Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2008 được dự báo rất khả quan trong bối cảnh các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao triển vọng và muốn đón đầu đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Việt Nam sau giai đoạn khó khăn hiện tại.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút vốn FDI cả năm nay có thể đạt trên 50 tỉ USD, vốn thực hiện đạt hơn 10 tỉ USD, vượt xa so với con số của năm ngoái là 20,3 tỉ USD và 4,6 tỉ USD.

Cùng với đó, vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) được ký kết cũng ở mức trên 3,1 tỉ USD, lượng vốn giải ngân đạt 2,5 tỉ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với năm ngoái.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng qua, tổng vốn FDI trong các dự ánmới và tăng thêm tại các dự án cũ đạt trên 47 tỉ USD, trong đó vốn tại các dự án mới là trên 46,3 tỉ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.Lượng vốn được đưa vào thực hiện cũng đạt mức kỷ lục 7 tỉ USD.

Điểm đáng chú ý là vốn FDI có xu hướng chuyển dịch từ lĩnh vực dịch vụ sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp với hai “siêu dự án” là nhà máy luyện kim tại Bà Rịa - Vũng Tàu của tập đoàn Formosa (Đài Loan) và nhà máy lọc dầu ở Thanh Hóa liên doanh với các tập đoàn của Nhật Bản vàKuwaitcó tổng vốn đăng ký trên 14 tỉ USD. Xu hướng này phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Cùng thời gian này, vốn ODA cũng tiếp tục được ghi nhận là nguồn vốn quan trọng hỗ trợ tích cực cho phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường với gần 1,7 tỉ USD được ký kết và trên 1,3 tỉ USD được giải ngân.

Những đánh giá tích cực của các nhà tài trợ về hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam thời gian qua cũng đã tạo nhiều thuận lợi cho việc vận động và thu hút nguồn vốn này trong những năm tiếp theo. Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã ký thỏa thuận cho Việt Nam vay ưu đãi 1 tỉ USD trong giai đoạn 2008 - 2011. Thụy Sỹ cũng tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách các nước được nhận viện trợ phát triển trong giai đoạn 2009 - 2012, trong khi đang tiến hành cắt giảm số nước được hưởng ưu đãi này.

Không chỉ trông chờ vào nguồn vốn nước ngoài, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong nước như hoãn triển khai các dự án chưa cấp bách, rút giấy phép các dự án chậm triển khai, để tập trung vốn cho các dự án cấp thiết, có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay trong năm.

Về phía ngành chức năng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục các giải pháp ổn định chính sách vĩ mô, nỗ lực khắc phục những yếu kém về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tay nghề cao, rút ngắn thời gian và quy trình thẩm định đầu tư nhằm tiếp tục thu hút vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án./.