Ngày 11-1, Việt Nam và Thụy Ðiển kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (11-1-1969 - 11-1-2009). Thụy Ðiển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và viện trợ tái thiết cho ta trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 
Những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, hòa chung phong trào nhân dân thế giới chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên và các tầng lớp lao động Thụy Ðiển, rầm rộ xuống đường, lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ rút quân, chấm dứt chiến tranh.

Nhiều người Thụy Ðiển đã gác sự nghiệp để toàn tâm toàn ý ủng hộ Việt Nam. Nổi bật là nữ nhà văn nổi tiếng Thụy Ðiển Sa-ra Lit-man. Từ năm 1965 đến 1975, bà chuyển sang viết báo, diễn thuyết ủng hộ Việt Nam dưới nhiều hình thức, trở thành một trong những người ủng hộ Việt Nam tiêu biểu nhất ở Thụy Ðiển và các nước Bắc Âu.

Bác sĩ Giôn Tec-man, người sinh viên Thụy Ðiển du học ở Pháp những năm 40 thế kỷ trước, gặp Bác Hồ năm 1946 ở Pa-ri và sau này nhiều lần gặp Bác Hồ. Là một bác sĩ tài ba, ông đã làm việc hết mình và toàn tâm ủng hộ Việt Nam.

Làn sóng ủng hộ Việt Nam và chống chiến tranh của Mỹ là phong trào quần chúng chưa từng có trong lịch sử của Thụy Ðiển, lôi cuốn không những hàng triệu người "cánh tả" ủng hộ Việt Nam, mà cả những người trung dung và "cánh hữu". Tiêu biểu là tuyên bố chung lên án chiến tranh, đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam của năm đảng ở Quốc hội Thụy Ðiển năm 1972, sau khi Mỹ sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội và Hải Phòng.

Lúc bấy giờ, rất nhiều tổ chức ủng hộ Việt Nam ra đời ở Thụy Ðiển. Hoạt động chống chiến tranh của Mỹ và đoàn kết, ủng hộ Việt Nam phát triển đa dạng và phong phú, nhiều tầng, nhiều cấp, cả về tinh thần và vật chất. Hai tổ chức nổi bật là Ủy ban Thụy Ðiển đoàn kết với Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia và phong trào Mặt trân dân tộc giải phóng FNL.

Ủy ban này tập hợp đại diện phần lớn các đảng chính trị và các nhân vật có uy tín, như nhà kinh tế được trao giải Nobel Mi-đan, bà Bơ-gi-ta Ðan (sau này từng là Chủ tịch Quốc hội Thụy Ðiển), bà An-ni-ta Gra-đin (Bộ trưởng Giáo dục)... Ủy ban này có tiếng nói quan trọng trong Quốc hội và ảnh hưởng chính sách của Chính phủ Thụy Ðiển đối với Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, nhất là trong vấn đề viện trợ vào những thời điểm khó khăn nhất của những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Phong trào FNL có huy hiệu FNL được giới trẻ ưa thích với nền cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ðông đảo thanh niên, sinh viên đeo huy hiệu FNL ra đường. Các góc nhà, ngõ phố, trường học... treo đầy áp phích FNL ủng hộ Việt Nam, chống Mỹ xâm lược. Nhiều bài hát đã được sáng tác để phục vụ phong trào quần chúng đoàn kết với Việt Nam; các bài hát Tiến quân ca, Giải phóng miền nam và nhiều bài khác được dịch sang tiếng Thụy Ðiển...

Những cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng ủng hộ Việt Nam luôn có sự tham gia của hàng chục vạn người, tiêu biểu là cuộc biểu tình ở Thủ đô Xtốc-khôm tháng 2-1968, với sự tham gia của ông Ô-lốp Pan-mơ (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Giáo dục và từ tháng 10-1969 là Thủ tướng Thụy Ðiển). Vào Ngày Quốc tế Lao động 1-5 hằng năm, hàng chục vạn người lao động xuống đường biểu dương lực lượng, trở thành ngày hội với cờ hoa tưng bừng, những dàn nhạc với những bài ca quân hành hùng tráng, rầm rộ.

Trong không khí tưng bừng đó, khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam, chống xâm lược, như "Chấm dứt ném bom", "Ðoàn kết với Việt Nam", "ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, "ủng hộ mặt trận Giải phóng miền nam Việt Nam"..., vang lên cùng với rừng cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận giải phóng và những băng-rôn, áp-phích cỡ lớn. Chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975 của quân dân Việt Nam đã biến ngày 1-5 trở thành ngày ăn mừng thắng lợi của quần chúng Thụy Ðiển với niềm vui, hân hoan chia sẻ chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta giành lại độc lập và thống nhất đất nước.

Ðất nước hòa bình Thụy Ðiển cũng đón chào những người bạn quốc tế đến dự Hội nghị quốc tế Xtốc-khôm hằng năm, tố cáo tội ác của Mỹ ở Việt Nam và ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Hội nghị là diễn đàn quốc tế lớn, hội tụ các nhà chính trị, học giả nổi tiếng chống chiến tranh và những nhân chứng về tội ác của Mỹ tại Việt Nam, đã được Chính phủ và nhân dân Thụy Ðiển tích cực hỗ trợ.

Sau khi Việt Nam thống nhất và xây dựng lại đất nước, Thụy Ðiển tích cực ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam, với khoản viện trợ phát triển không hoàn lại từ năm 1969 đến nay, đã góp phần tích cực giúp Việt Nam giải quyết nhiều khó khăn. Các bạn Thụy Ðiển cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam về kinh nghiệm và tài chính trên các diễn đàn quốc tế và khu vực trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Trải qua 40 năm kể từ khi Việt Nam và Thụy Ðiển chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tình hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân hai nước không ngừng được vun đắp. Quan hệ hợp tác bình đẳng và có hiệu quả giữa hai nước được các nhà lãnh đạo Việt Nam và Thụy Ðiển luôn coi trọng và phát triển./.