Phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu đưa nền báo chí nước nhà phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa
Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2008), sáng 16-6, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến thăm và chúc mừng cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Tại buổi làm việc, đồng chí đã có bài phát biểu. Tạp chí Cộng sản xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu trên.
Thưa các đồng chí !
Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến thăm cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp các đồng chí đang tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi thân ái gửi tới cán bộ lãnh đạo, hội viên, những người làm báo và công chúng báo chí trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất ! Chúc báo chí nước ta tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Báo Thanh Niên, của nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, rèn luyện; trưởng thành, trong muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng mọi mặt; xứng đáng là vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói tin yêu của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Thưa các đồng chí !
Sự ra đời của Báo Thanh Niên tròn 83 năm trước phản ánh tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ lúc đó, trở thành công cụ quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng cho lớp cán bộ đầu tiên theo tư tưởng mác-xít, chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm 1930. Trong một " án nghị quyết" quan trọng đầu tiên sau ngày thành lập, Đảng ta nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, ra sách báo, truyền đơn để "quần chúng biết mục đích của Đảng và ý kiến của Đảng đối với các việc quan trọng xảy ra". Các tờ báo của Đảng trở thành hồi kèn lệnh tập hợp, cổ vũ nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào vận động dân chủ 1936 -1939, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Tiếp đó, với tư cách là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị, tư tưởng, báo chí cách mạng nước ta cùng toàn Đảng, toàn dân đi vào các cuộc kháng chiến của dân tộc, đánh thắng kẻ thù xâm lược, thu giang sơn về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội,đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong suốt 83 năm qua, Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng... đều đề cao vai trò của báo chí, tích cực viết báo, đồng thời là những nhà báo xuất sắc. Báo chí cách mạng của chúng ta thực sự là "người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể". Nhiều nhà báo xứng đáng với danh hiệu cao quý "Nhà báo - chiến sỹ". Báo chí cách mạng Việt Nam đã cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thưa các đồng chí !
Chúng ta kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay gắn liền với một sự kiện quan trọng liên quan đến hoạt động báo chí và công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Tháng 7 năm 2007, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ra Nghị quyết “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Tiếp theo Chỉ thị 22- CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII), Thông báo kết luận số 162-TB/TW của Bộ Chính trị (khoá IX), Thông báo kết luận số 41-TB/TW và Thông báo kết luận số 68-TB/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch 03 - KH/TW của Ban Bí thư (khoá X) về " Tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí"; Chỉ thị 37- CT/TW của Ban Bí thư (khoá IX) về "Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới"... Việc Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết, trong đó dành cho hoạt động báo chí và công tác báo chí một vị trí xứng đáng thể hiện sự quan tâm sâu sắc, khẳng định sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Đảng đối với báo chí.
Chúng ta rất vui mừng vì trong sự nghiệp đổi mới đất nước, báo chí nước ta cũng có nhiều đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; thông tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống thông tin, quan điểm sai trái, chống âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hợp tác nhiều mặt của đất nước ta với bạn bè quốc tế. Trong những ưu điểm, thành tích đã nêu, Hội Nhà báo Việt Nam, đông đảo cán bộ, hội viên của Hội có đóng góp xứng đáng. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, biểu dương thành tích to lớn đó của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh ưu điểm nổi bật và thành tích to lớn vừa nêu, hoạt động báo chí và công tác lãnh đạo, quản lý báo chí những năm qua cũng bộc lộ một số yếu kém cần nhìn nhận đúng, rõ và tập trung khắc phục. Một số cơ quan báo chí chưa chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; có biểu hiện coi nhẹ, hạ thấp chức năng chính trị, tư tưởng, giáo dục của báo chí cách mạng; chưa coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, sa đà khi phản ánh các vụ án, mặt tiêu cực, mặt trái và những yếu kém của xã hội. Một số đơn vị trong Hội Nhà báo của chúng ta hoạt động còn nặng về hình thức, chưa chủ động tham gia xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về báo chí; tham gia quản lý công tác báo chí; giáo dục chính trị, tư tưởng, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, xử lý hội viên vi phạm.
Để phục vụ đắc lực hơn nữa sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí trong thời kỳ mới, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng; tích cực tuyên truyền, cổ vũ những thành tựu của công cuộc đổi mới; phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch. Coi trọng định hướng phát triển, định hướng thông tin, công tác cán bộ, chính sách tài chính cho hoạt động báo chí. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan báo chí và người làm báo; xây dựng cơ chế hợp lý để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển vừa khắc phục kịp thời, dứt điểm các sai phạm. Rà soát, bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí của cả nước trong điều kiện các loại hình truyền thông đa phương tiện đang phát triển mạnh mẽ. Khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò, vị trí, tác dụng của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo các cơ quan báo chí. Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thực hành của các trường, các cơ sở đào tạo báo chí. Đầu tư thoả đáng cho hoạt động thông tin đối ngoại. Tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, các khu vực; đưa được sách, báo có nội dung tốt trong nước phục vụ công chúng, nhất là đồng bào ta ở nước ngoài. Tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức báo chí trong khu vực và trên thế giới; coi trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới.
Nhiệm vụ quan trọng trước mắt của các cơ quan báo chí, tổ chức Hội Nhà báo và mỗi một cán bộ, phóng viên, hội viên là thực hiện thật tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", gắn với việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam; triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, các quyết định của Ban Bí thư: Quyết định 75 - QĐ/TW về thực hiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; Quyết định 155 - QĐ/TW về sự phối hợp giữa các cơ quan làm công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan; Quyết định 157 - QĐ/TW về việc định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin trên báo chí, nhất là các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí. Tổ chức tốt Giải báo chí quốc gia lần thứ 2 (năm 2007) và chuẩn bị cho các năm tiếp theo ngang tầm với vai trò, vị trí và sự đóng góp quan trọng của báo chí nước nhà, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới đầy sôi động.
Trên tinh thần đó, nhân ngày truyền thống vẻ vang của báo giới nước nhà, một lần nữa, chúc các đồng chí dồi dào sức khoẻ, sức sáng tạo; đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng nền báo chí nước ta ngày càng phát triển theo hướng cách mạng, khoa học, hiện đại, đậm đà bản sắc Việt Nam phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Xin cảm ơn các đồng chí./.
Đoàn Tòa thánh Va-ti-can kết thúc chuyến thăm Việt Nam  (16/06/2008)
Toàn văn Lời điếu đồng chí Võ Văn Kiệt do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng ban lễ tang đọc tại Lễ truy điệu  (15/06/2008)
Lễ truy điệu và an táng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt  (15/06/2008)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bắt đầu thăm 4 nước châu Âu  (15/06/2008)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên