phát sinh và phát triển chủ nghĩa phát xít tàn bạo, gieo rắc sự đau khổ vô tận đối với nhân dân Liên Xô, nhân dân châu Âu và toàn nhân loại. Chính phủ Liên Xô muốn ứng xử với nước Đức như là một quốc gia gây chiến tranh và phải gánh chịu thất bại. Nhưng không một ai muốn biến sự thất bại của họ thành sự trừng phạt. Xta-lin thực hiện khẩu hiệu ông đề ra từ năm 1941 là: Hitle lên nắm chính quyền và sẽ phải ra đi, còn nước Đức và nhân dân Đức thì vẫn còn lại mãi mãi.

Tuy nhiên, ngay sau khi Béc-linh thất thủ, quan hệ liên minh Xô-Mỹ đã tan thành mây khói. Tướng Mỹ Mác-san (Marshall) đã từ chối tham gia cuộc duyệt binh chiến thắng của đồng minh ở Béc-linh, mà lẽ ra tướng Mác-san cùng với tướng Giu-cốp sẽ chỉ huy cuộc duyệt binh chiến thắng này. Mặc dù vậy, cuộc duyệt binh Chiến thắng ở Béc-linh vẫn được tiến hành vào ngày 07-05-1945 do Nguyên soái Giu-cốp chỉ huy. Còn ở Mat-xcơ-va, cuộc duyệt binh Chiến thắng được tổ chức vào ngày 24-06-1945./.